Ngày 16 tháng 4 năm 2025
Liên kết website

Đền Xám, tỉnh Nam Định

Đền Xám (còn gọi là đình Xám, đình Hát) tọa lạc tại thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Căn cứ vào thần tích, thần sắc, câu đối và nội dung cuốn ngọc phả “Sứ quân Bố hải khẩu Trần Minh Công” hiện đang lưu giữ tại di tích, đền Xám thờ Phụ Dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công (sứ quân Trần Lãm), được khởi dựng từ thờ Đinh (thế kỷ X). Tuy nhiên, hiện nay không còn vết tích của thời kỳ này, dựa vào kết quả khảo sát, dấu vết, phong cách kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc trên các cấu kiện kiến trúc, đặc biệt là bức y môn tại cửa giữa tòa Hậu cung cho thấy Đền Xám có lịch sử xây dựng từ thời Mạc, thế kỷ XVI.

Phía trước đền có hồ nước rộng, là nơi diễn ra lễ hội bơi chải nổi tiếng của làng. Đền Xám nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, từ cổng vào đến Nghi môn, chia thành các ô trồng cây cảnh trang trí. Nghi môn kiểu tứ trụ kết hợp dạng cổng mái. Hai gác chuông xây kiểu 3 tầng mái. Thẳng trục mỗi bên gác chuông là hai dãy giải vũ. Đình Hát có mặt bằng hình vuông, kiến trúc 2 tầng mái. Đền chính có bố cục mặt bằng hình chữ công gồm: Tiền đường 3 gian 2 chái, Trung đường 3 gian quay dọc, Hậu cung 3 gian và các công trình phụ trợ.

- Nghi môn: gồm 3 cửa ra vào, cổng chính giữa rộng 3,46m, cấu tạo bởi 02 cột đồng trụ cao 6,2m, chân đế cao 0,80m đắp hình cổ bồng, thân trụ là một khối cạnh vuông, tạo gờ chỉ, giữa nhấn nổi câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của Thành hoàng Trần Minh Công và sự linh ứng của ngôi đền. Đỉnh trụ tạo lồng đèn, phía trên đắp 04 hình phượng, mặt quay ra 4 phía. Cổng phụ cách cột đồng trụ khoảng 05m, nối với nhau bởi bức tường cao 2,46m, đỉnh lợp giả ngói ống, hai mặt tường đắp hình ngựa (phía trong) và voi (phía ngoài). Cổng phụ rộng 0,74m, cao 3,07m hai bên xây theo kiểu cổ đẳng, 2 tầng 8 mái lợp giả ngói ống, phần cổ đẳng nối giữa mái tầng trên và tầng dưới nhấn chữ Hán: “Công ư quốc” (Có công với nước) cổng bên phải, “Đức ư dân” (Để đức cho dân) cổng bên trái. Ngoài cùng là hai trụ góc có hình dáng tương tự như hai cột đồng trụ nhưng kích thước nhỏ hơn. Hai trụ góc này một cạnh nối với hai cổng phụ bởi bức tường hoa cao 1,5m, dài 2,7m còn một cạnh nối với hệ thống tường gạch xây bổ trụ bao quanh tạo quy mô khép kín bảo vệ công trình.

- Gác chuông: nằm sát tường hồi giải vũ, phía trước đình Hát thiết kế theo kiểu 2 tầng mái. Tầng 1 mái cuốn vòm, dưới chia thành 3 khoang cửa. Tầng 2 kết cấu tương tự nhưng nhỏ hơn. Phần cổ đẳng nối mái tầng 1 với tầng 2, bên phải đắp nổi chữ Hán: “Dương tại thượng” (Mênh mang ở trên) và cổ đẳng bên trái đắp nổi 3 chữ Hán: “Ngưỡng di cao” (Ngửa trông lên thấy càng cao). Mái 2 tầng, đắp vữa giả ngói ống, đao góc đắp trang trí vân cuộn. Chiều cao gác chuông tính từ nền lên đỉnh mái giữa là 7,11m, mái 2 bên là 5,79m. Mỗi bên gác chuông treo một quả chuông đồng, quả bên trái đền khắc chữ “Lạc Đạo từ chung” (Chuông chùa Lạc Đạo) đúc năm Thành Thái 11 (1899).

