Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Công Thái, thành phố Hà Nội

Nguyễn Công Thái sinh ngày mùng Một tháng 10 năm Giáp Tý (1684) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Đàm, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 18 tuổi (1702), thi đỗ Giải nguyên. Năm 31 tuổi (1715), Nguyễn Công Thái đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, khoa thi Ất Mùi, sau đó được triều đình bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử Nghệ An, Giám sát ngự sử Thanh Hóa, Đốc đồng Hải Dương, Tham chính Kinh Bắc. Năm 1724, được điều về Kinh, thăng chức Đông Các Hiệu thư. Năm Bảo Thái thứ 9 (1728), Nguyễn Công Thái tuân chỉ nhà vua tới Tuyên Quang (núi Tụ Long) để giải quyết việc cắm mốc biên giới với Bắc triều (nhà Thanh). Lần đi này, Ông đã mang về cho đất nước phần đất có các mỏ khoáng sản (mỏ đồng Tụ Long), lấy lại được 40 dặm. Cũng năm đó, Ông đỗ khoa Đông Các, được Vua phong thưởng kiêm chức Đông các Hiệu thư, thăng chức Ngự sử phó đô Kim lãnh bá. Năm Quý Sửu 1733, thăng chức Tả thị lang bộ Công, nhập bồi tụng, sau đó được thăng Binh bộ Thị lang. Năm 1735, thăng chức Tả thị lang bộ Lại, đồng thời phụng mệnh đến Lạng Sơn tuyên dụ bọn giặc cỏ làm phản phải quy hàng. Năm Canh Thân (1740), bọn nịnh thần trong triều làm loạn, chúa Trịnh Giang ăn chơi sa đọa, đời sống nhân dân lầm than đói khổ. Nguyễn Công Thái bí mật cùng một số đại thần như Nguyễn Quý Kính, cùng Thái phi Vũ Thị đưa chúa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang. Năm Tân Dậu (1741), phụng lệnh tới Thanh Hóa quản nội trấn cơ đánh giặc được phong tước Quận công. Năm Nhâm Tuất (1742), thăng chức Thượng thư bộ Binh, hộ giá chinh phạt phía Nam dẹp giặc, bảo vệ chủ quyền đất nước, được ban Quản Tiền xa đội hầu kiệu võng. Năm Quý Hợi (1743) được thăng Thượng thư bộ Lễ, vâng chỉ ra Sơn Nam đánh giặc Hoàng Công Chất, dẹp Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển ở Hải Dương.

Nguyễn Công Thái qua đời ngày 21 tháng 11 năm đó (1758), hưởng thọ 74 tuổi.

Nguyễn Công Thái là một vị quan mẫn cán, chính trực, thanh liêm, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên làm trọng. Ông tận tuỵ phục vụ 4 đời vua Lê - chúa Trịnh. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao. Những việc làm của Nguyễn Công Thái không chỉ được sử sách nghi nhận mà người đời sau hết lòng kính trọng và ca ngợi. Đánh giá về ông, nhà sử học Phan Huy Chú từng viết: “Tính ông trong sạch, giản dị, thẳng thắn có công to lập nhà Chúa, được Ân Vương rất tin cậy, quý trọng”.

Trải qua hơn 40 năm làm quan, sau nhiều lần giáng chức rồi lại phục chức vào những năm 1740, 1742, 1744, 1746, 1747. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào nhưng Nguyễn Công Thái vẫn giữ khí tiết của một nhà nho trung quân ái quốc, liêm khiết và hết lòng thương dân. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử đất nước, góp phần ổn định vương triều Lê - Trịnh, giữ yên kỷ cương phép nước thể các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...

Đền thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái toạ lạc trong con ngõ nhỏ số 25, tổ 26, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, với diện tích 418,4m2. Ngôi đền trông ra hướng Tây, trước mặt là đường đi, phía sau và hai bên tiếp giáp với khu dân cư. Theo gia phả họ Nguyễn, ngôi đền được chúa Trịnh Sâm cho xây dựng vào năm Mậu Dần (1758), triều vua Lê Hiển Tông để báo hiếu với Thầy. Từ năm Chiêu Thống thứ 3 (1788), ngôi nhà được dòng họ Nguyễn lập làm từ đường. Gian giữa thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái, gian bên phải thờ trưởng họ và gian trái thờ ngoại tổ.

Sau này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp là cháu đời thứ 4 của cụ Nguyễn Công Thái đã cho xây dựng thêm tòa Phương đình phía trước đền thờ. Năm 1888, đền thờ được trùng tu. Dấu vết của lần trùng tu này hiện còn lưu trên thượng lương nhà Phương đình với dòng chữ “Đồng Khánh tam niên tuế tại Mậu Tý quý đông” (tháng 12/1888). Tổng thể mặt bằng gồm: cổng đền, phương đình, đền chính, Tả mạc (nhà thờ Hậu), Hữu mạc (nhà thờ chi trưởng họ Nguyễn). Hệ thống di vật gồm hoành phi, câu đối, cửa võng, khám thờ, long ngai, hương án, bát hương, mâm bồng, đài nước, bi ký được tạo tác công phu. Đặc biệt là 3 tấm bia đá, trong đó có bia “Nguyễn Tướng Công từ” dựng năm Chiêu Thống thứ 3 (1788), được tạc bằng đá xanh, nét chữ khắc còn rõ, hoa văn sắc sảo. Nội dung bia về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng Nguyễn Công Thái.

Lăng mộ Nguyễn Công Thái hiện nay tọa lạc tại cánh đồng Sở Sơn, trung tâm 3 xã Kim Lũ, Thanh Liệt và Triều Khúc trong khu nghĩa trang Tam Kim, thuộc huyện Thanh Trì (cách Đền thờ khoảng 2km) với diện tích khoảng hơn 500m2. Xưa kia đây là cánh đồng 100 mẫu mà nhà Chúa đã ban tước lộc cho Nguyễn Công Thái khi về trí sĩ tại quê nhà. Số ruộng này, cụ đã chia cho dân 3 xã canh tác. Khi mất, để nhớ công ơn cụ, mộ cụ được táng tại đây, vào các ngày tuần tiết, dân trong vùng lại đến lễ bái, kính cẩn. Lăng mộ cụ được đặt theo hướng Tây Nam trông ra khu hồ nước, gồm: cổng, Am thờ, nhà Bia, Mộ phần và Am tưởng niệm.

Với những giá trị nêu trên, Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Công Thái, thành phố Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1990/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

 

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website