Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Đình Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh

Đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được kiến dựng từ thời Lê sơ. Đây là công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, mang đậm dấu ấn Văn hoá Việt ở vùng biên giới Đông Bắc. Đình được dựng quay hướng Nam ghé Đông trên khu đất bằng phẳng, cao ráo ở trung tâm của bán đảo Trà Cổ xưa (nay thuộc địa bàn khu Nam Thọ, phường Trà Cổ), cách bãi biển Trà Cổ khoảng 200m.

Hiện nay, khuôn viên đình rộng khoảng 1.700m2; gồm các hạng mục: Nghi môn, tường bao, sân, Đại đình, Hậu cung, nhà thủ từ, am hóa sớ, công trình phụ.

Nghi môn được xây bằng gạch, vữa vôi, gồm: tứ trụ, bình phong và cổng. Cổng rộng 3m, nằm trên trục kiến trúc (cũng là đường Thần đạo) và nằm giữa hai trụ hoa biểu. Trụ cao 5,1m, được chia thành 3 phần: đỉnh trụ là hình ảnh của một đôi nghê/lân đứng trên một đấu vuông thót đáy; phía dưới là trụ lồng đèn; thân trụ hình vuông (0,5m x 0,5m) xây đặc, các mặt đắp phào chỉ nổi ở cạnh, lòng hõm; chân trụ làm theo kiểu đấu vuông. Giữa hai trụ hoa biểu và hai trụ góc mở hai cổng phụ xây cửa cuốn kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, đỉnh mái cao 3,85m.

Hai trụ góc nối liền với tường bao chạy về sau, cao 3,45m; thân hình vuông (0,4m x 0,4m); cũng được chia thành ba phần, phần thân và đế tương tự hai trụ hoa biểu, phần đỉnh trụ đắp hình búp sen. Giữa các trụ và cửa xây bốn bức tường tạo thành bình phong; hai bức trong đắp phù điêu hình ngựa thắng yên cương, hai bức ngoài đắp phù điêu hình voi. Phía sau Nghi môn là khoảng sân rộng, lát gạch Bát màu đỏ, kích thước 30cm x 30cm.

Qua sân là tòa Đại đình, liên kết với Hậu cung tạo thành hình chữ Đinh, được dựng trên hệ khung (cột, kèo) gỗ, tường bưng ván gỗ, mái lợp ngói mũi hài, gồm năm gian hai chái. Cả ngôi đình được nâng đỡ bởi hệ cột to khỏe bằng gỗ lim (cột cái, cột quân, cột hiên) đặt trên các tảng kê bằng đá (đá xanh và sa thạch); các cột liên kết với nhau bởi vì và xà.

Tòa Đại đình có kiến trúc hình chữ Nhất nằm ngang theo chiều Đông - Tây, diện tích 316m2 (dài 28m; rộng 11,3m); được dựng với 6 hàng chân cột (khác với các kiến trúc đình làng thế kỷ XVI thường có 4 hàng chân cột trong một vì), 12 cột cái, chia làm 5 gian chính, 2 gian hồi (thường cũng được gọi là chái) và hai dĩ là không gian ở giữa cột quân và cột hiên ở đầu hồi. Trong một vì, khoảng cách giữa hai cột cái là 4m; giữa cột cái với cột quân là 2,34m; giữa cột quân với cột hiên là 1,3m. Cột cái có đường kính rộng 50cm; cao 4,26m; cột quân có đường kính rộng 40cm; cao 3,05m; cột hiên có đường kính 26cm; cao 1,86m. Các cột có tiết diện hình tròn, chân cột được kê trên các tảng đá (chân tảng). Chân tảng được làm bằng đá xanh (các chân tảng trong đình) và sa thạch (chân tảng ngoài hiên và hành lang). Chân tảng có bề mặt được tạo phẳng, không trang trí hoa văn; được chế tác gồm hai cấp, cấp dưới hình vuông là phần đế, cấp trên hình tròn là phần tiếp xúc chân cột. Chiều rộng gian giữa là 4m; các gian bên là 3,65m; hai gian chái rộng 3,4m. Từ gian giữa sang hai đầu hồi, bước gian thu hẹp dần nên nhìn trực diện tòa Đại đình như hút dài về hai đầu, làm tôn không gian thiêng ở giữa. Tường xung quanh Đại đình được bưng bằng ván gỗ. Gian giữa cửa rộng 3m, gồm bốn cánh gỗ mở vào trong, làm theo lối thượng song hạ bản, ngưỡng cửa cao 38cm. Các gian bên có hệ thống cửa sổ làm theo lối bức bàn. Cửa sổ ở hai gian chái không làm cánh cửa mà chỉ lắp chấn song hình vuông để lấy ánh sáng và gió vào trong đình.

