Ngày 28 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đền An Xá, tỉnh Hưng Yên

Đền An Xá (còn gọi tên khác là Đền Đậu An), tên chữ là Thụy Ứng Quán, toạ lạc tại thôn An Xá (còn được gọi là làng An), xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Căn cứ vào các tư liệu, hiện vật còn lưu giữ tại di tích và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền An Xá là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Lão Tiên Ông (những vị thần tiên của Văn hóa Đạo giáo), cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên - là những người có công khai phá vùng đầm lầy hoang vu, diệt trừ thú dữ, dậy dân cầy cấy, lập làng Chạ, dựng "Thụy Ứng Quán", để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.

Căn cứ vào truyền thuyết, lời kể của các cụ cao niên trong làng và những di vật cổ có giá trị hiện còn lưu giữ được tại di tích cho biết đền An Xá được khởi dựng từ khá sớm, muộn nhất vào khoảng Thế kỷ XVI – XVII, đến nay đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo.

Đền An Xá được khởi dựng trên khu đất cao có dáng hình đầu rồng ở phía Tây ngoài làng An Xá. Phía trước đền là những cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng xuống hồ nước trong xanh được xem là nơi “tụ thủy, tụ phúc” của làng. Bao bọc vòng ngoài là những hào nước và khu vực ruộng đồng trù phú. Mặt tiền đền quay hướng Nam, có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Công gồm: 05 gian Tiền tế, 03 gian Ống muống và 03 gian Hậu cung. Ngoài ra, nằm trong và ngoài khuôn viên di tích hiện còn một số hạng mục công trình kiến trúc gắn liền với sự hình thành và các tích truyện liên quan tới nhân vật thờ tại di tích: Đền Hạ, đền Kỷ Niệm nằm về hai bên hồi đền chính. Đăng đối hai bên sân đền là hai dãy nhà Giải vũ. Hai bên Tam quan là đền Mẫu và đền Thiên Quan. Bên ngoài khuôn viên di tích về phía Đông là hai ngôi đình Vô và đình Căn.

Tam quan: được dựng trên bình đồ hình vuông, gồm 03 cửa ra vào với hai tầng mái. Xung quanh bốn góc dựng bốn cột đồng trụ lớn. Mái Tam quan lợp ngói mũi hài. Tam quan đền An Xá có treo 01 quả chuông đồng (cao 1,7m, nặng 880kg) được đúc vào thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (1773) và 01chiếc trống.

Tòa Tiền tế: là một tòa nhà 05 gian, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc với kích thước dài 20,6m, rộng 8,05m, cao 9,79m. Kết cấu theo kiểu 4 hàng chân cột. Các bộ vì nóc tòa Tiền tế được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách tòa được làm theo dạng “bán chồng rường”. Tiền tế là đặt ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (gian giữa), hai gian bên là nơi đặt ban thờ Thiên Tiên và Địa Tiên cùng các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự có giá trị.

Điêu khắc trang trí tòa Tiền tế chủ yếu gồm ba đề tài chính: linh vật, lá lật và vân xoắn mang phong cách nghệ thuật Thế kỷ XIX và XX.

Ống muống: hạng mục này được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối có chiều rộng 6.4m; cao 5,53m. Toàn bộ hệ thống các cột trụ, câu đối, hoành phi, cửa võng tại đây đều được làm bằng đá có tấm nặng tới hàng chục tấn được các nghệ nhân và thợ thủ công đương thời chạm khắc hình rồng, phía ngoài chạm khắc các đôi câu đối bằng chữ Hán vô cùng tinh xảo và đặc sắc, hiếm thấy trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Việt.

