Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh, thành phố Hải Phòng
Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) gồm 05 di tích: Chùa Nhân Trai, chùa Trà Phương, đền - chùa Hòa Liễu, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, từ đường họ Mạc. Các di tích phản ánh quá trình khởi dựng - hưng thịnh - suy vong của một vương triều.
Từ đường họ Mạc là nơi phụng thờ tiên tổ họ Mạc được dựng vào năm 1905. Lúc khởi dựng, từ đường mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, diện tích khoảng 30m2, là ngôi nhà ba gian, bằng gỗ lim, tường xây gạch chỉ, hai đầu hồi xây kiểu bít đốc, nền lát đá đỏ, mái lợp ngói vẩy, cửa làm theo lối cửa bức bàn.
Hiện Từ đường quay hướng Bắc ghé Tây, rộng khoảng 14.000m2, gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc: Nghi môn, tường bao, hồ bán nguyệt, nhà khách, giải vũ, nhà Mẫu, Từ đường và các công trình phụ trợ.
Nghi môn được thiết kế ba cửa, mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc các mái đắp trang trí kìm nóc, hổ phù đội quả lôi. Kết nối với nghi môn là hệ thống tường bao, trên đó được đắp vẽ 65 bức tranh tái hiện lịch sử, tượng trưng cho 65 năm trị vì đất nước của vương triều Mạc.
Trong khuôn viên di tích, trên trục thần đạo, đi qua hồ bán nguyệt là đến Từ đường, có bố cục mặt bằng kiểu chữ Công với 05 gian Bái đường, 01 tòa Thiêu hương và 3 gian Hậu cung.
Bái đường hình chữ nhật, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật, kìm nóc. Kết cấu khung chịu lực dựng trên 6 bộ vì, kiểu vì 5 hàng chân cột: các hàng cột cái và cột quân làm bằng gỗ lim; hàng cột hiên được tạo bằng đá xanh, trên thân cột được chạm khắc rồng, mây. Tất cả các cột đều được kê trên những chân tảng lớn làm bằng đá xanh đục giật 3 cấp, trên tròn dưới vuông, cấp giữa trang trí cánh sen. Vì nóc Bái đường được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách kết cấu kiểu “chồng rường trụ trốn”. Hệ cửa tòa Bái đường được làm bằng gỗ lim, kiểu thượng song hạ bản, trên cửa có chạm khắc trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa dây…
Thiêu hương nằm ở trung tâm tổng thể kiến trúc từ đường, có mặt nền cao hơn nền Bái đường 0,2m, đặt sập đá lớn, trên sập có long ngai, bài vị bằng đá khắc dòng chữ Hán “Thập nhị Đế vương”. Tòa Thiêu hương được kết cấu theo kiểu phương đình với bộ khung chịu lực được kết cấu bởi 4 cột gỗ lim đứng chân trên 4 chân tảng bằng đá xanh, liên kết giữa các cột là hệ thống xà ngang, kẻ góc thu về nóc tạo thành hai tầng mái kiểu chồng diêm. Mái được lợp ngói mũi hài, bờ nóc và các góc đao đắp trang trí kìm nóc, rồng, mây cách điệu.
Hậu cung có mặt bằng hình chữ nhật, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, một số mảng tường xây bằng đá núi vẫn được bảo tồn nguyên vẹn từ khi mới khởi dựng. Nền Hậu cung cao hơn nền Thiêu hương 0,3m, mặt trước xây 3 bậc tam cấp làm bậc lên xuống. Thành phần chịu lực chính của Đại bái là bộ khung gỗ với 4 bộ vì làm theo kiểu 4 hàng chân cột với 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Vì nóc Hậu cung làm kiểu “chồng rường biến thể giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”. Cửa gỗ Hậu cung kiểu bức bàn, trang trí tứ linh, tứ quý trên bộ ngưỡng lim, chạm viền hồi văn đứt đoạn. Các bảy hiên chạm khắc mây cụm, lá hóa long cách điệu.
Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc
Mở đầu khu tưởng niệm là Nghi môn ngoại, có kết cấu kiểu tứ đồng trụ. Hai trụ chính cao 5,72m, hai trụ bên thấp hơn, cao 4,84m. Trên các đầu trụ trang trí kiểu đèn lồng. Trên đỉnh trụ hai bên đắp hình lân, hai đỉnh trụ giữa đắp phượng. Thân trụ có kết cấu đá khối, bốn mặt chạm khắc nổi hoa văn đề tài tứ quý mang phong cách nghệ thuật thời Mạc thế kỷ XVI.
Nghi môn nội rộng 122m2, gồm Nghi môn, tả môn và hữu môn. Phần kết cấu 03 gian, 04 hàng chân cột liên kết được làm bằng gỗ lim kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói mũi. Bộ vì làm kiểu thuận chồng, chạm khắc hoa lá nổi trên các kết cấu gỗ. Tả môn và hữu môn xây bằng gạch, mái kiểu chồng diêm, trên nóc đắp hoa sen, con giống trên các bờ mái. Cửa làm kiểu thượng song, hạ bản.
Bố cục mặt bằng đền thờ chính bằng theo kiểu chữ Công, gồm Chính điện, ống muống và Hậu cung
- Chính điện gồm 07 gian 02 chái, 06 hàng chân cột, mái làm theo kiểu chéo đao tàu góc. Đầu mái đắp đao cong, rồng chầu phượng đón. Bờ nóc mái, chính giữa đắp “lưỡng long chầu nhật”. Hai bên mái đắp đôi kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm cong hình dấu hỏi. Tại khúc nguỷnh của bờ mái đắp đôi lân trong tư thế nhìn xuống sân. Mái lợp hai lớp, lớp trên làm kiểu ngói mũi hài, lớp dưới là lớp ngói màn, mặt dưới ngói màn in hình chữ “thọ” cách điệu.
- Ống muống: Nối Bái đường với Hậu cung, gồm 02 mái, 02 gian, 04 hàng chân cột. Vì nóc mái có kết cấu tương tự như vì bái đường nhưng kích thước nhỏ hơn.
- Hậu cung: nhà bốn mái đao cong gồm 05 gian, 02 chái, 04 hàng chân cột, mái lợp ngói mũi hài. Vì nóc mái có kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng, tương tự như Bái đường. Trên các chi tiết kiến trúc đều có chạm khắc hoa văn trang trí như hoa lá thiêng, tứ linh.
Chùa Trà Phương
Chùa có tên chữ là Thiên Phúc Tự, tổng thể ngôi chùa hiện nay gồm nhiều hạng mục kiến trúc: cổng Nhất môn, Tam bảo, nhà Tổ, nhà bia, vườn tháp, nhà khách và các công trình phụ trợ.
Cổng Nhất môn được mở từ hướng Tây Bắc, có lối đi kiểu vòm cuốn, phía trên là hệ mái kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, phần cổ diêm ghi tên chữ của chùa bằng chữ Hán “Thiên Phúc Tự”. Qua Nhất môn, đi theo lối nhỏ rộng chừng 3m sẽ đến tòa Tam bảo.
Tam bảo có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh với 05 gian Tiền đường và 03 gian Thượng điện được dựng trên cốt nền cao hơn sân trước khoảng 0,3m. Tiền đường xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên hệ mái đắp hoa văn trang trí đơn giản, nhẹ nhàng, phần hồi nóc xây cách điệu hình cánh cung mở góc tạo dáng mềm mại cho công trình. Kết cấu khung chịu lực của toà Tiền đường được làm hầu hết bằng gỗ lim, gồm 04 bộ vì, kiểu vì 05 hàng chân cột: 02 hàng cột cái, 02 hàng cột quân và 01 hàng cột hiên. Các hàng cột cái, cột quân đều được kê trên những chân tảng lớn làm bằng đá xanh đục giật 04 cấp, cấp dưới cùng hình vuông, cấp tiếp theo hình bát giác, hai cấp trên cùng tròn và để trơn, không trang trí. Vì nóc Tiền đường được làm thống nhất kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách kiểu “chồng rường”, cửa làm kiểu bức bàn.
