Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý

Khu các lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý là chứng tích lịch sử về làng Cổ Pháp xưa và Đình Bảng ngày nay; là đất phát tích, tôn miếu thờ các vị vua triều Lý và còn là nơi an táng của các vị tiên vương và hoàng tộc nhà Lý. Triều Lý (1009 - 1225), từ khi Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), trải qua 8 đời vua, truyền ngôi được 216 năm, là giai đoạn nhà nước phong kiến độc lập tự chủ,vững mạnh, nhân dân được sống trong cảnh thái bình, thịnh trị.

Khu di tích là công trình kiến trúc đặc sắc, với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ, kỹ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo và nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu: tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, phong tục, tập quán.... Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn là di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Di tích có nhiều tên gọi khác, như  Đền Đô, Cổ pháp Điện/Đền thờ Lý Bát Đế và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Thọ lăng Thiên Đức hay Sơn lăng cấm địa); bao gồm 02 khu vực chính là: Đền Đô và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa).

1. Đền Đô: tổng diện tích 31.250m2, được phân chia thành khu nội thành và ngoại thành.

Ngoại thành: rộng 26.910m2, gồm các hạng mục hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ bên phải, nhà võ chỉ bên trái.

Nhà văn chỉ và võ chỉ: có kiến trúc hình chữ Công, với các công trình tiền đường, ống muống và hậu đường. Nhà văn chỉ và võ chỉ  được đặt trong khuôn viên hình chữ nhật, đối xứng nhau qua trục chính của đền, giữa nội thành và ngoại thành.

- Nhà thủy đình: 3 gian hình vuông, xây nổi trên hồ bán nguyệt, kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái, 8 đao cong và làm theo kiểu tầu đao mái góc. Móng nhà xây bằng đá cao 0,8m và có cột đỡ đao, kết cấu 4 hàng chân cột, toàn bộ nhà bằng gỗ lim vững chắc.

Nội thành: rộng 4.340m2, được chia thành khu nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm: hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà bia và nhà để 8 kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm: phương đình, đền Vua bà, nhà chủ tế, nhà khách, nhà trưng bày, hội trường, ngũ long môn, sân đền, tượng voi, sấu đá…

- Ngũ long môn: còn gọi là năm cửa rồng, có diện tích 60m2, gồm 3 gian  có kết cấu đặc biệt, được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài. Cánh cổng gian chính giữa chạm rồng cuốn, phía trên xà nóc chạm rồng mây, giữa đắp nổi hình rồng. Hai bên cổng chính có đặt hai pho tượng đá (còn gọi là cấm vệ quân). Ở bậc tam cấp có hai đôi rồng và mây đá, đặt trên tảng đá xanh. Ngũ long môn treo bức hoành phi “Lý Triều Bát Đế”. Qua cổng Ngũ long môn là sân rồng, phía bên phải cổng có miếu thờ thổ thần và giếng ngọc.

- Phương đình: làm bằng hệ thống gỗ lim vững chắc, kết cấu 4 hàng chân cột bằng đá xanh. Phương đình treo hoành phi “Bát diệp trùng quang” và “Tham tán thiên địa”, có hương án bày các đồ thờ tự, 2 bên hương án là tượng hai tướng Đá Rãi (hai anh em sinh đôi Lý Hải và Lý Khoáng) có công cùng vua đi dẹp loạn.

- Nhà Tiền tế: khung nhà làm bằng gỗ lim, kết cấu bộ vì theo kiểu chồng rường con nhị, thượng tam hạ tứ, kẻ chuyền 2 bên. Các bộ vì kèo được liên kết dọc với nhau bởi hệ thống xà thượng và xà hạ. Các cột được tạo tác theo kiểu thức “cột đòng đòng”,  đứng trên các chân tảng bằng đá xanh. Gian giữa bày hương án, hai bên đặt tượng cấm vệ quân triều Lý (áo đen), gần cửa ra vào có ngựa hồng và ngựa bạch. Bên phải có hoành phi “Cổ Pháp Triệu Cơ” và bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ. Bên trái treo cuốn thư khắc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

- Nhà Chuyển bồng: có kiến trúc kiểu chồng diêm, 2 tầng 8 mái. Bộ vì kết cấu lòng thuyền thượng tam hạ tứ, kẻ truyền hai bên. Mái lợp ngói mũi hài, các tàu mái ở 4 góc được uốn cong và chụm lại tạo thành hình đầu rồng. …

