Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Đình, đền Viên Ngoại, Thành phố Hà Nội

Đình, đền Viên Ngoại (còn được gọi là Quán Ông Ba) thuộc thôn Viên Ngoại, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, tư liệu Hán - Nôm, hiện vật còn lưu trữ tại đây, di tích thờ tứ vị Đại vương thời Hùng vương và Thục An Dương vương.

1. Đình Viên Ngoại: quay hướng Bắc, tựa lưng vào bờ sông Đáy. Phía trước sân đình là hệ thống nghi môn - bình phong và tường lửng bao quanh sân đình. Nghi môn được tạo nên bởi các cột trụ biểu và các bức tường lửng nối liền nhau, bình phong đắp hình cuốn thư, voi chầu, tùng, cúc, trúc, mai. Trên thân các cột trụ biểu viết các câu đối ca ngợi cảnh đình.

Qua khoảng sân rộng lát gạch là Đại đình, gồm 3 nếp nhà liền nhau kiểu "trùng thiềm". Ngoài cùng là tòa Đại bái được làm năm 1919, bộ khung được làm từ gỗ tứ thiết chủ yếu được xẻ vuông, bào trơn, soi gờ chỉ, gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai. Nền Đại bái dài 12,5m, rộng 10m, cao hơn mặt sân 0,55m, 2 bên hồi nhà là 2 bức tường lửng nối dài ra 2 cột trụ biểu phía sân đình tạo tay ngai bề thế. Cột trụ biểu có chân to, thắt cổ bồng. Đầu trên đắp ô lồng đèn và đấu vuông. Thân trụ biểu đắp nổi gờ, ghi các câu đối. Hai mặt tường lửng đắp nổi phù điêu 2 vị võ tướng. Các bộ vì của Đại bái được làm theo 2 kiểu thức:

- Hai bộ vì gian giữa làm kiểu "thượng rường nách giá chiêng hạ kẻ". Một câu đầu thon nhỏ ăn mộng qua 2 đầu cột cái. Mặt trên câu đầu là 2 trụ tròn đỡ rường bụng lợn. Con rường này đội đấu hình thuyền dưới bụng thượng lương qua một đệm kê. Từ 2 bên trụ là đôi rường cụt vươn ra đỡ hoành mái. Các trụ trốn, rường cụt, đấu đỡ đều được làm từ gỗ quý, ăn mộng liên hoàn với nhau. Từ thân cột cái ra đầu cột quân là 1 xà nách, một kẻ nối 2 cột qua mộng xẻ đầu cột, trên kẻ là dong đệm đỡ các hoành mái.

- Hai bộ vì bên hồi được làm theo thức “giá chiêng rường cụt”. Phần vì nóc có kết cấu giống như 2 vì chính, từ cột cái ra cột quân là hệ thống rường nách liên kết nhau. Cửa vào Đại bái được làm ở hàng cột quân phía trước. Từ cột quân phía trước này, một xà nách ăn mộng vươn ra đầu cột hiên, cho hệ thống rường nách hiên tì lực đỡ 4 hoành hiên, tạo nên khoảng hiên rộng 2m. Các tảng kê chân cột được làm từ đá xanh dưới vuông trên tròn, thắt gờ kiểu dành ấm, cao 32cm. Các cột đều được làm thon, tròn, dáng đòng đòng. Cột cái chu vi 1,1m. Nền Đại bái lát gạch Bát Tràng. Hai hồi xây bức thuận. Tường hậu xây gạch, mở 3 cửa cuốn vòm vào Trung cung.

Trung cung đình là một nếp nhà 3 gian tường hồi bít đốc, nền cao hơn nền Đại bái 20cm. Các bộ vì Trung cung được làm thống nhất kiểu "rường nách giá chiêng trụ trốn trên quá giang" gối lên 2 cột sát tường. Bộ khung nhà được làm theo lối xẻ vuông, bào trơn, đóng bén. Đây là nơi bài trí ban thờ Trung cung với các di vật như hoành phi, câu đối, gươm trường, bát bửu, ngai thờ và 4 bát hương đồng chạm, đúc hoa văn tinh xảo.

Trong cùng là 3 gian cung cấm, được làm cao vượt lên với 2 tầng mái trước. Các bộ vì trong cung cấm được làm kiểu kèo kẻ quá giang gối tường. Từ lưng chung tường trước một kẻ đua ra gối đầu cột hiên đỡ tầng mái hạ. Cửa vào cung cấm được làm theo lối cổ, cửa giữa 4 cánh bức bàn, hai bên là 2 cửa mở.

