Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Di tích khảo cổ Cát Tiên

Khu di tích Cát Tiên (di tích Quảng Ngãi) thuộc địa phận xã Quảng Ngãi và xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ Cát Tiên đã diễn ra từ năm 1984 - 2013, làm xuất lộ nhiều loại hình di chỉ, khối lượng hiện vật phong phú, đa dạng, mang lại nhiều tư liệu quý giá và giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ về quy mô, đặc điểm của di tích, trong đó có nhiều kiến trúc tiêu biểu.

Với những kết quả thu được, các học giả có thể nhận định nơi đây đã trải qua ít nhất hai giai đoạn phát triển: giai đoạn sớm với dấu tích di chỉ cư trú và mộ táng (niên đại theo C14) là thế kỷ IV - VI sau Công nguyên, hoặc sớm hơn vào khoảng từ thế kỷ III; Giai đoạn muộn từ thế kỷ VII đến thế kỷ X sau Công nguyên. Chủ nhân của di tích khảo cổ Cát Tiên là người bản địa, cư trú lâu đời ở vùng Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên, trong phức hệ nhiều giai đoạn thuộc trung tâm kim khí Đông Nam Bộ, có mối liên hệ mật thiết với thời kỳ Óc Eo - hậu Óc Eo và Văn hóa Champa.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên tập trung nhiều di tích kiến trúc, với nội dung biểu đạt và hình thức thể hiện riêng, đã tạo nên sự đa dạng và đầy đủ nhất nghệ thuật kiến trúc chung của các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ - Tây Nguyên, đồng thời, còn thể hiện sự giao thoa với các nền văn hóa trong khu vực, bao gồm:

1. Kiến trúc số 1 (Gò 1A): nằm trên đồi Khỉ có diện tích 144m2, cuộc khai quật năm 1996 làm xuất lộ kiến trúc tháp thờ gồm thân tháp và tiền sảnh phía Đông. Thân tháp có bình đồ vuông, kích thước 12m x 12m, tường xây bằng gạch. Đế tháp cao 1,4m xây giật cấp với năm lớp. Lòng tháp có kích thước 6,4m x 6,4m, chính giữa đặt bệ thờ bằng đá giật cấp, phía trên đặt tượng thờ linga - yoni. Ngoài ra, còn bốn bệ thờ nhỏ xây bằng gạch. Dấu tích hiện còn cho biết, nơi đây đã từng tồn tại nhiều công trình kiến trúc, trong đó đền tháp thờ là trung tâm, xung quanh là các công trình phụ như tháp thờ nhỏ, sân lát gạch, tạo thành một quần thể tôn giáo tín ngưỡng hoàn chỉnh.

2. Cụm kiến trúc số 2 (Gò 2): nằm cách Gò 1 khoảng 150m về hướng Tây Nam, cụm kiến trúc đã bị phá hủy, gạch đổ tạo thành gò cao khoảng 2m. Từ dấu tích cho thấy khu vực này gồm bốn kiến trúc được xây dựng liên hoàn rộng khoảng 2.000m2, xung quanh có tường bao.

Kiến trúc 2A: nằm cách kiến trúc số 3 khoảng 40m, được khai quật vào năm 1995, làm xuất lộ phế tích tháp có bình đồ hình vuông cạnh 7,8m x 7,8m, đế cao 1,6m, xây gạch theo lối giật cấp thu nhỏ dần lên trên. Thân tháp có kích thước 5,6m x 5,2m, ba mặt có hệ thống cửa giả, phía Đông là cửa ra vào rộng 0,9m, có năm bậc cấp. Lòng tháp lát đá, chính giữa đặt bệ thờ linga - yoni bằng thạch anh. Nhìn tổng thể, kiến trúc này có kích thước tương đối lớn, bình đồ tháp hình chữ nhật, cửa mở về hướng Đông, phía trước có tiền sảnh dài. Tường tháp có hệ thống trụ áp vươn cao, tháp xây chủ yếu bằng gạch, kỹ thuật xây mài chập, vây quanh đế tháp khắc hoa văn hình cánh sen kết dải, phía trên các họa tiết hoa văn móc xoắn nối nhau. Bên ngoài tháp là sân gạch, hệ thống tường bao hoàn chỉnh.

Kiến trúc 2B: Đế tháp cao 1,10m, hình vuông kích thước 8,3m x 8,3m, được xây giật cấp, hệ thống cột cửa khắc tạc hoa văn hình bán khuyên dẹt. Thân tháp hình chữ nhật 3,6m x 3,13m. Tường tháp cao trung bình từ 0,8m - 1,2m, dày 0,75m. Tiền sảnh dẫn vào lòng tháp có kích thước 2,4m x 2,4m, với năm bậc cấp lát đá phiến. Phía trước là khoảng sân rộng, nối liền với sân kiến trúc số 2A và phân chia bằng một gờ nổi. Hệ thống tường bao cách tường tháp khoảng 1m.

