Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà

Khu di tích chùa Bổ Đà (có tên gọi khác: di tích Ao Miếu và chùa Bổ Đà, chùa Bổ, chùa Ông Bổ), thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền Chùa có từ thời Lý (thế kỷ XI), là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, phối thờ tượng Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ.

Câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà - Nam Hương Tích” lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ cho thấy nơi đây là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta. Nếu như chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là trung tâm lớn nhất, chốn Tổ quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn thứ 2 trên tỉnh Bắc Giang, cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền phái này. Căn cứ vào dấu vết vật chất và thư tịch cổ còn lại ở khu di tích chùa Bổ Đà cho biết đây là công trình tôn giáo được xây dựng và phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), trụ trì chùa Bổ Đà là Phạm Kim Hưng đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.

Theo một số nhà nghiên cứu, dòng Thiền Lâm Tế truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ XVII, gắn liền với tên tuổi Thiền sư Chuyết Công (Chuyết Chuyết), người Trung Hoa. Chùa Bổ Đà chịu ảnh hưởng của Thiền Lâm Tế từ chùa Hà Trung (Huế), chùa Phật Tích và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) trên cơ sở Phật giáo Thiền tông được duy trì từ trước đó.

Chùa Bổ Đà là nơi kế truyền các vị Tổ sư khai trường thuyết pháp, đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế, san khắc kinh Phật (mà minh chứng là 1935 bộ mộc bản còn được lưu giữ đến ngày nay). Hằng năm, vào mùa kiết hạ an cư có các vị tăng ni trong vùng về đây tham thiền học đạo rất đông. Theo lý giải của các bậc cao tăng trong chùa thì kiết hạ an cư có từ thủa Đức Phật Tổ còn tại thế, chúng tăng phải tụ tập một nơi (thời gian 3 tháng) vào mùa mưa để tu tập, thiền định... Theo lịch, đó là thời gian từ ngày 16 tháng Sáu đến 15 tháng Chín Âm lịch, ngày nay các nước thuộc Phật giáo Nam tông (Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia) vẫn tôn trọng truyền thống này. Nhưng khi truyền sang Trung Hoa lại là ngày 16 tháng Tư (sau Lễ Phật đản) đến 15 tháng Bảy Âm lịch (ngày Lễ Vu lan), đây là truyền thống của Phật giáo Bắc tông (Trung Hoa, Nhật Bản, Triểu Tiên, Việt Nam). Đến ngày cuối cùng của mùa an cư kiết hạ, chư tăng họp lại, kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối, tuyên bố hoàn mãn được gọi chung là ngày Tự Tứ (áp dụng chung cả hai dòng Phật giáo Bắc tông và Nam tông). Ngày nay, dù có những thay đổi nhưng tại chùa Bổ Đà, các tăng ni vẫn duy trì được truyền thống kiết hạ an cư. Bên cạnh đó, hệ thống vườn tháp tại chùa (có cả tro cốt, xá lị tăng, ni - một đặc trưng của dòng Thiền Lâm Tế, hiếm thấy ở các dòng thiền khác), mỗi tháp đều có bia ghi bài vị, ngày sinh, hóa… của các vị, là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử chùa Bổ, Thiền Lâm Tế.

Khu di tích chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế”, được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng… Các mảng chạm khắc tinh xảo tại các hạng mục kiến trúc của di tích với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý… như một bảo tàng kiến trúc mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Khu di tích chùa Bổ Đà tọa lạc trên núi Bổ Đà Sơn thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một vùng sơn thủy hữu tình, có tổng diện tích 275.009.6m2, khu vực bảo vệ I là: 53.808.5m2, khu vực bảo vệ II: 221.201.1m2, được chia thành 5 đơn nguyên kiến trúc chính, bao gồm: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp và Ao Miếu.