Vì nóc (bộ vì nằm giữa hai hàng cột cái) ở Đại đình được kết cấu theo kiểu chồng rường, câu đầu kê trên hai đầu cột cái qua hai đấu vuông thót đáy lớn, hai đầu câu đầu đỡ cặp hoành mái thứ tư (tính từ trên xuống). Các câu đầu đều tỳ lực trực tiếp lên cột cái thông qua các đấu vuông thót đáy to dày. Ba rường suốt kê chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy nhỏ trên câu đầu, hai đầu rường đỡ các cặp hoành mái; các thanh rường ngắn dần khi lên cao, theo chiều dốc mái; rường suốt trên cùng còn làm nhiệm vụ đỡ thượng lương qua dép nóc. Như vậy, mỗi vì nóc Đại đình đỡ bốn cặp hoành mái. Do đình Trà Cổ sử dụng hệ thống trần gỗ che kín vì nóc cả 5 gian chính nên chỉ có thể quan sát rõ cấu kiện vì nóc của hai gian ngoài nhưng có thể thấy các con rường vì nóc chỉ được bào soi, hai đầu khoét ổ đỡ hoành mái.

Các vì nách ở Đại đình được biến đổi linh hoạt bởi hai kiểu liên kết. Vì nách ở năm gian chính kết cấu kiểu chồng rường. Ở kiểu vì này, đỡ các cặp hoành mái thứ 5, 6, 7 (tính từ trên xuống) lần lượt là những rường cánh với một đầu ăn mộng vào thân cột cái, đầu kia vươn ra đỡ hoành mái. Các rường cánh kê lên nhau qua đấu kê mỏng. Con rường suốt trên cùng được tạo ăn mộng xuyên qua cột cái, phần đầu dư chạm đầu rồng. Đỡ hoành mái thứ 8 là một rường cụt với một đầu ăn mộng vào đầu cột trốn kê trên cật xà nách, đầu kia kê trên xà nách qua một đấu vuông thót đáy nhỏ. Xà nách có một đầu ăn mộng qua đầu cột quân, đầu kia ăn mộng vào thân cột cái. Mỗi vì nách ở Đại đình đỡ năm hoành mái. Hoành thứ 9 (tính từ trên xuống) là xà thượng cột quân (xà thế hoành) được tạo kê trên đầu cột quân. Ở vì nách năm gian chính, các con rường xếp liền thành cốn mê, tạo diện rộng để chạm các đồ án trang trí.

Bốn bộ vì nách hồi cũng kết cấu kiểu chồng rường nhưng các con rường ở đây được tạo với một đầu ăn mộng vào cột trốn kê trên xà nối giữa cột cái với cột quân hồi, đầu kia đỡ hoành mái hồi. Khoảng giữa cột trốn và cột cái được bưng ván gỗ dày, mặt ngoài chạm hoa văn trang trí.

Các vì nách ở bốn góc kết cấu kiểu kẻ, gồm một thân gỗ lớn, một đầu ăn mộng qua cột cái, đỡ dạ câu đầu ở vì nóc, đầu kia ăn mộng qua đầu cột quân. Cật kẻ kê ván nong đỡ hoành mái.

Liên kết vì ở hiên và hành lang Đại đình là kiểu bẩy hiên. Hiên Đại đình khá rộng, mỗi bẩy hiên làm nhiệm vụ đỡ ba khoảng hoành (hai hoành mái và tàu mái); đầu bẩy kê trên đầu cột hiên qua các đấu vuông thót đáy.

