Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Đình, chùa Lũng Kinh, Thành phố Hà Nội

Đình, chùa Lũng Kinh cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, thuộc địa phận thôn Lũng Kinh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức.

Căn cứ vào tài liệu, văn tự hiện còn trong di tích, chùa Lũng Kinh có niên đại muộn nhất là đầu thời Lê, đến thời Lê Trung hưng ngôi chùa đã có quy mô bề thế. Đình Lũng Kinh khởi đầu là ngôi đền thờ Thần, có niên đại muộn hơn vào khoảng cuối thời Lê (thế kỷ XVII) khi tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng phát triển mạnh ở Đồng bằng Bắc Bộ, đền được sửa lại chuyển thành đình làng. Cụm di tích này có giá trị lớn về kiến trúc - nghệ thuật.

1. Đình Lũng Kinh gồm các hạng mục chính:

- Cổng đình: được xây theo lối cổng vòm; cửa chính giữa cao, rộng, phía trên là phần mái chồng diêm với 4 lá mái hẹp. Nóc mái đắp hình nậm rượu lớn, hai đầu đắp hình lá cách điệu. Mái cổng được làm giả kiểu ngói ống, hai bên thấp, nhỏ hơn cửa chính, ngăn cách cửa là hệ thống cột, trụ xây gạch, thân cột viết các câu đối chữ Hán. Qua cổng đình là sân khá rộng, lát gạch bát.

- Đại đình: gồm 5 gian được làm theo kiểu nhà 4 lá mái với 4 đầu đao cong. Sau do mái đình hỏng, hai mái hồi và các đầu đao bị cắt bỏ và xây thành tường hồi, hiện được làm kiểu tay ngai, phía ngoài có bình phong, ngoài cùng là trụ biểu. Trụ biểu được làm cao, có chiều ngang bằng nóc mái, đỉnh trụ là hình 4 chim phượng cách điệu cao thành hình hồi văn, dưới các góc trụ đắp hình rồng cách điệu. Phần lồng đèn làm đơn giản, bên trong đắp hình chữ Thọ, trên thân đắp các câu đối chữ Hán. Mái lợp ngói lót và ngói mũi hài cổ, hai đầu bờ nóc đắp hình hai con kìm bằng vữa. Bờ giải đắp kiểu bờ đinh, phần gấp của bờ giải đắp hình nghê có gắn các mảnh sứ vẽ lam.

Bộ khung nhà Đại đình được làm theo kiểu vì chồng rường giá chiêng kết hợp với kiểu vì kẻ chuyền bảy hiên với 5 hàng chân cột được đặt trên các chân tảng màu xanh. Liên kết các bộ vì là hệ thống xà đại chạy dọc nhà. Phần kiến trúc gỗ của khung nhà Đại đình được chạm nổi, chạm lộng các đề tài truyền thống. Đề tài trang trí được tập trung thể hiện đậm đặc trên hai bộ vì kèo gian giữa Đại đình. 4 đầu dư được chạm lộng hình đầu rồng. Hai bức cốn phía ngoài chạm nổi đề tài tứ linh, hình rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, hoa sen sóng nước và hình hoa lá. Mặt sau cốn được chạm nổi hình hoa lá vân mây và hồi văn. Hai bức cốn nách phía trong được chạm lộng đề tài tứ linh, rồng cuốn thủy và cá hóa rồng.

Ngoài hai bộ vì gian giữa, các bộ vì khác được trang trí đơn giản hơn. Các đầu bẩy chạm nổi hình rồng cách điệu, vân xoắn và vân cụm. Diềm mái trang trí bằng hồi văn, hoa lá. Các thanh kẻ chạm hình cụm vân xoắn. Các thanh rường chạm hình vân xoắn.

Nhìn chung đề tài trang trí trong Đại đình khá đơn giản, nghệ thuật chạm khắc chau chuốt với những nét chạm sâu, mạch lạc, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

- Hậu cung: Nối liền với gian giữa Đại đình, chạy về phía sau là tòa Hậu cung, được làm theo kiểu đầu hồi bít đốc. Bộ khung được làm kiểu chồng rường, các thanh xà nách đăng đối với hai hàng cột cái, một đầu ăn mộng vào cột cái còn đầu kia được đặt trên tường, dọc Hậu cung. Khung gỗ ở Hậu cung được chạm khắc, trang trí các đề tài hoa lá, rồng uốn khúc, hình nghê, vân xoắn và hình cánh sen. Nghệ thuật chạm khắc đơn giản mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trên tường hậu của Hậu cung trang trí, vẽ màu hình lưỡng long triều nguyệt, tứ linh và vân xoắn tạo vẻ thâm nghiêm cho nơi thờ tự. Trong Hậu cung hiện được xây các bệ thờ bằng gạch để đặt sập thờ và bày đồ thờ tự.

