Đình - chùa - miếu Ngô Xá, tỉnh Hưng Yên
Đình - chùa - miếu Ngô Xá (thuộc thôn Ngô Xá, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 534-QĐ/BT ngày 11 tháng 5 năm 1993. Cụm di tích được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu lớn vào thời Nguyễn, ở nơi đất có thế “rồng chầu, hổ phục” cao, thoáng. Theo bia ký và bài vị thì đình, chùa, miếu Ngô Xá thờ Đôn Thiện Sùng Tín Đại vương, Đông Chinh Thiện Môn Đại vương, Tây Chinh Địa phủ Đại vương.
Đình được xây dựng ở trung tâm làng, theo hình chữ Tam. Tiền đường gồm 05 gian, dài 16m, rộng 6m, kiến trúc theo kiểu chồng rường đấu sen, các con rường, đầu dư đều được chạm hình rồng cách điệu, râu, tóc rồng chạm hình đao lửa. Phần hiên đình rộng 1,4m, các bẩy hiên cũng chạm hình rồng cách điệu nhưng đơn giản hơn. Bốn bức cốn gian giữa chạm “thông, mai, trúc, cúc”, trên thượng lương của đình hiện còn ghi “Đinh Sửu Bảo Đại thập nhị niên”.
Toàn bộ phần tiền đình chủ yếu dùng làm nơi họp hành của làng xã và nơi tế lễ trong những ngày hội hè. Áp sát 05 gian tiền là 03 gian trung từ dài 9m, rộng 4,6m (đã bị phá hủy trong 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp). Theo kể lại, trung từ cũng được kiến trúc theo kiểu chồng rường đấu sen và chạm trổ như tiền đình, nhưng phần gỗ nhỏ hơn. Phần này được đặt ban thờ và các đồ tế khí như long đao, bát bửu, kiệu bát cống, kiệu long đình, chuông đồng. Cách trung từ 0,6m là 03 gian đệ tam cũng dài 9m, rộng 4,8m kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, được đặt ban thờ trên có ngai, bài vị của ba vị Thành hoàng, hai bên ban thờ có long ngai, bát bửu. Sát hai bên sân đình mỗi bên có 03 gian giải vũ, hiện nay đã được cải tạo.
Cùng với đình, về phía Bắc làng còn có miếu Ngô Xá, tuy không lớn, nhưng được xây dựng trên một địa thế đẹp, mặt trước nhìn về giếng làng tương truyền là mắt rồng, phía Tây gần dòng sông Kim Ngưu. Miếu được xây theo hình chữ công, nhà tiền 03 gian, 02 dĩ dài 9,4m, rộng 4,5m, theo kiểu chồng rường đấu sen, đơn giản, hầu hết không có chạm khắc gì, 04 cột phía trước, sau làm bằng đá xanh, mái lợp ngói mũi hài thời Lê. Trung từ chỉ có 01 gian, kiến trúc đơn giản, được bài trí 01 ban thờ sơn son thếp vàng, phần riềm trang trí hình hoa dây, trên ban đặt các đồ tế tự, hai bên ban thờ đặt hai giá cắm bát bửu, xà ngang, trước ban thờ treo bức đại tự thếp vàng “Thánh cung vạn tuế”.
Tiếp nối trung từ là Hậu cung 03 gian, 02 dĩ. Gian trung tâm đặt ban thờ có 03 cỗ ngai, bài vị của 03 vị Thành hoàng, dưới ban thờ đặt 03 pho tượng cao 0,6m nét mặt nghiêm trang.
Về phía Nam thôn là chùa Ngô Xá (tên chữ “Ninh Khánh Tự”). Tam quan chùa xây kiểu chồng diêm, 3 tầng 12 mái. Tất cả các đầu guột đều đắp theo hình cong mềm mại, mặt trong, mặt ngoài tầng 1 đều để cửa vòm tròn, trong đắp tượng Tiểu Kính ngồi trên núi, tầng 2 đắp đại tự nổi “Ninh Khánh môn”, trên bờ nóc tầng 3 đắp “lưỡng long chầu nguyệt, nậm rượu”.
Bên trong là 07 gian Tiền đường và 03 gian Hậu cung, kiến trúc kèo cầu quá giang, các con dấu chạm hình cánh sen, có các câu đối, các bức đại tự ca ngợi đạo Phật và cảnh đẹp của chùa. Các pho tượng Phật được tạc bằng gỗ, có thân hình cân đối hài hòa sống động, thể hiện được hồn trong mỗi pho tượng. Trên xà ngang gian giữa treo đại tự “Ninh Khánh tự”, phía dưới đặt ban thờ, hai gian bên, một bên đặt tượng Thánh Hiền, một bên đặt tượng Đức Ông.
Hiện nay đình - chùa - miếu Ngô Xá vẫn còn nhiều hiện vật, đồ tế tự quý như: 02 kiệu bát cống, 02 kiệu long đình sơn son thiếp vàng, 01 chuông đồng đúc năm Bảo Đại thứ 5, 16 pho tượng phật ở chùa, 03 pho tượng thần ở miếu, 01 cầu đá thời Lê...
Lễ hội hằng năm diễn ra vào ngày 10 tháng Ba, 08 tháng Tám Âm lịch, trong những ngày lễ hội đình, chùa, miếu đều tổ chức tế lễ, rước kiệu và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao sinh động./.
Tuyết Chinh
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)