Hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/2025)
Ngày 27/03/2025, Cục Di sản văn hóa có Công văn số 285/DSVH-QLBT&DSTL gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc định hướng hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5).
Theo đó, Cục Di sản văn hóa và ICOM Việt Nam giới thiệu chủ đề hoạt động của ICOM năm 2025 và đề ra một số định hướng để các bảo tàng chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng gắn với nhiệm vụ thường xuyên năm 2025, cụ thể như sau:
1. Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng 2025
Với chủ đề “Tương lai của bảo tàng trong các cộng đồng đang thay đổi nhanh chóng” (The Future of Museums in Rapidly Changing Communities), Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2025, là dịp để các bảo tàng thể hiện vai trò quan trọng trong thời đại có những thay đổi lớn về xã hội, công nghệ và môi trường, nơi chúng ta đang thích ứng với thách thức của hôm nay đồng thời định hình những cơ hội của ngày mai. Bảo tàng là những không gian năng động góp phần vào sự tiến bộ xã hội và phát triển bền vững toàn cầu. Bảo tàng đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2025 sẽ nhấn mạnh đến các mục tiêu sau:
- Mục tiêu 8: Công việc bền vững và tăng trưởng kinh tế;
- Mục tiêu 9: Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng;
- Mục tiêu 11: Thành phố và cộng đồng bền vững.
Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng năm nay cũng phù hợp với Kỳ họp Đại hội đồng ICOM, dự kiến diễn ra tại thành phố Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào tháng 11 năm 2025. Sự kiện quốc tế này là diễn đàn quốc tế quan trọng để các bảo tàng chia sẻ những mục tiêu phát triển, thích nghi trong điều kiện mới và vai trò tiên phong của bảo tàng trong thời kỳ thay đổi hiện nay.
2. Hướng dẫn của ICOM
2.1 Đối với thành viên ICOM
- Chủ động cập nhật thông tin về các hoạt động của ICOM, hội nghị chuyên đề trực tuyến, tài liệu tham khảo chuyên ngành,… tại tài khoản ICOM đã được cấp.
- Tham gia vào các ủy ban chuyên ngành của ICOM để cùng thảo luận, chia sẻ các thông tin chuyên ngành theo lĩnh vực đã đăng ký.
- Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác do ICOM bảo trợ, chủ động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xin học bổng đào tạo chuyên môn, hồ sơ xin tài trợ hợp tác theo hướng dẫn của ICOM (hướng dẫn tại tài khoản ICOM đã được cấp).
- Đẩy mạnh giới thiệu hoạt động của bảo tàng tới cộng đồng quốc tế bằng cách chia sẻ thông tin về các sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng của đơn vị với ICOM, cho phép ICOM đưa tin tức hoạt động này trên trang thông tin của ICOM và các đối tác.
- Nộp phí niên liễm đầy đủ và đúng hạn.
- Đối với các bảo tàng
ICOM khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là các đại sứ của Ngày Quốc tế bảo tàng, thông qua các hoạt động của bảo tàng đã thực hiện và mối quan hệ với cộng đồng, khách tham quan mà bảo tàng đã xây dựng trong thời gian qua. Ngoài các hoạt động bảo tàng lên kế hoạch, việc tham gia Ngày Quốc tế bảo tàng là dịp để các bảo tàng thể hiện vai trò của bảo tàng như một “đại sứ” của Ngày Quốc tế bảo tàng với những mục tiêu sau:
- Thiết lập quan hệ hợp tác với trường học, hiệp hội, thư viện, các bảo tàng khác, và các tổ chức văn hóa (GLAMs) để quảng bá sự kiện và củng cố mối liên kết với các tổ chức có chung mục tiêu.
- Vận động cho vai trò của bảo tàng trong xã hội, giúp các cơ quan địa phương, khu vực và quốc gia hiểu được ý nghĩa của các hoạt động bảo tàng đối với công chúng.
- Chia sẻ thông tin về Ngày Quốc tế bảo tàng thông qua cộng đồng địa phương, mạng xã hội và trang web của đơn vị.
- Tăng cường sự hiện diện quốc tế bằng cách đăng tải thông tin về sự kiện Ngày Quốc tế Bảo tàng của bạn trên Bản đồ Tương tác, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và lan tỏa thông tin trong mạng lưới toàn cầu.
ICOM cũng định hướng một số nội dung cho các hoạt động của bảo tàng nhân dịp Ngày Quốc tế bảo tàng 2025, cụ thể như sau:
- Hội thảo khoa học: Tổ chức các hội thảo khoa học tương tác giới thiệu bộ sưu tập của bảo tàng, khuyến khích học tập và khám phá thực tiễn.
- Dự án hợp tác nghệ thuật: Tạo điều kiện cho các dự án nghệ thuật mang tính hợp tác, lấy cảm hứng từ các chủ đề nghiên cứu, thu hút sự tham gia sáng tạo của khách tham quan, học sinh, sinh viên.
- Bài giảng và tọa đàm: Mời các diễn giả, học giả hoặc chuyên gia đến thuyết trình về các chủ đề liên quan đến trưng bày của bảo tàng, thúc đẩy các cuộc thảo luận học thuật.
