Ngày 16 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972

Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 thuộc địa bàn thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

1. Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị có diện tích 25ha, nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, được xây dưới thời Nguyễn (năm 1809 và 1837), gồm hành cung, cột cờ, các cơ quan (Ty phiên, dinh Tuần phủ, Án sát, ngục thất)... và một số công trình phòng thủ (luỹ, pháo đài, tường bắn, đường phòng hộ, hào thành...). Sau đó, người Pháp xây dựng thêm đồn cảnh sát, nhà tù, nơi chỉ huy các binh chủng, bưu điện, trạm xá, kho gạo… Từ 1954 - 1971, các công trình xây dựng thời Nguyễn ở trong thành bị tàn phá nặng nề. Chính quyền Sài Gòn đã biến nơi đây thành doanh trại đóng quân, sân vận động, nhà lao và dựng thêm một số lô cốt. Trong cuộc chiến năm 1972, Thành cổ bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số đoạn tường gạch loang lổ vết đạn và 2 cổng tiền, hậu chưa sụp đổ. Từ năm 1992 đến nay, di tích đã được tu bổ, bảo tồn những yếu tố gốc còn lại sau chiến tranh, tôn tạo và xây dựng mới nhiều công trình để phục vụ mục đích tri ân, tưởng niệm.

+ Hệ thống cổng thành gồm 4 cổng ra vào:

- Nam môn (cổng tiền) được xây kiểu vòm cuốn, có hệ thống cửa lim hai cánh, gồm hai tầng: tầng dưới là cửa ra vào, tầng trên là vọng lâu;

- Bắc môn (cổng hậu) hiện được bảo tồn nguyên gốc (sau chiến tranh), với nhiều hư hại và chi chít vết bom, đạn. Phần vòm cuốn còn nguyên hình dạng, trên cổng là vọng gác;

- Tây môn (cổng hữu) đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn dấu tích đoạn tường dài 8m ở phía bên tả (trái) của cổng;

- Đông môn (cổng tả) đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại một đoạn tường thành phía bên hữu (phải) của cổng.

Hệ thống tường thành đã bị phá huỷ nghiêm trọng, chỉ còn lại một số đoạn ngắn tương đối nguyên vẹn, với nhiều vết đạn pháo. Năm 2012, hệ thống nền móng tường thành được phát lộ.

Hệ thống pháo đài được bảo tồn nguyên gốc (còn lại sau chiến tranh). Ở góc Tây Nam, nhiều mảng tường đã bị phá hủy; đoạn giữa mặt Bắc chỉ còn tường thành đắp bằng đất; góc Tây Bắc bị phá hủy gần như toàn bộ; góc Đông Bắc có nhiều mảng bị nứt vỡ và lún, nghiêng. Pháo đài góc Đông Nam bị nứt và bong tróc, có đoạn bị biến dạng.

+ Hệ thống cầu bắc qua hào thành: 4 chiếc cầu bắc qua hào thành đều bị bom đạn đánh sập, dấu tích còn lại chỉ là một phần cống hình vòm cuốn ở chiếc cầu bắc vào cổng hậu. Từ năm 1993, cầu được phục hồi theo kiến trúc cũ.

+ Hệ thống hào thành: năm 1993, kè thẳng phía trong và ngoài hào thành bằng đá cuội bazan. Năm 2011, hệ thống tường thấp bằng xi măng, bê tông cốt thép phía trong và ngoài hào thành được xây mới, lòng hào được nạo vét, dẫn nước vào và thả hoa để tạo mỹ quan cho di tích. 

+ Lao xá (nhà lao) nằm ở góc Đông Bắc thành, được xây dựng từ thời Nguyễn, mở rộng thêm thời Pháp và chế độ Việt Nam Cộng hoà. Nhà lao gồm vọng gác, phía Đông có lao tả, phía Tây có lao hữu, phía Nam có các dãy nhà làm việc... Sau chiến tranh, lao xá bị phá huỷ gần hết, chỉ còn lại hệ thống xà lim kiên cố từ thời Pháp thuộc.

