Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (Khu danh thắng Tây Thiên) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 với cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn núi (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, tựa như 3 hòn đảo trong biển mây phủ, theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m.

Khu di tích và danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo trong khoảng chiều dài 11km, chiều ngang 1km, là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô... Nơi đây tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên... Vì thế, đây không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam.

Đền Thõng: là kiến trúc khởi đầu cho cả hệ thống di tích Tây Thiên. Đền nằm ở chân núi, trên một nền cao rộng, được dựng theo phong cách cổ truyền. Hệ thống bậu đá chạy dài suốt mặt trước, với ba lối lên, phân cách bởi bốn rồng lớn. Tiếp theo là nghi môn tứ trụ, mới được dựng lại theo kiểu thức truyền thống, với chất liệu bằng đá. Sau nghi môn trụ là sân đền, rất rộng, được lát đá. Ngôi điện chính có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, gồm tiền bái, với ba gian hai chái lớn, phần “chuôi vồ”, nơi đặt bàn thờ của Thánh Mẫu có ba gian dọc.

Đền Cậu - đền Cô: vượt qua đền Thõng bằng con đường đá xếp gập ghềnh men theo bờ suối khoảng hơn 1km tới đền Cậu. Ở nơi đó đã từng có một miếu nhỏ, nay được thay bằng một căn nhà có vẻ đơn sơ làm nơi thờ. Trung tâm của chính điện, có tượng của ba cậu bé cửa rừng đặt trong khám. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền được tu sửa lại vào năm 1993.

Đền Cô, cách đền Cậu khoảng 2km, gần thác Bạc, bên dòng Giải Oan (phần trên suối Trường Sinh), để chúng sinh rũ bỏ bụi trần mà nhẹ tâm tiếp bước lên miền thánh thiện. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.

Khu vực đền Thượng: Hiện nay, đây là khu vực tâm linh chung của cả tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, mà trung tâm là điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.   

Đền Thượng: Những tầng bậc xen nhau của mạch núi nơi đây đã tạo nên nền của các điện thờ khác nhau, trong đó, đền Thượng nằm ở chính tâm, lưng tựa vào ngọn Thạch Bàn, hai bên là hai tay núi chạy xuống, phía trước rộng thoáng. Nơi đây, mây vờn núi, cây cối tốt tươi, chim muông tụ hội, khe suối reo vui, tạo thành một trong những miền Thánh địa của dãy núi Tam Đảo. Đền Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam; Nghi môn được kết cấu theo kiểu tứ trụ, có tường nối giữa trụ lớn và trụ bên, chỉ để một cửa giữa cho khách hành hương ra vào. Trên các tường này đắp thanh long (rồng xanh), bạch hổ (hổ trắng) và cây cỏ tượng trưng cho bốn mùa. Sân lát đá ở giữa có thần đạo, tạc ba chữ lớn Phúc, Lộc, Thọ (nối dọc) dẫn vào bậc thềm lên điện. Kiến trúc này có mặt nền kiểu chữ Đinh, kết cấu ba gian, hai chái lớn. Nhìn mặt trước, kiến trúc khá cân đối với hai tầng “chồng diêm” tám góc mái cong duyên dáng. Ở phần “chồng diêm” gian giữa treo một bức hoành phi lớn, đề “Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên” bằng Quốc ngữ. Trên chính điện chỉ một pho tượng Bà ngồi ở trên bệ trung tâm, mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng, hai chân buông thẳng, hai tay tì trên gối, tay phải cầm quạt gấp.

Ngoài ra, tại khu vực này còn có các công trình mới xây dựng như: miếu Sơn thần, đền Cô Chín, đền Địa Mẫu, đền Tam tòa Thánh Mẫu, Tả/ hữu vu.

Chùa Tây Thiên: Ngôi chùa cổ đã được thay bằng một chùa mới, dấu xưa chỉ còn lại một ngôi tam quan cổ, khá đẹp, cùng bức hoành phi ghi tên chùa là “Tây Thiên thiền tự”. Kết cấu tam quan theo dạng tam sơn, với sự kết hợp cả yếu tố Phật và Nho. Ngôi tam quan này gần như theo dáng hiện có của tam quan chùa Kim Liên (Nghi Tàm, Hà Nội), song nhỏ và đơn giản hơn, chủ yếu theo hình thức bào trơn đóng bén, mang phong cách nghệ thuật vào khoảng thế kỷ XIX.