Nối các hàng cột theo chiều dọc là các xà dọc thượng/hạ. Nối các cột cái chỉ có một hệ xà thượng. Nối các cột quân còn có thêm hệ xà hạ và giữa xà thượng với xà hạ có lắp ván gió. Đỡ góc mái Đại đình là các kẻ góc với một đầu ăn mộng vào đầu cột trốn, đầu kia vươn ra đầu đao nơi góc mái.

Bộ mái đình Trà Cổ chiếm tỷ lệ khoảng 2/3 chiều cao kiến trúc, làm theo dạng thức bốn mái với các đầu đao uốn cong ở góc mái, toàn bộ mái lợp ngói mũi hài. Kiến trúc đồ sộ, bề thế nhưng các tàu mái, bờ guột, đầu đao uốn cong đã tạo cho đình Trà Cổ một nét uyển chuyển mềm mại. Chính giữa bờ nóc Đại đình là hình hổ phù đội mặt trời (được đắp thêm vào giai đoạn thế kỷ XIX - XX). Hai bên hổ phù đắp đôi rồng chầu. Bờ nóc và bờ dải được gắn gạch hoa chanh rỗng. Hai đầu bờ nóc là hai con Kìm nóc đắp bằng vữa, khảm mảnh gốm; mang hình tượng long ngư với đầu rồng, thân, đuôi cá. Các góc mái là các đầu đao cong vút, đầu đao hình đầu rồng, đầu quay ngược nhìn về phía con Xô ở đầu bờ guột tạo thành một cặp rồng - lân đăng đối.

Sàn đình: Đình Trà Cổ là một trong số ít ngôi đình cổ ở Việt Nam còn giữ được nguyên vẹn hệ thống sàn gỗ (gồm: sàn Đại đình, sàn Hậu cung và sàn hiên) với các cấp sàn rõ rệt. Trừ gian giữa (lòng thuyền) không có sàn, nền được lát gạch bát theo mạch chữ công; các gian, chái còn lại đều có sàn gỗ (thực chất là sạp gỗ). Sàn gỗ gồm ba cấp: Cấp thứ nhất (nằm giữa hai hàng cột cái ở hai gian bên) cao hơn nền lòng đình 51cm. Cấp thứ hai (ở giữa hai hàng cột cái hai gian ngoài) cao hơn cấp thứ nhất 13cm. Cấp thứ ba (sàn hai chái và sàn nằm giữa cột cái với cột quân) cao hơn cấp thứ hai 16cm. Đặc biệt, ở đình Trà Cổ, sàn đình còn được làm cả ngoài hiên trước Đại đình. Hậu cung cũng có sàn được làm ở gian Cấm cung và phần không gian giữa cột cái với cột quân của gian Ống muống. Độ cao sàn Hậu cung bằng với độ cao cấp sàn thứ 3 ngoài Đại đình. Sàn hiên có tác dụng hỗ trợ cố định chân cột hiên và cũng là chỗ để hương lão, chức sắc ngồi xem các trò diễn xướng ngoài sân đình những dịp lễ hội.

Bao xung quanh đình Trà Cổ hiện nay là hệ ván, cửa gỗ được làm trên hàng cột quân. Mặt trước gian giữa Đại đình với những cánh cửa kiểu bức bàn; các gian bên mở cửa sổ. Ở gian bên phải Đại đình, mặt trước làm các cửa sổ không có chắn song; mặt sau có cửa nách để đi ra phía sau và cửa nách để đi vào Hậu cung được bưng kín bằng ván kiểu đố lụa.

Các mảng chạm khắc, trang trí có giá trị nhất đều tập trung trên cấu kiện gỗ ở Đại đình và Hậu cung. Mỗi bức chạm là một tác phẩm độc đáo, không trùng lặp trong chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc, tinh tế.

