Ngày 30 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Chùa Thanh Lâu, Thành phố Hà Nội

Chùa Thanh Lâu (được gọi là Thanh Lâu tự, Tĩnh Lâu tự, tên gọi Nôm là chùa Sải), thuộc làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Chùa Thanh Lâu đã trải qua nhiều lần trùng tu, Tam quan chính được xây dựng trên vị trí gần sát mép nước Hồ Tây, hiện nay không được sử dụng, gần như bị tách biệt ra khỏi quần thể di tích, còn lưu giữ được một cổng chính và một cổng phụ. Qua nghiên cứu, Tam quan có ba cổng được làm theo kiểu vòm cuốn, riêng cổng chính có kiến trúc rộng hơn, gồm hai tầng. Tầng trên là một lầu nhỏ, xung quanh tạo cửa hình tròn, hình chữ nhật, tầng dưới cửa vòm cuốn. Phần mái kiến trúc theo kiểu hai tầng mái, với tám lá mái, lợp ngói ống giả vôi vữa. Các góc mái uốn cong, tạo cho tam quan thanh thoát, nhẹ nhàng. Thông qua các đặc trưng về kiến trúc, hình dáng, Tam quan được xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn, nhưng chất liệu gạch lại chủ yếu là gạch vồ thời Lê. Do tam quan không sử dụng được, năm 1954, nhà chùa có xây dựng thêm hai cổng nhỏ phía trước và bên trái chùa để ra vào di tích.

1. Khu chùa chính: Được xây dựng trên nền cao 80m, ở vị trí cao nhất của chùa, quay theo hướng Bắc nhìn ra hồ Tây, tạo sự hài hòa cho chùa Thanh Lâu và non nước hồ Tây. Chùa được kết cấu theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền đường và 4 gian Hậu cung, với bậc đá tam cấp xây chạy xuyên suốt. Mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc ở hai đầu kìm đắp hai đấu vuông. Bờ dải phía dưới xây tường cao theo kiểu tam cấp, trên trang trí các hình hoa văn chữ triện. Phía trước chùa được mở đầu bằng hai cột đồng trụ xây nối liền với tường hồi của toà Tiền đường. Đỉnh trên cùng của cột đồng trụ được đắp đôi nghê trong tư thế châu vào nhau. Dưới nghê là mui luyện, lồng đèn, trên đó đắp các hình trang trí đầu rồng, hổ phù, hoa lá. Thân trụ được tạo vuông các mặt để viết câu đối. Cửa ra vào là cửa bức bàn ở 3 gian giữa, hai gian bên xây tường bao kín nối liền với tường hồi.

Tiền đường xây kiểu 5 gian, tường hồi bít đốc, gồm 4 bộ vì kèo kết cấu giống nhau, theo thể giá chiêng, chồng giường, kẻ hiện. Hai gian hồi không có vì kèo mà toàn bộ khung nhà được dựa lực vào tường.

Hậu cung được xây ba gian nhỏ và một gian thiêu hương. Kết cấu các bộ vì kèo: ba bộ vì kèo phía ngoài theo kiểu giá chiêng chồng giường, riêng bộ vì kèo trong cùng làm kiểu kèo suốt.

Trang trí trong chùa chủ yếu được tập trung trên các con kẻ, với các đề tài trang trí: hoa lá lớn, văn triện được chạm nổi (đây là phong cách đặc trưng của thời nhà Nguyễn). Trên hai bức cốn mê phía ngoài hiên chùa, các họa tiết chạm khắc được thể hiện chi tiết, tỷ mỷ, chau chuốt và có chiều sâu. Bức cốn bên trái chạm đề tài cúc trúc, bên phải chạm đào hựu tất cả đều trong hình thức hóa long. Hai bức cốn mê ở vì kèo sát Hậu cung được chạm Tứ linh, với phương thức chạm nổi, bong, kênh, vênh... đây cũng là mảng chạm có giá trị nghệ thuật.

Như󠇯 nhiều ngôi chùa cổ, chùa Thanh Lâu bố trí phía trên cùng là bộ Tam Thế, được tạo tác vào khoảng thế kỷ XVIII, tượng vừa phải, gần với kích cỡ của người thực. Đầu tượng thể hiện các bụt ốc nổi được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ, giữa là khối u tròn nổi khá lớn, mục đích thể hiện trí thông minh sáng suốt của Đức Phật. Khuôn mặt tượng thon nhỏ, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười, mắt khép hờ nhìn xuống. Áo cà sa nhiều lớp chảy dài, ngực thắt nút con do. Cả ba pho đều ở tư thế ngồi kiết già, trên đài sen 3 lớp cánh.

