Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre

Di tích Đồng Khởi Bến Tre thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre - nơi diễn ra sự kiện lịch sử Đồng Khởi Bến Tre, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi của cách mạng miền Nam Việt Nam.

Tháng 5/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 kiểm điểm tình hình trong nước và đề ra đường lối cách mạng của cả nước và của miền Nam, xác định nhiệm vụ cơ bản: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đầu tháng 12/1959, Khu ủy Khu 8 triệu tập Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Đường (Sáu Đường) - Bí thư Khu ủy chủ trì với sự tham dự đông đủ của đại biểu các tỉnh. Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức cuộc họp triển khai Nghị quyết 15 tại Cù lao Minh, thảo luận và nhận định về tình hình giữa ta và địch. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bến Tre đã chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam) làm căn cứ chỉ đạo và là nơi bắt đầu Đồng Khởi.

Vào 11 giờ trưa ngày 12/01/1960, tại xã Định Thủy, Chi bộ xã họp triển khai Nghị quyết 15, bàn bạc kế hoạch và nhất trí phát động phong trào Đồng Khởi, nổi dậy và tiến công địch. Mở đầu phong trào, sáng ngày 17/01/1960, lực lượng cách mạng bắt và xử tử Đội Tý - chỉ huy Tổng đoàn dân vệ, khét tiếng ác ôn. Tiếp đó, lực lượng cách mạng cùng quần chúng nhân dân, bao vây đình Rắn - nơi đóng quân của Tổng đoàn dân vệ và bao vây đánh chiếm đồn Vàm Nước. Lực lượng của ta chiếm được đồn và làm chủ tình hình, quân ta thu được 15 súng, 10 lựu đạn và 1000 viên đạn các loại, giải phóng toàn bộ tề xã, tề ấp ở Định Thủy, bọn tề ngụy và binh lính trong đồn tan rã,.

Ngày 15/01/1960, Chi bộ xã Phước Hiệp phổ biến chủ trương và kế hoạch Đồng Khởi cho cán bộ, đảng viên nòng cốt, giao trách nhiệm cho các tổ hành động bí mật khẩn trương chuẩn bị vũ khí, huấn luyện quân sự, chờ giờ hành động. Đêm 16/01/1960, xã Phước Hiệp họp kiểm tra công tác chuẩn bị, đồng thời phân công cụ thể các mũi bao vây, tấn công các đồn bốt. Vào 10 giờ đêm 17/01/1960, được lệnh nổi dậy, nhân dân Phước Hiệp nhất tề đổ ra đường biểu dương sức mạnh hỗ trợ cho các tổ hành động bao vây đồn dân vệ và tề xã. Phước Hiệp chìm trong tiếng reo hò, trống mõ và tiếng nổ liên hồi của ống lói, tiếng loa kêu gọi đầu hàng. Nhân dân xã Phước Hiệp đã đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ trong toàn xã.

Tại xã Bình Khánh, Hội nghị mở rộng bàn kế hoạch hành động, lập phương án phá kìm, diệt tề, trừ gian được triệu tập và phân công nhiệm vụ. Trước khí thế nổi dậy của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân xã Định Thủy và Phước Hiệp, xã Bình Khánh náo động trong tiếng mõ, tiếng reo hò của quần chúng vây bắt gián điệp, do thám, tề ấp, địa chủ trong 10 ấp. Ngày 18/01/1960, nhân dân xã Bình Khánh đã đồng loạt đứng lên đánh bọn tề ấp, tề xã, bọn do thám, chỉ điểm, giành được chính quyền. Do lực lượng tề ngụy ở đây rất mạnh nên phải đến 12 giờ đêm ngày 20/01/1960, xã Bình Khánh mới hoàn toàn được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của tỉnh, nhân dân khắp huyện Mỏ Cày đồng loạt nổi dậy, ngày cũng như đêm; tiếng trống mõ liên hồi lan khắp Cù lao Minh, Cù lao Bảo. Các thanh niên nam nữ được tổ chức thành đội ngũ, trương cờ, vác súng lớn, súng nhỏ bằng bập dừa, kéo đi như nước vỡ bờ để biểu dương khí thế cách mạng, uy hiếp tinh thần địch, khiến chúng lo sợ nằm yên trong đồn bốt. Theo đó, quân và dân ta đã công phá 20 đồn bốt, thu hàng trăm súng. Sáng ngày 19/01/1960, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh ra mắt đồng bào tại xã Bình Khánh, sau đó phát triển thành hai đơn vị lấy phiên hiệu là 264 và 269 hoạt động ở Cù lao Bảo và Cù lao Minh. Từ Bến Tre, phong trào Đồng Khởi nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đêm 24, rạng ngày 25/01/1960, nhiều vùng nông thôn đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải tán tề xã, tề ấp, giành quyền làm chủ. Cho đến giữa năm 1960, ngọn lửa Đồng Khởi tiếp tục lan sang các tỉnh Tây Nguyên, làm thành cuộc khởi nghĩa dây chuyền sôi động khắp các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên.

