Ngày 10 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn

Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn gồm hai địa điểm, cách nhau khoảng 1,5km: quê nội thuộc xóm 2, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn và quê ngoại thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình hàn nho, thuộc làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; là nhà văn hóa lớn và là người tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Trong đêm trường nô lệ đen tối, trên hành trình đi tìm đường cứu nước với gần ba mươi năm hoạt động gian lao vất vả, bước chân Phan Bội Châu đã trải qua nhiều địa danh: khi tỉnh Quảng, lúc Hoan Đồn, khi Tuyên Quang, Đông Kinh, Thần Hộ, Thượng Hải, Quế Việt, khi ở Nhật Bản, khi ở Trung Quốc, lúc lại về Thái Lan… Các phong trào yêu nước do Cụ Phan phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng... luôn được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem Phan Bội Châu như thần tượng, lý tưởng để phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị Thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (Trung Quốc) giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội, rồi đưa về an trí ở Huế. Sáng ngày 29/10/1940 (tức ngày 29 tháng Chín năm Canh Thìn), Cụ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự (Huế).

Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn là nơi gắn bó với cuộc đời Phan Bội Châu từ khi cất tiếng khóc chào đời, cho đến lúc ra đi hoạt động tìm đường cứu nước. Nhà Cụ Phan Bội Châu từng là nơi hội tụ “anh hùng bốn phương” - là những văn thân, sĩ phu yêu nước, dư đảng Cần Vương, khách lục lâm vong mạng nghĩa hiệp... ở khắp mọi nơi cùng nhau luận bàn việc nước. Trong số đó có Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày còn thơ ấu theo cha đến thăm Cụ Phan, được nghe các bậc cha chú luận bàn việc nước, đã góp phần hình thành tư tưởng cứu nước, thương dân trong con người Hồ Chí Minh. Những năm hoạt động ở trong và ngoài nước cho đến khi bị bắt và đưa về giam lỏng ở Huế, Cụ Phan đã mấy lần về thăm quê hương và gia đình. Lần cuối cùng Cụ về thăm nhà là xuân năm Bính Dần - 1926.

Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Các công trình được bố trí hài hòa, kiến trúc phù hợp, tạo thành một thể thống nhất vừa làm tốt chức năng lưu niệm, tri ân danh nhân, đồng thời toát lên sự thanh tao, nho nhã như cốt cách của cụ Phan.

1. Quê nội: nhà Cụ Phan tại quê nội nằm ở phía ngoài đê Tả Lam, nhìn ra xa là dãy Đại Huệ hùng vĩ, phía sau là dòng sông Lam. Phía Tây Bắc là rú Đụn uy nghi, từng là đại bản doanh của Mai Hắc Đế năm xưa. Hiện nay, khuôn viên di tích rộng 754m2, bao gồm các hạng mục: cổng, tường bao, nhà bia tưởng niệm, sân vườn... 

a. Cổng di tích và hệ thống tường bao: cổng được cấu tạo bởi hai trụ vuông thót đáy xây bằng gạch, khoảng cách giữa hai trụ là 4,55m. Trụ được cấu tạo gồm ba phần: đế trụ, thân trụ, đỉnh trụ. Nối liền với cổng là hệ thống tường bao, chu vi 112,27m. 

b. Sân, vườn: sân rộng 116,5m2, mặt sân lát gạch blốc, hai bên trồng hai cây đại. Vườn di tích rộng 576,5m2, trồng cau, tùng… 

c. Nhà bia tưởng niệm: diện tích 27,97m2 (5,95m x 4,7m), độ cao từ nền đến đỉnh nhà là 4,35m. Nhà bia được làm bằng bê tông cốt thép theo kiểu phương đình 4 mái, mái nhà dán ngói vảy, trên đỉnh nóc đắp hình mặt trời, các đầu đao hơi vút cong lên. Nâng đỡ phần mái nhà là 4 cột trụ bê tông cao 2,5m, đường kính 0,15m. Nền nhà bia lát gạch hoa, mặt nền cao hơn mặt sân 0,64m. Phía trước và hai bên nhà bia để trống. Phía sau xây tường kín.

