Ngày 28 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Di tích 5D phố Hàm Long - Hà Nội, nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam

Ban biên tập Website: hưởng ứng và tuyên truyền các hoạt động Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), BBT giới thiệu đến bạn đọc bài giới thiệu về Di tích 5D phố Hàm Long - Hà Nội, nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.

1. Sự kiện lịch sử gắn với di tích

Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và giai cấp vô sản trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, từ những năm 20, giai cấp công nhân Việt Nam đã hình thành và ngày càng khẳng định vị trí của mình, xuất hiện những cuộc đấu tranh mang tính chất tự phát. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản, Người chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Năm 1925, lập ra tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, Tổ chức nhanh chóng lan rộng trong cả nước nhất là ở Hà Nội. Từ năm 1927, Hà Nội thành lập Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư. Phong trào “Vô sản hóa” do Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đề xướng được hưởng ứng và lan rộng sâu trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ…

Nhà số 5D phố Hàm Long. Ảnh: baotanglichsu.vn

Cuối năm 1928, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội thuê ngôi nhà 5D phố Hàm Long, với địa thế rất thuận lợi cho việc làm trụ sở hoạt động bí mật (Nhà 5D phố Hàm Long nằm trong 4 số nhà liền nhau, 5A, 5B, 5C, 5D, có bề mặt ngoài tương đối giống nhau. Riêng nhà 5D có lợi thế là một bên giám một ngõ hẻm - thông suốt sang phố Lê Văn Hưu, khi có động, người trong nhà có thể vượt tường sang ngõ phố Lê Văn Hưu).

Tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, thảo luận của các đồng chí trong tổ chức cộng sản, xoay quanh vấn đề phải tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng, dần đi đến thống nhất về tư tưởng và phương hướng hoạt động.

Vào một ngày cuối tháng 3/1929, một cuộc họp quan trọng giữa những người tích cực trong Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã được tổ chức ở ngôi nhà số 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân; Đồng chí Trần Văn Cung làm Bí thư.

Chi bộ khẳng định, việc lập tổ chức cộng sản này chỉ là hạt nhân để xây dựng Đảng Cộng sản sau này và xác nhận rằng, vai trò của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên trước đây là cần thiết, nhưng đến giờ không còn đủ sức lãnh đạo phong trào nữa, do đó cần giải thể và thành lập một chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản, đó là Đảng Cộng sản. Chi bộ đề ra nhiệm vụ:

- Đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra Đại hội Đại biểu thanh niên Bắc Kỳ lần 2 vào ngày 28/03/1929 để vận động các đại biểu tán thành;

- Vận động các đại biểu địa phương bầu những đồng chí trong Chi bộ là đại biểu đi dự và đưa vấn đề thành lập Đảng ra bàn ở Đại hội Thanh niên toàn quốc;

- Chi bộ có trách nhiệm thông qua kỳ bộ thanh niên lãnh đạo các phong trào và phát triển tổ chức công hội, nông hội, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản;

- Chi bộ Cộng sản phải giữ bí mật để phát triển thêm những đảng viên, thành lập các tổ và chi bộ khác ở các tỉnh;

Cũng tại đây, các đồng chí trong nhóm đã ra tuyên ngôn, điều lệ của tổ chức, viết truyền đơn, kêu gọi công nông đấu tranh, quyết định xuất bản báo chí của Đảng, dịch các tài liệu về cách mạng tháng Mười Nga gửi về các địa phương và xúc tiến công tác phát triển cơ sở Đảng,…

Có thể nói, “Chi bộ Cộng sản thành lập ở Bắc kỳ tháng 3/1929 là một thắng lợi đầu tiên của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với quan điểm tiểu tư sản thành lập một Đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nó chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đang mạnh mẽ vươn lên giành quyền lãnh đạo cách mạng. Nó là cơ sở cho sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng sau này” (Những sự kiện lịch sử Đảng, tập I, BNC LSĐ Trung ương, Nxb. Sự thật, Hà Nội năm 1976).

2. Ý nghĩa và giá trị của di tích:

Di tích lưu niệm 5D Hàm Long và những hiện vật trưng bày trong đó đã khẳng định sự kiện lịch sử: thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Nhà lưu niệm phục vụ đông đảo quần chúng, khách đến tham quan, gồm nhiều đối tượng: các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lão thành cách mạng, cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước.

Di tích nằm ngay trung tâm của Thủ đô của cả nước, khẳng định Hà Nội là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi nhất và cũng khó khăn nhất đối với những phong trào cách mạng Việt Nam. Sự hiện diện của di tích đã đánh dấu một thời điểm vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam - thời điểm cả nước sôi sục trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản và thắng lợi của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản.

Với những ý nghĩa và giá trị nói trên, ngôi nhà 5D phố Hàm Long đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích quốc gia theo Quyết định số 29 - VH/QĐ ngày 13/01/1964. Nơi đây được xem là địa chỉ đỏ khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của dân tộc, tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Phạm Khánh Trang

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website