Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đền Thi Liệu, tỉnh Nam Định

Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử, Hán Nôm lưu giữ tại di tích và truyền thuyết địa phương, đền làng Thi Liệu thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ - vị tướng theo Dương Đình Nghệ dấy binh đánh đuổi Thứ sử Giao Châu Lý Tiến, đoạt chức Tiết độ sứ và cùng Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh (thế kỷ X), được phong chức Thân vệ Đại tướng quân. 

Công trình kiến trúc ngôi đền hiện tồn mang dấu ấn của thời Hậu Lê, Nguyễn. Tại tòa Hậu cung của đền còn lưu giữ một số cấu kiện gỗ, cùng các đề tài trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII.

Đền làng Thi Liệu được xây dựng quay về hướng Nam, trong khuôn viên rộng 1.174m2, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm: Tiền đường và Hậu cung.

Tòa Tiền đường dài 13m, rộng 4,50m được phân bổ thành 3 gian. Nền lát bằng gạch đỏ, cao hơn mặt sân 0,50m. Phần hiên rộng 2,28m bó hoàn toàn bằng gạch thất vuông 0,40m x 0,40m.

Trên cột cái gian bên của tòa Tiền đường ngôi đền có khắc dòng chữ Hán cho biết niên đại xây dựng và trùng tu của công trình như sau: “Gia Long Kỷ Mão tân tạo, Bảo Đại Tân Mùi lục niên trùng tu” (Nghĩa là: Năm Kỷ Mão triều vua Gia Long (1819) dựng mới, đến năm Tân Mùi triều vua Bảo Đại năm thứ 6 (1931) tu sửa).

Bộ khung Tiền đường dựng bằng gỗ lim, nâng đỡ 4 bộ vì mái là 16 cây cột, trong đó 8 cột cái đường kính 0,30m và 8 cột quân đường kính 0,25m. Tất cả các cột đặt trên các chân tảng đá hình vuông, tạc nổi gương tròn.

Tòa Hậu cung đền được xây xoay dọc giao mái với Tiền đường, gồm 3 gian, phần nền được tôn cao hơn Tiền đường 0,10m, lát gạch đỏ.

Bộ khung công trình được thiết kế kiểu tứ trụ, gồm 2 cột cái và 2 cột quân vói 4 bộ vì sắp xếp theo trình tự từ ngoài vào trong. Bộ vì thứ nhất được liên kết với cột cái của gian giữa Tiền đường qua cấu kiện kẻ xối kiểu cổ ngỗng tạo nên bộ vì chồng rường, câu đầu, trụ non. Chính giữa bộ vì là bức đại tự với 3 chữ Hán: “Tối linh từ” (Ngôi đền thờ Thần rất linh thiêng). Phía trên là các cấu kiện câu đầu và các con rường đỡ hệ thống hoành của bộ mái. Đây là hạng mục còn lưu giữ được nhiều cấu kiện mang phong cách của thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.

Với giá trị tiêu biểu trên, đền Thi Liệu, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3236/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website