Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hội thổi cơm thi Thị Cấm

Hội thổi cơm thi Thị Cấm (xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng Phan Tây Nhạc, đời Hùng Vương thứ 18, cùng 3 vị công chúa đã có công dẹp giặc, chăm lo cuộc sống của dân.

Tương truyền, tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc, khi qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm), ông tổ chức thi tuyển chọn người giỏi việc hậu cần để phục vụ quân binh. Chiến thắng trở về, tướng quân ở lại vùng đất này, dạy dân cấy lúa, dệt vải. Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành hoàng làng, chọn ngày 8 tháng Giêng mở hội thổi cơm thi.

Trước khi diễn ra lễ hội, cộng đồng và Ban Quản lý di tích đình họp, phân công nhiệm vụ cho từng người giữ vai trò chính như: ông Tư đình, chủ tế, 4 đội thi thổi cơm đại diện cho 4 giáp… Trước đây, người tham gia đội thổi cơm thi phải là người chưa lập gia đình, nay, chỉ cần là người khỏe mạnh, gia đình không vướng tang.

Đồ chuẩn bị cho lễ hội gồm: nồi đồng, bát, thóc loại tốt, chày, cối đá, bình đồng, dụng cụ kéo lửa, chất đốt (giang, rơm, nứa)… Nồi đồng và bát được để trong hậu cung, khi có lễ hội mới mang ra dùng. Rơm là loại rơm nếp, phục vụ việc giã gạo và nấu cơm, được bện thành cuộn tròn để kê gối giã gạo tránh cối bị trật ra ngoài, đặt trên miệng cối chắn không cho thóc, gạo bắn ra ngoài. Rơm rối và rơm cuộn để dùng nấu cơm. Giang, tre, nứa được chẻ ra, phơi khô dùng để nhóm lửa. Dụng cụ kéo lửa được làm từ các thanh giang, tre già, một nắm bùi nhùi rơm và ít mùn cưa. Khi thực hành lấy lửa, người dùng lấy 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre giữ chắc 2 đầu và 2 người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần, tạo ma sát để bắt lửa vào mùn cưa và rơm.

Sáng ngày 7 tháng Giêng, các cụ làm lễ mở cửa đình. Buổi chiều làm lễ nhập tịch.

Ngày 8, buổi sáng các cụ bà làm lễ dâng hương, dân làng ra lễ Thành hoàng làng chuẩn bị cho cuộc thi. Khoảng 10 giờ, 4 chiếc cối đá, chày được đặt trước sân đình chờ tới giờ khai hội; rơm được chuyển ra sân đình; các đô kéo lửa quấn đọn rơm, chuẩn bị giang, tre kéo lửa. Hoàn tất việc chuẩn bị, Ban Tổ chức và 4 đội thi cùng dân làng tập trung trước đình làm lễ dâng hương lên Thành hoàng. Sau đó, Ban Tổ chức công bố thể lệ, các đội rút thăm để ra nhận thóc (1kg), chày, cối, nồi. Một hồi trống vang lên báo hiệu cuộc thi bắt đầu.

Cuộc thi gồm 3 phần được tiến hành cùng lúc: thi kéo lửa, thi lấy nước và thi thổi cơm.

- Thi kéo lửa diễn ra ngay trước cửa chính của đình, do 2 người đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệm thực hiện. Rơm được vò nát làm bùi nhùi, dùng 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, 2 thanh tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ ốp giữ chắc hai đầu. Một người ghì chặt thanh tre vào bó rơm, người còn lại luồn que giang vào khe đánh lửa, kéo cưa thật nhanh, mạnh và liên tục để tạo ma sát với thanh tre, tạo ra lửa và bén vào rơm. Khói bốc lên thì dừng lại và thổi để lửa bùng lên, lấy lửa đó nấu cơm. Giáp nào kéo được lửa trước thì được giải nhất về công đoạn kéo lửa.

- Thi lấy nước: mỗi đội cử ra một thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 14 tham gia phần thi này. Bên phải đình, người ta dựng một đồn binh bằng tre, lá tượng trưng. Người thi chạy từ đồn binh đến giếng nước thiêng của miếu làng bên bờ sông Nhuệ, dài gần 1000m, để lấy nước về nấu cơm. Tại khu giếng nước thiêng, Ban Tổ chức đặt sẵn 4 chiếc be bằng đồng đổ đầy nước. Ai lấy được be nước đầy về trước thì giáp của người đó sẽ giành giải nhất phần thi này.

