Ngày 10 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu

Bà Triệu (tên là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Trinh Nương, hay Triệu Ẩu), sinh năm 226, người huyện Quân Yên (Quan Yên), quận Cửu Chân. Bà có dung mạo hơn người, võ nghệ cao cường, thích giao du bạn bè, có hoài bão lớn thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!"

Năm 248, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp trai tráng trong vùng tụ nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Ngô. Một thời gian ngắn sau, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Bà được tướng sĩ tôn làm Chủ tướng. Trước sức mạnh của quân ta, các thành ấp của quân Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Cuộc khởi nghĩa phát triển, lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo dài vào tận Nhật Nam.  Trước tình hình đó, Ngô vương Tôn Quyền đã phải cử viên tướng Lục Dận làm Thứ sử đem quân sang đàn áp. Sau nhiều trận chiến ác liệt, nghĩa quân không thể chống chọi được với cường địch. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên Núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa)  vào ngày 22 tháng Tám, năm Mậu Thìn (248), khi mới tròn 23 tuổi.

Để tưởng nhớ ân đức của Bà Triệu và các tướng sĩ, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại địa điểm trước đây Bà cùng nghĩa quân đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt. Trải qua biến cố của thời gian và lịch sử, đền thờ Bà Triệu tại Núi Tùng vẫn được nhân dân gìn giữ, là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Khu di tích Bà Triệu được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ khác nhau, bao gồm các địa điểm: Đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba Ông tướng họ Lý, miếu Bàn thề, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ.

1. Đền Bà Triệu: tọa lạc hướng Bắc, gồm: Nghi môn ngoại, hồ sen hình chữ nhật, bình phong, Nghi môn trung, sân dưới, Nghi môn nội, sân trên (hai bên có Tả/hữu mạc), Tiền đường, sân thượng, Trung đường, sân thiên tỉnh, Hậu cung.

Nghi môn ngoại: xây kiểu tứ trụ, bằng đá nguyên khối; trên đỉnh cột trụ cao là hình chim phượng lá lật, trụ thấp hình nghê chầu, lồng đèn chạm hình tứ linh, tường hai bên là hai bức chạm nổi tượng voi chầu.

Hồ nước: chiều rộng 29,8m, dài 42,2m, ba mặt hồ xây lan can thấp, mặt đối diện với Nghi môn nội được tạo bậc lên xuống, bậc thềm có rồng chầu.

Bình phong: đặt phía trước Nghi môn trung, bằng đá nguyên khối, tạo tác theo kiểu hình cuốn thư, dài 4,075m, cao 2,37m.

Nghi môn trung: kiến trúc tứ trụ truyền thống, trên đỉnh cột lớn là hình chim phượng lá lật, hai cột trụ nhỏ chạm nổi hình khối tượng nghê chầu, các ô lồng đèn trang trí hình tứ linh.

Sân dưới: nằm trước nghi môn nội, dài 49,8m, rộng 12m; nền sân lát gạch bát. Ở hai bên tả, hữu của sân có miếu Sơn thần và Thổ thần.

Nghi môn nội:  kiểu dáng như Tam quan của chùa, gồm 2 tầng mái, 3 cửa ra vào, 4 cột cao ở cửa giữa và 4 cột thấp ở hai cửa bên; đỉnh cột trụ lớn gắn chim phượng lá lật, trụ nhỏ có nghê chầu; mái cuốn vòm, dán ngói âm dương. Hai bên cửa chính ra vào đặt 2 tượng nghê chầu cổ bằng đá.

Sân trước nhà Tiền đường:  dài 51,40m, rộng 11,55m, nền lát bằng đá tảng đục nhám mặt. Trên sân đặt 01 bát hương đá hình tròn, hai bên có 2 cây đèn đá hình trụ, phía ngoài đặt 2 tượng voi chầu bằng đá khối.

Tả/ Hữu mạc: nằm ở hai bên sân trước nhà Tiền đường, mỗi nhà có 5 gian, thu hồi bít đốc, tường bao 3 mặt; vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu“chồng rường giá chiêng”, chạm hình hoa lá; nền nhà lát gạch bát kiểu cổ.

Tiền đường: 3 gian 2 chái, mái thu hồi bít đốc, vì kèo kiểu “quá giang, trụ đinh, kèo suốt” trên 4 hàng chân cột (12 cột) bằng đá núi Nhồi, đục vuông cạnh, trên các cột đá chạm nổi vế đối chữ Hán. Nóc nhà trang trí hổ phù đội mặt trăng, ngậm chữ Thọ; kìm nóc hình đầu rồng, đuôi rồng có dáng đuôi cá mang đậm dấu ấn của kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn.

Trung đường: ngăn cách với nhà Tiền đường bới sân thượng, lát bằng đá xanh đục nhám mặt ở trục thần đạo. Trung đường là kiến trúc gỗ 5 gian 2 tầng mái cong, 4 vì kèo gỗ cấu trúc “giá chiêng chồng rường kẻ bẩy”, trang trí đề tài tứ linh, hình hoa lá, vân mây, rồng hóa... Tại gian giữa, đặt 2 tượng nghê chầu cổ. Ở phía ngoài, trang trí các bức phù điêu kìm nóc và kìm góc mái, rồng ngậm chữ Thọ đội mặt nguyệt, nghê chầu ở hai bên bờ chảy. Bậc Tam cấp có rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối, kiểu dáng thời Lê.

