Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Đình Hạ Hiệp, Thành phố Hà Nội

Đình Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, thờ Thành hoàng là Tướng quân Hoàng Đạo. Căn cứ vào phong cách nghệ thuật trên kiến trúc, cùng những đạo sắc phong thần, có thể xác định đình Hạ Hiệp có niên đại từ thời Lê trở về trước (khoảng đầu Thế kỉ XVII trở về trước).

Theo các tài liệu nghiên cứu gần đây, Đại đình được dựng từ những năm 30 của thế kỉ XVII, Hậu cung được dựng vào nửa cuối thế kỉ XVII, tu sửa và mở rộng ở thế kỉ XIX; tiền tế dựng năm 1856 và hai Nghi môn được dựng ở đầu thế kỉ XX. Qua quá trình tồn tại, tới các năm Cảnh Hưng 12 (1751), Cảnh Hưng 20 (1759), Cảnh Hưng 32 (1771) nhân dân trong làng lại cùng nhau quyên tiền tu sửa đình. Sự việc được ghi lại trong tấm bia “Tại đình bi” hiện dựng bên trái Đại đình (niên đại của tấm bia là Cảnh Hưng 32 (1771). Năm 1816, đình tiếp tục được tu bổ, làm thêm hai bể nước bằng đá, một số hòm sớ, đồ thờ tự khác... Những năm gần đây (1996, 2004, 2005), đình tiếp tục được nhà nước và nhân dân quan tâm tu bổ, gìn giữ.

Về mặt kiến trúc, đình làng Hạ Hiệp gồm nhiều hạng mục công trình, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 3.000m2. Ngoài hai cổng trước, sau, hồ nước, sân... kiến trúc chính hiện nay của đình làng Hạ Hiệp gồm 3 phần: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, tạo nên một mặt bằng công trình chính có dạng tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Mặt bằng tổng thể kiến trúc đình Hạ Hiệp gồm các hạng mục:

Nghi môn

Đình làng Hạ Hiệp có hai Nghi môn: nghi môn thứ nhất nằm phía trước tòa Tiền tế, trên trục thần đạo và hiện chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng bởi đường qua lại từ phía này đã bị bịt kín… Nghi môn thứ hai nằm phía bên trái Đại đình, sát đường liên thôn. Kích thước các cột trụ ở Nghi môn này nhỏ hơn ở Nghi môn thứ nhất.

Tiền tế

Tiền tế là một tòa nhà hình chữ nhật gồm ba gian hai chái, hai tầng tám mái kiểu chồng diêm, được dựng trên một cấp nền cao hơn mặt sân phía trước 0.17m.

Nền nhà được lát gạch bát màu đỏ, theo mạch chữ công. Bộ khung gỗ của Tiền tế đình làng Hạ Hiệp được dựng trên 4 hàng chân cột đều có thiết diện vuông: 2 hàng cột cái (bằng gỗ) và 2 hàng cột quân (bằng đá).

Đại đình

Đại đình gồm ba gian hai chái nhưng mỗi chái có kích thước lớn gần như một gian.

Toàn bộ công trình này được dựng trên một cấp nền hình chữ, bó vỉa xung quanh là những viên đá xẻ. Đình xưa vốn có sàn. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì sàn đình đã bị dỡ trong khoảng từ năm 1968 đến 1970. Bộ khung Đại đình được dựng trên 06 hàng cột gỗ lim.

Hậu cung

Hậu cung, nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng gồm 02 gian, dựng vuông góc với tòa ngoài, có hai lớp mái trước, sau, xây kiểu tường hồi bít đốc và được dựng vuông góc với Đại đình tại vị trí gian giữa.

Hậu cung gồm 03 bộ vì nóc. Bộ vì nóc ngoài cùng được đỡ bởi một câu đầu kê trên hai đầu cột quân bên phải và bên trái vì gian giữa Đại đình. Bộ vì nóc thứ hai Hậu cung được làm kiểu ván mê. Hai bộ vì nóc phía ngoài và phía trong lại được làm kiểu biến thể giá chiêng, chồng rường con nhị. Liên kết ở vì nách Hậu cung là kiểu dùng kẻ.

Là cung cấm, chốn thâm nghiêm nên Hậu cung đình làng Hạ Hiệp được xây tường bao kín đáo, theo kiểu thức tường hồi bít đốc tay ngai. Không kể thượng lương và tàu mái, mỗi mái Hậu cung còn có 08 hoành.

Trang trí trên kiến trúc đình Hạ Hiệp: tập trung bên ngoài, trên hệ mái tại Nghi môn, chủ yếu là những con vật thần thoại, ước lệ như: rồng, lân, phượng, voi, ngựa, các hoa văn chữ Triện.

Hạ Hiệp là một trong số ít ngôi đình niên đại khởi dựng từ nửa đầu thế kỉ XVII còn bảo tồn được nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc. Các mảng trang trí chạm khắc có niên đại trải dài từ Thế kỉ XVII đến đầu Thế kỉ XX vô cùng sống động, hài hòa, đã tạo nên những đặc trưng riêng. Với hàng trăm mảng điêu khắc, trang trí thuộc giai đoạn Hậu Lê, Nguyễn đã chứng tỏ sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân đương thời. Những mảng chạm khắc trang trí ở đình làng Hạ Hiệp đã thể hiện tính dân gian sâu sắc với nhiều đề tài phong phú.

Hạ Hiệp là một trong số ít ngôi đình cổ còn bảo tồn đầy đủ các di vật có giá trị, trải qua nhiều thế kỉ. Những kiệu, hòm sớ, sắc phong, bia đá, bể cảnh... đã tạo nên một bộ sưu tập các đồ thờ tự độc đáo, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa. Những hiện vật được coi như độc bản đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng dân làng Hạ Hiệp mà còn cho thấy sức sống bền vững của di tích qua gần 4 thế kỉ tồn tại.

Đặc biệt, đình làng Hạ Hiệp còn giữ được 02 bể cảnh bằng đá có kiểu dáng tương tự nhau. Kích thước mỗi bể là 95*45*30cm. Trên thân bể chạm nổi các hình long cuốn thủy, hoa sen, sóng nước... Đáng chú ý trên thân mỗi bể này còn ghi rõ niên đại tạo dựng là năm Gia Long 15 (1816). Đây là hai hiện vật khá độc đáo, lại được ghi niên đại cụ thể, rất hiếm gặp trong các di tích cùng loại.

Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hạ Hiệp xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

 

                                                                                    Khánh Chi 

(Theo hồ sơ di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa)

 

 

 

Liên kết website