Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Di sản Mo Mường, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam được đưa vào Danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ trình UNESCO

Ngày 09 tháng 6 năm 2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4591/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.

Theo đó, đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể: Mo Mường, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào các Danh sách thuộc Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Mo Mường có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Mường, thể hiện nhận thức hồn nhiên, hoang sơ về thế giới và xã hội của họ từ thuở bình minh của nền văn minh lúa nước; phản ánh đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử với tự nhiên và ứng xử giữa con người với con người trong cộng đồng, đặc biệt là mối liên hệ giữa thế giới của người sống với thế giới của thần linh và những người đã khuất, tạo nên đặc trưng của văn hóa Mường. Mo Mường còn là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc biệt, có giá trị cân bằng đời sống tâm linh và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam thể hiện tín ngưỡng thờ Bà, biểu tượng “Mẹ Đất” - bà Mẹ xứ sở, là điểm hội tụ tinh thần/niềm tin của lớp người đi khai hoang mở đất. Lễ hội chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, giao lưu, hội nhập cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự, tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước; vừa hài hòa, kế tục trong quan hệ cộng đồng, vừa bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo. Lễ hội Vía Bà chúa Xứ đã tạo ra sức mạnh cố kết các cộng đồng tộc người trong khu vực, tránh hiện tượng xung đột sắc tộc và tôn giáo, tín ngưỡng.

Việc mở rộng danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ trình UNESCO là tiếp tục thực hiện có hiệu quả và kế hoạch đối với các hoạt động bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc ở phạm vi quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút khách du lịch và đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng ở các địa phương./.

 

Dương Anh

Liên kết website