Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, tỉnh Hải Dương

Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương gồm các di tích nằm trên huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương:

An Phụ: gồm Đền An Phụ (Đền Cao) và chùa Tường Vân (Chùa Cao) thuộc An Sinh;

Kính Chủ: Động Kính Chủ thuộc núi Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (còn gọi là Bồ Đà, Quán Châu, Thạch Môn), lại có hang thông lên trời gọi là Dương Nham;

Nhẫm Dương: chùa Nhẫm Dương (chùa Nhẫm, tên chữ là Thánh Quang) thuộc xã Duy Tân.

Đền An Phụ và chùa Tường Vân.

Đền An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh vương Trần Liễu - Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi đền vốn là một di tích nhỏ, đến năm Nhâm Dần có bà Trương Thị Điểm người làng Hà Tràng (nay là xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) công đức tiền xây dựng ngôi đền Trung. Sau đó, ông bà Bá Phí người thôn Phí Xá (người huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) công đức xây dựng thêm tòa Tiền tế. Thời Hoàng Định (1600 - 1619), triều đình trích công quỹ giao cho sư Nam Nhạc tu bổ. Đến năm Gia Long 16 (1817), ông Nguyễn Văn Tài làm quan chức Hữu quân lệ úy, khâm sai Kinh Môn phủ xây thêm hai giải vũ. Mùa Xuân năm Quý Mão, tháng 2 đời vua Thánh Thái năm thứ 15 (1903), ngôi đền được trùng tu, nội dung tấm bia “Trùng tu An Phụ sơn bi ký” ghi lại việc tôn tạo di tích, khắc tên những người đóng góp công sức, tiền của.

Chùa Tường Vân thờ Phật theo trường phái Đại thừa Trần Nhân Tông - Đệ nhất Tổ của Phật giáo Trúc Lâm. Đến thời Hoàng Định (thế kỷ XVII), triều đình trích công quỹ giao cho nhà sư tu bổ. Đến năm Mậu Thìn (1928), bản xã trùng tu 3 gian nhà mẫu, tô vẽ lại tượng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khu di tích An Phụ trở thành căn cứ của dân quân du kích địa phương, từ căn cứ này, dân quân du kích đã tổ chức những trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Khu di tích trở thành căn cứ vững chắc nhờ địa thế núi rừng hiểm yếu trong suốt những năm kháng chiến góp phần không nhỏ vào làm lên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khu di tích An Phụ là căn cứ của bộ đội Thông tin, là địa điểm quan sát máy bay của giặc, nơi nhận và truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân và nhận thông tin từ tiền tuyến báo về giúp cho lực lượng vũ trang của ta nắm được tình hình, chuẩn bị kế hoạch chủ động đánh giặc.

Năm 1985, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục dựng lại khu di tích. Năm 2007, khu di tích được trùng tu trên quy mô lớn và trở lên khang trang, đẹp đẽ, là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng nhân dân địa phương.

Động Kính Chủ.

Thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông đóng quân trên núi ngăn chặn mũi tiến công đường thủy của giặc. Văn bia Trùng tu Dương Nham tự bi ký do Vũ Cán, tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) soạn năm Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc cho biết “Chùa Dương Nham có từ xưa, đời Lý, vua Lý Thần Tông thường đến thăm, đời Lê vua Lê Thánh Tông có thơ đề”. Động Kính Chủ được con người tôn tạo, bảo vệ cùng với những cảnh quan của dãy Dương Nham trở thành một thắng cảnh ở cửa ngõ miền Đông Bắc đất nước, liền kề miền châu thổ sông Hồng. Danh nhân nhiều thời đại đã từng đến đây. Nhiều vua chúa quan lại đã đến thăm và cảm xúc trước vẻ đẹp kỳ vĩ tươi đẹp của núi sông để lại dòng suy nghĩ riêng tư, biểu hiện niềm ưu ái với đất nước và thời cuộc. Những cảm xúc đó đã được những người thợ đá ở đây ghi lại trên 47 tấm bia còn lại trên vách động được khắc từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX lưu bút tích của nhiều danh nhân, văn sĩ của đất nước như: Phạm Sư Mạnh (thời Trần), vua Lê Thánh Tông, Lễ bộ Thượng thư Vũ Cán (thời Lê), Hình Bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng (thời Nguyễn)...

Từ thế kỷ XVI triều Mạc, trên vách động còn 7 văn Bia từ thời Mạc Đăng Dung đến thời Mạc Mậu Hợp vào các năm 1529, 1532, 1581, 1587; thế kỷ XVII có 4 văn bia có niên đại 1622, 1653, 1664, 1676; thế kỷ XVIII có 2 văn bia có niên đại 1710, 1733; thế kỷ XIX có 4 văn bia có niên đại 1809, 1829, 1831, 1862; đầu thế kỷ XX có hàng chục văn bia bằng chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ. Những văn bản này còn cho biết, suốt chiều dài lịch sử, động luôn được quan tâm tôn tạo, có thể ghi nhận một số sự kiện trùng tu, tạc tượng, mua đất cúng chùa.

Thời kỳ Cách mạng, động là nơi trú chân của các đồng chí cán bộ về hoạt động trong vùng, chùa và sư ở đây đã có công nuôi giấu cán bộ. Năm 1950, giặc Pháp tràn về Kính Chủ, đóng quân trên động, phá hoại nhiều di vật quý, xây dựng 2 lô cốt trên đỉnh núi. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, động được sử dụng vào mục đích quân sự. Đến năm 1967, giặc Mỹ ném bom trước cửa động, phá hủy hoàn toàn các công trình kiến trúc.