Trên các cật bẩy tại phần hiên mặt trước Đại đình được đặt các ván nong rất dày (tương đương với độ dầy của bẩy) tạo sự chắc khỏe. Hai khối gỗ chồng khít lên nhau đỡ tàu mái. Hiên trước Đại đình có 8 đầu bẩy thì có 6 đầu bẩy được chạm khắc ở cả hai mặt bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong, vừa mềm mại uyển chuyển lại vừa cứng cáp, chắc tay.

Bước vào trong đình, ấn tượng đầu tiên là 5 bức y môn gỗ chạm, sơn son thếp vàng lộng lẫy treo ở 5 gian chính Đại đình, được tạo tác với cùng một bố cục, phong cách nghệ thuật: trên cùng là đôi rồng chầu mặt trời/mặt trăng, hai bên là đôi rồng leo, tất cả bao lấy hệ thống trang trí chính của y môn được chia thành ba băng ngang, rồi lại cắt ra các ô hộc hình chữ nhật, hình vuông kích thước khác nhau để lắp các đồ án chạm rồng, lân, hoa, lá...

Trên các bức cốn mê ở vì nách Đại đình là các mảng chạm lớn với đề tài chủ yếu là hình tượng rồng, lân được thể hiện qua kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong điêu luyện; các bức chạm đều rất trau chuốt, phong phú, như: lưỡng long tranh châu, cửu long cuốn thủy, long mã phục hà đồ, trúc long, rồng cuốn nước, phượng múa, hổ rình mồi... Cả 8 đầu dư của Đại đình và 2 đầu dư trước cửa Hậu cung được chạm lộng, đục thủng với lớp trong và lớp ngoài rất khéo, tạo thành những nửa con rồng, được thếp vàng lộng lẫy. 

Hậu cung chia làm hai không gian: Cung cấm và Ống muống. Cung cấm là gian trong cùng, nơi thâm nghiêm nhất của đình; Ống muống là gian nối Cung cấm với Đại đình. Cung cấm đặt một khám thờ lớn, được chạm trổ công phu, nghệ thuật chạm nổi, chạm lộng trổ thủng và chạm thủy hình ảnh tứ linh, tứ quý nền sơn son, hoa văn thếp vàng. Phía trước khám thờ đặt một bộ Tam sự bằng đồng. Hai bên đặt sáu cỗ ngai - bài vị của các vị Thành hoàng (mỗi bên đặt ba cỗ). Phía trước Cung cấm đặt một án nhang gỗ, trên án nhang đặt một chiếc giá văn bằng gỗ và một số đồ thờ, gồm: một đỉnh hương đồng, một bát hương đồng, đôi hạc đồng, đôi chân nến đồng, hai lọ đồng. Hai bên án nhang đặt đôi hạc chầu lớn bằng gỗ; hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực Âm - Dương. Đôi hạc đứng trên rùa mang phong cách nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVIII. Trong số các hiện vật, đồ thờ bài trí trong đình Trà Cổ có thể nói có giá trị nghệ thuật hơn cả là chiếc khám và đôi hạc chầu nói trên. Các hiện vật khác như bộ Bát bửu, cỗ ngai - bài vị, hoành phi, câu đối, các đồ thờ bằng đồng... là những hiện vật cần phải có, song mang ít giá nghệ thuật mà chủ yếu tập trung vào chức năng thờ cúng hoặc những đối liễn của con người ca tụng thần linh hoặc của người đời sau ca ngợi người đời trước...  Hiện trạng hoành phi, câu đối về cơ bản là tốt, rõ chữ, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi nhiều chữ viết trong các lạc khoản, đặc biệt liên quan đến tên tuổi người cung tiến đã bị mờ chữ, mờ nét hoặc trong quá trình bảo quản, tu sửa đã tô lại sai chữ, làm việc đọc khó khăn, không còn biết được một cách chính xác.

Đình còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong thời Nguyễn, sắc phong sớm nhất có niên đại Tự Đức 33 (năm 1880), muộn nhất vào năm Khải Định 9 (năm 1924). Các đạo sắc đều được in trên loại giấy Long Đằng màu vàng. Hai mặt được trang trí bằng các đồ án hoa văn rồng, mây, hồi văn chữ Vạn, văn kỷ hà... được phủ bạc hoặc thếp vàng.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023)./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website