- Hậu cung: kiểu nhà bình đầu, hai bên phía trước có cột trụ lồng đèn cánh phong đắp văn triện, đỉnh đắp trái dành, đường nét mềm mại, uyển chuyển. Bộ khung gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ chảy lắp hộp rỗng hoa chanh, đỉnh nóc đắp nổi 3 chữ Hán “Cổ Pháp điện”. Hậu cung là nơi đặt bài vị, tượng của 8 vị tiên vương triều Lý.

- Nhà bia (bên trái): kiến trúc 2 tầng 8 mái, cửa hình vòm, bên trong là tấm bia “Cổ Pháp Điện Tạo Bi”. Bia có kích thước khá lớn, cao 1,9m, rộng 1,3m, dày 0,17m. Trán bia trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Nhà bia (bên phải) kiến trúc tương tự, trong có “Bia trùng tu đền Đô” cao 2m, rộng 1m.

2. Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa)

Lịch sử hình thành khu lăng mộ đều được các thư tịch cổ ghi chép lại, theo Việt Sử thông giám Cương mục: "Năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ Hoàng đế, năm Thuận Thiên thứ nhất (Tống Đại Trung tương phù năm thứ 3) tháng Hai mùa xuân sang chơi Châu Cổ Pháp, yết lăng Thái hậu, sai các quan đo đất vài mươi dặm đặt làm Cấm địa thuộc sơn lăng, nhân dịp ấy ban tiền và lụa cho các kỳ lão". Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 4 ghi: "Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp của nhà Lý".

Khu lăng mộ là nơi an nghỉ cuối cùng của các vua triều Lý, cách đền Đô khoảng 800m về phía Đông Bắc, nằm ở khu Ao Sen, thuộc cánh đồng phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, khu lăng mộ các vị vua nhà Lý bao gồm những công trình sau:

- Lăng vua Lý Thái Tổ - Lăng Lòng Chảo

- Lăng Cả (vua Lý Thái Tông)

- Lăng Hai (còn gọi là lăng Con) thờ vua Lý Thánh Tông

- Lăng Con Voi (vua Lý Nhân Tông)

- Lăng Đường Gio (vua Lý Thần Tông)

- Lăng Đường Thuấn (vua Lý Anh Tông)

- Lăng vua Lý Cao Tông

- Lăng vua Lý Huệ Tông

- Lăng bà Nguyên Phi Ỷ Lan

- Lăng Phát Tích (lăng Bà Phạm Thị)

Hiện vật ở di tích đền Đô và Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn lại không nhiều, có thể kể đến như 8 bài vị ghi tên các vua Lý được sơn son thếp vàng, chạm khắc vào thời Lê, đỉnh đồng, hạc đồng và một số bát đĩa có niên đại thời Lê. Đặc biệt còn một bia đá, niên đại 1604 do Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan soạn ghi công đức các vua Lý, có chiều cao: 1,82m, rộng: 1,03m, dày: 0,175m, trên chạm khắc hình rồng chầu mặt nguyệt tinh xảo.

Ngoài ra, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và thờ các vị vua triều Lý vẫn được duy trì và trở thành truyền thống ở đền Đô. Hằng năm ở Đình Bảng diễn ra 3 lễ hội chính:

- Hội chùa vào ngày mùng 7 tháng Giêng, ngày giỗ bà Phạm Thị sinh ra vua Lý Công Uẩn, tổ chức tại Chùa Dận (Ứng Tâm tự).

- Hội đình vào ngày 15 tháng Hai, mở hội tế Thánh và đón chạ (chạ Đình Bảng - Cẩm Giang), duy trì truyền thống từ sau chiến thắng giặc nhà Minh (thế kỷ XV). Trong các ngày hội có tổ chức các trò chơi dân gian, diễn ra 2 ngày chính (từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Hai).

- Hội đền vào ngày 15 tháng Ba, được diễn ra tại đền Đô. Nhân dân địa phương vẫn cho là ngày hội đăng quang khi vua Lý lên ngôi. Hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài nước.

Với giá trị đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Khắc Đoài (theo Hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website