Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy các Lực lượng Vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Rừng Chính phủ), thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Bộ Chỉ huy Miền “là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng” có nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình chiến sự ở miền Nam, tham mưu kịp thời cho Quân ủy Trung ương đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam cùng với quân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”,  giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền trong thời gian từ năm 1972 đến 1975, tiêu biểu như: Đại tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Quá trình xây dựng Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại sóc Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước:

Ngày 31/01/1961, Tổng Quân ủy ra chỉ thị thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam thành “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”, một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15/02/1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm lễ ra mắt tại Chiến khu Đ. Cùng với đó, cơ quan chỉ huy được thiết lập từ miền đến khu, tỉnh, huyện, xã, cao nhất là Ban Quân sự Miền (thành lập trên cơ sở phát triển tổ chức Ban Quân sự liên khu ủy miền Đông Nam Bộ). Ban Quân sự Miền - tổ chức tiền thân của Bộ Chỉ huy Miền (tháng 10/1963) và Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng (từ tháng 3/1971- 7/1976), trực thuộc Trung ương Cục miền Nam, tham mưu cho Trung ương Cục và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân trên chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên.

Tháng 9/1961, Trung ương Cục quyết định dời cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục, Ủy ban Trung ương Mặt trận và Ban Quân sự Miền từ Khu A về Khu B, đặt căn cứ tại vùng Trảng Chiên, Xa Mát, Lò Xo, Bắc Tây Ninh, khu vực giáp biên giới Việt Nam - Capuchia. Tháng 3/1965, Bộ Chỉ huy Miền di chuyển về căn cứ mới là Bà Chiêm - Sóc Con Trăng.

Năm 1970, để hình thành hệ thống liên hoàn căn cứ Miền trong tình hình mới, tạo thế trận liên minh Việt Nam - Campuchia, chiến đấu chống kẻ thù chung, Bộ Chỉ huy Miền rút một phần lực lượng ở chiến trường miền Nam sang Campuchia, xây dựng thành các “khu căn cứ” trực thuộc. Ngày 18/3/1971, Bộ Chỉ huy Miền đổi tên thành Bộ Tư lệnh Miền. Sau đó, Bộ Tư lệnh Miền đã di chuyển căn cứ từ Bà Chiêm - Sóc Con Trăng và các khu căn cứ từ Campuchia về sóc Tà Thiết, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) – địa điểm cuối cùng của Bộ Tư lệnh Miền (giai đoạn 1973 - 1975).

Từ đầu năm 1973, căn cứ Tà Thiết được xây dựng hoàn thiện, chia làm hai khu vực, vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong bao gồm Bộ Tư lệnh, Cục Tham mưu Cục Chính trị, cơ quan Chủ nhiệm Hậu cần và một số nhà khách được dùng để đón khách từ Trung ương Cục sang làm việc. Toàn bộ khu vực vòng trong tập trung dọc hai phía Tây và Đông suối Khơlay, xung quanh sóc Tà Thiết. Vòng ngoài dịch về phía các xã Lộc Thành, Lộc Tấn, gồm các bộ phận trực thuộc các Cục, như Trường huấn luyện, Bệnh viện, Thông tin… Ngoài ra, các cơ quan hậu cần, các kho hậu cần thuộc Cục Hậu cần Miền được bố trí tại nhiều khu vực ở các xã Lộc Quang, Lộc Hòa, Lộc Hiệp, Lộc Tấn - những địa điểm gần với tuyến đường vận tải chiến lược đường 559 (đường Trường Sơn), thuận tiện cho công tác đón nhận hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã chỉ đạo, đóng góp nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiêu biểu như một số trận đánh, chiến dịch: Tiêu diệt yếu khu Bù Bông - chi khu Kiến Đức năm 1973, mở rộng hành lang vận chuyển chiến lược đường Trường Sơn vào Nam Bộ; Trực tiếp chỉ đạo đánh tổng kho xăng dầu Nhà Bè “dạ dày chiến tranh” lớn nhất của địch ở miền Nam vào tháng 11/1973; chỉ đạo Chiến dịch Tây Bến Cát tháng 5/1974; Giải phóng đường 14 - Phước Long, tạo thế, tạo lực mới cho cách mạng miền Nam, củng cố kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam; Tiếp tục chỉ đạo, chỉ huy nhằm tạo thế, tạo lực và tạo thế trận cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam; Phối hợp chỉ đạo tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh đầu tháng 4/1975.

 Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết các công trình của căn cứ đã bị hư hỏng, được trùng tu, khôi phục lại. Hiện nay, di tích phân bố trong rừng Tà Thiết, với tổng diện tích 380ha, chia làm ba cụm chính:

- Cụm ngoài gồm Nhà ở của Thượng tướng Trần Văn Trà và Hầm chữ A.

- Cụm giữa gồm Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Nhà ở của Thiếu tướng Lê Văn Tưởng, Nhà ở của Chính ủy Phạm Hùng.

- Cụm cuối gồm có: Hội trường, Nhà Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Nhà Trung tướng Lê Đức Anh.

1. Hội trường: được xây dựng ở cụm cuối của căn cứ, cách bếp Hoàng Cầm khoảng 500m về phía Nam, cách nhà của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định 150m về phía Bắc, cách nhà của Đại tướng Lê Đức Anh 100m về phía Đông Bắc. Hội trường có chiều dài 12,8m, rộng 6,8m, tổng diện tích 87,4m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là: 26,3m x 30m = 789m2), một phần nhà được đào âm xuống lòng đất (độ sâu 0,9m) để sử dụng vào việc tổ chức các hoạt động liên quan, phần mái làm nổi trên mặt đất.

2. Bếp Hoàng Cầm: có nhiều ưu điểm, phù hợp với yếu tố bí mật của các khu căn cứ cách mạng, do anh nuôi tên Hoàng Cầm sáng chế ra năm 1953. Bếp Hoàng Cầm gồm 3 loại: bếp Đại Táo, Trung Táo và Tiểu Táo, loại bếp được xây dựng tại căn cứ Tà Thiết là bếp Đại Táo. Bếp được xây dựng theo trục Bắc Nam, dài 15,6m, rộng 7m, tổng diện tích 109,2m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là: 30m x 33m = 990m2), với kiến trúc kiểu nửa chìm nửa nổi, tức một phần diện tích nổi trên mặt đất và một phần diện tích được đào âm dưới lòng đất (độ sâu 1m). Lối lên xuống của bếp được bố trí ở đầu hồi phía Bắc. Kết cấu vì kèo, cột được làm bằng chất liệu bê tông cốt sắt giả gỗ, các đòn tay, thanh rui để lợp mái được làm bằng gỗ.

3. Hầm Giao ban: là hầm bí mật được xây dựng trong các căn cứ cách mạng để tổ chức các buổi họp mang tính bí mật tuyệt đối. Hầm cách nhà của Thượng tướng Trần Văn Trà 400m về phía Đông Nam, cách Nhà Chính ủy Phạm Hùng 50m về phía Đông Bắc, cách bếp Hoàng Cầm 100m về phía Tây Bắc. Hầm được xây dựng âm hoàn toàn dưới lòng đất, tổng diện tích 36,26m2, dài 9,8m, rộng 3,7m, chiều cao 2,1m. Hầm xây theo chiều Bắc Nam, cửa lên/xuống mở ở hai đầu phía Bắc và phía Nam. Mỗi cửa cao 1,3m, rộng 0,9m có mái che rộng 1,8m, dài 2,8m, cao 1,7m. Các cột, vì kèo, xà được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui lợp được làm bằng gỗ. Mái được lợp bằng lá Trung quân.

4. Hầm chữ A: bao gồm hai phần chính: Hầm chữ A và giao thông hào, được phục hồi năm 1995 với kết cấu bằng bê tông cốt thép, xi măng. Miệng hầm rộng 1m, cao 1,2m sâu 1,4m. Phần hầm chính dài 4,2m rộng 2,3m, được gia cố bằng các cây xà, đúc bằng bê tông cốt thép, trên nóc hầm phủ kín bằng đất tự nhiên. Giao thông hào dài 20m, rộng 0,9m, hình gấp khúc bốn đoạn, bắt đầu phần phía Tây của Hầm chữ A kéo dài về phía Đông, đi sâu vào rừng tự nhiên (tổng diện tích 9m x 11,7m = 105,3m2).

5. Nhà Thượng tướng Trần Văn Trà: có chiều dài là 9,5m, chiều rộng 9m, tổng diện tích là 85m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là 39,7m x 8,7m = 345,39m2). Kết cấu nhà làm theo kiểu năm nóc, bốn mái, có ba vì kèo chia nhà làm hai gian chính. Các cột, vì kèo, xà ngang, xà dọc đều được kết cấu bằng bê tông cốt thép, giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui để lợp nhà được làm bằng gỗ.

