Ngày 28 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Hoành Sơn

Đình Hoành Sơn (còn gọi là Đình làng Ngang) thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh khoảng 35km về phía Tây Nam, cách huyện Nam Đàn 20km về phía Đông Nam.

Theo truyền thuyết dân gian, Đình Hoành Sơn hình thành gắn với tích các thợ mộc nhà trời được phái xuống để dựng lên một ngôi đình to lớn tại làng Hoành Sơn (tên Nôm là rú Ngang) ven sông Lam, vốn luôn xảy ra lũ lụt. Điều này cắt nghĩa việc làng Hoành Sơn có một ngôi đình đồ sộ, đẹp tưởng như sức người không thể làm nổi, kỳ thực, là tôn vinh ý thức cộng đồng, tinh thần tự cường và tài năng sáng tạo của nhân dân qua một quá trình lịch sử.

Căn cứ vào lạc khoản, nghệ thuật chạm khắc tại đình, các nghiên cứu của một số nhà khoa học trong và ngoài nước thì Đình Hoành Sơn được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII thời Lê Trung hưng (1763). Đình Hoành Sơn thờ chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, ngoài ra, còn phối thờ thêm Tứ Vị Thánh nương và các vị chư Phật.

Đình Hoành Sơn được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng có diện tích 1663,3m2, gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung bố cục kiểu chữ nhất chuôi vồ, ngoài ra còn có sân, vườn và hệ thống tường bao.

Cổng, sân, vườn và hệ thống tường bao

Cổng rộng 4,5m, cánh cửa bằng sắt cao 1,2m, rộng 4,5m. Sân có diện tích 181,79m2 (25,97m x 7m), nền lát gạch đất nung kích thước 0,2m x 0,2m. Vườn trồng một số loại cây như bàng, xà cừ... Tường bao xung quanh di tích cao 1,2m, dày 0,15m.

Đại đình

Đại đình có diện tích 330,4m2 (25,97m x 12,725m), gồm 7 gian, 2 chái. Hai phía xây tường dày 0,25m, phía trước xây tường ở hai bên, trừ gian giữa trổ cửa ra vào, phía sau cũng xây tường hai bên, ở giữa thông với Hậu cung. Độ cao từ đỉnh xuống nền nhà là 7,35m, nền lát gạch đất nung kích thước 0,2m x 0,2m. Phía trước, gian giữa trổ cửa ra vào gồm 4 cánh kiểu bàn khoa.

Đại đình có 4 mái gồm hai mái lớn ở trước, sau và hai mái hồi, lợp ngói âm dương. Trên bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nhật”; ở giữa là hình mặt trời với những đao mác, hai đầu kìm là hình ảnh hai con rồng được tạo trong tư thế “hồi long”. Ở các đầu đao và khúc nguỷnh có gắn các con xô bằng chất liệu vôi vữa.

Hệ khung nhà Đại đình được tạo bởi 6 bộ vì với 32 chân cột (12 cột cái, 20 cột quân) được làm theo kiểu “thượng thu hạ thách”.

Kết cấu và trang trí bộ vì thứ nhất

Vì được kết cấu theo lối giá chiêng chồng rường con nhị, có lắp ván bưng ở giữa. Vì nóc được trang trí với mật độ khá dày đặc: trên cùng của đấu thứ nhất là hình ảnh “phượng hàm thư”. Tại con rường tiếp theo khắc họa đề tài hổ phù. Ở tấm ván bưng khắc họa đề tài “tiên đánh cờ”.

Ở các vì nách (cốn): Các con rường được tạo hình các vân xoắn, ở các đấu khắc họa nhiều đề tài phong phú, sinh động như “trúc điểu”, “mai điểu”, rồng, phượng, hoa lá cách điệu... Đặc biệt, tại các ván dong đã khắc họa một số đề tài, điển tích khá đặc sắc như “chèo thuyền” hay điển tích “Bốn vị ẩn cư ở núi Thường Sơn” , “Thành Thang sính Y Doãn”. Các mảng chạm được thể hiện theo lối bong kênh, khắc họa tỷ mỉ hình ảnh, cử chỉ, điệu bộ của các hoạc tiết, nhân vật khiến bức tranh hết sức sinh động, vô cùng sắc nét, uyển chuyển.

Kết cấu và trang trí bộ vì thứ 2 và thứ 5

Hai bộ vì này so với các bộ vì còn lại có kết cấu và trang trí đơn giản. Kết cấu theo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”.

Ở vì nóc: tại các con rường cụt tiếp tục được tạo hình vân xoắn. Các hoa văn được tập trung ở hai bên câu đầu với những họa tiết đơn giản.

Ở vì nách (cốn): các cấu kiện của vì nách cũng được chạm trổ khá dày đặc với các đề tài tứ linh, tứ quý, sử dụng kỹ thuật bong kênh kết hợp với ốp măng. Điều đặc biệt là ngoài các linh vật như rồng, phượng thì còn xuất hiện hình ảnh con nai trong tư thế quay đầu lại.

Kết cấu và trang trí bộ vì thứ 3

Bộ vì có kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, có mật độ chạm khắc dày đặc nhất.

Vì nóc: trên các con rường vẫn tiếp tục tạo hình vân xoắn. Ở quá giang, mặt phía Đông Nam trang trí hình ảnh “Phượng vũ” với lối chạm bong kênh. Dưới quá giang là hình ảnh hai đầu dư được tạo hình thành rồng dạng tròn kết hợp giữa chạm bong kênh và chạm lộng, miệng ngậm một hạt tròn. Đầu rồng chầu vào gian giữa, đăng đối với hai con rồng ở gian thứ 4.