Kiến trúc 2C: kết quả khai quật năm 2001 làm xuất lộ kiến trúc có kích thước 16m x 8,1m, tường có độ cao từ 0,95m - 1,2m, bên dưới là sàn gạch, phía Đông là lối lên xuống. Điểm khác biệt cơ bản giữa kiến trúc 2C với các kiến trúc số 1, số 2A và 2B là tỷ lệ ngói phát hiện xung quanh các chân kiến trúc khá nhiều, điều đó đặt giả thiết phải chăng phần mái của kiến trúc này được lợp ngói hoặc ngói được móc chung quanh các rìa của mái, vừa có tác dụng trang trí, vừa có tác dụng thoát nước, chống xói mòn tường.

2.4. Kiến trúc 2D: có bình đồ hình chữ nhật, kích thước 17,08m x 6,88m, được xây thành hai giai đoạn: tháp chính ban đầu có kích thước 11,4m x 6,88m, tường có độ dày từ 2m - 2,2m, bên trong kiến trúc có kích thước 7,6m x 2m, bề mặt có nhiều gạch vỡ, phía dưới là sàn gạch tương đối phẳng, khai quật ở độ sâu 1,4m phát hiện một mộ chum. Giai đoạn 2, xây thêm kết cấu phía Đông, có kích thước 5,68m x 6,88m.

3. Kiến trúc số 3 (Gò 3): nằm cách kiến trúc 2A khoảng 25m về phía Nam, khai quật năm 2001 làm xuất lộ dấu tích kiến trúc có bình diện vuông, mỗi cạnh rộng 9,6m. Toàn bộ nền móng kiến trúc này được xây đặc, nằm ngay trung tâm kiến trúc có bốn viên gạch lớn xếp thành hình chữ thập tạo ô vuông. Phía Đông có một sàn gạch khá bằng phẳng, phía Bắc ngay lối lên cửa giả, gạch xếp dày tạo thành sàn dạng vòm cong.

4. Kiến trúc số 4: nằm ở phía Tây Bắc, cách cụm kiến trúc số 2 khoảng 120m. Năm 1996, kết quả đã xuất lộ dấu vết kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật, được xây trên nền đất sét, màu vàng nhạt khá cứng. Thân tháp hình chữ nhật, kích thước 5,4m x 4,6m, trong lòng hình chữ nhật kích thước 3,6m x 2,8m, tường dày 0,9m theo lối chập khối liền khít, cửa mở về hướng Đông rộng 0,9m với hai trụ xây nhô khỏi thân tường. Đế tháp còn lại có kích thước 1,6m x 9,2m x 8,7m.

5. Kiến trúc số 5 (Gò 5): nằm cách nhóm kiến trúc số 2 khoảng 100m về phía Tây. Cuộc khai quật năm 1995 đã phát lộ dấu vết kiến trúc có mặt bằng hình vuông kích thước 6m x 6m, trung tâm là trụ gạch xây đặc kích thước 0,8m x 0,8m, xung quanh trụ gạch lát đá phiến phẳng, phía trên còn dấu tích bộ tượng linga - yoni. Kiến trúc chính có chiều cao 6,1m, tường gạch phần chân móng rộng 0,75m, mặt tường rộng 0,28m, cao 0,5m với nhiều lớp gạch xây giật cấp thu dần lên, gạch được lát xung quanh với độ rộng dải gạch khoảng 1,0m.

6. Nhóm kiến trúc số 6 (Gò 6, còn gọi là Gò Kiểm lâm): nằm trên một khu vực có diện tích khoảng 10.000m2, cách Gò 8 khoảng 800m về phía Đông Bắc. Kết quả cuộc khai quật năm 2003 đã phát hiện được ba kiến trúc, gồm:

Kiến trúc 6A: hình chữ nhật kích thước 9,35m x 6,60m, phần chính của kiến trúc kích thước 6,4m x 6,6m, độ cao còn lại từ 11 đến 17 lớp gạch, khoảng giữa còn dấu tích của hai công trình có hình vuông lồng nhau, chính giữa có một ô vuông nhỏ hơn được xếp bằng 6 viên gạch, bên trong được nện bằng đất và cát, đây là đặc điểm của một trụ vuông nằm ở trung tâm các di chỉ mộ táng thường gặp trong các di tích thuộc Văn hóa Óc Eo và trong một số kiến trúc đền tháp ở Cát Tiên (kiến trúc số 1, kiến trúc 2A, 2B).

Kiến trúc 6B: phần lớn đã bị phá hủy chỉ còn lại nền móng, các đoạn tường phía Tây Nam và Tây Bắc bị sụt lún, biến dạng khá nhiều. Trung tâm kiến trúc có một bệ đá sa thạch, cao khoảng 0,82m, chính giữa bệ tìm thấy một áo linga (Korsa) bằng đồng, một hộp bạc và ba hộp gốm hình linga. Về cơ bản, kiến trúc này thuộc loại hình đền thờ quy mô nhỏ.

Kiến trúc 6C:  với một bờ tường dài 11m theo hướng Đông - Tây, rộng 1,6m và chiều cao còn lại là 1,6m. Vách Đông Bắc được xây bẻ góc giật cấp. Vách Bắc được xây thẳng đứng, suốt chiều dài 11m còn lại được phân thành ba bậc. Vách Nam được xây tựa hẳn vào bờ đất của gò. Vách đá Đông Nam xếp thành hàng dọc đến cuối góc bờ tường. Vách Tây Nam ở độ sâu gần 4m, tìm thấy 32 viên đá xếp thành hình móng ngựa.

