Ngày 23 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hát ru của người Việt ở Cần Thơ

Hát ru ở Cần Thơ ra đời cùng với bối cảnh chung và là một phần di sản của hát ru Nam bộ. Theo dòng chảy lịch sử văn hóa, hát ru của người Việt ở Nam bộ dần khẳng định đây là một thể loại âm nhạc dân gian đặc trưng, với 3 thể loại hát ru chính của 3 miền: Bắc, Trung, Nam.

Kế thừa truyền thống hát ru từ miền ngoài, trong quá trình khẩn hoang mở đất phương Nam, những lưu dân biết khai thác từ công thức chung, rồi vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt sở tại, để dần dần sáng tạo thành điệu hát ru mang tính chất, đặc trưng của vùng đất - con người nơi đây. Hát ru ở Cần Thơ cũng như nhiều địa phương khác thường sử dụng ca dao, thơ lục bát, vè, hò, nói thơ là chủ yếu, được lưu truyền trong dân gian, do vậy nội dung các câu hát ru xuất hiện ở nhiều tỉnh hay vùng Nam bộ. Ngoài ra còn có những câu hát ru được sáng tác, cải biên cho con người và vùng đất Cần Thơ. Tại vùng Thốt Nốt, nhiều người theo tôn giáo Hòa Hảo còn sử dụng thi văn giáo lý để ngâm hay hát ru cho con, cháu ngủ…

Mở đầu lời ru, thông thường người miền Bắc thường sử dụng câu đưa hơi là “À ơ”; người miền Trung sẽ nặng hơi với “Ạ ơ”; người miền Nam biến đổi nhẹ thành “Ầu ơ”, thỉnh thoảng gắn thêm câu “Ầu ơ…ví dầu…”. Nhìn chung, nội dung câu hát ru phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội: tình cảm gia đình với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; tình yêu đôi lứa; tâm tình, tự sự của người phụ nữ; chủ đề quê hương đất nước; phản ánh đời sống xã hội... 

Hát ru ở Cần Thơ thường diễn ra trong 3 giai đoạn: Dạo đầu, diễn biến nội dung và kết thúc.

Phần dạo đầu: Hát ru ở Cần Thơ sử dụng các từ như ầu ơ…; ơ…ầu…ơ; ầu ơ… ví dầu…; ơ…ớ…ơ; u...a...; ù…ơ (quơ)… để đưa hơi, một số người sử dụng câu hò để ru cho trẻ ngủ thì dùng từ đưa hơi là hò…ơ...; một số không dùng từ đưa hơi mà hát hoặc ngâm liên tục những câu ca dao, văn vần (vè, thơ lục bát,…). Tiếng đưa hơi được cất lên ở phần đầu, phần giữa và đoạn hát kết thúc, cũng là tiếng cất lên để đảm bảo tính liên tục trong khi chờ tìm lời ru khác.

Phần diễn biến nội dung: người hát chuyển từ đưa hơi sang những câu hát mà mình thuộc, vỗ về cho đến khi đứa trẻ ngủ.

Phần kết: Khi đứa trẻ ngủ say, người hát không còn chú tâm vào lời ru mà dùng tiếng đưa hơi, điệp khúc, điệp từ, lời ru nhỏ dần và lơi dần.

Giống như một bài hát thông thường, bài hát ru cũng có 2 phần: Giai điệu (nhạc) và ca từ (lời). Các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Cấu trúc làn điệu của kiểu cách hát ru Nam bộ khá giản đơn, nhưng có sự khác biệt so với hát ru miền Trung, hát ru miền Bắc.

Về cấu trúc âm nhạc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng cả 3 miền đều có 2 thể loại khác nhau. Đầu tiên ra đời loại hát ru mang phong cách “hát nói”, qua kiểu hát ngâm ngợi. Dần dần, nâng lên theo phong cách ca xướng, tức ca khúc dân gian, phổ biến rộng rãi đến ngày nay.

Từ cặp thơ lục bát (hoặc song thất lục bát; hoặc lục bát biến thể), người hát xướng lên một cách tự nhiên, tự do thể hiện thành giai điệu, nhịp điệu; thành một bài hát ngắn ; có thể là 2 câu, 6 câu, 8 câu hay không giới hạn, hát mãi cho đến khi trẻ ngủ.

Hát ru Nam bộ có âm vực khá hẹp, vừa đủ truyền tải lời thơ, có chỗ đưa hơi, ngâm nga; rất ít lên, xuống theo kiểu bổng trầm nên ai cũng có thể hát ru được.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận, một bài hát ru thông thường, phổ biến hay dùng thang 4 âm, nghĩa là sử dụng 4 nốt nhạc, thể hiện tính chất giản đơn của hát ru. Khi đạt tới độ chín mùi thì chuyển sang 5 âm, nghĩa là sử dụng 5 nốt nhạc, với hơi oán trong âm nhạc truyền thống, một “đặc sản” âm nhạc dân gian Nam bộ, tương tự hơi oán trong nhạc tài tử, cải lương.

Về phần ca từ (lời ru), bên cạnh việc sử dụng chung lời ru Nam bộ, hát ru ở Cần Thơ còn sáng tạo lời ru cho phù hợp với bối cảnh quê hương, sông nước, ruộng, vườn bằng các địa danh cụ thể như: Cần Thơ, Cao Lãnh, Bình Thủy, Long Tuyền, Cồn Cát… Những câu hát ru mang nội dung vùng đất con người Cần Thơ, đôi khi còn là một minh chứng lịch sử cho buổi đầu lập nghiệp của cha ông; phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hát ru ở Cần Thơ thể hiện sự thích nghi của con người với tự nhiên, môi trường, khí hậu trong quá trình khai hoang, lập ấp; là sự tiếp biến, giao lưu văn hóa qua sự thay đổi của lời hát ru để phù hợp với đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng… trên vùng đất mới. Hát ru đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền tảng đạo đức gia đình, hình thành nhân cách con người từ tấm bé. Nội dung của các câu hát – lời ru còn phản ánh nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng Nam bộ như: ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình,… thông qua lời ru, đứa trẻ khi còn nhỏ dần tiếp xúc với lời ru ngọt ngào của những người thân yêu như một cách trau dồi, học tập về lẽ sống ở đời; người lớn học được những lời hay ý đẹp trong từng lời ru. Hát ru, giai điệu và lời hát có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của người nghe, kích thích sự phát triển của ngôn ngữ, tư duy, trí tuệ, tình cảm đạo đức tốt đẹp và quan trọng hơn hết là hình thành ý thức truyền thống văn hóa dân tộc và tình yêu với nền âm nhạc truyền thống cho trẻ và cho mọi người.

Với giá trị tiêu biểu, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2744/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website