Ngày 5 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi thờ Phật, đào tạo tăng đồ, thờ Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334). Chùa là trung tâm đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung. Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành chốn an cư, kiết hạ, giảng kinh, thuyết pháp, trụ sở chính thức đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Theo các nguồn tư liệu, như bia ký, thư tịch cổ còn lưu lại, chùa Vĩnh Nghiêm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông trung hưng trên nền móng của một ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (chùa Chúc Thánh) vào cuối thế kỷ XIII, là ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử). Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới

Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Chúc Thánh, Chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La) thuộc địa bàn xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ở vị trí đắc địa theo thế phong thủy của người xưa“đầu gối sơn, chân đạp thủy". Phía trước chùa là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp lưu của sông Thương và sông Lục Nam, phía sau là dãy núi Cô Tiên, con Voi, con Lân huyền thoại, hai bên tả hữu là cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù mật... Chùa Vĩnh Nghiêm có bố cục mặt bằng kiến trúc nằm dọc theo trục Nam - Bắc đăng đối, hài hòa, quay hướng Đông Nam, gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc tạo thành một thể thống nhất, trong đó tiêu biểu:

1. Tam quan: xây chồng diêm gồm 1 gian, 2 chái, với hai tầng tám mái đao cong. Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải tạo hình nghê chầu. Các đầu đao được đắp trang trí hình đầu rồng và con xô. Trước cửa Tam quan có đôi rồng đá. Kết cấu khung vì mái gồm 4 hàng chân cột, liên kết ở hai vì mái theo kiểu thức con chồng trụ giá chiêng, trên các cấu kiện có chạm nổi đề tài hoa lá.

2. Tam bảo: nối với Tam quan bởi đường chính đạo dài khoảng 100m, rộng 4m lát gạch vuông, bó vỉa bằng những khối đá xanh. Phía trước Tam bảo là khoảng sân rộng, lát gạch vuông đỏ. Bên phải góc sân đặt một tấm bia đá hình lục lăng niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) với nội dung ghi việc tu sửa chùa. Tam bảo có kiến trúc theo kiểu chữ công (工) gồm: Tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

2.1. Tiền đường: là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhất trong hệ thống các khối kiến trúc chùa. Toàn bộ mặt trước nền được bó vỉa bởi các phiến đá. Hệ mái tiền đường cao hơn 7m, lợp ngói mũi hài, kết cấu theo kiểu đao tàu, kẻ góc, để trống đầu hồi. Bờ nóc, bờ chảy gắn hoa chanh, chính giữa đắp hình cuốn thư trong đề ba chữ “Vĩnh Nghiêm tự”. Cả 7 gian phía trước tiền đường đều tạo cửa gỗ kiểu ván đố lụa soi vỏ măng và bức bàn chân quay. Hai gian ngoài cùng có trổ cửa sổ kiểu chấn song bằng gỗ lim. Nền Tiền đường cao hơn so với sân 0,62m được nện bằng đất theo kỹ thuật dân gian. Tòa Tiền đường kết cấu 5 gian, 2 chái, 8 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Liên kết 8 vì mái đều theo kiểu thức chồng rường, trụ giá chiêng, thượng tam, hạ tứ. Tất cả các cấu kiện kiến trúc đều làm bằng gỗ lim chắc khỏe, chạm khắc hoa văn lá lật, hoa dây, hoa lá cách điệu. Bên trong tòa tiền đường được bài trí một số pho tượng Phật tiêu biểu như Đức Ông, Thánh hiền, Hộ pháp, Tứ trấn... cùng các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ có giá trị.

2.2. Thiêu hương: tường xây gạch chỉ, để mộc, mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc gắn dải hoa chanh, nền đất nện. Tòa Thiêu hương có kết cấu 3 gian, 4 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Liên kết 4 vì nóc theo kiểu thức chồng rường, giá chiêng, vì nách kiểu con chồng, đấu kê, các cấu kiện chạm khắc hình hoa lá cách điệu.