Hậu cung: nối với Trung đường bằng sân Thiên tỉnh, dài 2,45m, rộng 6,9m, trục thần đạo lát đá xanh đục nhám mặt.  Hậu cung có kiến trúc bằng gỗ 3 gian 2 chái, hai tầng mái cong, với 4 vì kèo kiểu "giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy", 4 hàng chân cột. Trang trí trên hệ khung vì là các bức chạm nổi, chạm bong hình rồng, lá cúc leo, cúc to bản, hoa sen ở các đầu dư, quá giang, kẻ bẩy, hình tượng rồng ở kìm góc, kìm nóc mái…

2. Khu lăng mộ Bà Triệu

Lăng Bà Triệu: nằm trên đỉnh núi Tùng, hình trụ đứng (tứ giác) nhỏ dần về phía đỉnh gồm 2 tầng mái: có chiều cao từ mặt nền đến đỉnh là 5,8m. Mái lăng làm theo kiểu mái kiệu long đình, đỉnh lăng gắn hình nậm rượu. Toàn bộ Lăng được chế tác từ đá xanh nguyên khối, bên trong đặt bát hương, mặt chính của Lăng đặt bàn thờ bằng đá.

Mộ: được xây cao hơn 0,50m so với nền. Cấu trúc mộ vuông bốn mặt có kích thước 1,5m x 4, chiều cao 2,3m. Mộ được mở cửa hình vòm ra 4 phía, mái tạo dáng cong ở các góc, đỉnh mộ gắn quả cầu tròn.

Tháp chúa: cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối  cao 1,45m, đế tháp cao 0,5m, vuông bốn mặt.

3. Mộ Ba ông tướng họ Lý: nằm dưới chân núi Tùng, kích thước ba ngôi mộ đều là 3m x 3m. Phía sau mộ có bàn thờ xây gạch hình chữ nhật dùng làm nơi đặt đồ tế lễ. Ngoài khu mộ còn có tấm bia đá, trán bia ghi “Kỷ niệm bia chí”.

4. Miếu Bàn thề: tương truyền đây là nơi ba anh em họ Lý tổ chức ăn thề đi theo nghĩa quân của Bà Triệu, thuộc khu ruộng Đồng Bảng, làng Phú Điền. Hiện trạng miếu chỉ là một bệ thờ xây bằng gạch, dài 2,04m, rộng 1,48, cao 1,38m.

5. Đình Phú Điền: được dựng dưới thời vua Cảnh Hưng thứ 33 (1772), tọa lạc về hướng Tây Nam, nhìn ra núi Tùng, gồm các hạng mục sau:

Nghi môn: kiểu tứ trụ, bằng đá xanh nguyên khối, với 3 cửa ra vào. Cột tứ trụ lớn, chân đế tạo tác kiểu chân quỳ, bốn mặt chạm tứ linh, đỉnh cột gắn tượng chim phượng lá lật.

Tòa Đại đình: kiến trúc chữ Đinh, dài 18,40m,  rộng 14,37m, mặt trước có hiên rộng 1,9m, cánh cửa kiểu bức bàn.

Tiền đường: có kiến trúc đẹp, hài hòa, vì kèo được chạm trổ tinh vi theo phong cách chạm lộng, chạm bong, chạm nổi, chạm chìm với đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, cá chép hóa rồng, hoa sen, hoa mai, chim sáo, hươu nai, gà trống, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và những hoạt cảnh dân gian.

Hậu cung: 3 gian 2 chái, vì kèo kiểu "giá chiêng chồng rường kẻ bẩy" với 4 hàng chân cột, 4 vì kèo gỗ. Hậu cung được mở 3 cửa, cửa kiểu bức bàn, khung gỗ được tạo tác hình tròn ở tất cả các cấu kiện. Các bức chạm khắc tập trung ở bức tường long cốt bằng gỗ, trên hệ thống xuân hoa và các bức cốn ở ngoài hiên.

6. Đền Đệ Tứ: nằm gần khu vực núi Eo, làng Phú Điền, nên nhân dân còn gọi là Nghè Eo. Tại di tích, hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, trong đó, có 01 bản niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Đền gồm 2 gian xây dọc, dài 6,12m, chiều rộng trung bình 2,88m, cao 3,85m, gồm Hậu điện và Tiền đường, xây theo kiểu cuốn vòm, nền lát gạch bát màu đỏ cổ.

Đền Bà Triệu, có 297 di vật, cổ vật thuộc nhiều chủng loại, đa dạng về chất liệu như giấy, gỗ, đồng, gốm,... niên đại từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Những tài liệu, hiện vật còn được bảo lưu trong di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình tồn tại của di tích và truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của địa phương.

Di tích là nơi nhân dân làng Phú Điền tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng theo phong tục cổ truyền (ngày lễ, Tết cổ truyền, ngày mất của nhân vật lịch sử). Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra trong 3 ngày (từ 19 - 22 tháng Hai âm lịch) gồm lễ tế, lễ rước kiệu, trò diễn dân gian với sự tham gia đông đảo của cộng đồng trong vùng và thu hút hàng vạn du khách đến tham quan và hành lễ. 

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ./.

Khắc Đoài (Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website