- Thi nấu cơm gồm 8 người cho các công đoạn: giã thóc (2 người), sàng sảy (1 người), giã gạo (2 người), lấy gạo thổi cơm (3 người).

Hai thanh niên dùng vòng rơm nèn dưới đáy cối để tránh xê dịch khi giã, đổ thóc vào cối, dùng chày giã. Để gạo trắng và không bị vỡ, việc giã phải thực hiện thật nhanh và khéo léo. Thóc giã xong được đưa ra để sàng sảy, loại bỏ trấu và sạn, xong lại đổ gạo vào giã đến khi gạo trắng thì lấy ra để thổi cơm.

Nước lấy về cho vào nồi, đun sôi rồi cho gạo vào, đảm bảo lửa cháy liên tục. Cơm sôi phải dùng đũa đảo để tránh cháy nồi và cơm sống bên trên. Cơm cạn, nồi cơm được trải một lớp khăn và giấy ăn lên trên để tránh bị tro tràn vào khi vùi trong tro rơm. Nồi cơm được ủ trong tro rơm đượm than nóng khoảng 20 phút để cơm chín đều. Trong thời gian ủ, thành viên các đội liên tục đốt thêm rơm để giữ nhiệt cho cơm chín nhanh hơn. Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, mỗi đội cũng phải tạo nhiều đống rơm khác để đánh lừa các quan đi dò nồi, mất công tìm kiếm, thêm thời gian cho cơm chín.

Sau một tuần hương, quan đi dò sẽ đi quanh khu vực thi của các đội và dùng gậy để mò niêu cơm. Giúp việc cho quan có bốn người: một ông bê mâm để đặt nồi cơm của bốn đội, một ông cầm ô che cho mâm cơm và một ông cầm trống khẩu, khi quan đi đến đám tro của đội nào sẽ đánh một tiếng báo hiệu. Việc dò nồi cơm sẽ được tiến hành tuần tự. Nếu quan chọc vào đống tro của đội này mà không thấy nồi cơm thì sẽ sang đội khác dò, sau đó mới quay lại đội chưa tìm thấy để dò. Quan dò đến khi nào thấy đủ 4 nồi cơm của bốn đội mới thôi. Nếu các đội giấu khéo thì thời gian ủ nồi được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên cơm dễ bị sống.

 Sau khi tìm đủ bốn nồi cơm, ban giám khảo sẽ xới bốn bát để dâng lên Thành hoàng làng. Cơm sau đó được mang ra gian ngoài của đình để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các đội tham dự. Các thành viên Ban Giám khảo căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo của hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào trắng dẻo thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.

Khoảng 12 giờ, các cụ sẽ tiến hành tế giã đám, trao giải cho các đội dự thi trước ban thờ Thánh và tất cả cùng làm lễ tạ Thánh.

Bên cạnh cuộc thi nấu cơm, trong thời gian diễn ra hội, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đá gà, kéo co, ném vòng cổ vịt, đánh cờ tướng, đập niêu…

Trong Hội thổi cơm thi Thị Cấm, người dân cùng thực hành hội thể hiện tính dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng trong các hoạt động chung của làng xã. Tham gia thực hành lễ hội không chỉ giúp con người vui khỏe, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn gắn kết con người với nhau hơn để hình thành, củng cố một cộng đồng thống nhất, cùng xây dựng cuộc sống, duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương. Hội còn thu hút được đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội góp phần tăng cường mối liên kết giữa các cộng đồng người. Hội Thổi cơm thi đình Thị Cấm phản ánh đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an; là dịp để người dân hướng về nguồn cội, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công giữ nước, xây dựng làng; trao truyền những thực hành tín ngưỡng, giáo dục các thế hệ về tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động. Thực hành hội góp phần tiếp thêm sức mạnh cho người dân, thể hiện niềm tin của họ về sự hiện diện và che chở của Thành hoàng; phản ánh thế giới quan tâm linh, tín ngưỡng của họ; phản ánh sinh hoạt tín ngưỡng của người làng Thị Cấm trong quá khứ. Hội thổi cơm thi góp phần bảo lưu, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.

Với giá trị tiêu biểu, Hội thổi cơm thi Thị Cấm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021./.

                             Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website