Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938, thành phố Hải Phòng
Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 là một trong “Tứ Linh Từ” của huyện cổ An Dương, nay là một trong ba “Linh Từ” của quận Hải An, được tôn là “Từ Cả” - tức nơi đứng đầu về các di tích thờ Ngô Quyền là đại bản doanh của Ngô Quyền khi ông chỉ huy trận Bạch Đằng năm 938.
Di tích quay hướng Đông, rộng 36.747 m2 tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng, bố cục kiểu “Nội công ngoại quốc”, gồm các hạng mục: Nghi môn, Tiền tế, Thiêu hương, Giải vũ, Từ chính, tượng đài và các công trình phụ trợ.
- Nghi môn: gồm hai lớp, Nghi môn nội và Nghi môn ngoại, xây gạch với kiểu thức tương đồng nhau, đều được thiết kế ba cửa. Chính môn là khoảng không gian giữa 2 cột đồng trụ xây cao, đỉnh cột nghi môn ngoại gắn đôi nghê trong thế chầu vào lòng cổng. Các bên tả, hữu môn xây theo lối Nhà chè.
Qua Nghi môn ngoại là hai giếng nhỏ ở hai bên, được gọi là giếng Mắt rồng, có nước ngọt quanh năm. Tương truyền khi Ngô Quyền đóng quân ở đây đã sai quân lính đào hai giếng này để lấy nước sinh hoạt.
- Tiền tế: có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước mặt nền rộng 9m x 18m, gồm 05 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bốn mái, kết cấu theo dạng thức “chéo đao tàu góc”, lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí hình lưỡng long chầu hổ phù đội quả lôi, kìm nóc.
Nền Tiền tế cao hơn nền sân 0.35m. Kết cấu khung chịu lực của toà Tiền tế dựng trên 24 cột gỗ lim được liên kết lại thành 6 bộ vì chắc khoẻ, vì làm theo kiểu 4 hàng chân cột, 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Tất cả các cột đều được kê trên những chân tảng lớn mang nhiều niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Các chân tảng được làm bằng đá xanh đục giật cấp, cấp dưới cùng hình vuông, cấp trên cùng hình tròn.
Gian trung tâm Tiền tế được tạo bởi hai bộ vì tương đồng về kiến trúc cũng như các hoa văn trang trí. Liên kết phía trên giữa hai cột cái là vì nóc, kết cấu kiểu “chồng rường biến thể giá chiêng”, các con rường chồng lên nhau thông qua các đấu vuông thót đáy, có chức năng nâng đỡ hoành mái ở phía trên. Rường được tạo kiểu “rường bụng lợn”, điểm giữa các con rường võng xuống, trên cùng là đấu kê dạng khối vuông làm nhiệm vụ đỡ thượng lương, hai đầu các con rường đều khoét ổ để đỡ hoành mái. Tại vị trí phía dưới câu đầu, bốn đầu dư được chạm thủng kết hợp chạm bong kênh hình tượng rồng.
Tiếp theo vì nóc, vì nách gian trung tâm được làm kiểu “ván mê”, hai mặt chạm khắc tỉ mỉ, ken đặc nhiều hoa văn khác nhau mà nổi bật hơn cả là hình tượng rồng ẩn mây trong bố cục tứ linh. Đề tài tứ linh được chạm trên bốn vì nách gian trung tâm Tiền tế được các nghệ nhân xưa thực hiện với kỹ thuật chạm nổi kết hợp chạm kênh bong rất đặc sắc và mang tính nghệ thuật cao. Trên bức cốn, chạm hình rồng đang đạp chân lên các cuộn mây để vươn đầu ra, phần đầu lớn với miệng rộng, mắt tròn lồi, mũi to, bờm tóc bay hất về phía sau. Đối xứng với rồng là hình lân với thân tròn, phủ kín vẩy, lưng mang yên, đuôi dài toả ra ba nhánh. Phượng và rùa chiếm một vị trí khiêm tốn trên bức chạm. Phượng được chạm phía trên rồng có đôi chân dài, mảnh đang khuỵu xuống, sải cánh vươn rộng; rùa được chạm ở phía dưới cùng hơi chếch về bên phải mảng chạm với toàn bộ thân mình đang nấp dưới lá sen rủ, đầu ngóc vươn ra khỏi lá. Ở ba mảng chạm còn lại, các con vật trong bố cục tứ linh đều mang những dáng vẻ vui tươi khác nhau.
