Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương (Khu phế tích Phật viện Đồng Dương) nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn, có viết: “Huyện Lệ Dương có hai ngọn tháp, ở thôn Đồng Dương. Hai tháp này cách nhau chừng mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn trượng thì có một nền cũ...”. Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến khi các nhà khoa học người Pháp công bố các kết quả nghiên cứu và khai quật.

Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, với tên gọi mới là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay. Kinh đô nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2 km2 (theo kiến giải của những nhà nghiên cứu Pháp thì Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. Tiếng "Dương" là biến âm của tiếng "Yan"- trời, linh thiêng trong ngôn ngữ Chăm). Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng Ly Ly, cửa ngõ thông thương với bên ngoài được bố trí rất kín đáo.

Bia ký còn ghi lại sự sùng đạo của nhà vua, cho biết vào năm 875 “Do lòng tin vào Phật Giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay “đô thị giải phóng” (moksapura), nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapada). Nhà vua nhấn mạnh đến những kẻ nào phạm tội ác phải chịu đày đọa xuống địa ngục. Sau khi xây dựng xong, vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ và nhiều thứ khác cho Lokesvara. Nhà vua dặn: Sau khi băng hà, được đổi danh hiệu là Paramabuddhaloka. Tất cả những sự kiện trên đã chứng minh là vua Indravarman II đã đồng nhất với Phật dưới dạng Bồ Tát. Đạo Phật Chămpa trong thời này theo Đại thừa.

Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ mà của cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Đây được xem là một thánh địa Phật giáo bởi quy mô đồ sộ của dấu tích kiến trúc còn lại và sự lan tỏa, ảnh hưởng về mặt văn hóa của nó với những khu vực xung quanh. Khu di tích đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh, hiện nay chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là "Tháp Sáng", cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc.

Vào năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot đã tiến hành khai quật Phật viện và sau đó công bố đề tài của mình về di tích Đồng Dương, giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện, nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng - cao hơn 1m được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Năm 1902, H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn, do vậy đã thu hút các nhà nghiên cứu tìm về, đồng thời đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của Chămpa và Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến tầm vóc, quy mô của nó khi các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu. Tại thời điểm đó, H.Pramentier tìm thấy kiến trúc chính của thánh địa này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả cuả ông, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Ngoài ra, còn phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói được tìm thấy cho phép ta liên tưởng đến một cấu trúc xây dựng bao gồm phần chánh điện dùng nơi thờ tự lễ bái, khu tăng xá - nơi lưu trú cho các chư tăng tu học và giảng đường - nơi diễn giảng. Có thể nói đây là một mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho đào tạo tăng tài.

Tháng 9/1996, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy, ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều. Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40 - 50cm, có nơi chỉ dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô. Có thể nói Đồng Dương chỉ tuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Chămpa, còn kinh thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương.

Di tích Đồng Dương là một phức hợp kiến trúc rộng lớn của một Phật viện (vihara) bao gồm nhiều tổ hợp đền - tháp.

Phật viện là một quần thể kiến trúc lớn nằm gọn trong bức tường thành hình chữ nhật gọi là thành ngoại, cạnh dài chạy theo hướng chính Đông - Tây kích thước khoảng 155m x 326m. Vết tích nền móng còn lại cho thấy đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục Đông - Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc Đông Nam. Ngày nay một cái đã bị san lấp làm ruộng. Ngoài ra, góc Đông Nam của thành ngoại còn có vết tích kiến trúc của một tòa nhà dài. Thành ngoại có hai cửa Đông và Tây. Hiện tại vết tích cổng rất mờ nhạt.

Bên trong Thành ngoại có Thành nội. Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính. Thành nội còn có một tháp đặc biệt gọi là Tháp Giếng- nằm phía góc Tây Nam của Thành nội, ngày nay đã bị vùi lấp.

+ Khu đền thờ chính: nằm trong một khu vực hình chữ nhật, dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch

+ Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện Phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói. Trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế.

 + Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên 2 vách tường có nhiều cửa sổ, được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.

 + Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ xung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Chăm; với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương.

Quanh chân tháp trang trí hình đầu voi và hình tháp thu nhỏ nằm xen kẽ nhau. Trong đền thờ có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn hình vết sâu bò, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời Đức Phật Thích Ca.

Trong quá trình phát hiện và khai quật Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị như: tượng thần Hộ pháp bằng đá, tượng Phật bằng đá, nhóm tượng Siva bằng đá, tượng Phật bằng đồng (bảo vật quốc gia - lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), tượng nữ thần bằng đồng,… Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương trưng bày tại Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã hình thành một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ IX, được gọi là phong cách Đồng Dương.

Đồng Dương là khu di tích Phật giáo hết sức độc đáo của vương quốc Chăm, không chỉ có giá trị tiêu biểu của Việt Nam mà còn là di tích Phật giáo hiếm có trên thế giới thời kỳ cổ, trung đại. Thông qua những cổ vật còn lại, đã phản ảnh thời đại cực thịnh của một vương quyền, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chăm lên hàng tột đỉnh. Dưới góc độ tôn giáo, Đồng Dương đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục và cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới hôm nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Những di tích và di vật tại khu di tích Đồng Dương đã thể hiện những đặc trưng của một giai đoạn phát triển của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm mà khi nghiên cứu, các học giả đã gọi là phong cách nghệ thuật Đồng Dương - “một trong những phong cách rõ rệt nhất của nền nghệ thuật tạc tượng Chăm”.

Về kiến trúc, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của phong cách Đồng Dương “... ít có phong cách nào lại có một cá tính rõ nét hơn là phong cách Đồng Dương. Chính trong phong cách này mà tính độc đáo, sự kỳ lạ của nghệ thuật Chămpa thể hiện rõ rệt nhất”.

Về điêu khắc trên kiến trúc: các hình điêu khắc của phong cách này hoàn toàn đặc biệt. Theo các nhà nghiên cứu có ba đặc trưng lớn để nhận diện phong cách Đồng Dương đó là tượng người thể hiện đậm loại hình nhân chủng tính dân tộc Chăm: đôi môi dày có viền quanh, hàng ria mép dày rậm đôi khi che lấp môi khiến môi trên dày và dài hơn môi dưới. Cánh mũi tẹt rộng. Đôi lông mày nổi cao nối liền nhau. Kiểu trang trí hoa văn thường là lá sâu đo nối tiếp nhau, lá cuộn tròn hướng hai bên tạo ra phong cách riêng. Đóa hoa lớn thể hiện hình lá đề trang trí trên vành mũ, đồ trang sức; đôi hoa tai hình tròn có đoá hoa lớn có khi sử dụng đầu rắn trang trí trên đồ trang sức, thắt lưng.

Từ những kết quả nghiên cứu, khai quật, có thể khẳng định rằng: Phong cách nghệ thuật Đồng Dương còn có mặt hàng loạt trên các kiến trúc điêu khắc ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... hay nhiều bia ký khác nhau trên nhiều địa bàn ghi chép về thời kỳ này như: Bia Ròn (Quảng Bình); Bia Nhan Biều (Quảng Trị); bia Phú Lương, Lai Trung (Thừa Thiên – Huế); Bia Bằng An, Bò Mưng; Bàn Lãnh; An Thái; Lạc Thành, Hóa Quê (Quảng Nam); Châu Sa (Quảng Ngãi)... đã cho thấy vương triều Inddrapurra là một thời kỳ thịnh vượng, phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhiều vùng của dân tộc Chăm.

Những đặc trưng trên được chỉ ra làm tiêu chí để nhận định niên đại và các tác phẩm điêu khắc Chăm thuộc giai đoạn Inddrapura (thế kỷ IX – X). Sự lan tỏa của giai đoạn nghệ thuật này khá rộng rãi trên địa bàn của vương quốc Chăm xưa kia. Phong cách nghệ thuật Đồng Dương đánh dấu một giai đoạn trong tiến trình phát triển kiến trúc, nghệ thuật của Việt Nam.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.

Khắc Đoài (theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website