Hàng thứ hai là bộ tượng A Di Đà: cao 1.34m, được tạo tác lớn nhất trong Phật điện. Về hình thức bên ngoài gần giống với tượng của bộ Tam Thế. Nhưng do tất cả các chi tiết đều được cố ý làm lớn hơn như ở khối u trên bụt ốc, mặt lớn, tai to giữa thót lại, chảy dài xuống vai... khiến pho tượng đồ sộ, ít sự uyển chuyển. Đây cũng là những nét đặc trưng của các pho tượng có niên đại thế kỷ XVIII - XIX. Hai pho tượng phù trợ tạo tác hầu như giống nhau về kích thước và hình dáng: đều trong tư thế ngồi trên đài sen 3 lớp cánh, đầu đội mũ thiên quan, tay ở tư thế giơ ngang ngực và cầm bông hoa.

Hàng thứ ba là bộ tượng Phật Niêm hoa, là pho tượng đẹp, khá chuẩn của tượng Phật giáo thế kỷ XVIII, khuôn mặt thon nhỏ, bầu bĩnh gần với bộ mặt nữ, mắt, mũi, miệng đều theo quy ước tượng chuẩn của Phật giáo, đức độ, hiền từ...

Hàng thứ tư là bộ tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn: Tượng gồm mười một đôi tay, trên các bàn tay đều cầm di vật, mặt tượng nhỏ, tai to, chảy dài (mang phong cách nghệ thuật của tượng Phật giáo thế kỷ XVIII).

Hàng thứ năm là tòa Cửu Long, hai bên có hai pho tượng Phạm Thiên, Đế Thích. Tòa Cửu Long tại đây có hình dáng riêng biệt, ít có ở các chùa khác. Thân phía trên của tòa không phải là chín con rồng chầu mà là hình dáng giống như những chiếc lọng che (hay còn gọi là bảo cái) - đây là sự thể hiện quyền năng của Đạo Phật. Các đề tài trang trí theo từng tầng giải, trên cùng là mặt hồ phù mắt lồi, răng nhe, mũi sư tử, tay rồng được chạm bong kênh vênh. Lớp dưới là các hình thân rồng nhỏ cuốn thủy, chạm cách điệu gắn trên ô lọng hình vuông, có riềm lá sòi. Ở giữa là hình hai thân rồng chạy dài xuống đế và chầu vào giữa. Pho tượng Thích Ca được tạo đứng trên đài sen ba lớp cánh (mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII).󠇯

Ngoài Tiền đường: Bên trái là ban thờ Đức Ông. Bên tường hồi là hệ thống bia hậu được gắn vào tường. Gần cửa ra vào treo quả chuông có niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799) cao 1,10m, đường kính 0,85m, hình trụ, thượng thu, hạ thách, vai chuông tròn phong cách nghệ thuật đúc chuông thường có từ kế kỷ XVII trở về trước. Bên phải đặt ban thờ Đức Thánh hiền, tường hồi cũng là nơi gắn các tấm bia hậu.

2. Nhà Mẫu và nhà Tổ: Đồ thờ chủ yếu được bố trí ở gian giữa nhà Mẫu. Ban chính giữa thờ các pho tượng Mẫu, được sắp đặt đầy đủ như: bộ tượng Tam Tòa Đức Thánh Mẫu, tượng mẫu Thoải, mẫu Thiên, mẫu Địa, các pho tượng Cô, tượng Cậu... Nhìn chung các pho tượng này đều được tạo tác nhỏ nhắn, nét tạo kỹ, mang đặc trưng của các tượng truyền thống.

Gian thờ bên trái: cũng được thờ tượng Mẫu gần giống ban thờ giữa, nhưng các pho tượng trên ban thờ này được tạo tác với kích thước nhỏ hơn. Gian thờ bên phải hiện nay dùng làm nơi thờ Tổ. Trên ban thờ có đặt một pho tượng Tổ Tây, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

Ngoài ra chùa Thanh Lâu còn có một số dãy nhà khách, nhà bếp, vườn Tháp với các tháp mộ cao ba, bốn tầng, sân, vườn.... Hiện nay, chùa còn bảo lưu được nhiều di vật mang giá trị nghệ thuật cao như: 41 pho tượng lớn nhỏ, chuông đồng "Thanh Lâu thiền tự”, 15 tấm bia đá, bia sớm nhất có tiêu đề: "Hậu phật bị ký" được tạo tác vào năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793)...

Chùa Thanh Lâu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 1460-QĐ/VH ngày 28/6/1996.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website