2. Chùa Lũng Kinh (chùa Hưng Phúc)

Chùa Lũng Kinh tọa lạc trên một khu đất cao ở phía trước đình và quay cùng một hướng với đình tạo thành kết cấu kiến trúc liên hoàn tiền Phật hậu Thần. Các công trình kiến trúc của chùa gồm gác chuông và khu chùa chính. Khu chùa chính bao gồm tòa Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện, được làm nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc hình chữ công, một loại hình kết cấu kiến trúc thường gặp trong các ngôi chùa cổ.

- Gác chuông: phần mái được làm theo kiểu nhà hình vuông giống với tòa phương đình của đình. Gác chuông có mái chồng diêm với 2 tầng 8 lá mái. Các góc mái uốn cong tạo thành các đầu đao đơn giản. Chính giữa bờ nóc trên đắp hình mặt trời lửa, hai bên đắp hình hai đầu rồng chầu vào. Các lá mái hơi hẹp, được lợp bằng loại ngói mũi hài nhỏ. Gác chuông có một hệ thống sàn gỗ, tạo lối để lên đánh chuông, khánh.

- Tiền đường: được làm 05 gian theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai. Phần mái nhà khá đơn giản. Nóc mái lợp ngói bò, mái lợp ngói mũi hài nhỏ. Bên trong bộ khung nhà Tiền đường được làm theo kiểu vì chồng rường giá chiêng (gian giữa) và cột trốn quá giang vượt kẻ hiên (các gian bên), tạo khoảng hiên phía trước rộng. Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ của Tiền đường khá độc đáo. Các thanh kẻ hiên chạm nổi hình vân xoắn, đao mác. Các thanh quá giang chạm hình vân xoắn, thanh rường gian bên chạm hình hoa lá và hình rồng uốn khúc. Đặc biệt trên các thanh rường của hai bộ vì gian giữa chạm lộng hình chim phượng đang bay, rồng uốn khúc, cảnh người đấu vật, chim thần Ganura và hình hoa lá. Hai đầu dư cột trốn gian giữa chạm lộng hình rồng, đao mác, tại đây còn gắn hai hình tiên nữ với đôi cánh giang rộng. Nhìn chung nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đây khá chau chuốt, với những đường nét tinh tế, mềm mại, tạo nên vẻ sống động của các đề tài trang trí. Đây là những mảng trang trí đẹp, tiêu biểu của nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở thế kỷ XVII.

- Nhà thiêu hương có 02 gian, nối liền giữa Tiền đường với Thuợng điện. Bộ khung nhà thiêu hương đuợc làm theo kiểu vì thượng rường hạ kẻ, đăng đối qua trục hoàng đạo. Các thanh kẻ có một đầu ăn mộng vào cột cái còn đầu kia đặt trên tường. Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ của thiêu hương đơn giản, chủ yếu là bào trơn và kẻ soi.

- Thượng điện: là tòa nhà nằm song song với Tiền đường, gồm 1 gian, 2 chái, được làm theo kiểu nhà 4 lá mái, các góc mái uốn cong thành các đầu đao đơn giản. Bộ khung làm theo kiểu vì chồng rường xẻ nách. Nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là bào trơn, kẻ soi.

Tượng thờ trong chùa bài trí cơ bản tuân thủ chặt chẽ những quy định của Phật giáo, tượng có mảng, khối rõ ràng, hài hòa, cân đối. Hệ thống tượng gồm 47 pho với các chất liệu, kích thước khác nhau, niên đại tạo tác cũng không đồng nhất. Một số pho được làm dưới thời Lê Trung Hưng như bộ tượng Tam thế, tượng Adida, tượng Quan âm Nam hải... số còn lại được tạo tác dưới thời Nguyễn.

Đình, chùa Lũng Kinh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 2009-QĐ ngày 15/11/1991./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website