7. Kiến trúc số 7 (Gò 7): nằm về phía Nam của con đường từ huyện Đạ Tẻh đến huyện Cát Tiên, cách mặt đường từ 35m - 40m. Di tích được khai quật năm 2003, kết quả khai quật làm xuất lộ một kiến trúc gạch có bình đồ vuông, xưa kia được dùng làm nơi hành lễ rước nước thánh.

8. Nhóm kiến trúc số 8 (Gò 8, còn gọi là Gò Ông Định): được khai quật năm 2003, cách kiến trúc số 1 khoảng 1.500m về phía Tây, bao gồm:

Kiến trúc 8A: hình chữ nhật, có 12 góc vuông đối xứng nhau qua trục Đông - Tây, cửa phía Đông với các bậc cấp, khung cửa làm bằng sa thạch. Về tổng thể, kiến trúc được xây trên gò cao nằm về phía Đông gò 8, trên nền đá tự nhiên đã được cải tạo. Chân móng có kết cấu vững chắc, cao 1,4m, bề mặt trang trí các bậc giật cấp; phần thân và bộ mái đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn dấu vết là những mảng tường với chiều cao trên 3,5m.

Kiến trúc 8B: ban đầu có bình diện hình chữ nhật, kích thước 10,8m x 7,2m, toàn bộ phần bên trên đã bị sụp đổ, nhưng vẫn thể hiện được đầy đủ những đặc điểm của kiến trúc ban đầu. Móng gồm 15 lớp gạch, bề mặt cấu tạo theo kiểu giật cấp tạo thành những đường bo trang trí.

Kiến trúc 8C: căn cứ vào những dấu tích còn lại, cho thấy công trình này có bình đồ hình chữ nhật, thuộc dạng kiến trúc “nhà dài”. Phần lớn hệ thống tường bao đã bị phá hủy, phía Đông là khoảng sân rộng kết nối các kiến trúc lại với nhau trong một khuôn viên rộng, có hệ thống tường bao bên ngoài.

9. Kiến trúc Đức Phổ: nằm cách di tích xã Quảng Ngãi khoảng 18km về phía Tây Nam, kiến trúc hình chữ nhật, kích thước 17m x 12m, bẻ góc ở phần cửa ra vào, đền chính có sân trước, sân sau và hành lang. Phần ngoại vi có diện tích từ 1.000 m2 - 1.200m2, bao bọc quanh đền chính là hệ thống tường cao khoảng 2m. Nhìn chung, đền Đức Phổ là sự tổng hòa những yếu tố kiến trúc đã phát lộ tại các di tích trên địa bàn xã Quảng Ngãi, như: tháp nhỏ nằm phía trước cổng, khuôn viên được bao bọc bằng các tường cao; tháp trung tâm của kiến trúc với các góc giật cấp, các mô típ trang trí hình hoa dây, hoa bốn cánh, quầng lửa và có bộ linga - yoni đặt ngay chính tâm… Đặc biệt, hai bên hông xây trụ gạch vuông tạo khung cửa, thay vì sử dụng hai tấm đan đá đặt đứng song song như các kiến trúc dạng tháp ở khu vực xã Quảng Ngãi. Kết quả khai quật di tích Đức Phổ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của không gian văn hóa “Thánh địa Cát Tiên”, cũng như mở ra những nhận thức mới về sự đa dạng trong các mô hình kiến trúc tôn giáo đã từng tồn tại, đặc trưng là các loại hình tháp - đền tháp - đền mộ có tầm vóc chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ giáo hay Phật giáo ở Đông Java, Dvaravati, Óc Eo...

10. Các lò nung gạch cổ: kết quả khai quật năm 2006 đã phát hiện bốn lò gạch cổ, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề khoa học như tính bản địa, thành tựu “công nghệ” và trình độ phát triển của chủ nhân di tích Cát Tiên; đồng thời lý giải cách thức người xưa đã sử dụng để tạo ra các loại vật liệu xây dựng…

Hiện vật phát hiện tại Khu di tích khảo cổ Cát Tiên rất phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, bao gồm: vật liệu kiến trúc, cấu kiện trang trí, tượng thờ (Ganesa và Uma), linga, yoni, sưu tập hiện vật vàng lá, đồ trang sức, các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhóm hiện vật mang tính chất nghi lễ bằng đồng thau, đồ gốm...

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, nhưng vẫn thể hiện sự tiếp thu tinh hoa của những nền văn hóa khác trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại từ thế kỷ IV đến IX. Nơi đây gắn liền với một cộng đồng cư dân cổ có tổ chức, quy mô, với hệ thống kinh tế - xã hội thống nhất, chặt chẽ có trình độ phát triển cao (mà minh chứng thuyết phục nhất là sự xuất hiện chữ viết trên các mảnh vàng). Sự hình thành và phát triển của di tích đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của vùng Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đượcThủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014)./.

Liên kết website