+ Chứng tích hố bom có diện tích 24m2, sâu 2,5m, nằm ở phía Bắc thành.

+ Đài Tưởng niệm xây dựng năm 1997, bằng đất, có hình tròn mang hình dáng một nấm mồ chung. Giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt tại Thành cổ của quân và dân ta. Sân hành lễ và nền đài tưởng niệm lát gạch đỏ.

+ Nhà trưng bày (Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị) được xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Nam, bên trong thành. Bảo tàng hiện trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè năm 1972.

+ Bia chiến tích sinh viên Thành cổ Quảng Trị xây dựng năm 2002, nằm ở góc Đông Bắc, bên trong thành, để ghi nhớ và tưởng niệm những người lính học sinh, sinh viên đã hy sinh trong cuộc chiến.

2. Những địa điểm lưu niệm trận địa chốt và bến sông tiêu biểu

+ Ngã ba Long Hưng và nhà thờ Long Hưng: Ngã ba Long Hưng nằm trên quốc lộ 1A, thuộc làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Năm 2012, bia tưởng niệm Ngã ba Long Hưng được xây dựng. Bia nền đen, chữ vàng, ghi nội dung: “Ngã ba Long Hưng  “Ngã ba bom”, “Ngã ba lửa” trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm chống phản kích tái chiếm Thành cổ và thị xã Quảng Trị 1972”.

Nhà thờ Long Hưng được xây dựng vào những năm 1955 - 1956. Trong cuộc chiến năm 1972, đây là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng Nam của Thành cổ. Nhà thờ này đã bị bom đạn phá huỷ gần hết, hiện chưa được phục hồi.

+ Nhà thờ Tri Bưu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Năm 1972, đây là một trong những vị trí chốt giữ ở hướng Đông Bắc Thành cổ. Sau chiến tranh, nhà thờ chỉ còn sót lại bộ khung bê tông cốt thép và mảng tường gạch của gác chuông phía cánh tả của nhà thờ. Gần đây, nhà thờ đã được trùng tu 02 lần (1994 và 2000) nhờ sự đóng góp công sức, tiền bạc của bà con Giáo dân nơi đây.

+ Trường Bồ Đề xây dựng vào năm 1959. Trong chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, trường là một trong những trận địa chốt khá vững vàng của quân ta. Đây là một trong số ít công trình còn sót lại chưa bị bom, đạn phá huỷ hoàn toàn. Trường được gia cố vào các năm 1998, 2000.

+ Bến sông Thạch Hãn là cửa ngõ để quân ta tiếp tế vũ khí, lương thực… vào chiến trường. Đây là nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt của quân và dân ta suốt 81 ngày đêm lịch sử, hàng vạn chiến sỹ đã hy sinh, nằm lại trên mảnh đất này. Gần đây, các công trình tháp chuông, nhà hành lễ, bến thả hoa, tượng đài đã được xây dựng bên bến sông này để tri ân những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc.

Quảng trường Giải phóng vốn là nơi làm việc của bộ máy cai trị thực dân Pháp, Mỹ - Ngụy ở Quảng Trị. Trong chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử năm 1972, đây là nơi đặt Sở Chỉ huy của Trung đoàn 48 và Trạm Phẫu thuật tiền phương để chuyển tiếp những chiến sĩ thương, vong sang bờ Bắc sông Thạch Hãn. Năm 2009, bia di tích được phục dựng.

+ Chốt Long Quang là chốt trọng yếu của mặt trận cánh Đông bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chốt được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, chắn nước biển xâm nhập của dân địa phương. Năm 2001, một bia đài bên cạnh trận địa cũ đã được xây dựng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đây.

+ Chốt Ngô Xá Tây là nơi từng diễn ra nhiều trận đánh quan trọng nhằm ngăn chặn bước tiến công của địch năm 1972. Sau chiến tranh, địa điểm này đã trở thành phế tích. Năm 2009, nhà bia tưởng niệm Ngô Xá Tây được xây dựng.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013)./.

Nguyễn Khắc Đoài (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website