Cụm di tích Đồng Khởi Bến Tre ngày nay, gồm có: Nhà Truyền thống Đồng Khởi và đình Rắn.

Nhà Truyền thống Đồng Khởi được xây dựng năm 2001, có tổng diện tích 5.029,3m2, gồm các hạng mục chính: nhà đón tiếp, bia chiến thắng và nhà truyền thống.

Nhà đón tiếp xây dựng bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch men màu hồng, mái lợp ngói màu đỏ. Ngôi nhà có ba cửa ra vào cao 2,5m, rộng 1,2m bằng khung sắt sơn màu xám, lộng kính, cửa chính quay về hướng Đông, hai cửa phụ quay về hướng Nam.

Bia chiến thắng được xây dựng phía bên phải của khu di tích, cách nhà truyền thống 44m, bệ văn bia cao 1,05m gồm bảy bậc tròn đồng tâm ốp đá mài màu xanh lam. Bia chiến thắng là một khối đá granite hình dáng tự nhiên cao 3,2m. Mặt trước quay về hướng Nam được chạm khắc tám chữ vàng “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”. Mặt sau bia khắc nội dung “Ngọn lửa thần kỳ” do tỉnh Bến Tre phát động cuộc thi viết văn bia ca ngợi Đồng Khởi năm 1960, và được khắc trên bia nhân kỷ niệm 45 năm ngày Đồng Khởi Bến Tre.

Nhà Truyền thống có tầng trệt và một tầng lầu, cao 24m, dài 24,5m, rộng 26m. Trên nóc là biểu tượng ngọn đuốc Đồng Khởi cao 12m, đường kính 4,5m gồm có 3 cánh tượng trưng cho sự tấn công địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận, võ trang và sự nổi dậy của nhân dân 3 dải cù lao. Tầng trệt có diện tích sử dụng 196m2. Bên trong của tầng trệt trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Bến Tre từ tháng 7/1954 đến cuối năm 1959. Tầng lầu trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật trong phong trào Đồng Khởi. Nơi sảnh giữa có một bức tường cách điệu đắp nổi dòng chữ “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy”, bên cạnh là sa bàn thể hiện phong trào Đồng Khởi Bến Tre.

- Đình Rắn còn được gọi là đình Định Nhơn, nằm cách Nhà Truyền thống 500m về hướng Đông Bắc. Đình được xây dựng vào năm 1878 thờ thần Thành hoàng bản cảnh nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Sau các cuộc chiến tranh, đình Rắn bị tàn phá nặng nề nên đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần trên đất cũ. Vào năm 1917, nhân dân địa phương đã dựng lại 3 căn đình chính bằng cột gỗ, mái ngói. Tháng 4/1980, Ban khánh tiết đình vận động tu sửa còn lại một căn đình chính bằng cây lá đơn sơ. Đến năm 2005, tỉnh Bến Tre trùng tu, phục dựng lại ngôi đình theo hiện trạng ngày nay. Đình có chiều ngang 11m, chiều dài 25m kết cấu gồm 3 gian nối tiếp nhau bao gồm gian võ ca, nhà thính và gian chánh điện. Đình được xây dựng gồm 66 cột bê tông sơn màu nâu đỏ, các vì kèo cũng bằng chất liệu bê tông, sàn mái được đổ bê tông, phía trên lợp ngói vảy cá; nền lát gạch tàu, diềm mái uốn cong trang trí đắp nổi hình rồng cách điệu. Bao quanh ngôi đình là dãy lan can cao 74cm trang trí các ô hộc bằng sành sứ. Có 4 lối lên xuống ngôi đình gồm 2 lối nơi nhà võ ca và 2 lối nơi nhà thính. Mỗi lối lên xuống là bậc tam cấp rộng 1,5m lát đá mài màu vàng kem.