Ở các vì nách: trên các cấu kiện gỗ đều được chạm kín, đề tài phong phú, đa dạng như rồng, phượng…Tại các mảng chạm này, nổi lên có mảng chạm ở con rường cụt cuối cùng với hình ảnh voi, theo sau là binh lính, tay vác kiếm, hay hình ảnh “rồng ổ” với hình ảnh con rồng lớn nhất đang “ọe” mặt trăng, phía dưới là những con rồng nhỏ đang trong tư thế đi lên, hướng vào mặt trăng. Một hình ảnh nữa cũng khá độc đáo được khắc ở ván dong, đó là hình ảnh rồng, phượng đùa cùng nhau.

Kết cấu và trang trí bộ vì thứ 4

Kết cấu của bộ vì thứ 4 cũng giống bộ vì thứ 3, chỉ khác trang trí ở vì nách.

Các vì nách được chạm khắc theo lối bong kênh kết hợp với chạm lộng, đề tài ở đây, ngoài rồng, phượng còn xuất hiện nhiều hoạt cảnh thể hiện đời sống hết sức bình dị của người dân như bắt cá, đi cày, thổi cơm…Có những mảng chạm khá độc đáo như tại xà nách là hình ảnh hổ phù với đầy đủ mắt lồi, mũi hếch, miệng “ọe mặt trăng”, trên đầu đao mác tua tủa và đặc biệt là hình ảnh hai tay được chạm rõ nét, mỗi tay gồm 3 ngón đang nắm chặt lấy hai râu ở hai bên.

Kết cấu và trang trí bộ vì số 6

Bộ vì này có kết cấu tương tự như bộ vì số 1 chỉ khác về mật độ và đề tài trang trí.

Vì nóc hầu như không trang trí ngoài các con rường được tạo hình vân xoắn. Chỉ có một mảng trang trí ở bức ván bưng. Dưới quá giang và cột cái tạo hình hai đầu dư vươn lên.

Ở các vì nách tiếp tục được trang trí với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, ngoài rồng, phượng, hoa lá vân mây còn có một số đề tài, điển tích khá thú vị như: ở vì nách phía trong là điển tích “Đại Thánh phá trời”; Ở vì nách phía ngoài là hình ảnh chèo thuyền nhưng chỉ có mái chèo mà không có người; Hình ảnh quan Nghè vinh quy bái tổ; Hoạt cảnh thi ngạch quan võ; Hình ảnh các sỹ tử xem điểm thi.

Hệ thống cổ nghé: cổ nghé là bộ phận nằm giữa cột quân và xà nách. Tại Đại đình, các cổ nghé chủ yếu được tạo hình mặt hổ phù với nhiều hình thái khác nhau nhưng chủ yếu vẫn mang đặc điểm hũi hếch, mắt lồi, miệng “ọe” chữ Thọ hoặc mặt trăng. Với kỹ thuật chạm lộng kết hợp với chạm bong kênh đã làm cho những mặt hổ phù thực sự sống động, đẹp mắt và toát lên thần thái uy nghi của một linh vật.

Hệ thống kẻ: tất cả các kẻ ở đại đình đều được chạm khắc một cách tinh xảo, mật độ dày đặc, đề tài phong phú, đa dạng, trong đó chủ đạo vẫn là hình ảnh rồng được tạo với nhiều hình thức như “long ẩn vân”, cây hóa rồng, cá hóa rồng; phượng cũng được tạo hình “phượng vũ”, “phượng hàm thư”... Đặc biệt, trên kẻ phía trong của vì thứ 4 khắc họa điển tích “Long mã Hà đồ”. Kẻ phía ngoài ở gian thứ 4 khắc họa hình ảnh những con thú nằm nhởn nhơ, vui đùa. Thú được tạo hình rất sống động, vừa thực vừa ảo, trở thành biểu tượng, đại diện cho những linh vật ở tầng trời.

Hệ thống ván gió cũng được các nghệ nhân tận dụng trang trí, những mảng chạm khắc được kết hợp giữa chạm lộng và chạm nông, ngoài các đề tài tứ linh, tứ quý, điển tích “cá hóa rồng” còn xuất hiện những hoạt cảnh hết sức dân giã như đi cấy, bắt cá, hay hội làng... tạo nên những điểm nhấn thú vị, mang đậm bản sắc địa phương.

Hậu cung

Gồm 1 gian có diện tích 44,8m2 (6,37m x 7,035m). Ba phía xây tường dày 0,25m, phía trước trổ cửa ra vào, nền lát gạch đất nung. Nâng đỡ mái là hệ thống khung nhà làm bằng gỗ lim với 2 bộ vì kiểu kẻ suốt. Tại Hậu cung có tất cả 8 cột, trong đó có 4 cột cái trốn, 4 cột quân.

Hậu cung không chạm trổ, đây là nơi thờ Thành hoàng của làng Hoàng Sơn và phối thờ các thần Tứ Vị Thánh Nương và các vị Chư Phật (được rước từ chùa Ngang về).

Hiện nay, đình Hoành Sơn còn lưu giữ được 10 pho tượng cổ có giá trị, đặc biệt là bộ tượng Tam thế.

Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017./.

 

Khánh Chi (Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website