Ngày 30 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Hội thảo Góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ngày 28/7/2022, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Tham dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam; một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng, Ban quản lý di tích trên cả nước,….

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của gần 300 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân có liên quan, với 41 tham luận và 12 góp ý bằng văn bản và trực tiếp, tập trung vào những nội dung sau:

- Lĩnh vực di tích: Bổ sung các quy định trong lĩnh vực di tích: về khoanh vùng bảo vệ, hồ sơ đối với các di tích được kiểm kê, quy định chi tiết các yếu tố gốc cấu thành di tích, công tác xã hội hóa, các hình thức hợp tác công tư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, vấn đề di sản đô thị, đô thị di sản và di sản nông thôn… Xem xét bổ sung vào Luật Di sản văn hóa quy định về sự tham gia của ngành văn hóa vào các quy hoạch, dự án phát triển theo các cấp độ từ trung ương đến địa phương với sự phân cấp rõ ràng. Nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn cho việc điều tra, khảo sát các di tích khảo cổ học tại các công trường xây dựng lớn; quy định rõ ràng về kinh phí từ khai quật đến bảo quản, lưu giữ, chỉnh lý, công bố hồ sơ khoa học cho tất cả các cuộc khai quật; kiến nghị Chính phủ nghiên cứu dành một quỹ quốc gia cho công tác khảo cổ học theo như các quy định của Hiến chương khảo cổ học quốc tế và các nước trên Thế giới. Bổ sung quy định việc cung cấp thông tin từ Nhân dân để bảo vệ các di tích khảo cổ...

- Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: đề cập tới những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong việc sửa đổi Luật thời gian tới như: các khái niệm: di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng; phân loại di sản văn hóa phi vật thể; vấn đề liên quan tới chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; vai trò của cộng đồng, nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể; sự tham gia của các tổ chức xã hội với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; về các nguyên tắc, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. 

- Lĩnh vực di sản tư liệu: nghiên cứu tư liệu và các văn bản quy phạm pháp luật của quốc tế (đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa của Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp; trong Luật Lưu trữ và Thư viện của Canada, Sê-nê-gan), dựa trên cơ sở thực tiễn, bổ sung nội dung quản lý “Di sản tư liệu” nhằm thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với các di sản tư liệu ở Việt Nam. Vì vậy, cần xây dựng một Chương quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị; quy trình thủ tục xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản tư liệu quốc gia, khu vực và quốc tế đối với di sản tư liệu; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong thời gian tới.

- Lĩnh vực di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: Bổ sung Bằng công nhận Bảo vật quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Tiêu chí cụ thể của Bảo vật quốc gia, tư nhân quản lý Bảo vật quốc gia. Bổ sung, làm rõ các quy định về quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Bãi bỏ quy định cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tịch thu được do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép.

- Lĩnh vực bảo tàng: Bổ sung chức năng giáo dục cho bảo tàng; Bổ sung nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ cho bảo tàng; Quy định tiêu chuẩn cụ thể về bảo tàng quốc gia; Sửa đổi, bổ sung điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị thành lập bảo tàng đối với bảo tàng công lập và ngoài công lập; Sửa đổi, bổ sung về giao thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho cơ quan có thẩm quyền về văn hóa ở địa phương; Đề xuất quy định chi tiết hơn về phân loại bảo tàng thành các nhóm khác nhau…

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao chất lượng các tham luận và ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Di sản văn hóa tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để thực hiện các thủ tục theo đúng yêu cầu, trình Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Tải tài liệu của Hội thảo tại đây./.

Khắc Đoài

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khánh Trang

Liên kết website