Ngày 9 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Di tích An toàn khu II Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang

Di tích An toàn khu II Hiệp Hoà (viết tắt là: ATK II Hiệp Hòa) thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Di tích gồm 8 địa điểm: Nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà ông Nguyễn Văn Chế, nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), Soi Đền, đình Vân Xuyên, đình Chợ Vân, đình Xuân Biều và chùa Y Sơn.

Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATK II của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với vùng trung du và đồng bằng, cửa ngõ quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc với các cơ sở và phong trào cách mạng ở miền xuôi. Như vậy, ATK II không những là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý mà nơi đây còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với một thế trận lòng dân vô cùng vững chắc. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, gắn với mỗi gia đình, người dân và trong di tích ATK II Hiệp Hòa. Tiêu biểu trong số đó bao gồm:

1. Địa điểm nhà ông Ngô Văn Thấu (xã Hoàng Vân) - cơ sở cách mạng đầu tiên của ATK II Hiệp Hoà

Nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), là gia đình nhà nho uyên thâm, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, được các đồng chí lãnh đạo giác ngộ trở thành một đầu mối quan trọng trong hoạt động cách mạng ở vùng Hiệp Hòa. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Hoàng và một số đồng chí cán bộ lãnh đạo cách mạng đã coi gia đình cụ là nơi tin cậy để đi lại hoạt động. Các con của cụ: Ngô Văn Đán, Ngô Tuấn Tùng, Ngô Duy Phương đều sớm giác ngộ cách mạng và sau này đều là những cán bộ cao cấp của Đảng....

2. Chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn) - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết tuyên truyền cách mạng ngày 22/2/1940

Ngày 16 tháng 2 năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Hoàng Vân được thành lập do đồng chí Lê Hoàng - Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ làm Bí thư - đây là một mốc son trên chặng đường đi lên của phong trào cách mạng ở huyện Hiệp Hoà. Vừa mới ra đời, Chi bộ Đảng Hoàng Vân đã có những hoạt động gây tiếng vang và niềm tin trong nhân dân. Điển hình là cuộc diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng tại chùa Y Sơn (thuộc xã Thù Sơn, tổng Quế Trạo, nay thuộc xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà) vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 (tức ngày 15 tháng Giêng Âm lịch), ngày hội lệ thường niên ở chùa. Đồng chí Lê Hoàng đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh giành độc lập cho đất nước, chỉ rõ những yếu tố tạo thời cơ cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi, kêu gọi toàn thể nhân dân đi theo Đảng, đoàn kết chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng tại đây, ngày 5 tháng 3 năm 1940 diễn ra cuộc diễn thuyết của đồng chí Hà Thị Quế.

3. Soi Đền (xã Hoàng Vân) - địa điểm huấn luyện quân sự thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945

Cuối năm 1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ về Hoàng Vân mở lớp huấn luyện quân sự. Tại Soi Đền, xóm Đá, làng Vân Xuyên, Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ cùng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã chọn nơi đây làm địa điểm mở các lớp quân chính đầu tiên của Đảng, tổ chức nhiều cuộc huấn luyện chính trị và quân sự cho cán bộ quân sự các tỉnh, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Địa điểm Soi Đền, xóm Đá được chọn mở lớp từ cuối năm 1940 và kéo dài tới đầu năm 1945. Tại đây đã mở liên tiếp 20 lớp huấn luyện quân sự, mỗi lớp có từ 20 - 40 học viên, học trong vòng 20 ngày với nội dung huấn luyện khá hoàn chỉnh như: nhiệm vụ, phương pháp công tác của quân đội cách mạng, phương pháp tác chiến, cách sử dụng vũ khí, khí tài, võ thuật... Đồng chí Hoàng Văn Thái, Lương Văn Chi, Võ Nguyên Giáp… trực tiếp giảng dạy.

