Ngày 2 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Hát Đúm Thuỷ Nguyên

Hát Đúm Thuỷ Nguyên gắn bó với sự hình thành và phát triển dân cư, tập trung chủ yếu ở vùng nông nghiệp. Có thể nói quê hương của Hát Đúm Hải Phòng là xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (Thuỷ Nguyên), nơi có số lượng bài ca, đề tài, nội dung tư tưởng phong phú, đa dạng.

Hát Đúm là loại dân ca giao duyên, lúc đầu chỉ là tiếng hát đơn lẻ, sau có sự đối đáp thành những buổi hát ví von, đối đáp nhau dần dần được gọi là hát ví. Khi các cuộc hát ví được đưa vào trong hội chùa Phục Lễ thì được gọi là Hát Đúm. Hát Đúm lúc đầu chỉ có hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát đố, hát hoạ, hát huê tình và hát ra về, sau này có thêm hát lính, hát thư. Hát Đúm chủ yếu diễn ra trong hội làng (từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), nội quy đối đáp chặt chẽ, bên nào không đối được là thua.

Theo các nhà nghiên cứu, Hát Đúm gồm: Hát Đúm lẻ, Hát Đúm hàng, Hát Đúm hội. Hát Đúm lẻ là hình thức hát ở mọi môi trường, mọi thời điểm khác nhau, hoàn toàn mang tính tự do, tự phát... Hát Đúm hàng là hình thức hát vòng ngoài của hội, mang tính trình diễn hơn là thi thố tài năng. Hát Đúm hội là hình thức Hát Đúm trong hội đình, chùa làng..., hình thức hát đối đáp nam nữ, thi thố tài năng giữa hai bên với sự tham gia của công chúng, xuất hiện người tham gia ứng tác lời ca. Hát Đúm hội khuyến khích sáng tạo nghệ thuật cho cả cộng đồng...

Hát Đúm Thủy Nguyên gắn với hội chùa làng, đình làng của các xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ, các xã lan tỏa Hát Đúm Tam Hưng và Ngũ Lão như: chùa Phục Lễ, miếu Thành hoàng, miếu Bến Đò/đền Bạch Đằng (xã Phục Lễ); miếu Phả Lễ; đền Do Lễ (xã Tam Hưng). Hai bên nam nữ cử đại diện là những chàng trai, cô gái có tài, có sắc, thuộc nhiều câu thơ và truyện cổ có vần, cả những ca dao, tục ngữ, nhạy bén trong mượn câu, mượn chữ, trích đoạn, trích từ, ứng vận đối đáp. Các bạn khác đứng, ngồi vây quanh hoặc dàn hàng ngang theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng góp phần cùng ứng đáp. Thường mỗi cặp hát, hát qua nhiều bước, mỗi bước hát ít nhất từ 4 - 6 bài. Trong khi chuyển bước, bên nam hay nữ có những bài “xướng” (hỏi hay đố) mới và thâm ý, khó giải. Người đại diện chính của nam hay nữ đang hát đối đáp chưa tìm được lời đáp, thì bạn hát cùng nhóm có thể đỡ lời. Nếu bên nào chịu thua thì phải để lại “vật làm tin” (khăn, áo, mũ hay nón, ô) và như vậy càng thôi thúc họ gắng tìm ra lời đáp để “chuộc” lại “vật làm tin” đó. Thường thì mỗi người đến dự hội hát đều có sẵn trong trí nhớ nhiều bài hát “làm vốn” rất phong phú, nên các buổi hát thường được kéo dài từ sáng đến chiều.

Hát Đúm đã được cộng đồng sở tại thực hiện theo quy định, thể lệ chặt chẽ, cụ thể, như: nhóm hát phải đồng giới (nhóm nam hay nhóm nữ) và xấp xỉ cùng lứa tuổi; trai gái trong nhóm không cùng họ hàng, cùng huyết thống; người đã lập gia đình sẽ hát với nhau, không được ghen tuông. Khi hát đúm ở hội chùa, người ta phải tạo ra các Đúm tức là các đám người tham gia, bắt đầu từ hát mời nhau tham gia hát hội và tạo thành vòng tròn vây quanh.

Mỗi hội hát gồm 9 bước hát: hát chào hỏi – giao hẹn, hát giao duyên, hát đố - giảng, hát họa, hát mời, hát lính, hát thư, hát cưới và sau cưới, hát ra về. Các bước hát không nhất thiết theo trình tự mà tùy vào đối tượng cùng đối đáp để có thể chuyển, hát nội dung này trước hay sau, hoặc bớt đi một vài nội dung nào đó. Tuy nhiên, hát chào, hát huê tình và hát kết thúc vẫn giữ nguyên. Giữa các buổi hát thường có hát chuyển lời nhằm gợi mở chuyển đổi nội dung bước hát.