1. Chùa Tứ Ân

Chùa cũng được gọi là chùa Bổ, Bổ Đà, gồm 16 kiến trúc, 92 gian liên hoàn với các tòa ngang dãy dọc, bao gồm: Tam bảo, 2 dãy Hành lang, Tiền tế, Nhà tổ, Gác kinh, Gảng đường, nhà Trụ trì, nhà Hành pháp, nhà Tạo soạn, nhà khách, nhà Ni, nhà Ga... và các công trình phụ trợ. Phần lớn các lớp cổng được xây dựng từ thời Nguyễn thế kỷ XIX-XX, kiến trúc dạng nghi môn cuốn mái vòm. Đường vào chùa từ cổng thứ nhất đến cổng thứ hai được lát những khối đá muối có kích thước khác nhau. Bao bọc xung quanh chùa là hệ thống trình tường đất dài gần 400m,cao từ 2 đến 3m, có đoạn cao đến 5m, chân tường dày 0,8m, đỉnh tường dày 0,4m. Đặc biệt, tường đất được làm bằng loại đất sỏi son ở núi Bổ Đà, trên đỉnh tường có mũ tường được che bằng các mảnh gốm, chum vại Thổ Hà. Trải thời gian, tường đất đã ngả màu, rêu phong phủ bám tạo nên một nét cổ kính, độc đáo không nơi đâu có được. Với lối kiến trúc đặc biệt, chùa có đến 8 cổng ra vào nối các công trình với nhau.

Toà Tam bảo: kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa Tiền đường 7 gian nối toà Thượng điện 5 gian xây bít đốc. Cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản và bức bàn. Tòa Tiền đường với 4 hàng chân cột, mỗi hàng 8 cột gỗ lim. Liên kết ở 8 vì nóc khác nhau, kiểu con chồng đấu kê và chồng rường đấu kê, hạ kẻ suốt. Đáng chú ý là hệ thống vì nách, đầu bẩy hiên, ván dó và kẻ ở hai hồi được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo ở cả hai mặt hình vân mây, đao mác, hình hoa cúc cách điệu, lá lật nhọn, tù mập mang nét đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng. Hệ thống tượng và các đồ thờ, di vật, cổ vật đầy đủ, tiêu biểu như: tượng Tam Thế Phật, A Di Đà, Toà Cửu Long, tượng Khổng Tử, Lão Tử, Thạch Linh Thần Tướng, tượng Tam Châu theo cách bài trí kiểu tiền Thánh, hậu Phật. Với cách bài trí này cho thấy chùa Tứ Ân thờ Tam giáo kết hợp tín ngưỡng dân gian bản địa.

Tòa Thượng điện có 5 gian, xây bít đốc. Liên kết khung vì nóc theo kiểu vì giá chiêng, con chồng, đấu kê và vì kèo cánh báng. Hệ thống các vì nách kiểu con chồng, bào trơn, soi gờ kẻ chỉ. Phía trên các vì nách treo các bức đại tự, khung tranh gỗ với đề tài hình tứ quý: “Tùng, Trúc, Cúc, Mai”, biển đề chữ, vịnh thơ về chùa Bổ Đà. Phần lớn các bức cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối, tranh gỗ có niên hiệu Thành Thái thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Toà Tam bảo là điểm nhấn về những giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích chùa Bổ Đà.

- Hai dãy Hành lang: chạy song song với tòa Thượng điện, mỗi dãy 6 gian xây bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Phần liên kết với 7 vì mái ở mỗi dãy hàng lang kết cấu kiến trúc giống nhau theo kiểu vì giá chiêng, kẻ truyền. làm bằng gỗ lim, chạm khắc hình hoa lá.

- Nhà Tổ - toà Tiền tế: phía sau Tam bảo, bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm 5 gian xây bình đầu bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Liên kết khung vì mái với 4 hàng chân cột. Các vì nóc liên kết giống nhau theo kiểu vì giá chiêng và kiểu thức con chồng, đấu kê, trốn trụ, kẻ chuyền, được chạm khắc hình hoa lá vân mây.

- Nhà Tổ - toà Hậu đường: Nằm phía sau toà Tiền tế, có 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Các vì nóc liên kết kiểu giá chiêng, con chồng, đấu kê và kiểu cốn mê chồng rường. Trên các đầu bẩy, con chồng, đấu kê được chạm nổi hình hoa lá, vân mây, đao mác. Đặc biệt ở 4 vì nóc gian giữa chạm khắc tinh tế hình hoa lá, các đấu kê, con chồng tạo dưới dạng hình tròn giống trái đào tiên và dạng vuông triện hình chữ Thọ. Nghệ thuật chạm khắc mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có giá trị nghệ thuật cao.

