Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Đền Đại Lộ, Thành phố Hà Nội

Đền Đại Lộ (còn gọi là đền Mẫu Đại Lộ, đền Lộ) thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Căn cứ vào một số hiện vật được lưu tại di tích niên đại từ thời Lê Trung hưng như sắc phong, chữ đề trên thượng lương Tiền bái... đền được tạo dựng từ thế kỷ XVII, khởi nguyên là ngôi đền thờ Thần - Tứ vị Thánh nương nhà Tống, tuy nhiên, toàn bộ bình đồ, kiến trúc, hệ thống điện thờ, đồ thờ, lễ hội, diễn xướng dân gian... gắn với ngôi đền đều thể hiện một ngôi đền thờ Mẫu Việt Nam.

Không gian kiến trúc tổng thể đền Đại Lộ có các công trình như: Nghi môn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Tiền bái, Phương đình, Trung cung, Hậu cung, hai nhà bia phía ngoài cổng mã, gác chuông, tả - hữu hành lang, lầu Cô, lầu Cậu...

Nghi môn đền Đại Lộ đồ sộ với hai trụ biểu lớn và hai trụ biểu nhỏ. Từ trụ lớn sang các trụ nhỏ được trổ hai cổng pháo nhỏ, chính giữa là một lối đi rộng. Các trụ biểu được tạo tác hết sức công phu, đỉnh trụ biểu lớn là long phượng quấn quyện vào nhau song đuôi vẫn chụm lại tạo thành hình hoa dành, xung quanh hoa dành lại có các dây leo, chim chóc làm tổ bám vào cụm dành khiến cho tạo hình của khối vật chất này hết sức phong phú và đặc biệt.

Hai trụ biểu hai bên thấp hơn một chút, đỉnh mỗi trụ đắp 1 con sấu bằng sành tráng men. Giữa hai trụ biểu ứng với hai bên là hai cổng tả - hữu, 4 mảng phù điêu mỗi bên 2 mảng lần lượt đắp 2 tích: Đường Tam Tạng thỉnh Kinh” và “Nhị sư lão để tướng quân”.

Đền thờ Đức Thánh Trần: là công trình mới được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng vào năm 1993, nhằm tạo nên chính thể không gian một ngôi đền Mẫu. Tòa nhà kết cấu chữ nhị, 3 gian tường hồi bít đốc kết hợp trụ biểu, lợp ngói ta, bên trong độ trấn vòm, ngoài mặt tiền gian chính giữa xây cách điệu một nghi môn.

Tiền bái đền chính: Nhà Tiền tế là một hạng mục lớn trong tổng thể di tích với kết cấu 7 gian, tường hồi bít đốc, bờ nóc kiểu bờ đinh, hai mái chảy lợp ngói ta. Vào bên trong, tương ứng với 7 gian là 6 bộ vì thống nhất theo kiểu thức: Thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ, bẫy hiên. Các cấu kiện được trang trí đơn giản, chủ yếu là soi gờ chỉ và bào trơn đóng bén, trên một số cấu kiện gỗ ở các bộ vì giữa có chạm hoa lá cách điệu, phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Nằm trên trục “thần đạo”, nối Tiền bái với Trung cung là Phương đình kết cấu theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đây là đơn nguyên có giá trị nổi bật nhất về mặt kiến trúc và điêu khắc tại di tích này với hai tầng mái, những góc đao cong uốn mềm mại; ở giữa nóc mái tầng 2 trang trí hình hổ phù đội mặt trời, hai đầu kìm là 2 con makara hóa rồng chầu vào và các góc đao là những con rồng uốn lượn. Bộ khung gỗ Phương đình kết cấu theo kiểu thức thượng cốn mê, hạ cốn mở trụ lửng. Ở các bức cốn các mảng chạm đề tài chim phượng, hoa dây cách diệu mềm mại với nét chạm tinh tế.

Nối hai gian hồi (dĩ) của Tiền bái, chạy dọc vào phía trong bao quanh Phương đình là hai dãy nhà Dải vũ. Đây là các kiến trúc có niên đại muộn, kết cấu 4 gian tường hồi bít đốc lợp ngói ta; bộ khung gỗ thống nhất theo lối thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ, thiên về bào trơn đóng bén, tạo sự khỏe khoắn cho công trình. Nhà Dải vũ bên phải, gian trong cùng là động Sơn Trang, có tượng Chúa Thượng Ngàn ngự trên đỉnh Động, phò tá là Thập nhị Tiên nàng. Cô Bơ Thoải ngự dưới và bên cạnh là ban thờ Chầu Bé. Nhà Dải vũ bên trái, gian trong cùng là ban thờ và tượng mẫu Thoải cùng hai vị hầu cận là Cô Quỳnh và cô Quế.

