Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đền thờ Nguyễn Liên, tỉnh Hà Tĩnh

Nguyễn Liên (hiệu Trạc Phong, tên Huy Lộ) sinh năm Giáp Thân (1824), dự thi và đỗ Cử nhân kỳ thi Hương (Ân khoa) tổ chức tại Nghệ An vào năm Tự Đức thứ nhất (1848).

Mười năm sau khi đỗ Cử nhân, khi đã 35 tuổi, Nguyễn Liên mới được triều đình bổ nhiệm làm quan, chức vụ đầu tiên là Kiến văn ở Viện Tập Hiền. Sau đó, Nguyễn Liên lần lượt trải qua các chức vụ: Huấn đạo huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (1866), Quyền Nhiếp huyện Nghi Lộc, Nghệ An (1869); Tri huyện Bố Trạch, Quảng Bình; Biên Tu Quốc Sử quán (1873), Tri phủ Bình Giang, Hải Dương (1881). Năm Tân Tỵ (1881), khi đang giữ chức Tri Phủ phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Ông được triệu về kinh đô Huế và bổ nhiệm chức Tế tửu Quốc Tử giám và đến năm 1883 được thăng Hồng Lô Tự khanh kiêm chức Tế tửu.

Năm 1884, Nguyễn Liên được triều đình giao giữ chức Phủ Doãn Thừa Thiên, Ông đã kiến nghị lên Vua Tự Đức về việc tuyển lựa, sắp xếp phân bổ quân sĩ trong việc canh phòng, đảm bảo trị an của phủ Thừa Thiên và khu vực xung quanh kinh thành Huế.

Năm 1886, vùng đất Hà Tĩnh mất mùa đói kém, nhân dân nhiều nơi nổi dậy, Tuần phủ Hà Tĩnh là Vũ Khoa tâu trình với triều đình rằng: Hạt Hà Tĩnh hiện nay chưa được yên ổn tất cả, việc tuần phòng không thể sơ khoáng chút nào. Trước tình hình đó, Nguyễn Liên với uy tín của mình đã được triều đình cử về quê để phủ dụ các thân hào và đảm bảo trị an, thời hạn trong năm tháng.

Trải qua 40 năm quan trường, Ông vẫn luôn một lòng trung kiên, qua các chức vụ từng đảm trách có thể thấy những đóng góp của Ông cho đất nước, trong đó nổi bật là lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân tài.

Năm Kỷ Dậu (1909), Nguyễn Liên qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Sau khi Ông mất con cháu và dân làng lập đền thờ để thờ phụng và tôn vinh công trạng, gọi là “Trạc Phong Nguyễn Công Từ” (Đền thờ ông Nguyễn, hiệu Trạc Phong).

Đền thờ Nguyễn Liên nằm trong khu dân cư đông đúc, trù phú tại thôn Thanh Đồng, trên thửa đất số 86, tờ bản đồ số 21, diện tích 241,5 m2.

Đền thờ hướng mặt về Đông Bắc, bao gồm các công trình: cổng, sân, tắc môn và đền thờ chính. Hệ thống cổng và tường rào bao quanh được xây bằng gạch, xi măng đơn giản, với hai trụ cổng. Bên cạnh là nhà Bia xây bằng gạch xi măng, trang trí rồng chầu nguyệt.

Đền thờ được làm bằng gỗ chia làm 3 gian, 3 phía xây tường gạch, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí rồng chầu mặt nguyệt, mây lửa uốn lượn ở đầu đao. Công trình có diện tích sử dụng 44 m2 (6,890m x 6,450m); Chiều cao tính từ mặt nền đến thượng ốc là 4,750m. Hai đầu hồi xây bít đốc. Mặt trước xây bốn trụ đỡ tạo mái hiên rộng, nền nhà lát gạch đỏ. Tường nhà phía trước và phía sau có kích thước: cao 2,50m; dày 0,15m. Cấu trúc đền được chia thành 3 gian, các bước gian có kích thước: Gian giữa 2,20m x 4,350m; Hai gian hai bên: 2,10m x 4,350m. Phía trước trổ ba cửa bằng gỗ lim kiểu pa nô truyền thống. Hai bên trụ của gian giữa có khắc đôi câu đối.

Đền thờ Nguyễn Liên có quy mô nhỏ, kiểu dáng kiến trúc đơn giản, các hạng mục di tích đều nằm trong khuôn viên tường bao khép kín, thuận tiện cho việc bảo quản hiện vật và tu bổ, tôn tạo di tích.

Đền thờ Nguyễn Liên được dòng họ và nhân dân xây dựng để tưởng niệm và thờ phụng người con đã làm rạng danh quê hương Kiệt Thạch, huyện Can Lộc. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần khổ học lập thân, một vị quan thanh liêm, chính trực, tận hiếu với quê hương đất nước. Nguyễn Liên không chỉ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, mà gia đình ông đã nuôi dưõng nên những nhà khoa bảng, nhân tài đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình, quê hương đã rèn đúc nên nhân cách và tấm gương sáng cho người đời noi theo. Ngoài ra tại di tích đang lưu giữ các hiện vật như: câu đối, đại tự, gia phả,văn bia các đồ tế khí… là cơ sở cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất có truyền thống học hành khoa bảng của quê hương Can Lộc.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Đền thờ Nguyễn Liên, tỉnh Hà Tĩnh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3231/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website