- Đình Hát: Tên gọi đã phần nào phản ánh chức năng của đình, vốn là nơi tổ chức các cuộc hát chèo, hội thi hát trong làng. Về kiến trúc, đình Hát được xây dạng cột trụ, cuốn vòm, 2 tầng mái kết hợp với vì kèo ở bên trong. Mặt bằng đình hình vuông diện tích 10,20m x 10m, gian giữa rộng 5,30m, hai gian hồi mỗi gian rộng 2m. Mái vòm trên thiết kế kiểu kèo cột trụ, gác trên trụ tường. Mái dưới, xây dạng cuốn vòm kết hợp với xà nối giữa cột trụ trong và tường. Đỉnh cao nhất của mái trên là đấu trụ cao 9,68m. Mái trên lợp ngói di, mái dưới đã thay thế một phần lợp bằng ngói vảy cá.

Toàn bộ cột trụ 4 mặt ngoài của đình Hát được liên kết với nhau bởi hệ thống tường gạch tạo thành 12 khoang cửa ra vào và 8 ô cửa sổ. Tất cả các khoang cửa đều để thông không lắp cửa, tạo cho đình Hát sự thông thoáng. Giữa đình bày một bàn thờ, phía trên treo hoành phi ghi 4 chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế”. Hai bên đặt hai bàn sắp lễ và giá đồ tế khí cùng giá chiêng và giá trống.

- Giải vũ: dựng vào đầu thế kỷ XX, là nơi tiếp khách, sắp lễ. Đặc biệt, ở tường hồi trái mỗi bên giải vũ, xây giật vào trong, tạo một khám thờ nhỏ. Giải vũ là nơi thờ công đồng và các vị chức sắc có công với đền, có kiến trúc đối xứng, mỗi bên 5 gian, diện tích 12m x 4,14m, được xây dạng tường hồi bít đốc. Bộ khung kết cấu của công trình này có chung một kiểu thức: vì kèo - cột trống - tay đòn ngang và đều được dựng trên 2 hàng chân cột. Tất cả gồm 12 cây cột có kích thước cao 2,67m, đường kính 0,20m được làm theo thế thượng thu hạ thách, đặt trên chân tảng đá vuông tạc nổi gờ tròn. Giải vũ kiến trúc tường hồi bít đốc, kiểu giật cấp tay ngai. Phía trước để thoáng. Riêng dãy bên trái, do một phần để cất giữ và bảo quản đồ thờ tự nên hai gian bên và hồi trái bao vách. Mái giải vũ đều dạng 2 mái (mái trước, mái sau) được lợp ngói nam, bên trên xây bờ nóc, bờ bảng theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

- Tiền đường: 3 gian, 2 chái, dài 10,07m, rộng 5,60m, có niên đại từ thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XX.

Bộ khung tòa Tiền đường được tạo bởi sự liên kết của 6 bộ vì, mỗi bộ vì được liên kết giữa cột, vì nóc, vì nách và vì hiên. Nâng đỡ các bộ vì là 20 cây cột, gồm 12 cột cái, 4 cột quân, 4 cột hồi ca. Toàn bộ hệ thống cột gỗ gia công theo thế thượng thu hạ thách, phần chân cột được đặt trên chân tảng đá vuông, giữa tạc nổi gờ tròn.

Tòa Tiền đường sử dụng hình thức bẩy ở gian hồi, kẻ ở gian giữa và hai gian bên. Bẩy hiên ăn mộng từ cột quân, khoét mộng đỡ dạ tàu mái, làm nhiệm vụ đỡ 2 hoành mái. Kẻ ăn mộng từ cột cái xuyên qua cột quân và đỡ dạ tàu. Trên lưng kẻ là ván dong khoét mộng đỡ hoành mái. Ở một số vị trí hiên (giáp với kẻ hiên gian giữa) Tiền đường có sử dụng then tàu. Phía trước là hệ thống cửa ra vào gồm 03 khoang (01 khoang cửa gian giữa và 02 khoang cửa bên). Tuy nhiên, cửa giữa không làm lối đi (đặt sát phía trước cửa giữa là một ban thờ) mà cửa hai gian bên làm lối ra vào chính. Hai gian chái bưng một bức vách kín, giữa bức vách tạo một khoang cửa sổ giả, chia thành 9 ô hình vuông và hình chữ nhật xen kẽ nhau, ô chữ nhật tại vị trí trung tâm cửa sổ lắp chấn song con tiện, còn 9 ô xung quanh gắn những mảng phù điêu chạm khắc nhiều đề tài tứ linh, tứ quý,...

