Ngày 19 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Hội thảo “Bảo vệ di sản văn hóa trước những vấn đề mới” và Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngành Di sản văn hóa năm 2019

Từ ngày 31/10 đến ngày 02/11/2019, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức Hội thảo “Bảo vệ di sản văn hóa trước những vấn đề mới” và Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngành Di sản văn hóa năm 2019, với sự tham gia của hơn 250 đại biểu, học viên đến từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố, các bảo tàng ban/trung tâm quản lý di tích trên toàn quốc...

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2019 được tổ chức vào thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009, qua đó cho thấy vai trò của di sản văn hóa đóng góp cho con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới của con người Việt Nam; là nguồn lực cho sự phát triển bền vững, đồng thời là tiềm năng góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chương trình Hội thảo - Tập huấn có 35 tham luận chuyên đề đến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý được trình bày, thảo luận tại phiên họp toàn thể và 03 tiểu ban thuộc 03 lĩnh vực: Bảo tàng, Di tích và Di sản văn hóa phi vật thể.

 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Hội thảo - Tập huấn. Ảnh: Quốc Vụ

 

Bên cạnh đó, còn có một số chuyên đề do các chuyên gia quốc tế trình bày, như: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thách thức từ vai trò người quản lý” và “Chính sách đối với nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể” của Giáo sư, Luật sư André Nayer (Bỉ), “Tác động đến quản lý di sản thế giới - Kinh nghiệm thế giới và các giải pháp khả dụng cho Việt Nam” của bà Li Hong (Viện Nghiên cứu và Đào tạo di sản thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, WHITRAP).

Qua các ý kiến phát biểu, thảo luận tại 3 tiểu ban, để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban/trung tâm quản lý di tích, bảo tàng các tỉnh/thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện một số việc sau:

- Tăng cường truyên truyền, phổ biến pháp luận về di sản văn hóa; quảng bá, giới thiệu giá trị di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức khác nhau;

- Thực hiện nghiêm Luật di sản văn hóa và các quy định về đầu tư xây dựng; tăng cường kiểm tra trong hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, nhằm bảo vệ tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả những di tích chưa được xếp hạng;

- Tiếp tục kiểm kê, lập danh mục cổ vật tại các di tích, xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ đặc biệt đối với bảo vật quốc gia và cổ vật quý hiếm; đẩy mạnh việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt ở vùng miền núi, hải đảo;

- Chủ động đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của bảo tàng, bảo đảm các yêu cầu: Tăng cường trưng bày hiện vật gốc với đầy đủ thông tin dưới hình thức song ngữ; chú trọng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong trưng bày và các hoạt động chuyên môn khác; đa dạng hóa các chương trình giáo dục, trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa…;

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, củng cố, mở rộng không gian trình diễn; tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các nghệ nhân tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục để trao truyền các “kỹ năng nghề nghiệp” và “bí quyết nghề nghiệp” trong việc trình diễn di sản văn hóa phi vật thể;

- Đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu về di sản văn hóa để khai thác, sử dụng  cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin; ứng dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị khoa học - công nghệ hiện đại trong bảo tồn di tích, di sản văn hóa phi vật thể và trưng bày bảo tàng;

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương; giám sát, tăng cường bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh…;

Trong khuôn khổ Hội thảo - Tập huấn, các đại biểu, học viên đã đi khảo sát thực tế tại một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên. 

Sau 3 ngày làm việc, Hội thảo - Tập huấn đã thành công tốt đẹp, thực sự trở thành một diễn đàn chuyên môn mang tính khoa học và thực tiễn dành cho đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa./.

Liên kết website