Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa

Sáng 12/01/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự và chủ trì Hội nghị - Hội thảo có Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với hơn 200 đại biểu dự trực tiếp và gần 400 đại biểu trực tuyến, gồm: đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bảo tàng, ban quản lý di tích trên cả nước và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hóa.                          

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trong tổng số hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê, có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.590 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 187 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập, 59 bảo tàng ngoài công lập). Trên bình diện quốc tế, đã có 29 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm: 08 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 07 di sản tư liệu). Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; 07 Nghị định của Chính phủ; 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 Thông tư, 08 Quyết định, 03 Chỉ thị theo thẩm thẩm quyền; đồng thời, phối hợp với các Bộ liên quan để ban hành 06 Thông tư liên tịch, đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; không chỉ góp phần to lớn trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho di sản văn hóa khẳng định được vị trí và tính hữu ích của nó trong đời sống xã hội, mà còn trực tiếp góp phần làm thay đổi sâu sắc trong nhận thức xã hội về di sản văn hóa theo đúng xu hướng phát triển của đất nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo. Ảnh: Hải Ninh 

Với 29 tham luận và nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất tại phiên họp, Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, tiếp thu, hoàn thiện, xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn cho quá trình xây dựng lộ trình sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất theo hướng ban hành ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn những quy định chi tiết điều chỉnh các hoạt động, lĩnh vực, đối tượng, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Quán triệt quan điểm đó, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra phương châm hành động “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, nghiêm túc xem xét và chọn chủ đề năm công tác 2022 là năm cơ chế chính sách…và chúng ta cần tiếp cận việc sửa đổi Luật Di sản Văn hóa theo hai góc độ là: bảo vệ di sản và quan trọng hơn là phát huy giá trị di sản văn hóa. “Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại, còn phát huy thì phải làm sao để những di sản được tỏa sáng, đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu, nơi để chúng ta nói với bạn bè quốc tế, nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu, từ những kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và đại biểu tham dự, Bộ sẽ giao Cục Di sản văn hóa phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Luật Di sản Văn hóa, tham mưu lãnh đạo Bộ có Tờ trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ Chương trình, Vụ Thi đua, khen thưởng đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016 - 2020./.

Khắc Đoài

Liên kết website