Ngày 30 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Mõ, tỉnh Nghệ An

Di tích đình Mõ nằm phía Nam, trên vùng đất cao thuộc núi Tháp, xã Giai Lạc, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là làng Đức Hậu, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Đình thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Thượng Tướng quân Phan Ngọc Đệ, Thần khai khẩn Nguyễn Hữu Chỉ và các vị anh hùng có công với đất nước. Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BVHTT ngày 21/2/2006.

Đình Mõ là công trình kiến trúc rất có giá trị về lịch sử văn hoá. Trong thời kỳ văn thân đình là nơi đóng quân tập luyện của nghĩa quân cụ Nguyễn Xuân Ôn để chống Pháp.

Trong những năm 1945 - 1946 đình là nơi tổ chức giành chính quyền và là địa điểm đầu tiên mở lớp bình dân học vụ xoá nạn mù chữ của xã Giai Lạc. Ngoài việc thờ cúng Thành hoàng, tuởng nhớ, tôn vinh những người có công với quê hương, vào ngày 15 tháng Ba âm lịch và 15 tháng Mười Một âm lịch hàng năm, nhân dân, cộng đồng vùng Yên Thành tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hoá tâm linh gắn kết tình cảm của người dân trong ý thức trở về với cội nguồn, bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Di tích được bố trí xây dựng trên một khuôn viên rộng 4.294m², gồm Bái đường, Hậu cung, tả vu, hữu vu:

- Nhà Bái đường có diện tích xây dựng 15,6m x 7,9m, 3 gian, 2 hồi, gồm có 06 vì (04 vì chính và 02 vì hồi), chủ yếu làm bằng chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói âm dương, kết cấu vì kèo theo kiểu tam oai, nâng đỡ phần mái và các bộ phận khác là hệ thống cột (gồm 8 cột cái và 16 cột quân: Cột cái cao 3,9m rộng 38cm, cột quân cao 2,8m rộng 35cm). Các cột được đặt trên tảng kê bằng đá xanh hình vuông, có kích thước: 50cm x 50cm, cao 7cm, hai bên đầu hồi có 2 cửa sổ chớp, mặt trước có 14 cánh cửa và 01 cửa nách, cửa dóng trên chớp dưới pa nô, thềm nhà lát gạch.

Toà bái đường với kết cấu kiến trúc, kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống đã tạo cho khung nhà chắc chắn thoáng đãng, không chỉ có giá trị về mặt sử dụng mà còn chứa đựng giá trị điêu khắc. Bờ nóc và bờ giải được đắp phù điêu hình "Lưỡng long triều nguyệt", ở giữa là một mặt trăng đang tỏa sáng, 2 bên là 2 con rồng có đầy đủ đầu, mình, đuôi, đang chầu vào mặt trăng, còn ở 2 bờ đầu nóc và các đầu đao được đắp 4 nghê chầu tư thế ngẩng cao đầu như đang lao về phía trước, nghệ thuật chạm khắc bong kênh 2 mặt, trên từng bộ phận cấu trúc chính như xà, nghé, kẻ, đấu là những tác phẩm điêu khắc có giá trị thẩm mỹ cao, đề tài được thể hiện truyền thống mang đậm nét dân gian. Các mảng chạm sinh động, xà nách phía trước và phía sau chạm hình con dơi với tư thế xoè cánh dang rộng đang bám vào thân kẻ làm tăng thêm sức hấp dẫn và có giá trị thẩm mỹ, đồng thời hình tượng dơi cũng biểu thị cho sự tốt lành, may mắn.

Kẻ vì 1: mặt ngoài và mặt trong đều chạm long, ly, quy, phượng nét nổi bật nhất là chim phượng đang dang cánh rộng.

Kẻ vì 2: mặt ngoài và mặt trong đều chạm rồng chầu mặt trăng.

Kẻ vì 3: mặt ngoài chạm long, ly, quy, phượng, hàm thư. Mặt trong chạm rồng chầu phượng múa.

Kẻ vì 4: mặt ngoài chạm rùa nấp bóng hồ sen, mặt trong chạm hoa lá cách điệu.

Kẻ phía sau chạm rồng phun hạt ngọc, cá vượt vũ môn, rồng uốn lượn.