6. Nhà đồng chí Chính ủy Phạm Hùng: có chiều dài 10m, chiều rộng 8m, tổng diện tích 80m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là 15,5m x 19,3m = 299,15m2), kiểu nhà hai mái và hai chái hai đầu. Đây là kiểu nhà trệt, có hầm âm và hầm chữ A. Các vật dụng được đặt trên nền đất để tiện làm việc, nghỉ ngơi. Ở đầu hồi phía Bắc có một hầm âm, kết nối với hầm chữ A (đặt ở chính giữa nền nhà). Hầm âm rộng 1,5m, cao 2,4m và sâu 1,4m. Các cột, vì kèo, xà được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui lợp được làm bằng gỗ. Mái được lợp bằng lá Trung quân.

7. Nhà đồng chí Lê Văn Tưởng: được khôi phục, trùng tu năm 2009. Đầu hồi quay theo hướng Bắc Nam, lối lên xuống bố trí ở đầu hồi phía Nam. Nhà có ba gian, dài 9m, rộng 6,5m, tổng diện tích 58,5m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là 19m x 26,6m = 505,4m2). Trong nhà có một hầm chữ A ở vách phía Tây, cách vách phía Nam 2,5m. Hầm cao 1,1m, rộng 0,9m. Hầm được kết nối với một giao thông hào thoát hiểm dài 30m dẫn vào rừng. Các cột, vì kèo, xà được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui lợp được làm bằng gỗ. Mái được lợp bằng lá Trung quân.

8. Nhà Đại tướng Lê Đức Anh: có kiểu kiến trúc nửa chìm, nửa nổi, không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi được làm âm xuống lòng đất 1m. Lối lên xuống bố trí ở đầu hồi phía Tây Nam. Nhà có ba gian, dài 9,4m, rộng 7m, tổng diện tích 65,8m2 (Diện tích bao gồm cả giao thông hào là 16,8m x 16,5m = 277,2m2). Các cột, vì kèo, xà được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui lợp làm bằng gỗ. Mái lợp bằng lá Trung quân. Trong nhà có một hầm chữ A, cao 1,1m, rộng 0,9m, được nối với một giao thông hào thoát hiểm dài 30m dẫn vào rừng.

9. Nhà Thiếu tướng Nguyễn Thị Định: kiểu kiến trúc nửa chìm, nửa nổi, không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi được làm âm xuống lòng đất với độ sâu 1m. Đầu hồi quay theo hướng Đông Tây, lối lên xuống bố trí ở đầu hồi phía Tây. Nhà có chiều dài 9,4m, rộng 7m, gồm 03 gian, tổng diện tích 65,8m2 (bao gồm cả giao thông hào là 11,8m x 21,6m = 254,88m2). Hai đầu hồi có hai mái, mỗi mái dài 4,2m rộng 1,6m. Trong nhà có xây dựng một hầm chữ A ngay chính giữa vách phía Bắc,  cao 1,1m, rộng 0,9m, được kết nối với một giao thông hào thoát hiểm dài 30m dẫn vào rừng. Các cột, vì kèo, xà được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Các đòn tay, thanh rui lợp được làm bằng gỗ. Mái được lợp bằng lá Trung quân.

10. Nhà Bia của Tổng cục Chính trị: được xây dựng theo lối kiến trúc “phương đình”- mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 7,5m. Mái được cấu trúc theo dạng chồng diềm 2 tầng, mỗi tầng 4 mái cân nhau, dán ngói mũi hài. Giữa nhà, đặt tấm bia đá cao 2,1m, rộng 1,66m  để ghi lại công lao của các chiến sỹ. Đây là công trình có độ bền vững, mô phỏng nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc, hài hòa với cảnh quan di tích.

11. Phòng Trưng bày bổ sung di tích: diện tích 213,84m2. Hiện nay, tại Nhà trưng bày do Bảo tàng tỉnh Bình Phước quản lý, đang trưng bày 84 hiện vật và một sa bàn có liên quan đến quá trình hình thành và hoạt động của Căn cứ. Ngoài ra, Bảo tàng Bình Phước đã tiến hành sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tư liệu và hình ảnh tiến tới hoàn thiện phần trưng bày tại Phòng truyền thống của di tích.

Ngày nay, di tích là một địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghiên cứu; là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh. Vào dịp các ngày lễ lớn của đất nước, ngày mất của các đồng chí nguyên là cán bộ trong Bộ Chỉ huy Miền, các cấp, các ngành địa phương, đặc biệt là ngành văn hóa đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước, tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm công ơn của các anh hùng liệt sĩ, đã từng sống và chiến đấu tại căn cứ và trên chiến trường toàn miền Nam.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 )./.

Liên kết website