2.3.Thượng điện: có 1 gian, 2 chái, 4 vì, mỗi vì bốn hàng chân cột. Liên kết bốn vì mái theo kiểu thức kèo cánh ác có trụ trốn với ván định thiên ở trên câu đầu, dưới con chồng trụ đấu kê – xà, nách - kẻ. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim, bào trơn đóng bén. Trong Thượng điện được bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật, các kệ tủ đựng mộc bản và các đồ thờ tự.

3. Nhà Tổ đệ nhất: còn được gọi Cung Tổ hay Cung Thánh Tổ là nơi thờ Tam tổ, có kiến trúc theo lối chữ công (工) gồm Đại bái, Ống muống và Hậu cung - đặc trưng kiến trúc thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII).

3.1. Đại bái: tường xây gạch chỉ, bắt mạch, để mộc. Bờ nóc có gắn dải hoa chanh, chính giữa tạo hình cuốn thư, trong đắp nổi bốn chữ Hán: “Trúc Lâm Thanh Giáo”. Hai bên hồi bờ nóc đắp trang trí hai con kìm ngậm vào đầu bờ nóc, đuôi vểnh cong. Cửa kiểu bức bàn. Hai gian chái và hai bên hồi có vách làm theo kiểu đố lụa bằng gỗ. Nền nhà lát bằng gạch vuông truyền thống. Đại bái có 5 gian, 6 vì, mỗi vì bốn hàng chân cột. Liên kết 6 vì mái có kết cấu khác nhau: hai vì gian giữa được gắn kết theo kiểu thức vì kèo cột ván (kèo tam giác), kẻ suốt. Các vì còn lại được gắn kết theo kiểu chồng rường, có trụ đặt trên xà nách, đỡ hệ thống kẻ góc. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim, chạm nổi hình hoa, lá cách điệu. Ở gian giữa trên xà dọc treo bức hoành phi chữ Hán: “Di Đà Phật”. Hai bên cột cái treo đôi câu đối chữ Hán. Bên trái đặt tấm bia đá xanh cao gần 2m, rộng hơn 1m, niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932). Ngoài ra, Đại bái còn bài trí ban thờ Mẫu Thượng Thiên, tượng Quan Án và các đồ thờ tự khác.

3.2. Ống muống: tường xây gạch, bắt mạch, để mộc. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc xây gạch phủ áo vữa có gắn dải hoa chanh. Nền lát gạch vuông truyền thống. Ống muống tạo bởi 2 gian, 3 vì, mỗi vì bốn hàng chân cột. Hai vì mái gian trước được gắn kết theo kiểu thức vì kèo cột ván, vì gian trong gắn kết kiểu giá chiêng. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim, chạm nổi hình hoa văn lá lật.

3.3. Hậu cung: tường xây gạch chỉ, miết mạch, để mộc, mái lợp ngói mũi. Bờ nóc, bờ dải xây gắn dải hoa chanh, bờ nóc đắp trang trí kìm. Nền lát gạch bát. Hậu cung tạo bởi 1 gian, 2 chái, 2 vì, mỗi vì bốn hàng chân cột. Hai vì nóc được gắn kết giống nhau theo kiểu thức vì kèo cột ván, vì nách kiểu bán giá chiêng. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim. Nét độc đáo của hạng mục kiến trúc này thể hiện ở phía vách hậu cung làm bằng gỗ theo kiểu đố lụa. Chính giữa Hậu cung bố trí ban thờ Tam tổ Trúc Lâm và tượng Thần Độc Cước, Tôn Ngộ Không.

Giá trị kiến trúc được thể hiện rõ nét trong khối kiến trúc nhà Tổ đệ nhất ở bộ khung gỗ mang nhiều nét điêu khắc thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Đặc biệt, tại các ván dong chạm nổi hình vân mây cụm nhỏ, gọi là mây linh chi thời Lê, các đầu bẩy được chạm lá lật, lá vân có đuôi dài uốn sóng, nét chạm mập mạp. Đây là những đồ án trang trí mà ta hay gặp trên kiến trúc gỗ thế kỷ XVII, XVIII ở đình chùa xứ Bắc như đình Vường, đình Nội (Tân Yên), chùa Vân (Việt Yên)...