- Tham quan có hướng dẫn: Cung cấp các tour tham quan có hướng dẫn tập trung vào khía cạnh giáo dục của trưng bày, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về các nghiên cứu phía sau bộ sưu tập bảo tàng.
- Tham quan hậu trường: Tổ chức các tour đặc biệt đưa khách tham quan vào hậu trường, giúp họ có cái nhìn sâu hơn về công tác nghiên cứu và bảo tồn của bảo tàng.
- Giới thiệu nghiên cứu: Trưng bày các dự án nghiên cứu đang diễn ra hoặc mới nhất thông qua trưng bày, áp phích hoặc trình bày đa phương tiện, nhấn mạnh cam kết của bảo tàng trong việc nâng cao tri thức.
- Triển lãm tương tác: Phát triển các trưng bày đặc biệt có tính tương tác, thu hút khách tham quan tham gia vào các hoạt động giáo dục hoặc thí nghiệm liên quan đến chủ đề của bảo tàng.
- Trò chơi và câu đố: Tạo ra các trò chơi hoặc câu đố kiểm tra kiến thức của khách tham quan về bộ sưu tập của bảo tàng, mang lại trải nghiệm vui vẻ và mang tính giáo dục.
- Sáng kiến kỹ thuật số: Ra mắt các tài nguyên trực tuyến, hội thảo web hoặc tour ảo phục vụ khách tham quan toàn cầu. Khuyến khích ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số để phục vụ hoạt động bảo tàng và bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Tọa đàm: Tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và chuyên gia bảo tàng về các chủ đề liên quan đến sứ mệnh và bộ sưu tập của bảo tàng.
- Chương trình tiếp cận cộng đồng: Hợp tác với các trường học, đại học và nhóm cộng đồng địa phương để mở rộng các hoạt động giáo dục và sáng kiến nghiên cứu ra ngoài phạm vi bảo tàng.
- Gặp gỡ nhà nghiên cứu: Tổ chức các buổi gặp gỡ để khách tham quan có cơ hội gặp gỡ các nhà nghiên cứu, đặt câu hỏi và tìm hiểu về công việc phía sau hậu trường của bảo tàng.
- Trưng bày chuyên đề: Phát triển các trưng bày tạm thời tập trung vào các chủ đề nghiên cứu cụ thể, giúp khám phá và diễn giải chuyên sâu về những vấn đề liên quan.
- Quan hệ đối tác: Thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục để tổ chức các sự kiện, dự án hoặc sáng kiến chung phù hợp với Ngày Quốc tế bảo tàng.
- Chiến dịch truyền thông xã hội: Sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ nội dung giáo dục, điểm nổi bật và tương tác với khán giả rộng hơn trên môi trường trực tuyến.
3. Định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam
- Chủ động nghiên cứu chủ đề của ICOM năm 2025 để triển khai các hoạt động trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông của bảo tàng; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, trưng bày, giáo dục truyền thống và kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025.
- Tăng cường các hoạt động, cụ thể như sau:
+ Nghiên cứu, đổi mới hoạt động xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng theo xu hướng hiện đại; các bảo tàng thành viên ICOM ưu tiên đầu tư và lựa chọn 01 trưng bày chuyên đề chất lượng nhất để tham gia bình chọn “Trưng bày ấn tượng nhất” vào cuối năm 2025 (khuyến khích các bảo tàng chưa là thành viên ICOM đăng ký tham gia).
+ Ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng, khuyến khích ứng dụng thuyết minh đa phương tiện giúp bảo tàng tạo ra trải nghiệm tương tác, hấp dẫn hơn cho khách tham quan. Sử dụng công nghệ số để tạo ra trưng bày ảo, cải thiện trải nghiệm tham quan trực tuyến và khả năng tiếp cận của công chúng đến các bộ sưu tập.+-`
+ Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa có chất lượng cao, hướng tới các nhóm khách tham quan chuyên sâu, mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa, lịch sử dân tộc.
+ Hợp tác quốc tế thông qua tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác với các bảo tàng và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng hoạt động.
+ Hợp tác trong nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; hợp tác giữa các bảo tàng và các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khác.
+ Hợp tác, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ nguồn lực từ cộng đồng tình nguyên viên của bảo tàng, cán bộ đã làm tại bảo tàng và chuyên gia chuyên ngành liên quan; nguồn lực hỗ trợ tài chính hợp pháp phục vụ hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại bảo tàng và các nguồn lực hỗ trợ hợp pháp khác.
+ Truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông mạng xã hội và hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền hình.
4. Áp phích (poster) kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 2025
Mỗi năm, ICOM tạo một áp phích Ngày Quốc tế bảo tàng để minh họa chủ đề, đồng thời mời các bảo tàng tham gia chỉnh sửa theo nhu cầu của từng bảo tàng (quảng bá cho sự kiện, trưng bày, thêm các yếu tố địa phương, thay đổi màu sắc).
Địa chỉ nhận áp phích gốc theo link sau:
Hướng dẫn việc sử dụng áp phích theo linkh sau:
Đỗ Hằng