Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Phương Khê, Thành phố Hà Nội

Theo thần tích của làng và các đạo sắc phong, Đình Phương Khê (xã Phương Khê, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) được khởi dựng vào thời Hậu Lê – cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, thờ Thành hoàng làng Quốc mẫu Vua bà Nguyễn triều, Thụy Thánh Thái trưởng Công chúa, Đệ tứ vị Hồng nương Đại vương. Đình Phương Khê tọa lạc trên một khu đất rộng ngoài đê hướng Đông Nam, có quy mô vừa. Mặt bằng kiến trúc gồm: Nghi môn, tả mạc, hữu mạc và đại đình (gồm Đại bái và Hậu cung) kết cấu hình chuôi vồ (chữ Đinh).

Nghi môn đình Phương Khê kết cấu kiểu tứ trụ gồm hai trụ biểu lớn, hai trụ biểu nhỏ, xây bằng gạch. Trụ có mặt cắt ngang hình vuông gồm ba phần: đỉnh, thân và đế trụ. Đỉnh trụ đắp hình chim phượng lá lật đuôi chụm vào nhau đầu quay bốn hướng, bên dưới là phần luyện trang trí mặt hổ phù, các góc tạo hình cụm mây uốn mềm mại, tiếp đến là ô lồng đèn viền xung quanh bổ khung soi gờ kẻ chỉ trang trí hoa văn đề tài “Tlinh, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, phần giữa thân trụ đắp nổi các câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Hai trụ biểu nhỏ có kết cấu tương tự trụ biểu lớn, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào nhau, thân nghê gắn sành, ô lồng đèn để trống, thân trụ soi gờ kẻ chỉ. Nối giữa hai trụ lớn và hai trụ nhỏ là bức tường lửng, phía trên gắn các trụ sành tạo sự thông thoáng, góc vuông nối giữa tường và trụ đắp hoa văn trang trí hình học. 

Tả mạc và Hữu mạc nằm đối xứng nhau tại sân trước đại đình, được xây dựng đơn giản trên nền cao 20cm so với mặt sân, gồm 3 gian kiểu tường hồi ba phía, trước các gian để trống, nhà có mái lợp ngói tây, bờ nóc úp ngói bò, bờ dải xây gờ chỉ. Ba gian kết cấu bởi bốn bộ vì kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén, hai vì bên gối tường hồi, đỡ hai vì gian giữa là các cột gạch vuông (phía trước), tường hậu phía sau, tường hai gian bên để trống phía trên và gắn các trụ lan can phía dưới tạo sự thông thoáng.

Đại đình (gồm Đại bái và Hậu cung)

Đại bái là một nhà ngang gồm 3 gian 2 chái (gian giữa 3,7m, hai gian bên 3,1m, hai chái kích thước 4,1m), xung quanh bó vỉa bằng gạch trên nền cao 45cm so với mặt sân qua bậc nhị cấp ở gian giữa và hai chái. Đại bái có kiến trúc kiểu mái đao, bốn mái chảy, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu kìm tạo hình thủy quái makara, miệng ngậm bờ nóc, đuôi uốn cong tạo hình vân mây. Bờ nóc, bờ dải đắp gờ bằng xi măng, chính giữa bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”, thân rồng gắn các mảnh sành màu lam. Khúc nguỷnh có các con xô hình rồng đuôi soắn, ốp sành màu lam, bốn chân bám vào bờ dải và mái trong tư thế chạy xuống dưới. Bốn đầu đao được tạo tác khá mềm mại với hình đầu rồng bằng kỹ thuật nề ngõa.

Trong tòa đại bái được kết cấu bởi 6 bộ vì, 4 vì chính ở ba gian giữa, 2 bộ vì hai chái. Bốn bộ vì chính có kết cấu vì nóc giống nhau, vì nách khác nhau. Hai vì gian giữa kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường con nhị; trung tiền chồng rường cốn mê, hậu kẻ xó nối hậu cung; hạ bẩy”. Hai vì gian bên kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường con nhị; Trung chồng rường; hạ bẩy”. Hai vì chái kết cấu vì nóc kiểu “Chồng rường”. Mỗi bộ vì gồm sáu hàng chân cột (cột cái, cột quân và cột hiên, tường hậu). Vì gian giữa kết cấu cột bê tông nối chân, bốn cột trụ chính đường kính 65cm, hai cột phụ đỡ kẻ xó nối hậu cung, kích thước 60cm, các cột gỗ còn lại đều có đường kính 35cm.  