- Giảng đường: phía trước tòa Tiền tế, có 3 gian xây bình đầu bít đốc, cửa bức bàn. Phần liên kết khung vì mái với 4 hàng chân cột, liên kết ở 4 vì nóc giống nhau kiểu kẻ truyền trụ giá chiêng. Các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá, mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Giảng đường bài trí nhang án, chuông đồng niên hiệu Khải Định thứ 2 năm 1917 và mõ cá gỗ thế kỷ XIX.

- Nhà Trụ trì: gồm 3 gian xây bình đầu bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi, cửa bức bàn. Liên kết khung vì mái giống nhau kiểu kẻ truyền trụ giá chiêng. Các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Tường mái phía sau xây bằng tiểu sành, vật liệu của làng gốm Thổ Hà truyền thống mang màu sắc nâu trầm cổ kính.

- Gác kinh: gồm hai Gác kinh được xây dựng sát liền khối với nhà Tiền tế, theo kiểu chồng diêm 2 tầng mái. Liên kết khung vì mái với bốn hàng chân cột, các vì nóc liên kết kiểu giá chiêng kẻ truyền, mang nét kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

- Nhà Hành pháp: phía sau Giảng đường, có 5 gian xây bít đốc, cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản. Liên kết khung vì mái với 4 hàng chân cột mỗi hàng 6 cột. Các vì nóc liên kết giống nhau theo kiểu thức kẻ truyền giá chiêng.

- Nhà khách 1: nằm phía sau nhà Trụ trì, kiến trúc kiểu chữ Nhất 5 gian xây bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, không có cửa, chỉ có các cánh dại kiểu thượng song hạ bản dựng trên bậc hiên. Liên kết khung vì mái với 2 hàng chân cột mỗi hàng 6 cột. Các vì nóc liên kết giống nhau theo kiểu thức kẻ truyền, trụ giá chiêng.

- Nhà khách 2: đối diện chạy song song với nhà khách 1, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 7 gian xây bình đầu bít đốc. Hệ thống cửa xây cuốn mái vòm. Liên kết ở 8 vì nóc theo kiểu thức kẻ truyền, trốn trụ, giá chiêng, chạm khắc hoa lá.

- Nhà Ni: nằm phía sau nhà khách 2, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 7 gian xây bít đốc, không lắp cửa để thông thoáng nối với Nhà khách 2 bằng cửa chính giữa. Liên kết khung vì mái gồm 4 hàng chân cột, các vì nóc liên kết theo kiểu thức kẻ truyền, trốn trụ, giá chiêng, chạm khắc hoa lá. Trong nhà bài trí nhang án, mõ cá thế kỷ XIX, bia đá niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853). Gian giữa bài trí tượng Tổ Ni, trên treo bức hoành phi “Thiết ni sư”.

- Nhà Tạo soạn: xưa kia còn gọi là nhà Gạo (mới tu sửa năm 2013). Bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 7 gian, xây bình đầu bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Nhà Tạo soạn có các cánh dại tạo theo kiểu thượng song hạ bản dựng trên bậc hiên để che nắng và lấy ánh sáng. Liên kết ở 8 vì nóc theo kiểu thức vì kèo, với 3 hàng chân cột.  

- Nhà Ga (Nhà tang lễ): là nơi tổ chức lễ tang cho các vị sư trụ trì ở chùa, kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm 6 gian xây bình đầu bít đốc, nhà không lắp cửa mà bố trí các cánh dại theo kiểu thượng song hạ bản dựng trên bậc hiên. Liên kết khung vì mái với 2 hàng chân cột, các vì nóc liên kết theo kiểu thức kẻ truyền, con chồng đấu kê, trốn trụ, chạm khắc hình hoa lá.