2. Quê ngoại: là nơi chào đời và gắn liền với tuổi thơ ấu của Phan Bội Châu, tổng khuôn viên di tích là 4878m2, gồm 02 khu vực chính là: khu lưu niệm gồm ngôi nhà tranh và mảnh vườn của gia đình Cụ Phan Bội Châu; khu tưởng niệm gồm nhà trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cụ Phan và các công trình phụ trợ.

a. Khu lưu niệm

Cổng: được kết cấu bởi hai trụ làm bằng ống sắt giả tre, cánh cửa cổng cũng được làm bằng sắt giả tre, rộng 1,71m. 

Đường vào: rộng 1,7m, dài 15,5m, láng xi măng giả đất đỏ (trước đây là đường đất). Hai bên đường vào là hàng chè mạn hảo và hai hàng cau thẳng tắp, bám vào thân cau là bụi trầu không xanh mướt.   

Sân, vườn: Sân có diện tích 35m2 (7m x 5m). Mặt sân láng xi măng giả đất. Trước sân trồng hàng chè mạn hảo và một cây dâu tằm. Vườn có diện tích khoảng 1 sào Trung Bộ (khoảng 500m2), trồng hoa màu và cây ăn quả như chuối, ổi, nhạn, xoài, bưởi, mít.  

Nhà trên: làm vào năm 1860 (năm ông Phan Văn Phổ kết hôn với bà Nguyễn Thị Nhàn). Ngôi nhà có diện tích 46,11m2 (8,7m x 5,3m), gồm 3 gian 2 hồi theo kiểu nhà truyền thống của xứ Nghệ thế kỷ XIX. Bộ khung làm bằng gỗ, mái lợp tranh, nền đất nện, kết cấu vì kèo kiểu kèo đôi kẻ suốt.

Nhà dưới: diện tích 42,32m2 (9,2m x 4,6m), gồm 3 gian 2 hồi, nhỏ hơn và nằm vuông góc với nhà trên tạo thành chữ L, giữa hai nhà có máng nước bằng gỗ. Bộ khung nhà làm bằng gỗ, mái nhà lợp tranh, nền đất nện, kết cấu vì kèo kiểu kèo đôi kẻ suốt.

b. Khu tưởng niệm  

   Nhà trưng bày bổ sung di tích: xây dựng năm 1997, diện tích 276,24m2 (20,4m x 13,1m), gồm 5 gian, xây tường gạch và vữa tam hợp (dày 0,25m); kết cấu dầm, trụ bằng bê tông cốt sắt. Độ cao từ nền nhà lên nóc nhà là 9m. Nền nhà lát gạch hoa. Xung quanh nhà có thềm và hành lang. Nhà trưng bày bổ sung di tích được ngăn thành hai phòng: 01 phòng trưng bày (gồm 4 gian liền nhau) và 01 phòng tiếp khách (gồm 1 gian).

Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 134 tài liệu, hiện vật (51 cổ vật, 83 di vật), bao gồm các chất liệu giấy, gỗ, đá, đồng, tre,... là những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu.  

Hàng năm, tại di tích diễn ra hai kỳ lễ trọng, đó là lễ kỷ niệm ngày mất của Phan Bội Châu ngày 29 tháng Chín Âm lịch và lễ kỷ niệm này sinh của cụ Phan Bội Châu vào ngày 26/12 dương lịch, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương, các cấp, các ngành tham dự. Ngoài ra những ngày lễ tiết, theo truyền thống địa phương như Tết Nguyên đán, Thượng nguyên, Trung nguyên... và ngày sóc vọng hàng tháng nhân dân địa phương đến dâng hương tưởng niệm rất đông.  

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.

 

Liên kết website