Cốn nách gian giữa đại bái được chạm hoa văn đề tài hình rồng. Cốn bên trái trang trí hoa văn hình rồng đề tài “Quần long”, “Mai lão hóa rồng”, “Long mã” bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh hết sức tỉ mỉ và sống động. Rồng mang đặc trưng nghệ thuật thời Hậu Lê, đầu to, tai thú, mắt lồi, miệng há rộng, mũi to, răng to và rõ, thân rồng cách điệu từ thân cây xen kẽ trong các hoa văn thực vật. Cốn nách phía trước bên phải đại bái tạo tác hình rồng đề tài “Long mã”, “Chép hóa rồng” là những đề tài trang trí cổ và truyền thống. Tại đình Phương Khê đề tài này được các nghệ nhân xưa khi dựng đình tạo tác rất tỉ mỉ, có sự khác biệt với bức cốn bên trái ở chủ đề trang trí bên cạnh nghệ thuật thời kỳ với đặc điểm chung: Rồng có thân to khỏe, vẩy cá, đầu nhô cao, mắt lồi, mũi hếch, trán dô, miệng há rộng ngậm ngọc, tai thú, răng nhe… Thân rồng uốn lượn trong những cụm mây, văn thực vật…. Rồng long mã với thân hình thú, móng uốn sắc nhọn, miệng ngậm chữ Thọ… Hình tượng con người cùng được đưa vào trang trí trên cốn đó là hình ảnh một người ôm một đứa trẻ trong tay rất độc đáo nếu nhìn qua sẽ không thấy được sự độc đáo, đặc biệt này.

Dưới xà nách của bức cốn mang đặc trưng thời Hậu Lê, nối từ cột quân đến cột hiên là một bẩy ngắn một đầu ăn mộng vào cột quân đỡ xà nách chạy thẳng ra cột hiên vươn đỡ tàu mái, giữa bẩy và hoành mái kê qua một ván dong. Bẩy được chạm nổi hoa văn hình rồng, vân mây, văn thực vật.... Bẩy phía trước vì nách bên trái chạm nổi hoa văn đề tài “Long hý thủy”. Đầu bẩy mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bẩy hậu chạm nổi hoa văn hình văn mây.

Hậu cung là một nhà dọc gồm 2 gian, một dĩ nối liền, thông với đại bái. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh. Tường hồi hai bên trổ các ô hình chữ nhật nhỏ tạo độ sáng, độ thoáng cho di tích. Bộ khung gỗ kết cấu bởi 4 bộ vì có kết cấu khác nhau: vì phía trước cửa vào cung cấm kết cấu giống vì đại bái kiểu  “Thượng giá chiêng chồng rường con nhị, trung chồng rường, hạ bẩy”; vì gian giữa kết cấu “Thượng cốn mê, trung chồng rường cốn nách, hạ bẩy”, 01 bộ vì kết cấu kiểu “Thượng vì kèo quá giang, trung chồng rường, hạ bẩy”; 01 vì áp tường hậu kết cấu “Thượng vì kèo quá giang, trung cốn nách, hạ bẩy”. Cốn nách bên trái được tạo bởi các thanh rường xếp chồng khít lên nhau tạo thành cốn trang trí chạm khắc hoa văn hình rồng đề tài rồng mây, đặc biệt cốn nách này có hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê giống đại bái: rồng mắt to, miệng há rộng ngậm minh châu, tai thú…Đây là chi tiết thời Hậu Lê quy nhất còn lại tại hậu cung đình. Đối lập với trang trí tại cốn nách bên phải là chí tiết rồng chạm đề tài Quần long mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Di tích có số lượng di vật không nhiều tập trung chủ yếu ở chất liệu gỗ, tiêu biểu có Bức y môn hiện treo tại cửa cung với kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng, chạm bong kênh các họa tiết hình rồng, đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Long mã”, “Tứ quý”… là di vật có giá trị nghiên cứu về kỹ và mỹ thuật cổ thời Nguyễn.

Đình Phương Khê có tổng diện tích là 3.945,5m2 , trong đó Khu vực 1 là 1.751,3m2 , Khu vực 2 có diện tích 2.194,2m2.  

Với giá trị tiêu biểu trên, Đình Phương Khê, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thánh phố Hà Nội đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng  là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3075/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website