Ngôi chùa mới dựng hiện nay, cách nền cũ về bên trái khoảng trên dưới 20m, với một tam quan khác xây bằng vật liệu mới. Toà chùa chính có hình thức truyền thống, song cơ bản, cũng bằng vật liệu mới. Cách bài trí hệ thống tượng đã tương đồng với ngôi chùa dưới đồng bằng. Nhà Tổ mới dựng kiểu nhà sàn, cấu kiện và họa tiết trang trí kết hợp truyền thống và hiện đại. Sau chùa là vườn tháp với 3 tháp còn bia ghi: Cương Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư, Giác Nghĩa. Sau vườn tháp khoảng 100m là địa điểm Thạch Bàn, đây là một khối đá lớn nằm độc lập trong quá trình tạo sơn khu vực này, trên thạch bàn có khắc 1 bàn cờ, truyền thuyết các vị tiên thường xuống đây đánh cờ.

Đền thờ thần núi Tam Đảo: Từ chùa, con đường quanh co lượn theo sườn núi đưa khách hành hương tới thăm đền thần núi Tam Đảo. Sự tích kể rằng, thần đã âm phù cho cuộc cầu đảo dưới thời Trần Nhân Tông (1279 - 1293) nên được vua phong là “Thanh Sơn Đại Vương”. Đến thời Lê Sơ, đời vua Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà thứ 8 (1450), vua sai đại thần Lê Khắc Phục lên tế thần, ông có để lại tấm bia ma nhai (khắc vào vách núi) ghi lại sự kiện này (cách đền khoảng gần 700m theo lối mòn). Hiện nay, đền thần vẫn khá nhỏ, được kết cấu theo kiểu một gian hai chái, nền cao gần như vuông, hai tầng tám mái, không chuôi vồ.

Bia đá chữ: một di vật lịch sử có giá trị, là tấm bia ma nhai ở khu vực mà người dân địa phương gọi là Bia đá chữ. Tấm bia này trước đây được nhiều người biết đến nhưng chưa ai công bố bởi những khó khăn trong việc đi lại tiếp xúc với hiện vật. Qua khảo sát thực tế, đó là bài văn bia được khắc trực tiếp vào giữa một phiến đá màu ngà, chiều dài khoảng 5m, cao khoảng 3m. Cả phiến đá nằm nghiêng bên bờ suối, tạo ra hình vòm, tựa như hàm ếch, khiến cho phần chữ của bia khắc ở giữa hàm ếch không bị bào mòn bởi mưa nắng. Bia đá chữ có tổng cộng 121 chữ Hán, chữ khắc theo hàng dọc, phân bố trên 11 dòng, dòng nhiều 16 chữ, dòng ít 3 chữ. Chữ dùng theo thể khải thư, với đặc điểm chữ khắc sâu, dễ đọc. Duy ba chữ Bát nhã tuyền (Suối Bát nhã) đặt ở cuối bia được khắc to.

Như vậy, Tây Thiên không chỉ là một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú, mà nơi đây còn gắn với những bước đi đầu tiên của người Việt trên con đường tiến xuống khai thác vùng châu thổ, là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ với tín ngưỡng dân gian, thông qua vị anh hùng văn hoá. Qua các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học đã nhận định: Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương. Đoàn hoằng pháp đầu tiên ở nước ta là hai ngài Sona và Uttara do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa phái đi và Tây Thiên là nơi đầu tiên Phật giáo vào nước ta, nơi đây đã trở thành cái nôi của Phật giáo Việt Nam.  

Các phát hiện về khảo cổ học ở khu vực Tây Thiên là những minh chứng cho thấy quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ các thế kỷ XIII - XIV đến các thế kỷ XIX - XX, nhưng tập trung nhất là thời Trần. Những hiện vật được tìm thấy như những mảnh tháp đất nung (vốn là tháp mộ các thiền sư có nhiều tầng bằng đất nung mang phong cách Lý - Trần), những vật liệu kiến trúc, các mảnh gốm sứ Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn (nổi bật là gốm sứ Trần)... Qua đây, có thể đưa ra nhận định, từ rất sớm Tây Thiên đã là một trung tâm Phật giáo lớn với những ngôi chùa có diện tích lên đến vài ngàn mét vuông mặt bằng, với nhiều nền cấp khác nhau tùy thuộc địa hình.

Với giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015)./.

Liên kết website