Cao độ âm nhạc Hát Đúm tổng Phục có 3 âm là: âm thấp, âm giữa và âm cao. Khi tập hợp lại, chúng hình thành một thang 3 âm. Lấy âm La 1 làm âm thấp, âm Rê 2 là âm giữa, âm Mi 2 làm âm cao, ta có thang âm của Hát Đúm tổng Phục là La – Rê – Mi (thuộc quãng 8 thứ nhất và thứ hai của hệ thống hàng âm theo lối sắp xếp thông thường). Đây là một dạng thang âm cổ, phát triển từ thanh 2 âm có trục 4 đúng và âm mở rộng phía trên.

Giai điệu Hát Đúm tổng Phục gồm hai tuyến cơ bản là: giai điệu Mở/Kết và giai điệu chính. Tuyến giai điệu Mở/Kết có điểm trùng hợp là hình thành trên cơ sở ca từ là những câu đệm nghĩa có chức năng báo hiệu, gợi mở khi bắt đầu hát và báo hiệu kết thúc một bài hát để bạn hát chuẩn bị lời ca đối đáp. Trong Hát Đúm tổng Phục thường thì bên nam hoặc bên nữ dùng câu Đệm mở nào thì dùng câu Đệm kết đó.

Trong giai điệu Hát Đúm, âm điệu chủ đạo là quãng 4 đúng. Hai tuyến giai điệu cơ bản của bài hát chủ yếu được xây dựng trên quãng 4 đúng (đi lên hoặc đi xuống) kết hợp với loại nhịp 3 thong thả, chậm rãi, với hai hình thái chủ yếu là hình thái đơn nhất và hình thái bắc cầu có luyến âm.

Tuyến giai điệu chính bài hát được hình thành ở dạng các câu nhạc gắn kết với nhau có tính thống nhất về hình thái âm điệu, âm vực. Các quãng 4 đúng lên, xuống do bậc âm thấp và bậc âm giữa tạo thành và các quãng 1 đúng do các bậc âm thấp tạo thành xuất hiện liên tục, kế tiếp trong tuyến giai điệu. Các câu nhạc thường bắt đầu và kết thúc bằng một trong hai bậc âm tạo quãng 4 đúng đặc trưng.

Giai điệu Hát Đúm Thuỷ Nguyên có tầm âm hẹp, chưa gặp trường hợp giai điệu có tầm âm vượt quá một quãng 8 mà thường chỉ là quãng 5 đúng. Giai điệu có hình làn sóng hẹp. Nhìn chung, giai điệu có khuôn khổ tương ứng hình thức thơ, tức là một câu thơ lục bát tương ứng với một câu nhạc 8 ô nhịp hoặc một câu thơ song thất lục bát tương ứng với một câu nhạc 15 ô nhịp. Các âm luyến ít xuất hiện. Đa phần, mỗi từ tương ứng với một nốt nhạc, trình tự các dòng thơ khi kết hợp giai điệu âm nhạc không bị đảo ngược, thêm, bớt. Do đó, có thể nhận định rằng giai điệu Hát Đúm Thuỷ Nguyên mang dáng dấp của loại giai điệu hát thơ hay hát nói. Vì vậy, các thể thơ là chỗ dựa chính để hình thành nên giai điệu âm nhạc.

Ca từ Hát Đúm Thuỷ Nguyên thường là thể thơ lục bát và song thất lục bát, được “xướng” lên chủ yếu theo lối ngắt nhịp đều (2/2) và thể song thất lục bát có lối ngắt nhịp không đều (1/2/2) từ đó hình thành hai dạng nhịp điệu âm nhạc cơ bản. Bên cạnh những lời ca cổ còn xuất hiện các lời các mới được ứng tác làm cho bài bản luôn mới mẻ, phản ánh đời sống đương đại.

Hát Đúm Thủy Nguyên đáp ứng nhu cầu giải trí và cầu ước một cuộc sống no đủ, hạnh phúc; góp phần định hình bản sắc văn hoá cộng đồng, làm giàu thêm tình yêu quê hương, đất nước. Hát Đúm giúp người nghe hiểu được về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán vùng đất.

Với giá trị tiêu biểu, Hát Đúm Thủy Nguyên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website