Ngày 23 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình An Dân, tỉnh Hưng Yên

Căn cứ vào sắc phong và theo truyền ngôn của các cụ cao niên trong vùng thì đình An Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng vương thứ 18. Phối thờ cùng các ngài là Đức Thánh Đinh Kim Ngô (húy là Đinh Anh Vũ) - một vị tướng dưới triều Lý có công dẹp giặc Chiêm Thành và giặc Ai Lao; Linh Lang Đại vương (thời Lý) có công dẹp giặc xâm lược, đem lại thái bình cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Căn cứ vào kết cấu kiến trúc, các mảng chạm khắc còn lưu giữ tại di tích. Đặc biệt, trên nóc thượng lương tại tòa Đại bái có ghi niên đại tuyệt đối năm khởi dựng đình vào ngày mồng 10/2/1909 niên hiệu Duy Tân thứ 3.

Đình An Dân nằm trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, phía trước là dòng Kim Ngưu, mặt tiền quay hướng Nam. Hiện tại, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, sân đình, nhà Thảo xá, Đại đình. Đại đình có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam gồm 03 tòa: Đại bái, Trung từ, Hậu cung. Ngoài ra, trong khuôn viên đình còn có các hạng mục phụ trợ. Bao quanh khuôn viên di tích là hệ thống tường bao được xây bằng gạch, vữa.

Nghi môn làm theo kiểu tứ trụ, nằm tiếp giáp với đường làng, được phục dựng lại vào năm 2019.

Đại bái là một tòa nhà 03 gian 02 chái, làm theo kiểu tường hồi bít đốc dài 14,95m, rộng 8,55m, cao 5,55m (tính từ nóc mái xuống nền đền), kết cấu 4 hàng chân cột. Đây là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ, cũng là không gian mở, không gian của cộng đồng. Bốn phía xung quanh nền Đại bái đều được bó vỉa bằng gạch chỉ, cao 0,80m so với sân đình, phía ngoài phủ vữa áo. Phần móng được gia cố vững chắc. Mặt nền lát gạch bát (30cm x 30cm), mạch chữ công. Ngăn cách giữa Đại bái và hiên là các luồng cửa bức bàn.

Nâng đỡ phần mái tòa Đại bái là các bộ vì và hệ thống cột kê lên chân tảng. Khoảng cách giữa cột cái trước với cột cái sau là 3,05m, cột cái trước với cột quân trước là 1,75m, cột cái sau với cột quân sau là 1,8m. Các bộ vì nóc tòa Đại bái được làm theo 02 kiểu, kiểu “chồng rường giá chiêng” ở 03 gian giữa và kiểu “ván mê” ở 02 gian hồi. Hệ thống vì nách tòa Đại bái được làm theo 2 kiểu, kiểu cốn mê ở 03 gian giữa và kiểu bán chồng rường ở các gian còn lại.

Trung từ gồm 03 gian nằm song song với tòa Đại bái để tạo nên mặt bằng chữ “Tam” hoàn chỉnh. Tòa nhà này có chiều dài 8,75m, chiều rộng 4,5m, chiều cao 4,95m. Nền Trung từ được làm cùng cao độ với nền tòa Đại bái, lát gạch vuông (30cm x 30cm), mạch chữ công. Móng được bó vỉa bằng gạch chỉ, phía ngoài phủ vữa áo. Mái lợp bằng ngói mũi hài, bờ nóc để trơn không trang trí hoa văn. Hai bên Trung từ xây tường bao kín lên tới dạ tầu mái, mặt trứơc và sau để thông phong với hai tòa Đại bái và Hậu cung. Đỡ hoành mái là các bộ vì nóc được làm theo kiểu “chồng rường trụ trốn”.

Hậu cung (còn gọi là cung cấm) là hạng mục gồm 3 gian nằm song song với tòa Đại bái và Trung từ. Mái Hậu cung được lợp bằng ngói mũi, bờ nóc phủ vữa áo, tạo những đường gờ chạy song song trên đắp dải hoa chanh đều đặn. Hai bên Hậu cung xây tường bao theo kiểu tay ngai lên tới dạ tầu mái. Nền Hậu cung được làm cao hơn so với nền Trung từ 5cm, lát gạch vuông (30cm x 30cm), mạch chữ công.. Ngăn cách giữa Hậu cung và Trung từ là 03 luồng cửa được tạo tác theo kiểu “thượng song hạ bản”.

Nhà Tả vu là hạng mục mới được trùng tu, tôn tạo vào năm 2015 gồm 03 gian được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, nằm phía trước tòa Đại bái đình.

Các trang trí trên kiến trúc tại đình làng An Dân chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đề tài trang trí phong phú, đa dạng. Những trang trí này không chỉ chuyển tải những giá trị về tín ngưỡng, mà còn tạo nên giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của di tích.  

Đề tài linh vật: tại Đại bái đình hiện có 04 mảng chạm đề tài tứ linh theo các tư thế của các linh vật khác nhau. Bốn mảng chạm này đều đứng trên xà nách gian giữa gồm 04 linh vật: rồng, phượng, long mã, rùa.

Đề tài tứ quý: có 01 mảng chạm, ở bên phải của mảng chạm gian giữa tòa Đại bái trang trí đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai).Đề tài liên ngư (cá chép và hoa sen): trên ván nong tại vì nách tòa Đại bái trang trí một đôi cá chép bơi quanh hoa sen, một con trong tư thế ngửa bụng lên trên.

Đề tài thảo hóa long: có 04 mảng chạm ở tòa Đại bái trang trí đề tài “thảo hóa rồng” với đầu rồng là những gốc cây, thân rồng là thân cây uốn lượn, chân, vây, đuôi rồng là những nhánh và cành cây đó.

Đề tài hoa văn, cây cỏ: thể hiện nhiều trên các mảng cốn vì nách bên trái, bên phải tòa Đại bái.

Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, đình An Dân còn là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật tiêu biểu có giá trị: sắc phong, kiệu rước, câu đối, đại tự, bát hương,... Đây là nguồn tư liệu quý góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu, nhìn nhận, tìm hiểu và đánh giá về lịch sử của ngôi đình.

Trải qua thời gian, Đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời Nguyễn (ngày 01/11/1913); năm 2015 - 2016, chính quyền và nhân dân dịa phương tu sửa lại tòa Hậu cung đình, đảo ngói, thay thế một số hoành, rui, xà đã bị mối một, xuống cấp; năm 2015, tu sửa hạng mục nhà Tả vu và lát lại sân đình; năm 2019, phục dựng lại Nghi môn đình theo phong cách truyền thống và hệ thống tường bao xung quanh di tích. 

Trong những năm kháng chiến, ngôi đình là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương góp phần làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Có thời điểm, đền được dùng làm nơi hội họp của lực lượng cách mạng; nơi sơ tán của các cơ quan nhà nước; trường học cho con em trong làng,...

Với giá trị tiêu biểu trên, Đình An Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

 

Liên kết website