Thượng điện xây tường hồi bít đốc, nối với Tiền đường tạo thành mặt bằng chữ Đinh. Nền Thượng điện được làm cao hơn nền Tiền đường 0,2m; mái lợp ngói mũi hài, đường bờ nóc, bờ chảy xây gạch, trát vữa, trang trí các hoa văn hình học dạng ô quả trám. Hệ thống khung chịu lực của tòa Thượng điện gồm 03 bộ vì, kiểu vì 04 hàng chân cột, 02 hàng cột cái làm bằng gỗ lim, các hàng cột quân được thay thế bằng hệ tường bao của công trình. Các vì nóc của Thượng điện làm kiểu “ván mê” và được sơn son thếp vàng rực rỡ, vì nách được làm kiểu “chồng rường”.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật thời Mạc, đặc biệt là pho tượng Mạc Thái Tổ và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Chùa Nhân Trai
Chùa Nhân Trai nằm phía Tây làng Nhân Trai, trên một không gian rộng thoáng, rộng 9.944,4m2, gồm các hạng mục: Tam quan, Tam bảo, Nhà mẫu, Đền thờ vua, Nhà bia, Nhà khách và các công trình phụ trợ. Trong đó, Tam bảo là công trình chính của di tích với hai tòa Tiền đường và Thượng điện liên kết thành một khối, kiến trúc kiểu chữ Đinh.
Tiền đường hình chữ nhật, gồm 05 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí bình nước cam lồ, kìm nóc, mây cụm. Nền Tiền đường cao hơn nền sân 0,5m. Kết cấu khung chịu lực của toà Tiền đường dựng trên 06 bộ vì, kiểu vì 05 hàng chân cột gồm 02 hàng cột cái, 02 hàng cột quân và 01 hàng cột hiên. Các hàng cột cái, cột quân đều được kê trên những chân tảng lớn làm bằng đá xanh đục giật 04 cấp, cấp dưới cùng hình vuông, ba cấp trên tạo kiểu thớt tròn nhỏ dần lên và chạm khắc trang trí cánh sen, hạt ngọc. Vì nóc Tiền đường được làm kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách kiểu “chồng rường”.
Thượng điện gồm 03 gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, mái đắp trang trí các hình rồng, phượng, mây cụm... Hệ thống khung chịu lực của Thượng điện gồm 04 bộ vì bằng gỗ lim, vì nóc làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”.
Trung tâm tòa Thượng điện là Phật điện với các lớp tượng cổ được thờ từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao tạo nên một không gian tĩnh mịch, linh thiêng.
Đền - chùa Hòa Liễu
Đền Hòa Liễu là nơi thờ Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung, người có công trong việc mở mang, xây dựng làng xã, làm việc thiện giúp dân, giúp đời.
Đền Hòa Liễu quay hướng Nam, trên một khuôn viên đất cao, được bố cục theo kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh” bao gồm các hạng mục Tiền bái hình chữ Nhất và đền chính hình chữ Đinh, có các cấp nền cao dần vào phía trong.