2. Am Tam Đức

Được xây dựng trên lưng chừng núi Phượng Hoàng, phía sau chùa Tứ Ân, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 5 gian, 3 gian giữa xây kiểu chồng diêm 2 tầng mái. Hai gian bên xây bình đầu bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Hệ thống cửa kiểu thượng song hạ bản và bức bàn. Liên kết khung vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột. Các vì nóc được gắn kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng ở 4 vì gian giữa, kiểu con chồng, đấu kê, vì nách kiểu kẻ ngồi ở 2 vì gian bên. Giá trị kiến trúc nổi bật của am Tam Đức là dạng kiến trúc mái kiểu chồng diêm tạo cho mặt mái thêm mềm mại. Bên trong am có một nhang án, trên đặt tượng Sư tổ Phạm Kim Hưng.

3. Chùa Cao

Tọa lạc phía sau am Tam Đức, kiến trúc kiểu hình chữ Nhất dọc, cuốn mái vòm. Tường mái phía trước tạo kiểu tay ngai, cho thấy rõ nét kiến trúc của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bên ngoài là nơi hành lễ, hai bên áp sườn tường đặt ban thờ, bên trái đề chữ “Sơn trấn tĩnh”, bên phải đề chữ “Nhạc giáng Thần”. Gian trong cùng xây bệ thờ trên đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Về lịch sử khởi dựng, chùa Cao là công trình kiến trúc cổ nhất trong tất cả các hạng mục công trình kiến trúc chùa Bổ Đà, đây là điểm phát tích và ghi nhiều dấu ấn về lịch sử hình thành chùa Bổ Đà.

4. Vườn Tháp

Chùa Bổ Đà hiện còn 110 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ nằm trên khu đất có diện tích gần 8000m2, trong đó có nhiều ngọn tháp được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Hệ thống tháp mộ được chia thành 2 khu vực: phía trên là tháp Sư Tăng, phía dưới là tháp Sư Ni và khu vực thấp hơn dành để xây mộ cho những người chấp tác trong chùa. Với 110 toà tháp có đến 97 tháp, mộ có xá lị, tro, cốt nhục thân của 1214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền Lâm Tế khắp nơi trên cả nước. Đây là vườn tháp có số lượng lớn nhất trong các ngôi chùa ở nước ta.

5. Ao Miếu

Còn gọi là Đền Hạ, thờ Thạch Linh Thần Tướng. Kiến trúc hình chữ Nhất, gồm 1 gian 2 chái, kiến trúc mái theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Hệ thống vì nóc được gắn kết theo kiểu thức thượng con chồng trụ giá chiêng, vì nách kết cấu kiểu con chồng đấu kê. Các cấu kiện chịu lực làm bằng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Phía sau đền là ao Thạch Long và ngôi miếu nhỏ - tương truyền là nơi lưu lại dấu tích của Mẹ Đá khi sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Miếu có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung xây bình đầu bít đốc. Kết cấu chịu lực gồm 4 vì mái liên kết kiểu cốn mê và giá chiêng... Bên phải là khu nhà Mẫu - nơi thờ Cha Mẹ của Thạch Tướng Quân.

Chùa Bổ Đà hiện còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật gắn liền với lịch sử của di tích, trong đó, tiêu biểu nhất là kho mộc bản với 1.935 mộc bản kinh Phật, hệ thống tượng thờ bằng gỗ (hơn 40 pho) có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX)… Khối tài liệu này có giá trị trên nhiều mặt khẳng định lịch sử của cổ tự Bổ Đà trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Chùa Bổ Đà còn có Vườn Tháp cổ lớn nhất và có tính kế thừa lâu nhất trong các ngôi cổ tự ở Việt Nam.

Khu di tích chùa Bổ Đà từ xưa tới nay là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ của nhân dân trong vùng Tiên Sơn nói riêng mà người dân khắp nơi gần xa. Lễ hội chính của chùa Bổ Đà được tổ chức từ ngày 15 đến 18 tháng Hai (Âm lịch), với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và đặc trưng văn hóa của địa phương. Từ năm 2001, lễ hội Bổ Đà còn tổ chức Hội thi hát Quan họ của huyện Việt Yên, là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Kinh Bắc.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016./.

Khắc Đoài (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website