Hậu cung: gồm 03 gian, theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Đây là nơi đặt ban thờ Tam Thanh Lục Ngự. Hậu cung dài 9,2m và rộng 6,1m gồm 02 tầng mái, tầng mái dưới được làm nối liền với mái tòa Ống muống. Phía trên mái dưới là phần cổ diêm được làm bằng đá chia thành các ô khác nhau trang trí hình chim phượng, rồng, hoa sen, giữa khắc ba chữ Hán “Thụy Ứng quán”. Mái được lợp ngói di truyền thống, bờ nóc để trơn không trang trí. Tường bao mặt trước được dựng bằng đá xanh nguyên khối. Gian giữa được xây giật vào hàng cột cái tạo thành một khám thờ, cửa chạm khắc các hoạ tiết: Những con dơi ngậm tiền (phúc hàm tiền), hạc đứng trên lưng rùa nhằm thể hiện ước vọng về phúc, lộc và mong muốn cho dân làng An Xá được sống lâu mãi mãi. Hệ thống ngạch ngưỡng cửa được đục, chạm hình triện tàu, lá giắt khá công phu, nghệ thuật. Hệ thống các bộ vì nóc tòa Hậu cung được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối theo kiểu “vì cốn mê”. Đỡ vì mái là hệ thống cột đá vuông to và cao (6,58m x 0,30m). Trên hai cột sau gian giữa được chạm khắc câu đối chữ Hán ngợi ca Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Trung tâm Hậu cung đặt một nhang án thờ bằng đất nung có dạng hình hộp chữ nhật. Nhang án được cấu tạo bởi nhiều khối đất nung khác nhau gắn kết khít lại để tạo thành một nhang án hoàn chỉnh. Toàn bộ nhang án cao 1,10m, mặt bệ dài 2,78m, rộng 0,82m.

Các hạng mục công trình khác

- Đền Hạ: nằm tiếp giáp với hồi phải đền chính. Đền là nơi thờ Đức ông Dương Huyền Lôi Công Đại vương - người anh Cả trong Ngũ Lão Tiên Ông. Đền Hạ có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Đinh gồm: 03 gian 02 chái Tiền Tế và Hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ tứ thiết.  

- Đền Thiên Quan (hay còn gọi là đền Công đồng): nằm bên phải Tam quan, là nơi thờ Đức ông Thiên Quan. Trước cửa đền có giếng tròn, nước giếng thường được dùng ngâm gạo nếp để nấu xôi, đóng oản thờ vào mỗi dịp lễ tết và lễ hội của đền. Đền có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh gồm: 03 gian Tiền tế và 01 gian Hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm từ vật liệu gỗ đồng bộ và vững chắc.

- Đền Mẫu: nằm bên trái cổng Tam quan, đối diện với đền Thiên Quan. Đền có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Đinh gồm: 03 gian Tiến tế và 02 gian Hậu cung được làm theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.

- Đền Kỷ niệm: là hạng mục công trình nằm tiếp giáp hồi trái đền chính. Đền Kỷ niệm là nơi thờ những người đã đứng ra hưng công xây dựng, trùng tu, tôn tạo ngôi đền như cụ Thông Huân, Lê Đình Trân, Phạm Công Kim Bảng,... Đền có kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh gồm: 03 gian Tiền Tế và 01 gian Hậu cung. Hệ thống các bộ vì nóc được tạo tác theo kiểu “con chồng đấu kê” đồng bộ và vững chắc.

- Đình Vô: nằm cách khu đền chính chừng 200m, là nơi thờ Đức Ông Lỗ Quốc chúa Võ Đại vương - một trong Ngũ Lão Tiên Ông, có công diệt trừ hổ ác, dựng Thụy ứng quán. Đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, với bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Đinh gồm: 03 gian Đại bái và 01 gian Hậu cung. Mặt tiền đình quay hướng Nam. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm từ vật liệu gỗ đồng bộ và vững chắc.

- Đình Căn: nằm cách khu đền chính chừng 500m, là nơi thờ Đức Ông Đại Phạm và Thiên Tiên. Trong những năm 1951 - 1952, hai ngôi đình thôn Bến và thôn Mới đã bị bom giặc Pháp phá hủy. Do vậy, chính quyền và Nhân dân địa phương đã chuyển bài vị và tượng của: Đức Ông Ngũ Lôi và Địa Tiên (thờ tại đình Bến) và Đức Ông Lý Vực Trần Quân Đại vương (thờ tại đình Mới) về thờ tự tại đình Căn cùng Đức Ông Đại Phạm và Thiên Tiên. Đình có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ Nhị gồm: 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung. Các cấu kiện và thành phần kiến trúc tại đình đồng bộ, vững chắc mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn.

Khoanh vùng bảo vệ di tích có tổng diện tích: 20.085m2 trong đó, khu vực bảo vệ I gồm: 14.755,6 m2, khu vực bảo vệ I gồm: 5.329,4m2.

