Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Khu di tích Kim Bình), bao gồm 52 điểm, phân bố trên địa bàn 4 xã: Kiên Đài, Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như: Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào, Trường Nguyễn Ái Quốc (tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khai giảng khoá III, Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I.

Đây là Đại hội đầu tiên do Đảng ta tổ chức có đông đủ đại biểu các Đảng bộ được chọn cử từ cơ sở ở trong nước và cho đến nay là Đại hội duy nhất họp ngoài thủ đô Hà Nội. Đại hội cũng quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, đề ra cương lĩnh và chính sách mới. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm: đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho dân tộc, xóa bỏ tàn tích phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đúng đắn Đại hội đề ra là sự bổ sung, phát triển Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đồng thời cũng là phương hướng cơ bản của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, là cơ sở để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân chiến đấu đưa sự nghiệp kháng chiến thắng lợi.

Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng bao gồm 52 điểm di tích, mỗi điểm di tích tái hiện chân thực và sinh động hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước; các cơ quan Trung ương, đơn vị quốc phòng, an ninh, kinh tế, tài chính... về quá trình chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất, diễn biến của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; quá trình triển khai, phổ biến các văn kiện của Đại hội, lãnh đạo thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đề ra.

1. Khu di tích địa điểm làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ, xã Kiên Đài.

Xã Kiên Đài có hệ thống đồi núi cao bao bọc (chiếm ¾ diện tích), địa thế hết sức hiểm trở, cơ động "thuận đường tiến, tiện đường thoái", là vùng giáp gianh giữa tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn. Giao thông chủ yếu bằng đường mòn và đường goòng (có từ thời Pháp thuộc). Khu căn cứ Kiên Đài được che phủ một lớp thảm thực vật đa dạng, phong phú tiện lợi cho việc khai thác phục vụ xây dựng lán trại, nhà ở, kho tàng, hầm hào, công sự. Nhiều ngọn núi cao bao bọc các thôn, xóm tạo thành bức tường thành kiên cố. Trên núi có nhiều hang, động, rất thuận lợi cho việc trú ẩn khi có báo động. Nhân dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc Tày, Dao, có tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng sớm. Với vị trí đảm bảo an toàn, bí mật, thuận lợi giao thông và liên lạc, Kiên Đài là nơi ở và làm việc của các lãnh tụ và nhiều cơ quan Trung ương trong thời gian từ năm 1948 - 1952.

Khi cơ quan Trung ương chuyển đến xã Kiên Đài, hầu hết các gia đình trong xã đều đón cán bộ về ở tại nhà. Các ngôi nhà của người dân địa phương đều là nhà sàn truyền thống của người Tày, có kiến trúc giống nhau: 5 gian hoặc 3 gian, cột gỗ chôn xuống đất, mái lợp lá cọ, vách bằng phên nứa được đan nong mốt, sàn giát bằng tre mai đập dập, có 2 cầu thang lên xuống bằng gỗ được bố trí ở 2 đầu hồi nhà.

Sau một thời gian, để tiện cho công việc, một số cơ quan được sự giúp đỡ của đồng bào địa phương đã khai thác vật liệu sẵn có trong rừng để dựng nhà ở và làm việc: nhà đất, cột gỗ, lợp lá cọ, vách nứa đan nong đôi. tuy đơn sơ nhưng chắc chắn, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho cán bộ và nhân viên ở và làm việc. Trụ sở làm việc của các cơ quan thường xa nhà dân, gần suối, để tiện lấy nước phục vụ sinh hoạt. Trải qua hơn nửa thế kỷ, di tích chỉ còn lại địa điểm nền nhà.

2. Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, xã Kim Bình.

2.1. Khu đồi Nà Loáng - nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Cuối năm 1950, sau khi nghiên cứu kỹ địa hình xã Kim Bình, Trung ương Đảng quyết định chọn khu đồi Nà Loáng, thuộc thôn Bó Củng làm nơi tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồi Nà Loáng nằm ở vị trí trung tâm thôn Bó Củng, xung quanh được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, như Pù Choong, Pù Mi, Pù Méo, Trai Mặt, Khặm Khuật, tạo thành bức tường thành vững chắc, thuận lợi để đặt đài quan sát, trận địa phòng không. Đồi có dạng hình bát úp, đỉnh khá rộng và bằng phẳng thuận lợi để xây dựng nhà cửa và đi lại. Dưới chân đồi có suối Cổ Linh chảy qua, là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các đại biểu. Từ đồi Nà Loáng có nhiều lối mòn thuận lợi đến các vùng trong An toàn khu, có trên 30 ngôi nhà, tiêu biểu như:

Hội trư­ờng: nằm ở trung tâm khu vực Đại hội, thiết kế theo kiểu 4 mái, sân khấu nổi được ghép bằng ván gỗ là nơi trang trí khánh tiết và chỗ ngồi của Đoàn Chủ tịch. Hội trường có một cửa chính đối diện với phần khánh tiết, 2 cửa phụ hai bên đầu hồi. Trong hội trường có gác lửng dành cho đại biểu dự khuyết và phóng viên báo chí. Bàn ghế của Đoàn Chủ tịch kê thành một dãy sát với phần khánh tiết, có bục để phát biểu và bàn thư ký. Đại biểu dự Đại hội ngồi trong hội trường theo đoàn, bàn ghế xếp làm 6 dãy theo hình bán nguyệt.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ: dài 5m, rộng 3,5m, cao 3m, mái lợp lá cọ, 4 mái, có 8 cột gỗ, sàn ghép ván gỗ cao 0,6m so với mặt đất, có bậc tam cấp. Bên trong có bàn thờ, bát nhang, bia tưởng niệm liệt sĩ bằng gỗ cao 1,6m, rộng 0,8m.

Lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: dựng theo kiểu nhà sàn, kích thước (4 x 4m), cao khoảng 3m, có 6 cột bằng gỗ chôn chân, khoảng cách từ đất đến sàn khoảng hơn 1m, đứng ở dưới đất có thể với tay lên sàn được; khi lên thang, phải khom lưng mới có thể vào nhà được.

Nhà ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Trường Chinh làm theo kiểu nhà sàn, cột gỗ chôn, mái lợp lá cọ, vách thưng bằng phên nứa đan nong đôi, nhà quay mặt về phía hội trường, cách khoảng 15m, diện tích khoảng 20m2.

Ngoài ra, khu vực Đại hội còn có nhà ở của đại biểu dự Đại hội, đại biểu quốc tế, cán bộ nhân viên phục vụ, tổ phóng viên, nhiếp ảnh, đơn vị bộ đội bảo vệ, nhà ăn, trạm xá, trạm gác, trạm bơm, cổng chào, sân thể thao, hệ thống hầm hào dày đặc.

Hiện nay, toàn bộ các ngôi nhà trên khu đồi Nà Loáng đều không còn. Từ năm 2007 đến năm 2009, một số hạng mục đã được phục dựng như nhà hội trường, lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổng chào, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Các địa điểm khác đều được dựng bia ghi dấu sự kiện. Hệ thống giao thông hào hiện còn bảo tồn được 50 hào, 55 hầm trú ẩn cá nhân.

2.2. Các trạm gác, đài quan sát, trận địa phòng không bảo vệ khu vực Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Các trận địa phòng không được xây dựng trên đỉnh các ngọn núi Khặm Khuật, Trai Mặt, Pù Méo, Pù Mi, Pù Choong. Đây là các ngọn núi cao nhất ở xã Kim Bình, cao trung bình khoảng 400m so với mặt nước biển. Trên đỉnh các ngọn núi có có thể quan sát được toàn bộ thôn Bó Củng, và các con đường, lối mòn đi vào thôn. Trên các ngọn núi, ở vị trí trọng yếu được bố trí trận địa pháo 12 ly, đó là một ụ đất hình tròn, có đường kính rộng khoảng 3m, xung quanh ụ súng có giao thông hào sâu khoảng 1m, rộng khoảng 1m. Hiện nay, di tích chỉ còn lại địa điểm, dấu vết hào.

Các địa điểm trọng yếu ở xã Kim Bình đều được bố trí trạm gác, như trạm gác thôn Bó Củng, đèo Nga, đèo Nàng. Các trạm trên được xây dựng đơn giản, là nhà đất, chất liệu bằng tre, nứa, gỗ, lá cọ. Nhà rộng hai gian, có một cửa ra vào và một cửa sổ. Bên phải nhà có làm một chái nhỏ nhô ra để làm bếp. Địa điểm các trạm gác đều nằm bên cạnh các con đường mòn dẫn vào khu vực Đại hội, hai bên là những dãy núi cao với rừng cây nguyên sinh. Hiện nay, các trạm gác không còn, di tích chỉ còn lại địa điểm.

3. Trạm gác bảo vệ các cơ quan Trung ương, phố Chinh, xã Vinh Quang

Trạm gác là một ngôi nhà đất ba gian đ­ược dựng bằng cột gỗ, mái lợp lá cọ phên vách nứa đan nong đôi, có một cửa ra vào và hai cửa sổ. Nhà có chiều dài khoảng 3m, chiều rộng khoảng 2m, bên trong có một bộ bàn ghế để phục vụ trực bảo vệ. Hiện nay, di tích chỉ còn lại địa điểm.

4. Địa điểm Nà Mạ, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú

Căn lán nhỏ cách nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Hợp khoảng 20m, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh nghỉ có chiều dài khoảng 7m, chiều rộng khoảng 3m. Lán được làm bằng tre, nứa, mái lợp lá cọ, phên vách nứa đan nong đôi. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hà Văn Hợp, nơi nghỉ lại qua đêm của đồng chí Phạm Văn Đồng là ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái, được làm bằng cột gỗ, mái lợp lá cọ, xung quanh thưng vách nứa đan nong đôi, có 2 cầu thang lên xuống. Hiện nay, di tích chỉ còn lại địa điểm.

Các hiện vật của Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang (20 hiện vật) của như: bàn, ghế hội trường, hòm đựng đồ để xây dựng, hòm đựng gạo phục vụ Đại hội, hộp đựng cơm, tráp đựng tài liệu của đại biểu. Tại Khu di tích Kiên Đài có các hiện vật: bộ bàn ghế làm việc của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng... Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ một số hiện vật như: bàn, ghế làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian diễn ra Đại hội…

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19/02/1951, cũng là dịp nhân dân các dân tộc xã Kim Bình tổ chức lễ hội Lồng tông. Vì vậy, di tích có sự gắn kết chặt chẽ với lễ hội. Khu di tích Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khu di tích sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế cho đại phương.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.

Khắc Đoài

Liên kết website