Gian giữa cung cấm là bệ kích thước 1,85m x 2m, cao 0,8m. Trên bệ đặt một khám thờ mui luyện uốn mai cua, có diềm chạm 2 rồng chầu ở mặt trước. Bên trong là 2 cỗ ngai bài vị Đức Thánh.

Các lá mái đình Viên Ngoại lợp loại ngói ta có bản mỏng. Bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh. Đầu bờ nóc Đại Bái đắp đấu, chính giữa bờ nóc Hậu cung đắp mặt trời lửa và 2 rồng lá (Makara). Hai bên hồi Hậu cung đắp nổi 5 con dơi biểu hiện cho ngũ phúc. Trên tường ở khoảng giữa 2 tầng mái có các ô trang trí rồng, lân theo phong cách đắp nổi, bong kênh. Ở giữa đắp 3 chữ “Trùng Quang Thường” có gắn sứ.

Tại đình Viên Ngoại còn lưu giữ được một số hiện vật như: Một cuốn Thần phủ "Thục An Dương Vương triều lưỡng vị thiên thần giáng thế", ba cuốn sao các đạo sắc phong của các triều vua, bảy bức hoành phi, đại tự, trong đó đáng chú ý có: bức "Thượng Đẳng tối linh" được làm vào thời Lê Cảnh Hưng, diềm phía trên chạm 2 rồng chầu nguyệt; bức "Đức phối càn khôn" được làm theo kiểu cuốn thư diềm xung quanh chạm lộng hình rồng, mây, 4 cỗ kiệu, trong đó có 3 có kiệu bát cống....

2. Đền Viên Ngoại: kết cấu hình chữ Nhị, gồm Đại bái và Hậu cung, đã qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa.

Hiện tại, tòa Đại bái có 5 gian tường hồi bít đốc. Từ trên mặt bờ đê sông Đáy, bước xuống 7 bậc xây kè gạch - bê tông là nền Đại bái, để tránh ảnh hưởng mưa gió, phần bậc này được làm trần bê tông với các cột trụ đỡ, có tường hoa chắn ngoài tạo thành nghi môn. Thân các cột trụ khắc câu đối, mặt tường 2 bên nghi môn đắp phù điêu voi thờ sinh động. Vì kèo làm kiểu kèo kẻ giá chiêng trên một quá giang gối lên 2 hàng cột trước và sau.

Từ thềm Đại bái, qua khoảng sân rộng 1,5m là tới Hậu cung. Hậu cung có 3 gian tường hồi bít đốc, xây cao. Mái hậu kéo dài, mái trước làm chồng diêm 2 tầng, 4 bộ vì hậu cung được làm kiểu kèo kẻ quá giang gối lên cột xây áp tường, đỡ 2 mái thượng. Phía trước, ở gian giữa mở một cửa lớn với 4 cánh cửa bức bàn, 2 gian bên là 2 cửa mở, thấp hơn. Phía trên 2 cửa bên là 2 bức chạm nổi theo đề tài tứ linh và ngư long hí thủy. Gian giữa Hậu cung đặt cỗ khám thờ, trên là long ngai, bài vị Đức Giác Hải Đại Vương. Gian bên phải là nơi đặt cỗ long ngai bài vị thờ Đức Thiên Bồng Thuý Mục. Gian trái được thiết kế thành một khám sắt, là nơi đặt các di vật quý hiếm của đền với các chất liệu khác nhau.

Tại đền còn lưu giữ một số hiện vật như: Một cuốn "Hùng Duệ Vương triều Nhất vị thiên thần giáng thế Ngọc Phả" sao lại năm Vĩnh Hựu 2 (1736), Mười một đạo sắc của các triều vua phong cho các Đức Thánh, đạo sớm nhất vào năm Dương Đức thứ 3 (1674), ba bức hoành phi, trong đó đáng chú ý có bức "Đĩnh tiên đăng ngạn" (nghĩa: Vớt lên bờ trước tiên) liên quan đến việc thờ Đức Giác Hải Đại Vương...

Hàng năm, nhân dân làng Viên Ngoại tổ chức lễ hội để tưởng niệm ngày sinh, ngày hóa của Đức Thánh vào tháng Ba Âm lịch.

Đình, đền Viên Ngoại được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website