4. Địa điểm Nhà ông Nguyễn Văn Chế (xã Hoàng Vân) - nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa

Xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân là nơi có cơ sở cách mạng rất vững trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc. Những năm 1941 - 1942, phong trào cách mạng bị địch khủng bố ác liệt, nhưng các cơ quan và cán bộ của Trung ương, Xứ uỷ và của tỉnh Bắc Giang đóng ở đây vẫn được nhân dân nuôi dưỡng chu đáo và bảo vệ an toàn. Ngày 19/11/1942, tại địa điểm nhà ông Nguyễn Văn Chế (tức Hựu), xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, Trung ương Đảng đã khai mạc lớp tập huấn chính trị cho cán bộ các tỉnh thuộc Bắc Kỳ. Lớp huấn luyện gồm 8 học viên là đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, các đồng chí Đặng, Tân, Lộc, Chung…do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giảng bài. Do bị mật thám báo, lớp huấn luyện bị bại lộ, đồng chí Trường Chinh đã được ông Hương Lịnh đưa qua Sông Cầu sang cơ sở xã Tiên Thù, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên an toàn. Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Chế, ông Quýnh, ông Duy và một số đồng chí cán bộ bị bắt nhốt vào ngục. Trong ngục họ vẫn tiếp tục đấu tranh bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng.

5. Đình Xuân Biều - nơi diễn ra cuộc mít tinh giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm trên toàn quốc

Đình Xuân Biều nằm ở vị trí tiếp giáp với 3 huyện nên thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng. Từ năm 1943 - 1944, ở Xuân Biều đã có các cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh…

Ngày 12 tháng 3 năm 1945, hai đồng chí Lê Thanh Nghị Nguyễn Trọng Tỉnh đã phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Xuân Biều mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh Bắc Giang. Các cán bộ Việt Minh ở Xuân Biều họp bàn kế hoạch khởi nghĩa, dự kiến thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng. Ngay tối hôm đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình Xuân Biều, có hơn 70 tự vệ và trên 300 quần chúng tham gia. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền của địch, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân đứng lên thực hiện khẩu hiệu “Phá kho thóc để cứu đói”.

6. Đình Chợ Vân - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân

Thắng lợi ở Xuân Biều, Trung Định, đồn điền Vát đã nâng cao uy thế của Mặt trận Việt Minh. Nhân dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi trong toàn vùng. Trên đà thắng lợi, ngày 15 tháng 3 năm 1945, hai đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh đã chỉ đạo Chi bộ Đảng Hoàng Vân và Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức một cuộc tuyên truyền xung phong tại đình Chợ Vân nhân ngày phiên chợ, nhằm phát động cao trào cứu nước rộng rãi trong quần chúng và phát động quần chúng phá kho thóc của Nhật, Pháp giải quyết nạn đói. Để biểu dương lực lượng, phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, ngày 16/3/1945, Ban cán sự Tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đình Chợ Vân. Sự kiện này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào cách mạng ở các vùng xung quanh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.

7. Địa điểm nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông) - nơi diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Ban Thường vụ Trung ương Đảng

Từ ngày 15 đến 20 tháng 4 năm 1945, tại nhà ông Ngô Văn Đông, thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Tham dự có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, các cán bộ lãnh đạo các chiến khu, cán bộ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội và các đại biểu du kích, tự vệ ở nhiều địa phương khác về dự, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng đã đề ra chủ trương thúc đẩy hoạt động vũ trang, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất đã diễn ra thành công tốt đẹp, được tổ chức chu đáo, bảo vệ nghiêm ngặt của nhiều cán bộ, đảng viên, gia đình cơ sở và nhân dân nơi đây.

8. Đình Vân Xuyên - nơi đơn vị vũ trang của Tỉnh cùng với tự vệ tiến vào huyện lỵ đập tan chế độ phong kiến và phát xít, thành lập chính quyền cách mạng

Ngày 1/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ cướp chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Tối ngày 01/6/1945, một đơn vị vũ trang của tỉnh cùng với tự vệ Hoàng Vân do đồng chí Lương Văn Đài và Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy, bố trí lực lượng, triển khai kế hoạch chiến đấu, tiến thẳng vào cổng huyện. Toàn bộ lính trong huyện nộp vũ khí đầu hàng, chấm dứt vĩnh viễn chính quyền của chế độ phong kiến thực dân và phát xít ở huyện Hiệp Hoà. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đưa huyện Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945).

Di tích ATK II Hiệp Hoà Là nơi bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ của Trung ương, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; là nơi lưu niệm sự kiện lịch sử, cách mạng và kháng chiến gắn với các hoạt động của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng thời, lưu dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng...; là nơi tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Với những giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020)./.

 

Khánh Chi (Theo hồ sơ di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website