Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Đình Đông viên, tỉnh Nghệ An

Căn cứ vào lạc khoản, hoa văn chạm khắc và lời kể của các cụ cao niên thì Đình Đông Viên (xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được xây dựng từ thời vua Lê Hiển Tông, trên gò đất cao thuộc trung tâm làng, nhân vật được thờ tại đình là Cao Sơn - Cao Các - vị thần được thờ phổ biến ở Nghệ An.

Khuôn viên đình có tổng diện tích là 1815,6m², gồm 1 tòa đại đình có kích thước: 15,5m x 9,2m, 3 gian, 2 chái, với 4 bộ vì, xung quanh để trống, chỉ xây tường ở phía Đông. Kích thước các bước gian là: 3,3m - 3,15m - 3,15m; Hai chái hai bên: 1,8m - 1,8m.

Từ ngoài nhìn vào, đình Đông Viên vẫn giữ được bộ mái lớn gấp 1,5 lần so với thân đình. Mái đình lợp ngói âm dương, bờ nóc có đôi rồng chầu hình tượng hổ phù đội mặt trời. Hai kìm nóc được thể hiện dưới dạng vân mây cách điệu.

Nâng đỡ toàn bộ phần mái và các bộ phận của đình là hệ thống cột làm bằng gỗ lim gồm: 12 cột cái cao 4,35m, đường kính 0,35m; 12 cột quân cao 3,05m, đường kính 0,3m. Bên cạnh đó, còn có thêm 4 cột hiên xây theo kiểu bệ vuông thót đáy. Hệ thống cột đứng trên các chân tảng bằng đá xanh có kích thước 0,52m x 0,52m, cao 0,05m. Chân tảng hình vuông, ở giữa có rãnh tròn với mục đích đổ dầu, mỡ hoặc nước vào để chống mối mọt và có ý nghĩa về mặt phong thủy

- Kết cấu kiến trúc

Bốn bộ vì nóc của đình đều được kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng rường, không lắp ván bưng ở giữa. Đỉnh của bộ vì là chiếc đấu hình thuyền để đỡ thượng lương. Đấu này tỳ lực trên một con rường ngắn. Rường tỳ lực lên hai đấu vuông thót đáy kê lên đầu cột trốn. Trên rường chạm khắc các hoa văn vân xoắn. Hai cột trốn tỳ lực lên quá giang cũng qua hai đấu vuông thót đáy. Các rường cụt ăn mộng vào cột trốn, đỡ hoành.

Các bộ cốn được kết cấu theo kiểu chồng rường với 2 con rường ngắn, dài đội nhau, ăn mộng vào đầu cột cái, con rường thứ 3 ăn mộng vào đầu cột trốn. Phần dưới con rường thứ 2, giữa cột cái và cột trốn được lắp ván bưng để tạo không gian chạm khắc. Các quá giang đều ăn mộng vào đầu cột cái chứ không phải gác lên qua đấu vuông thót đáy.

- Nghệ thuật chạm khắc trên các bộ vì:

+ Bộ vì số 1

Cuối các rường cụt và đấu vuông được chạm các hoa văn vân xoắn tạo cho bộ vì có nét mềm mại hơn.

Trên quá giang chạm khắc hình 2 con Phượng hàm thư, ngoảnh mặt vào chữ Thọ ở trung tâm, với đôi cánh giang rộng. Dưới quá giang là 2 đầu dư được chạm lộng, bong kênh thành 2 đầu rồng, miệng ngậm một hạt tròn.

Cốn (hay còn gọi là vì nách): Trên ván bưng của hai bộ cốn trái, phải, vì số 1 được chạm trổ cầu kỳ với đề tài Phượng hàm thư. Biểu tượng Phượng ở đình Đông Viên ít nhiều chịu ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa nhưng đã được Việt hóa.

Xà nách bên phải được chạm bong kênh hình Long mã. Ở Việt Nam, hình tượng Long Mã xuất hiện trên kiến trúc và đồ thờ từ thế kỷ XVI, phát triển vào thế kỷ XVII và phổ biến trong thế kỷ XVIII, XIX. Chạm khắc trên xà nách bên trái kết hợp với Phượng hàm thư trên ván bưng của cốn tạo thành đủ bộ Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng.

+ Bộ vì số 2

Trên các quá giang chạm hình rồng ẩn trong mây. Dưới câu đầu có ghi: Quý hợi niên canh thủy (Dịch nghĩa: Năm Quý Hợi khởi công). Dưới quá giang là 2 đầu dư được chạm lộng, chạm bong kênh thành 2 đầu rồng, quay vào giữa.

