Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình, chùa làng Rền, tỉnh Bắc Ninh

Về lịch sử ngôi đình làng, căn cứ vào tấm bia đá Phụng sự hậu thần bi ký” lưu giữ tại đình có niên đại Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) ghi chép về việc các thiện nam tín nữ có tâm công đức tiền của, ruộng vườn vào đình, chứng tỏ ngôi đình chắc chắn đã được xây dựng trước thời điểm đó. Trải qua biến thiên lịch sử đình, chùa đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Theo lời hồi cố của các bậc cao niên trong làng vào thời Nguyễn, ngôi đình lúc này có kiến trúc khang trang, bề thế. Phía trước quay mặt ra sông Đuống là Tiền tế 11 gian, phía sau là tòa Đại đình gồm Đại bái 9 gian 2 chái với các mái đao cong và 2 gian Hậu cung. Trước cửa đình có hồ bán nguyệt, hai bên Tiền tế là hai tòa Giải vũ. Tổng thể các công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo nghệ thuật, ván sàn, màn giếng.

Trong Kháng chiến chống Pháp, làng Rền là địa phương có phong trào cách mạng mạnh mẽ nên bị Thực dân Pháp đàn áp, công kích ác liệt. Đình làng Rền là nơi tôn nghiêm phụng thờ Tướng quân Đoàn Thượng - một danh thần triều Lý. Căn cứ vào các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược… và Thần tích cùng 13 đạo sắc phong hiện nay còn lưu tại đình đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng của Ngài. Trong dân gian gọi Ông là Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, có đền thờ ở nhiều nơi, chính sử ghi có 72 làng thờ nhưng đã từ rất lâu còn cho đến nay thống kê có tới trên 270 làng thờ phụng Ngài, trong đó có nhiều làng thuộc vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Cũng trong dân gian còn có tín ngưỡng thờ đức Thánh Ông Hoàng Cả tức Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng trong Tứ phủ quan hoàng gồm có mười vị quan hoàng.

Về ngôi Chùa làng Rền (tên chữ là “Hưng Phúc tự”) cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác, đây là trung tâm thờ Phật, nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của dân làng từ bao đời nay.

Đình, Chùa làng Rền trải qua thăng trầm lịch sử, mặc dù đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo song vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống. Hiện nay Đình, Chùa ở vị trí trong cùng khuôn viên, trên một khu đất rộng giữa xóm Đình (một trong bốn xóm của làng Rền), xung quanh là dân cư đông đúc. Đình, Chùa hiện là một quần thể kiến trúc gồm các công trình: phía trước là cổng Tam quan, qua sân gạch rộng là ngôi Đình gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung kết cấu tạo thành chữ Đinh, liền kề bên phải Đình là chùa Hưng Phúc gồm Tiền đường và Thượng điện cũng tạo thành kết cấu chữ Đinh. Ngoài ra trong khuôn viên di tích còn một số công trình phụ trợ khác như: nhà Tạo soạn, nhà mẫu, nhà bếp… cùng nhiều cây cổ thụ xanh tốt tạo cho di tích không gian thờ cúng thâm nghiêm, linh thiêng.

Cổng Tam quan: được làm theo kiểu gác chuông, phía trên là 2 tầng 8 mái đao cong, phía dưới gồm 1 cửa lớn ở chính giữa và hai của nhỏ hai bên.

Đình làng Rền

Đại đình: Từ cổng Tam quan qua khoảng sân rộng lát gạch là tòa Đại đình có quy mô khá lớn, chiều dài 17,2m, chiều rộng 14m, gồm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”.  Mặt trước của Đình được làm hệ thống cửa “Thượng song hạ bản” bằng gỗ lim ở cả 3 gian giữa, 2 chái xây gạch, trổ cửa số tròn hình chữ Thọ. Bộ khung đình được làm bằng gỗ lim vững chãi bởi 6 vì kèo ăn mộng với 6 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc cùng với hệ thống xà, kẻ. Cột ở đây khá lớn, cột cái đường kính là 42cm, các cột đều được kê trên những tảng đá để tránh cho cột tiếp xúc trực tiếp với nền đất. Chiều cao tính từ thượng lương đến nền là 5,8m, giọt gianh là 2,8m, gian giữa rộng 4,1m x 3,4m, gian bên rộng 3m x 3,4m. Bộ vì của Đại đình được kết cấu theo kiểu “Chồng rường giá chiêng”, vì nách theo kiểu “Chồng rường”.

Hậu cung: nối liền với gian giữa và vuông góc với Đại đình, gồm 2 bộ vì nóc tạo thành 2 gian, vì nóc và vì nách đều kết cấu theo kiểu “Vì ván mê. Hậu cung có diện tích 7,2m x 4,4m. Nghệ thuật trang trí chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, tập trung trên các bộ vì. Trên 2 bộ vì nóc đều chạm nổi mặt hổ phù lớn hòa lẫn trong những đám vân mây. Mặt hổ phù với bờm tóc bay ngược lên phía trên, các vảy trên thân mềm mại, sinh động. Bộ vì nách chạm khắc hoa văn triện nhưng xen lẫn hoa lá cách điệu để tạo sự hài hòa và mềm mại cho kiến trúc.

Hậu cung là nơi tôn nghiêm phụng thờ đức Thánh nên được ngăn cách với Đại đình bởi bức cửa cấm. Trong Hậu cung được bài trí khám thờ sơn son, bên trong là Ngai thờ thời Nguyễn với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo cùng với bài vị khắc nổi dòng chữ Hán “Đông Hải Đại Vương thần vị”.