Hệ mái: Do mái Tiền đường nối với mái Trung đường, sử dụng kết cấu 1 tầng 3 mái, hai mặt mái trước, sau cân xứng, mái trước làm nhiệm vụ đỡ 8 khoảng hoành mái, mái sau ngắn hơn với 7 khoảng hoành. Đường bờ nóc đắp trang trí hình rồng chầu mặt trời, nghê chầu, kìm nóc cũng đắp trang trí hình rồng ngậm đường bờ mái. Các góc đao đều đã bị hạ phần cong ngắn lại, đắp trang trí hình rồng.

Bài trí nội thất: Phần hiên hồi, đặt hai tượng ngựa thờ chầu vào giữa. Phía trong, thẳng theo trục thần đạo, bài trí nội thất liền mạch với Trung đường, chia làm hai lớp thờ tự. Lớp thứ nhất nằm trong khoảng giữa cột cái, lớp thứ hai từ cột quân sau. Theo trục ngang, ở gian giữa đặt ban thờ, hai gian bên thấp hơn, đặt ban thờ nhỏ tượng Quan hầu.

- Trung đường: sử dụng liên kết dạng cốn mê, tương tự như ở vì nóc. Trong khoảng tam giác vuông của vì nách được tạo bởi xà nách ăn mộng từ cột cái và gác trực tiếp trên tường hồi, ba tấm ván ken khít lên nhau, cạnh huyền khoét mộng đỡ hoành mái. Tại vì nách cũng trổ một hình chữ nhật giữa xà nách và lưng cột cái. Trung đường xây tường bao hai bên, phía trước để thoáng nối với tòa Tiền đường, phía sau ngăn với Hậu cung bằng hệ thống cửa gỗ.

Trung đường thờ dọc, phân 2 lớp thờ, mỗi lớp đặt 1 ban thờ nằm trong lòng hai cột cái. Bàn thờ gian thứ nhất, đặt 1 hương án gỗ, phía trên bày các đồ thờ tự như bát hương, đỉnh thờ. Gian thứ hai, trên bệ thờ đặt 2 ngai thờ lớn, chiều cao gần tới dạ câu đầu. Trên 2 cột cái gian ngoài cùng treo câu đối. Ngoài ra, phần tường vẽ trang trí hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng).

- Hậu cung: chia thành 3 gian. Ngăn cách giữa trung đường và hậu cung là hệ thống cửa bức bàn. Trung đường kiến trúc thờ dọc, hậu cung kiến trúc quay ngang, tạo thành hình chữ “ (công). Có 2 cửa ngách hai chái dẫn vào Hậu cung. Cũng giống như cửa giữa Tiền đường, cửa giữa Hậu cung là dạng cửa trang trí, người dân có thể bái vọng từ ngoài vào. Hậu cung giống như một khám thờ kín. Ở gian giữa Hậu cung, có một bệ thờ, bên trên đặt khám thờ bằng gỗ, cao lên tới sát dạ câu đầu, phía trong đặt tượng Thành hoàng Trần Minh Công. Hai bên khám thờ đặt giá đựng đồ tế khí.

Hệ mái: Mái Hậu cung quay ngang, nối vuông góc với mái Trung đường, kết cấu kiểu 1 tầng, 4 góc hồi, có đao, lợp ngói di. Điểm cao nhất của mái Hậu cung là đỉnh hai kìm nóc cao 6,50m.

Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đền Xám đặc sắc ở cả hai loại hình: trang trí bên ngoài thể hiện bằng kỹ thuật đắp vữa, chủ yếu được làm vào giai đoạn gần đây (nửa đầu thế kỷ XX) và trang trí bên trong thực hiện bằng kỹ thuật chạm lộng, thủng, kênh bong trên các cấu kiện gỗ và một số đồ thờ tự có phong cách nghệ thuật từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX, với nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc vùng Nam Định và đồng bằng Bắc Bộ.

Hàng năm kỷ niệm ngày sinh (18 tháng Tám Âm lịch), ngày mất (10 tháng Mười Âm lịch) của Sứ quân Trần Minh Công đều được tổ chức long trọng.

Với những giá trị đặc biệt trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 152/QĐ-TTg, ngày 17/01/2025.

Tuyết Chinh

(Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website