Nhà võ ca có 3 gian, hệ thống cột kèo bằng bê tông, là nơi rộng rãi, thoáng mát, dùng để hội họp nhân dân trong các kì cúng đình.

Nhà thính nằm sau nhà võ ca, cũng có ba gian nhưng kích thước nhỏ hơn, các cột, vì kèo bằng bê tông, nơi đặt bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, phía trước bàn thờ có cặp hạc màu trắng bằng chất liệu xi măng.

Gian chính điện nối tiếp phía sau nhà thính bằng ba cửa ra vào, tương ứng với ba gian của chính điện. Cửa ra vào bằng chất liệu gỗ được thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Nội thánh gian chính điện gồm ba gian thờ, gian giữa thờ Thần, hai bên là Tả/Hữu ban, kế đến là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hương án thờ Thần chạm nổi lưỡng long tranh châu, hoa văn hoa lá; phía trên là bộ lư, cặp chân đèn, chuông bằng đồng thau, chò gỗ, bình hoa bằng sành. Linh vị thờ Thần chạm khắc Hán tự 神 (Thần) và câu liễn đối, bao quanh được trang trí chạm khắc hoa văn hoa lá, dây nho…, sơn son thếp vàng. Nội thất gian chính điện có cặp long trụ bằng chất liệu xi măng. Trước mỗi long trụ đặt lỗ bộ đựng 8 món binh khí. Ở giữa hai long trụ là ban thờ Quốc tổ Hùng Vương. Trên ban thờ có một khánh thờ bằng gỗ được chạm nổi, chạm lộng tinh tế, sắc sảo. Mặt trước khánh có hai lớp chạm, phía trong chạm hoa văn hoa lá, trái nho, trái lựu... phía trên bên ngoài chạm lưỡng long tranh châu, bên dưới chạm lộng hoa văn hoa lá... Tất cả được sơn son thếp vàng. Gian chính điện có ba bức hoành phi tương ứng với ba gian của ngôi đình.

Tại di tích hiện nay còn lưu giữ và trưng bày phục vụ khách tham quan 46 hiện vật, nhóm hiện vật trong phong trào Đồng Khởi.

Để ghi nhớ công ơn của cha ông đã gian khổ, đánh đổi bằng xương máu cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, tỉnh Bến Tre đã lấy ngày 17/01 hằng năm là Ngày Truyền thống cách mạng của Tỉnh. Khắp nơi trong tỉnh tổ chức mít tinh kỷ niệm với sự tham gia đông đảo của nhân dân. Bên cạnh đó, tại Đình Rắn, nhân dân tổ chức Lễ hội truyền thống hàng năm, như: Lễ Hạ điền ngày 16 tháng Năm (Âm lịch); Thượng điền ngày 16 tháng Mười Một (Âm lịch) và Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng Ba (Âm lịch.)

Đồng Khởi Bến Tre mở đầu cho phong trào Đồng Khởi cách mạng miền Nam Việt Nam, nhân dân ta đồng loạt nổi dậy ở nhiều nơi, làm tan rã chính quyền cơ sở của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, nhiều nơi trở thành vùng tự do, làm cơ sở thành lập Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam ngày 22/12/1960. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở hầu hết vùng nông thôn. Sau phong trào Đồng Khởi lực lượng cách mạng miền Nam phát triển nhanh chóng, các đoàn thể cách mạng của nông dân, thanh niên, phụ nữ, các lực lượng vũ trang tập trung lần lượt ra đời. Phong trào Đồng Khởi đã giáng một đòn mạnh vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm thất bại hoàn toàn chiến tranh đơn phương của Mỹ, Ngụy và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là bước chuyển biến đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng miền Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt tiêu biểu, di tích Đồng Khởi Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016)./.

Tiến Dũng (theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website