4. Gác chuông: nằm theo trục dọc, phía sau nhà Tổ đệ nhất và phía trước nhà Tổ đệ nhị. Gác chuông có bình đồ kiến trúc gần vuông, xây chồng diêm 6 mái cao gần 8m chia làm hai tầng: Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn, tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách. Theo nội dung bia ký cả gác chuông và quả chuông đều được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX. Trải qua thời gian, gác chuông đã tu bổ nhiều lần, song đây vẫn là một kiến trúc đẹp với đao tàu kẻ góc và sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ và gạch ngói. Các mảng chạm khắc trên cấu kiện thể hiện đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

5. Nhà Tổ đệ nhị: có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị (=) gồm tòa Bái đường 11 gian chạy song song với tòa Hậu cung 3 gian phía sau và được liên kết với nhau bởi một máng xối.

5.1. Bái đường: kiến trúc đầu hồi bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Bờ nóc đắp kìm. Tường xây gạch chỉ, hai đầu hồi xây hai cột đồng trụ, trên đắp tứ phượng. Phần hiên rộng hơn 1m, lát gạch bát, bó vỉa đá thanh. Nền nhà cao hơn sân 0,2m, lát gạch bát. Toàn bộ 9 gian bên trái tạo cửa gỗ lim kiểu thượng song hạ bản. Phần liên kết vì mái kiểu bán giá chiêng, kẻ truyền. Các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc, riêng hệ thống đầu bẩy hiên chạm nổi hình lá cách điệu, mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

5.2. Hậu cung: tường xây gạch, mái lợp ngói mũi. Nền lát gạch vuông đỏ. Hậu cung có kết cấu 3 gian, bốn hàng chân cột. Liên kết vì nóc gắn kết theo kiểu thức con chồng, trụ giá chiêng, vì nách kiểu ván mê. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim, chạm nổi hoa lá cách điệu. Bên trong bài trí hệ thống tượng Tổ kế thế qua các thời kỳ như tượng Thiền Gia Pháp Chủ Thích Thanh Hanh, Hòa Thượng Trần Như, Hòa Thượng Thích Tâm Duyệt...

Ngoài 5 tổ hợp kiến trúc chính, chùa Vĩnh Nghiêm còn các công trình Nhà Mẫu, Nhà in Kinh, Hai dãy Hành lang Đông - Tây, Vườn tháp.

6. Vườn tháp: gồm có 9 tháp, là nơi đặt xá lỵ của các sư tổ kế thế trụ trì ở chùa, như Tịnh Phương Sa Môn pháp húy Tâm Viên, Hòa thượng Phù Lãng Trung hiệu Sa Môn - Thông Duệ - Ứng Duyên...

 Chùa Vĩnh Nghiêm có số lượng hiện vật phong phú, đa dạng mang giá trị về lịch sử, thẩm mĩ, khoa học, văn hóa, tiêu biểu như: Hệ thống bia đá, văn khắc (gồm 07 bia đá, 05 văn khắc trên tháp mộ, 01 văn khắc trên chuông, được soạn, khắc, dựng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX); hệ thống hoành phi câu đối; Hệ thống tượng Phật-là những tác phẩm điêu khắc đẹp mang giá trị mỹ thuật tiêu biểu của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực, có thể phân làm 03 dạng bản khắc chủ yếu: Kinh Luật có khung viền quanh lề trang sách; những bản khắc có phần chữ xen họa đồ; những bản khắc "Lục thù", "bùa chú" dùng trong ma chay và những nghi lễ tôn giáo… Với những giá trị tiêu biểu, ngày 16/5/2012 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đây, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (chùa La) được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Mười Một (Âm lịch), nhân dân trong vùng gọi là tiết lệ chùa La - ngày hóa của Giác hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông. Ngày nay, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng Hai (Âm lịch) - là ngày giỗ chung của các vị Tổ chùa Vĩnh Nghiêm, với sự tham gia của nhiều làng, xã, phản ánh sự ảnh hưởng của Phật giáo và các vị Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống nhân dân trong vùng. Ngày 09/9/2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đượcThủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015)./.

Liên kết website