Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tường Phiêu

Đình Tường Phiêu (còn gọi là Đình Cả) nằm trên địa bàn xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, là một di tích kiến trúc còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể. Hiện nay, đình Tường Phiêu thờ phụng 04 vị Thành hoàng làng, đó là: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng.

Trên thực tế, ở ven vùng Ba Vì có 5 ngôi đền nổi tiếng thờ thần Tản Viên đó là đền Thượng, đền Trung (trên núi), đền Và (thị xã Sơn Tây), đền Hạ (xã Minh Quang) và đền Đá Đen (Tản Lĩnh). Trong các di tích lịch sử thờ Đức Thánh Tản thường có 3 bài vị hoặc 3 bức tượng, theo lời kể của nhân dân đó là Thánh Tản ở giữa, hai bên là hai em trai hay hai bộ tướng theo ông đánh giặc Thục (Đình Tường Phiêu là một trong những trường hợp như vậy). Đây là một ảnh hưởng giao thoa văn hóa, cả văn hóa Hán, phật giáo Ấn Độ cùng Đạo giáo bản địa đã tạo ra bộ ba Cao Sơn - Tản Viên - Quý Minh, chính từ khái niệm Ba Vì mà sinh ra bộ ba trên mà nay thường được thờ theo Tam vị Đức thánh Tản trong một số ngôi đình làng nói chung, đình Tường Phiêu nói riêng.

 

Đình Tường Phiêu. Ảnh: Hồ sơ di tích, Tư liệu Cục Di sản văn hóa

 

Căn cứ theo 6 đạo sắc hiện đang được bảo quản tại di tích, theo các dòng chữ Hán ghi trên bài vị thờ Thành hoàng ghi rõ: “Tản Viên Sơn ba vị thượng đẳng Chính vị - Tả vị - Hữu vị”.

Theo tín ngưỡng dân gian thì Tản Viên Sơn Thánh là vị thần có công lao rất lớn đối với dân làng Tường Phiêu, cho nên hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, nhân dân lại long trọng tổ chức tuần lễ hội để tưởng nhớ tới công lao to lớn đó.

Đình Tường Phiêu được xây dựng nhìn về hướng Tây Nam - hướng người xưa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì - nơi có đền thờ thánh Tản Viên. Đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô to lớn, còn dấu tích xây dựng lâu đời, có nhiều mảng phù điêu độc đáo mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).

Đình Tường Phiêu có bố cục mặt bằng tổng thể hình chữ “Nhất” được chia làm 03 gian 2 chái. Đứng ở sân nhìn vào, đình như một ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao cong. Trên bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”. Đầu bờ nóc đắp nổi con kìm, bờ giải có từng cặp sấu (chất liệu bằng sành nung mang dấu ấn thời Lê Trung hưng đậm nét), nghê đối xứng nhau.

Qua một sân lát gạch rộng là tới tòa đại bái, vừa là nơi thờ phụng, vừa là nơi hội họp. Chính vì không có hậu cung nên công trình hiện diện dấu tích kiến trúc từ khi xây dựng qua các lần tu bổ vẫn là kiểu chữ “Nhất”.

Nghệ thuật trang trí điêu khắc rất tinh xảo, chủ yếu tập trung ở tòa Đại đình, trên bờ nóc là hình tượng “lưỡng long chầu nhật” với thân rồng được gắn mảnh sứ, đó là sản phẩm của đầu thế kỷ XX. Bờ chảy của mái đình chạy vuông góc với bờ nóc phía trên. Ở mỗi kẻ hiên được trang trí với các đề tài phong phú khác nhau bao gồm: hình sóng nước, vân mây… xen lẫn là hình tượng những con vật: ngựa, rùa trở lạc thư, lân, rồng.

Kỹ thuật chạm trên kẻ hiên đều chạm theo lối bong kênh và chạm nổi. Nét chạm dứt khoát nhưng không kém phần mềm mại và khúc triết, có khả năng diễn tả những chi tiết hình nét rõ ràng, thể hiện rõ được kỹ xảo của nghệ nhân thời xưa.

Trên tám con chống bẩy (con chèn) ở ngoài hiên tòa Đại đình đều được trang trí với đề tài chủ yếu là rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, các tay rồng con thì nắm tóc, con thì vuốt râu, nhiều đao mác đè qua thân rồng. Rồng có 4 móng, miệng ngậm ngọc. Ngoài ra, trên các con chống này còn trang trí các đề tài khác như: hình tượng Tôn Ngộ Không đang ngồi, tay cầm gậy… Đây là kết quả của những lần tu sửa ở thế kỷ XIX. Kỹ thuật chạm trên các con chống là chạm thủng và chạm nổi, vết chạm được thể hiện dứt khoát khúc triết.

Các bức cốn trong tòa Đại đình còn được chạm trổ công phu với các đề tài: “rồng mẫu tử” (rồng mẹ và rồng con), chim phượng, hươu, lân… Những con lân ở đây rất gần với đồng loại ở những di tích đã được xác định phong cách Mạc, Các đầu dư được tạo tác biến thể thành đầu rồng: miệng loe, mắt lồi, có tai như tai dơi, tóc râu hình đao mác mảnh, sắc bén, mềm mại và tinh xảo được bay sang hai bên là một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đao lượn sóng dài và đao mác một cách nhẹ nhàng. Y môn là mảnh trang trí không thể thiếp ở các tòa Đại đình nói chung, nó không chỉ có tính chất trang trí cho di tích mà có tác dụng che bớt đi phần thô cứng, đơn điệu của các cột, xà dọc, xà ngang trong đình.

Đình Tường Phiêu nằm trong hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng và là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao. Hiện nay, đình Tường Phiêu còn lưu giữ được nhiều di vật quý thuộc nhiều chất liệu và loại hình khác nhau, như:

Di vật bằng gỗ: 03 kiệu rước phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII; 03 bộ ngai thờ bài vị niên đại vào khoảng nửa đầu thề kỷ XVIII, 03 ba mâm ấu thế kỷ XIX.

Di vật bằng giấy: 06 đạo sắc phong thời Nguyễn.

Di vật bằng gốm: 03 bát hương cổ bằng gốm Thổ Hà có phong cách nghệ thuật vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX.

Ngoài ra, còn các di vật như: áo phù giá và bộ đài nến bằng đồng,…

Với giá trị đặc biệt của di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018).

 

Khánh Chi (Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website