Tại các gian bên, bốn vì nóc còn lại được kết cấu tương đồng với vì nóc gian trung tâm theo kiểu thức “chồng rường biến thể giá chiêng”, vì nách kết cấu kiểu “chồng rường”, các vì này được chạm khắc, trang trí điểm xuyết hình lá lật, mây cụm, cánh sen khá nhẹ nhàng và ít chi tiết hơn hai bộ vì gian trung tâm.
- Thiêu hương: nằm ở trung tâm tổng thể kiến trúc, có mặt nền cao hơn nền sân 0.4m, được kết cấu theo kiểu phương đình với bộ khung chịu lực được kết cấu bởi 4 cột gỗ lim, đứng chân trên 4 chân tảng bằng đá xanh kiểu cổ bồng, liên kết giữa các cột là hệ thống xà ngang, kẻ góc thu về nóc tạo thành hai tầng mái kiểu chồng diêm. Mái được lợp ngói mũi hài, bờ nóc và các góc đao đắp trang trí kìm nóc, rồng, mây hoá phượng cách điệu. Trong Thiêu hương đặt cỗ kiệu bát cống lớn, để phục vụ việc rước Thành hoàng trong dịp các lễ hội của di tích.
- Từ chính: Từ chính có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh với 05 gian (Đại bái và Chuôi vồ). Nền Đại bái cao hơn nền Tiền tế 0.4m, mặt trước được bó kè bằng những phiến đá xanh xây giật ba cấp tạo thành bậc lên xuống. Thành phần chịu lực chính của Đại bái là bộ khung gỗ với cấu kiện chính là 6 bộ vì làm theo kiểu 4 hàng chân cột với 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Vì nóc Đại bái làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”, riêng bộ vì nách gian trung tâm được nong ván mê chạm nổi trang trí đề tài tứ linh, tứ quý, hoa văn kỷ hà đơn giản.
Chuôi vồ có nền xây giật cấp cao hơn nền Đại bái 0.2m, gồm ba gian thờ dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc và được nối vuông góc với Đại bái tại khoảng giữa. Chuôi vồ có 4 bộ vì kiểu 4 hàng chân cột, vì nóc làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, trong đó bộ vì nóc gian thứ hai từ trong ra được nong ván tạo diện trang trí hình lá hóa, hổ phù, chim phượng; vì nách làm kiểu “chồng rường”. Bộ vì thứ hai (từ trong ra) là giới hạn ngăn cách giữa bên ngoài và không gian thờ thần tượng Đức Vương Ngô Quyền bên trong. Toàn bộ hệ cửa được sơn son thếp vàng rực rỡ với hai cửa bên chạm khắc trang trí đề tài tứ quý, gian giữa làm kiểu bốn cánh, trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật.
- Hai tòa Giải vũ: Nối hai hồi của Tiền tế với Đại bái là hai tòa Giải vũ kiểu “Nội Công ngoại Quốc”, liên hoàn khép kín với trung tâm là tòa Thiêu hương. Hai tòa Giải vũ được xây đăng đối hai bên trục thần đạo, mỗi tòa 01 gian 02 chái, mái chảy, khung chịu lực kết cấu bằng gỗ lim với hệ vì để trơn không trang trí. Phần tường xây để trống ở phía trước và mở các cửa vòm ở phía hồi để tiện di chuyển sang các công trình khác.
Trong tòa Giải vũ bên phải theo hướng nhìn của di tích hiện lưu giữ 03 chiếc cọc Bạch Đằng; tòa Giải vũ bên trái lại đặt một chiếc thuyền rồng lớn làm bằng gỗ tốt, đây là hiện vật biểu tượng cho chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938.
Với những giá trị đặc biệt nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025./.
Tuyết Chinh (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hoá)