Về giá trị lịch sử: Đền An Xá là trung tâm văn hóa tiêu biểu, một ví dụ khá điển hình của sự chuyển biến, dung hội giữa quán Đạo giáo và đền thờ. Lễ hội đền An Xá diễn ra từ ngày mồng 1 đến 12 tháng Tư (Âm lịch) hằng năm. Hiện nay, trong hệ thống di tích đền, quán của người Việt rất hiếm gặp việc thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế là một thần chủ trong một thần điện riêng biệt, có quy mô to lớn, đồ sộ như ở đền An Xá. Đặc biệt, đền An Xá còn là 1 trong số 8 di tích có tên gọi là “Đậu” trên địa bàn huyện Phù Tiên xưa (nay là hai huyện Tiên Lữ và Phù Cừ). Đậu là một loại hình di tích gắn liền với tín ngưỡng văn hóa Đạo giáo riêng chỉ có trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mà không nơi nào trên cả nước có. Đồng thời, đây cũng là ngôi đền/đậu duy nhất có quy mô hoàn chỉnh còn sót lại của một công trình kiến trúc mang yếu tố văn hóa Đạo giáo trên cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng. Chính vì vậy, ngôi đền có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, minh chứng cho dấu ấn hiện hữu của "nền văn hóa Đạo giáo sớm/sơ khai" trên vùng đất này.

Về giá trị kiến trúc - nghệ thuật: Đền An Xá là công trình kiến trúc cổ, có không gian cảnh quan đẹp, qui mô kiến trúc khá lớn. Các hạng mục công trình được bố trí hài hòa, dàn trải theo trục thần đạo. Điều làm nên sự độc đáo và đặc biệt lớn nhất tại đền An Xá so với các công trình kiến trúc khác là hai tòa Ống muống và Hậu cung đền đều được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, tạo nên sự thâm nghiêm linh khí nơi thờ tự. Bộ khung chịu lực từ cổ bồng đến nóc mái, các bộ vì, cửa võng, ngưỡng cửa,... cũng hoàn toàn được dựng bằng đá, hai tòa Ống muống và Hậu cung đền An Xá còn 20 cột đá to, mỗi cột nặng hàng vài tấn. Những cột đá này được chạm khắc tinh xảo, bằng phương pháp thủ công truyền thống với những nét chạm rất nổi, vân rất sâu. Trên những phiến đá chạm khắc nhiều đề tài trang trí khác nhau với những nét chạm mềm mại, tinh tế như được vẽ trên vải lụa, tạo nên những tác phẩm mỹ thuật có sinh khí. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng, khác lạ làm nên giá trị đặc biệt cho toàn bộ công trình. Hiện nay, số lượng các di tích cổ, có giá trị được làm bằng chất liệu đá ở miền Bắc nước ta còn tương đối ít, chỉ còn lại một vài di tích nằm trên địa bàn các tỉnh như: Nam Định, Hà Nam hay Thái Bình. Tất cả những họa tiết, hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc tại đây đều được các nghệ nhân điêu khắc đá đương thời tạo tác công phu, cầu kỳ, tỷ mỷ, chau chuốt đến từng chi tiết.

Giá trị nghệ thuật tại đền An Xá còn được thể hiện thông qua những di vật tiêu biểu, quý hiếm, có một không hai hiện còn lưu giữ tại di tích như: Tòa tháp đất nung; Nhang án đất nung (mang phong cách Thế kỷ XVI - XVII); Khánh đá (thời Hậu Lê, niên hiệu năm Vĩnh Trị (1676); Chuông đồng (thời Hậu lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (1773), tượng thờ mang phong cách nghệ thuật Thế kỷ XVIII,... Đây là những di sản văn hoá vô cùng quý giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và tục thờ các vị thần tiên.

Về giá trị văn hóa: Đền An Xá là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Qua đó, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Nơi tuyên truyền, giáo dục mọi người dân về đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước để họ có ý thức bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hoá của cha ông ta. Giá trị văn hóa được thể hiện qua các nghi thức tế lễ, các tích trò được thực hành và diễn ra trong lễ hội. Hội đền An Xá vẫn luôn mang đậm tín ngưỡng dân gian, những yếu tố liên quan đến Đạo giáo vẫn tồn tại.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, đền An Xá cùng các di tích trong thôn đã từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và dân tộc, trở thành những địa chỉ đỏ lưu dấu chiến công của quân và dân ta: Nơi nuôi giấu, che chở cho các đồng chí cán bộ cách mạng về địa phương hoạt động được an toàn. Có thời điểm làm kho quân giới của Vệ Quốc Đoàn; nơi tổ chức các cuộc mít tinh lớn của toàn vùng; làm trụ sở làm  việc của UBND xã An Viên trong một thời gian dài; làm trường học cho con em trong làng,… Ngày nay, di tích được tu sửa khang trang, sạch đẹp, làm nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.

Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền An Xá đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

 

                                                                                    Khánh Chi (Theo hồ sơ di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa)

 

 

Liên kết website