Từ chân núi đi lên qua 71 bậc đá lên đến cửa động Kính Chủ, cửa động quay hướng Nam rộng 18,60m; cao 7,90m; sâu 7,0m; chia làm 02 cửa, 03 hang. Hang bên trái có cửa rộng 6,47m; cao 5,50m; chỗ rộng nhất 16,0m; sâu 24,10m. Hang này có ngách về phía bên trái đi từ ngoài vào, cửa ngách rộng 4,34m; sâu 3,50m. Hang giữa cửa hang rộng 4,60m được xây thành tam quan; lòng hang chỗ rộng nhất 10,3m; vào sâu 4,30m thì chia nhánh tạo ngách hang thứ ba, cửa ngách rộng 2,0m; sâu 20,0m nối với ngách hang phải của hang trái. Bên trái phía ngoài là Ban thờ Tứ Trụ Triều Đình, quan lớn Tuần Tranh và Đức Thánh Cả. Trong động có nhiều ngõ ngách, ở chính giữa động là ban thờ Phật, cao 2,5m xây bằng xi măng, bài trí gồm 4 lớp tượng, tổng số 15 pho, gồm Tượng A Di Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tòa Cửu Long và Thích Ca sơ sinh...    Phía bên phải động là bệ thờ vua Lý Thần Tông và Lý Chiêu Hoàng, phía trong thờ Đức Thánh Hiền, Ban Cô. Bên trái động thờ Thành Hoàng, Đức Ông. Sâu hơn ở phía trong là tượng Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Tượng Phật ở đây phần lớn là tượng mới, những tượng bằng đá cổ đã bị thất lạc nhiều.

Hiện tại, trong động còn tổng số 47 đơn vị văn bia ma nhai, trong một diện tích không lớn, nhưng đây như một bảo tàng về văn bia với những nét chạm khắc tài hoa, phản ánh rõ nét phong cách trang trí mỹ thuật đương thời từ thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Chùa Nhẫm Dương.

Chùa Nhẫm Dương, tên chữ là Thánh Quang tự, là một ngôi chùa lớn, được khởi dựng từ thời Trần, được tôn tạo và khá sầm uất vào thời Lê, thời Nguyễn. Thế kỷ XVII, chùa là nơi tu hành của Hòa thượng Thủy Nguyệt, pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư. Căn cứ vào các tư liệu văn bia tại chùa thì  chùa Nhẫm Dương đã được tu bổ, tôn tạo một lần vào thời Lê và nhiều lần vào thời Nguyễn tại các năm: năm 1856 tiến hành tu tạo Thượng điện 3 gian; năm Tự Đức thứ 12 (1859) làm lại tượng Phật bằng đá gồm 9 pho; năm Tự Đức thứ 27 (1874) nhân dân công đức chuông đồng và 1 mẫu ruộng cho chùa. Việc tu sửa được ghi chép muộn nhất là vào năm Bảo Đại thứ 13 (1938).

Năm 1952 chùa bị Thực dân Pháp tàn phá nặng nề. Sau ngày hoà bình lập lại (1954) nhân dân dựng lại bằng tranh tre, nứa, lá để làm nơi thờ Phật. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) nhà sư cùng tín đồ phật tử xây lại chùa bằng gạch chỉ và lợp ngói. Năm 1996, bằng nguồn vốn của nhân dân và tín đồ phật tử thập phương, chùa Nhẫm Dương được trùng tu trên nền móng cũ khá lớn. Nhà tổ được khởi công năm 2006 và khánh thành năm 2011.

Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê, trong đó tháp chứa xá lỵ Đệ nhất Tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam là Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt cao 5 tầng chất liệu đá xanh dựng ngay phía sau chùa chính và tháp đệ nhị tổ thiền phái Tào Động là Tông Diễn Chân Dung cao 3 tầng bằng chất liệu đá xanh nằm ở lưng chừng núi Nghè ngay phía trước chùa (phía sau nhà Tổ), đây là hai bảo vật quý giá cho thấy bề dày lịch sử của ngôi chùa.

Chùa Nhẫm Dương còn có các di chỉ khảo cổ học như:

+ Động Thánh Hoá: năm 2000 và 2001, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được di cốt hoá thạch của 27 loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím... và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng Pôngô (đười ươi), răng của người cổ đại (Homosapien). Hiện nay, động Thánh Hoá có tầng văn hoá dày tới 4m, là di tích khảo cổ học quan trọng của cả nước.

+ Hang Tối: năm 2001, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng,... Các hiện vật này thuộc văn hoá Đông Sơn, khả năng có di chỉ của hậu kỳ đồ đá cũ. Trong tương lai, nếu khai quật lớn sẽ có nhiều tài liệu khảo cổ học quan trọng. Ngoài ra, tại khu vực núi Nhẫm Dương, nhân dân còn tìm thấy rìu đá, các công cụ bằng đá cuội, lõi khoan đá, hòn mài, đá mài và rìu của thời đại đồ đá mới.

Các công trình nghiên cứu khảo cổ học thông qua các cuộc thám sát điền dã và nhất là hệ thống hiện vật khảo cổ đều khẳng định hai động Thánh Hoá và Hang Tối là các di chỉ khảo cổ học quan trọng rất cần được bảo vệ và khai quật để nghiên cứu. Cho tới nay, chúng ta đã thu được 1.796 hiện vật tại hai hang động này, chủ yếu là hoá thạch của các loài động vật có niên đại từ 3 - 5 vạn năm.

Với những giá trị nổi bật nêu trên, Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016./.

 

                                                                                         Khánh Chi

                                                         Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa

Liên kết website