Trung cung đền Đại Lộ gồm 2 kiến trúc:

- Tòa trước có kết cấu 3 gian nối hai gian trong của 2 bên Dải vũ và bao quanh Phương đình, có niên đại ghi trên câu đầu là Khải Định 9 (1924), kết cấu theo kiểu thức tường hồi bít đốc, cốn mê trụ trốn. Đây là nơi đặt nhang án thờ Ngũ vị Tôn Ông.

- Tòa sau gồm 4 gian nổi trên câu đầu là Tự Đức thứ 32 (1870), với trước và nối với Hậu cung, niên đại ghi 1979, kết cấu theo kiểu thức tường hồi bít đốc, thượng chồng rường con nhị, hạ cốn. Nối tiếp vào chính giữa kiến trúc này, là 02 gian nhỏ (ăn vào Hậu cung) ngăn cách với Hậu cung bằng 2 lối đi nhỏ 2 bên và ở giữa là một cửa gỗ theo lối thượng song hạ bản. Tại đây, phía trước đặt kỷ thờ, là nơi đặt đồ lễ và hành lễ của các vấn hầu Thánh. Phía trên là một bức y môn gỗ và một bức của vòng chạm khắc tinh xảo, mang phong cách thời Nguyễn. Bên trong, sát với cửa ngăn và Hậu cung là nhang án, ban thờ và Khẩn thờ Quan lớn đệ Tam, ngự phía sau là Ngọc Hoàng và Nam Tảo, Bắc Đầu

Các mảng chạm ở Trung cung đền Đại Lộ tập trung vào đề tài hổ phù, hoa dây và hoa văn hình học cách điệu. Đặc biệt, hệ thống cột ở đây được sơn son tạo hoa văn “long đằng”.

Ngoài ra, ở vị trí tiếp giáp giữa Trung cung với Hậu cung đền Đại Lộ, tính về hai gian hồi của đơn nguyên vừa khảo tả trên, mỗi bên còn 2 gian nhỏ có kết cấu trần vòm. Đây là nơi đặt ban thờ: Chầu đệ Tứ Khâm Sai và Tứ phủ Thánh Cô (bên trái); Chầu đệ Nhị và Tứ phủ Thánh Cậu (bên phải).

Hậu cung: có kết cấu chữ Đinh, gồm:

- 3 gian chạy dọc, nối liền với 2 gian ngoài Trung cung, có bộ khung gỗ theo kiểu thức rất ít gặp, tạm gọi với khái niệm “Kèo vượt kẻ suốt” (hay “xà dọc kẻ suốt”), một biến thể kiến trúc gỗ vào thời Nguyễn muộn, xuất phát từ yêu cầu tận dụng không gian và tránh được hệ thống cột, rường. Tại đây, đặt nhang án gồm: kiếm thờ và long ngai bài vị của Tứ vị Thánh nương đều mang phong cách Nguyễn.

- 3 gian nằm ngang trong cùng thông với “ống muống” qua hai cửa nhỏ trổ hai bên, chính giữa là cửa thờ, phía trên cùng là bức hoành phi “Triệu Thánh nương”, phía dưới là bức cửa võng nhỏ. Đây chính là Cung cấm đền Đại Lộ, kết cấu theo kiểu thức tường hồi bít đốc, lợp ngói ta; bộ khung quá giang trụ trốn, thiên về bào trơn đóng bén. Đây là nơi đặt nhang án, bát hương và khám thờ Tứ vị Thánh nương.

Điểm đáng chú ý ở Cung cấm đền Đại Lộ là:

+ Cỗ khám thờ bên trong đặt tượng Tứ vị Thánh nương. Khảm có kết cấu và trang trí đẹp, tinh xảo, mang phong cách điêu khắc thời Nguyễn. Trong cùng và ngự cao hơn là Tượng Thái Hậu, ngài mặc áo Vàng; 3 vị Công chúa ngự ngoài, có kích thước bằng nhau và bằng tượng Thái hậu, lần lượt mặc áo đỏ, áo xanh và áo trắng.

Trang trí kiến trúc trên bờ nóc: Cả bờ nóc là một chiếc thuyền; chính giữa là một đôi cá chép hóa rồng, đuôi vểnh ở hai đầu kìm là hình tượng chú nghê gánh mũi thuyền, mặt ngoảnh chầu vào cung cấm, đuôi bám lực tì vào bờ chảy được cách điệu thành một bờ hoa rất mềm mại.

Đền Đại Lộ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 3095/QĐ-BVHTTDL ngày 23/9/2014./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website