Mặt trước của bộ cốn trái chạm khắc đề tài tiên đánh cờ, mỗi người một tư thế, người đứng, người nằm, người ngồi. Đó là những mảng chạm có giá trị lớn về nghệ thuật.

Mặt trước cốn phải chạm khắc đề tài nhạc sỹ thiên thần với hình ảnh một người thổi sáo cưỡi trên mình con Hạc đang dang rộng cánh và ngậm một cành sen.

Trên xà nách chạm nổi hình Long mã đang chạy trên sóng nước giống ở cốn của bộ vì số 1 nhưng trên lưng con Long mã ở đây lại đang cõng “Hà đồ” - là đồ hình tạo lập ra thế giới, muôn loài, muôn vật.

Mặt sau cốn phải chạm hình tượng hổ phù, hàm mở rộng ngậm biểu tượng của mặt trăng, hai chân bám vào thành gỗ.

+ Bộ vì số 3

Trên quá giang chạm hình vân mây, dưới bụng có ghi: Giáp Tý xuân hoàn thành (Dịch nghĩa: Mùa xuân năm Giáp Tý hoàn thành).

Dưới quá giang là 2 đầu dư được chạm lộng, chạm bong kênh thành 2 đầu rồng, miệng ngậm hạt ngọc tròn hay còn gọi là tinh tú như ở đầu dư của các bộ vì số 1.

Mặt trước cốn trái của bộ vì số 3 tiếp tục chạm khắc đề tài nhạc sỹ thiên thần. Mặt sau của cốn trái chạm khắc hình ảnh 2 chữ thọ lồng giữa đám vân mây. Trên xà nách chạm các lá thiêng và đi kèm cũng là hình ảnh vân mây cách điệu.

Mặt trước cốn phải chạm hình tượng túi hậu thiên của Di Lặc. Mặt sau của cốn phải chạm khắc cảnh đánh cờ và nhiều hoạt cảnh dân dã. Trên xà nách chạm hình rồng ngậm ngọc, ẩn trong mây với kỹ thuật chạm bong bay hẳn khỏi mặt bằng kiến trúc rất tài tình.

+ Bộ vì số 4

Các kẻ góc tròn chạy từ cột góc lên đến đầu cột cái của gian hồi nhô đuôi ra và những đuôi đó được chạm thành những đầu rồng đang ngậm viên ngọc, được chạm trổ rất cầu kỳ, kỹ thuật vừa bong vừa lộng.

Mặt trước cốn phải chạm hình đôi Ngựa dáng vẻ uyển chuyển, mềm mại, bay bổng và tình tứ, phía trước là cây lão thụ mọc trên khối đá. Dưới xà nách chạm hình con Lân nằm gác đầu lên chân trái, thân rướn về phía trước, bộ mặt tươi tỉnh trong tư thế quay ra, chân bám vân mây, sống lưng hằn rõ uốn dài ra tận đuôi.

Mặt trước cốn trái chạm khắc các đề tài dân giã và sinh động. Trên xà nách, chạm bong kênh những cụm vân xoắn.

Mặt sau của cốn trái chạm khắc hình tượng hổ phù, trán dô, miệng mở rộng và nổi bật là đôi râu cá Trê uốn cong bám lấy vân mây.

+ Cốn hồi

Cốn hồi phải có 2 mặt, mặt trước chạm khắc đề tài trường thi với các vị giám khảo ngồi phía trên. Phía dưới sân có một người vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung. Trên xà nách chạm bong kênh các hình ảnh trúc, mai và các cụm vân xoắn. Mặt sau của cốn hồi phải chạm các dải mây bao quanh 2 ô vuông, trong các ô vuông có chạm các dải hoa văn. Trên xà nách chạm hình chim đậu trên một cành mai đi kèm với những vân xoắn.

Cốn hồi trái chạm đề tài xem điểm thi của các sĩ tử xưa, phía trong nhà có một vị quan ngồi nhìn, phía ngoài có 3 sĩ tử đang ngước xem bảng xếp thứ hạng của mình.

Trên các bẩy hiên được chạm trổ tinh xảo với các đề tài cá chép hóa rồng, trúc hóa rồng, mai hóa rồng...

Đình Đông Viên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1452/QĐ-BVHTTDL ngày 18/4/2013./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website