Chùa làng Rền

Chùa làng Rền có tòa Tam bảo kết cấu kiểu chữ Đinh, gồm 2 tòa Tiền đường và Thượng điện.

Tiền đường: gồm 5 gian kiến trúc kiểu bình đầu, bít dốc, cánh phong văn triện, cột trụ, lồng đèn trên đắp trái giành, dựng trên nền bó gạch cao hơn mặt sân chừng 30cm, chiều dài 12m, lòng rộng 5,5m. Tiền đường có kết cấu các bộ vì nóc theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách theo kiểu “vì ván mê” liên hết với 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Cửa được mở ở 3 gian phía trước hướng Tây Nam theo kiểu thượng song hạ bản. Phần mái được lợp ngói mũi, trên bờ nóc đắp hình cuốn thư, bên trong đắp nổi tên chữ của chùa là “Hưng Phúc tự” bằng chữ Hán. Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc của Chùa đơn giản hơn Đình, chủ yếu tập trung ở các bộ vì. Bên cạnh sự vững chãi của bộ khung gỗ thì trên các bộ vì nóc chạm nổi hình hoa lá cách điệu trên các xà, con chồng để tạo sự mềm mại. Các đấu kê cũng được cách điệu tinh tế bằng hình ảnh các cánh sen chạm nổi phía ngoài. Trên bộ vì nách chạm đề tài tứ quý và chim thú khá sinh động.

 Thượng điện: gồm 2 bộ vì nóc kiểu “ván mê” nối liền hai gian với Tiền đường thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh. Nghệ thuật chạm khắc trên bộ vì nóc chạm nổi với đề tài văn triện và xen kẽ hoa lá cách điệu. Vì nách kiểu “chồng rường”. Trên các bộ phận con chồng chạm nổi đề tài vân mây, hoa lá cách điệu nghệ thuật.

Thượng điện là trung tâm thờ tự của Chùa được bày đặt các hàng tượng bằng đồng, mang phong cách thời Nguyễn. Trên cùng là tượng Tam Thế; Hàng thứ hai là Thích ca thuyết pháp được tạc trong tư thế đứng ở giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế CBTát; Hàng thứ ba là bộ Di Đà Tam Tôn với tượng A Di Đà lớn ngồi ở giữa, hai bên là A Nan và Ca Diếp. Hàng thứ 4, ở giữa là tượng Ngọc Hoàng, hai bên là Phật Di Lặc và Phật Tuyết Sơn; Hàng thứ 5 là tòa Cửu long. Các tác phẩm tượng mang nhiều niên đại khác nhau với nghệ thuật tạo hình, điêu khắc phong phú thể hiện quá trình tồn tại, phát triển của ngôi chùa trong lịch sử.

Cổ vật của Đình

- Bia đá Phụng sự hậu thần bi ký” dựng khắc ngày 17 tháng Giêng năm Vĩnh Hựu 3 (1737).

- 13 đạo sắc phong: của các triều đại ban tặng cho vị Thần được thờ ở đình là “Đông Hải Đại Vương” trải dài từ Lê đến Nguyễn.

- Bức cuốn thư: Có niên đại Duy Tân 6 (1912), phía trên bức cuốn thư chạm thủng đề tài “Lưỡng long chầu nhật” được thếp vàng.

- Ngai bài vị: ngai bài vị được chạm khắc, trang trí có thể xác định mang niên đại thời Lê. Bài vị khắc nổi dòng chữ Hán “Đông Hải Đại Vương Thần vị”.

- Cây nến đồng: có niên đại thời Nguyễn, là tác phẩm nghệ thuật đẹp.

- Các đồ thờ tự: Ngoài những cổ vật đặc sắc trên, tại Đình, Chùa làng Rền còn bảo lưu được rất nhiều đồ thờ tự chủ yếu mang niên đại thời Nguyễn.

Cổ vật của Chùa

- Chuông đồng: có tên “Hưng Phúc thiền tự”. Theo minh văn khắc trên chuông được biết, vốn xưa chùa cũng có một quả chuông được đúc vào năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thịnh Đức 2 (1654) triều Lê, sau bị giặc đốt phá, nên đến năm Cảnh Hưng 27 (1766) trụ trì bản tự lúc đó tên tự là Hải Uyên đã đứng ra hưng công tu tạo đúc quả chuông này.

- Tượng Phật: hiện còn bảo lưu được 3 pho tượng phật bằng đồng (Thích Ca niêm hoa, Quan Âm chuẩn đề, tòa Cửu Long) và một số pho tượng bằng gỗ có niên đại thời Nguyễn. Trong đó, đẹp và nổi bật về độ tinh xảo tượng Phật Thích Ca niêm hoa bằng đồng. Sự tinh xảo trong nghệ thuật tạo hình thể hiện ở từng đường nét mềm mại của mỗi nếp gấp tà áo, đôi bàn tay, huôn mặt đức Phật toát nên vẻ hiền hậu, thanh khiết, thoát tục.

- Cây hương đá: niên đại Chính Hòa 17 (1696), được tạo từ đá xanh nguyên khối theo hình chữ nhật đứng.

- Bể đá: được đặt trước cửa tòa Tam Bảo, dùng trong lễ mộc dục mỗi khi có tiết lệ ở đình và chùa, gắn bó với các phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân làng Rền.

Đình, Chùa làng Rền có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh xảo và có quy mô lớn. Bên cạnh đó, hệ thống cổ vật của di tích không những thể hiện bàn tay khéo léo điêu luyện của các nghệ nhân xưa, mà còn thể hiện toàn diện, rõ nét hơn về nghệ thuật điêu khắc dân gian trong một thời kỳ lịch sử.

Với những giá trị nổi bật trên, Đình, chùa làng Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 3243/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website