Tiền bái có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 03 gian 02 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí các hình lưỡng long chầu hổ phù, kìm nóc, đấu chữ T, hoa chanh hộp rỗng… Nền Tiền bái cao hơn nền sân 0,6m, thềm hiên phía trước lát gạch bát, giật cấp để tạo bậc lên xuống. Bộ khung chịu lực của Tiền bái được dựng bằng gỗ lim, kết cấu bởi 04 bộ vì, kiểu vì 05 hàng chân cột, riêng 02 bộ vì trung tâm được làm trốn hàng cột cái phía trước nhằm mở rộng không gian công trình. Tất cả các cột đều được kê trên chân tảng bằng đá xanh đục giật ba cấp với cấp dưới vuông, hai cấp trên kiểu thớt tròn để trơn không trang trí. Vì nóc Tiền bái được làm kiểu “chồng rường, giá chiêng”; 02 vì nách gian trung tâm làm kiểu “kẻ ngồi”, vì nách 02 gian bên làm kiểu “chồng rường trụ trốn”, khoảng cách giữa trụ trốn và cột cái được nong ván tạo diện trang trí.
Phía sau Tiền bái, qua khoảng sân rộng chừng 3m là đến Đền chính, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, gồm Đại bái và Hậu cung.
Đại bái đền Hòa Liễu gồm 03 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống khung chịu lực của toà Đại bái gồm 04 bộ vì gỗ với kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường biến thể giá chiêng”; vì nách kiểu “chồng rường”.
Hậu cung đền Hòa Liễu gồm 01 gian, 02 chái, có cấp nền cao hơn nền Đại bái 0,45m. Hệ mái được làm kiểu chéo đao tàu góc, lợp ngói mũi hài, bờ nóc đặt kìm nóc, các góc đao trang trí hình rồng, mây cách điệu. Hệ thống khung chịu lực của tòa Hậu cung làm bằng gỗ với vì nóc và vì nách phía trước làm kiểu “ván mê”; vì nách phía sau, sát tường hậu làm kiểu “kẻ ngồi”.
Trang trí kiến trúc đền Hòa Liễu mang đặc trưng phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và được tập trung chủ yếu trên các cấu kiện gỗ ở toà Tiền bái. Các đề tài trang trí tại đền Hòa Liễu mang tính ước lệ như lá lật, đao mác, mây cuộn, hoa sen được thể hiện trên các đầu con rường, đầu xà nách, cốn vì nách, đấu kê…
Chùa Hòa Liễu tên chữ là Thiên Phúc tự, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh gồm 03 gian 02 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói mũi hài.
Tiền đường có mặt bằng hình chữ nhật và cao hơn mặt sân 0,8m. Thành phần chịu lực chính là các bộ vì kèo với vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách kiểu “chồng rường”. Hệ thống xà, cột của hai bộ vì chỉ có các đấu vuông thót đáy được vẽ trang trí hình hoa sen, còn lại đều để trơn. Mái trang trí kìm nóc và bức đại tự ghi ba chữ Hán “Thiên Phúc tự”, phía trên đặt bình nước cam lồ.
Thượng điện chùa Hòa Liễu được nối liền khối với Tiền đường tại khoảng giữa tạo thành bố cục mặt bằng hình chữ Đinh. Thượng điện gồm ba gian với hệ thống khung chịu lực là các bộ vì được làm tương đồng với các bộ vì của tòa Tiền đường. Mái được kết cấu hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài. Các góc đao trang trí hình rồng chầu phượng đón, phần cổ diêm giữa hai tầng mái trang trí đề tài tứ quý, chữ thọ.
Trong khu di tích đền và chùa Hòa Liễu hiện còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật của nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là các di vật thời Mạc tạc bằng chất liệu đá gồm 3 pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi rồng đá trước cửa chùa, tấm bia đá Thiên Phúc tự dựng vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng bà Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cột đá “thạch trụ”...
Không gian văn hóa của các di tích gắn liền với các hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương. Các lễ hội, lễ dâng hương gắn liền với các nhân vật lịch sử của nhà Mạc, tôn vinh công lao, đóng góp đối với lịch sử dân tộc như lễ hội Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh, hội Minh Thề tại di tích Đền - Chùa Hòa Liễu.
Với những giá trị đặc biệt nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025)./.
Tuyết Chinh (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hoá)