Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Hoạt động Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2020

Nhân Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2020, cùng hưởng ứng các hoạt động của ICOM Việt Nam, Cục Di sản văn hóa có Công văn số 241/DSVH-BT ngày 23/4/2020, gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam đưa ra một số định hướng để các bảo tàng chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng gắn với nhiệm vụ thường xuyên năm 2020.

1. Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng 2020: ICOM lựa chọn chủ đề:“Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và Hòa nhập(Museums for Equality: Diversity and Inclusion) nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cùng cán bộ chuyên môn làm việc tại bảo tàng. Vai trò của bảo tàng hiện nay là tạo ra những trải nghiệm có giá trị cho các nhóm khách tham quan, từ những học sinh, sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến những nhóm khách tham quan là người tàn tật, yếm thế. Bảo tàng hiện đại hoạt động như là một tổ chức đáng tin cậy trong quá trình xây dựng thể chế chính trị, phát triển văn hóa - xã hội và kinh tế.

Cùng với các thiết chế văn hóa khác, bảo tàng hiện đại đóng góp vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội làm cân bằng những thách thức của sự đa dạng và hòa nhập, đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Bảo tàng cần nỗ lực vận dụng lợi thế của mình từ các trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động, hội thảo chuyên ngành, trình diễn, các chương trình giáo dục,... để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của công chúng cùng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Đối với mỗi bảo tàng, cần phát triển điểm mạnh của mình để tạo sự khác biệt và thu hút hơn đối với nhóm khách tham quan của riêng bảo tàng mình. Sự khác biệt có thể từ các sưu tập đặc biệt của bảo tàng, các chủ đề có tính sáng tạo, các nội dung cập nhật với sự phát triển của xã hội, các chương trình giáo dục, trải nghiệm phù hợp với những nhóm học tập.

Trong Ngày Quốc tế bảo tàng, bảo tàng trên khắp thế giới đang được công chúng quan tâm, chú ý. Đây là cơ hội để quảng bá cho vai trò quan trọng của bảo tàng trong quá trình phát triển xã hội. Đối với Ngày Quốc tế bảo tàng 2020, ICOM muốn nhắm đến một số mục tiêu lớn như sau:

- Truyền thông cho các bảo tàng như tác nhân chính trong sự phát triển của xã hội.

- Nâng cao vai trò của đa dạng và hòa nhập trong các thiết chế văn hóa.

- Thúc đẩy trao đổi văn hóa như một chất xúc tác cho hòa bình giữa các dân tộc.

- Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Với chủ đề này, ICOM khuyến khích các bảo tàng cùng tham gia kỷ niệm ngày Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2020 để cùng tạo ra sự kết nối chung cho tương lai và truyền thống. Đồng thời, ICOM khuyến khích bảo tàng cùng giới thiệu các hoạt động của mình với một số hướng dẫn cụ thể tại: http://imd.icom.museum/wp-content/uploads/sites/54/2020/01/IMD-2020-kit-EN.pdf

2. Hướng dẫn của ICOM cho các hoạt động của bảo tàng trong giai đoạn dịch bệnh và giãn cách xã hội: Sự bùng phát liên tục của dịch COVID-19 đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng với khách tham quan. Để ứng phó với khó khăn này, ICOM đã có một số hướng dẫn giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội. Dưới đây là tóm tắt một số hướng dẫn của ICOM:

- Đa dạng cách thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến: Đẩy mạnh việc số hoá hình ảnh các sưu tập hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật kèm với các giải thích, giới thiệu là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá di sản văn hoá, mở rộng kết nối của bảo tàng với khách tham quan, khuyến khích khách tham quan tham gia vào quá trình sáng tạo và hình thành các giá trị văn hoá mới.

Xây dựng các cổng thông tin trực tuyến của bảo tàng, khuyến khích khách tham quan tham gia tìm hiểu nội dung trưng bày của bảo tàng thông qua cổng thông tin này. Giới thiệu sưu tập quí hiếm của bảo tàng, xây dựng chương trình giáo dục trực tuyến phù hợp với nhiều lứa tuổi.

- Xây dựng các nội dung cho trang mạng xã hội của bảo tàng: Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để xây dựng hình thức tham quan trực tuyến với chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín về các sưu tập đặc biệt của bảo tàng. Đa dạng nội dung giới thiệu đến với khách tham quan, từ nội dung sưu tập, nội dung chủ đề trưng bày đến các hoạt động nghiên cứu, điền dã, sưu tầm và bảo quản hiện vật hoặc các buổi nói chuyện chuyên đề trực tuyến trên mạng xã hội.

- Giới thiệu hình ảnh đẹp về hiện vật hoặc sưu tập hiện vật đặc biệt: Thông qua các trang mạng xã hội chuyên giới thiệu hình ảnh để giới thiệu rộng rãi đến khách tham quan những hình ảnh đẹp có chất lượng cao về hiện vật hoặc sưu tập hiện vật của bảo tàng. Đồng thời, tìm hiểu và vận dụng các lợi thế của mạng xã hội để sáng tạo các hình thức giới thiệu di sản văn hoá nhằm khuyến khích đông đảo khách tham quan biết đến nội dung được giới thiệu và hoạt động của bảo tàng.

- Xây dựng chương trình giới thiệu di sản văn hoá trên truyền hình, đài: Nghiên cứu, xây dựng các chương trình chuyên đề trên truyền hình hoặc đài phát thanh hiện đang là xu thế của bảo tàng, gồm cả truyền hình, đài phát thanh truyền thống lẫn trực tuyến. Từng bước hình thành hệ thống chương trình nội dung giới thiệu di sản văn hoá, tạo sự thân thiện giữa hoạt động của bảo tàng và khách tham quan, xoá bỏ rào cản về thời gian, không gian giữa bảo tàng và khách tham quan.

3. Định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam: Tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung giới thiệu sưu tập của bảo tàng, đa dạng cách thức giới thiệu các sưu tập này (phim ngắn, bài viết, hình ảnh đồ họa 3D, diễn giải di sản văn hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin). Đẩy mạnh hoạt động truyền thông của bảo tàng; quan tâm tới nội dung truyền thông số trên ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội hoặc ứng dụng cho điện thoại thông minh. Chủ động phối hợp với ngành giáo dục để giới thiệu di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể tới đối tượng công chúng là học sinh, sinh viên gắn với chương trình học tập của các trường./.

Đỗ Hằng

Liên kết website