Các mảng chạm ở đây được thể hiện rất tỷ mỷ sinh động, các đề tài dân gian được trang trí cân đối, với những đường nét chạm trổ công phu và rất sinh động, các đề tài đăng đối như dơi, chim phượng đang giang cánh rộng, các hình tượng rồng chầu mặt nguyệt ở đây được thể hiện cụ thể chi tiết trong từng đường chạm vừa khoẻ khoắn, vừa mềm mại, uyển chuyển trong tạo dáng, song cũng đầy tính ẩn dụ.

- Hậu cung:

Từ toà Bái đường sang Hậu cung, phải qua sân lộ thiên dài 10,8m; rộng 2m. Hậu cung có 3 gian, 4 vì kèo, xây tường bít đốc, bờ giải thẳng, bờ nóc rồng chầu mặt nguyệt, 3 phía xây tường, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch cẩm trang, khung nhà làm bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo theo kiểu thượng xông hạ kẻ có 8 cột cái 4 cột trụ, 2 bên nóc mái phía trước xây 2 cột hiên và nhấn 2 câu đối bằng chữ Hán màu đen, kiểu chữ chân phương.

Cột bên trái mặt trước khắc dòng chữ "Lân khê thuỷ tú thiên thu tại".

Mặt bên: "Tháp lĩnh thanh sơn vạn đại như" nghĩa là dòng nước đẹp khe lần ngàn năm vẫn thế, cây xanh trước núi tháp vạn đại như xưa.

Cột bên phải: Mặt trước nhấn câu đối "Phúc giáng đại đình giai thụ phủ, dân quy đức hậu lạc đồng dân. Nghĩa là Phúc giáng xuống đình mọi người dân đều hưởng phúc, dân về đức hậu mọi người đều chung vui.

Vật liệu xây dựng Hậu cung chủ yếu là gỗ lim được liên kết các bộ phận xà thượng, xà hạ, rui bản, kỹ thuật sàn mộng truyền thống, mặt trước được đóng bộ cửa gồm 9 cánh chất liệu gỗ de sơn đỏ, các đầu kẻ phía trước và phía sau chạm đơn giản hơn nhà bái đường, đề tài ở đây là rồng vờn, dây hoa cách điệu.

Gian giữa đặt bàn thờ 3 cấp, được sơn màu đỏ, mặt trước trang trí mặt hổ phù, rồng chầu và hoa lá cách điệu, ở giữa đặt long ngai bài vị thờ thần Cao Sơn, Cao Các, 2 bên long ngai đặt 2 gươm gỗ tay có chạm rồng, bên trái long ngai đặt một gươm gỗ dài 2,2 m. Cấp thứ 2 đặt một bản chúc văn có trang trí hình cá hoá rồng, hai bên chúc văn đặt 2 bình sứ cổ, 2 bình này là thường dùng để ủ rượu 3 trăng dùng trong những ngày lễ lớn. Cấp thứ 3 (cấp thấp nhất) đặt 1 mâm chè, phía trước đặt 1 lư hương bằng đồng, cáo từ để lên đỉnh 45 cm, đường kính 21 cm, hai bên 2 cọc sáp bằng sơn đỏ.

Trên xà hạ gian giữa hậu cung treo bức đại tự bằng gỗ sơn son thiếp vàng, có 3 dòng chữ Hán "Đức quy dân" kiểu chữ chân. Gian bên phải đặt bàn thờ 2 cấp bằng gỗ lim, xung quanh được sơn đỏ, mặt trên sơn màu đen, phía sau tường vẽ bức cửa võng viết 3 chữ Hán lớn theo kiểu chữ chân "Kính như tại". Phía sau tường của gian này vẽ bức cửa võng trang trí rồng chầu mặt nguyệt, chính giữa viết 3 chữ Hán "Đức lưu quang”.

- Nhà tả vu có 6 gian, 5 vì xây tường bít đốc, diện tích xây dựng 18m², mái lợp ngói âm dương, kết cấu vì kèo tứ trụ kẻ chuyền, 2 gian 2 bên xây tường, phía trước cửa sổ, cửa ra vào mỗi cửa 2 cánh đóng pa nô, 2 bên tường đầu hồi nhà có trổ 2 cửa chớp, mỗi cửa 2 cánh.

- Nhà hữu vu có 6 gian, 5 vì kết cấu vì kèo tứ trụ, chồng giường kẻ chuyển, mái lợp ngói âm dương, 3 phía xây tường, hai bên hồi có trổ 2 cửa sổ chớp.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website