Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hơmon (Sử thi) của người Ba Na ở tỉnh Gia Lai

Sử thi Ba Na (người bản tộc gọi là hơmon) ra đời và tồn tại như một mắt xích quan trọng trong cuộc sống. Hơmon mang dấu vết của xã hội nguyên thủy, nặng màu sắc tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là sợi dây kết nối giữa thế giới con người và tổ tiên, quá khứ với hiện tại, giữa thế giới hữu hình và vô hình với quan niệm: đó là hai nửa của một cộng đồng làng.

Hơmon là một phần bản sắc của người Ba Na, phản ánh lịch sử, xã hội, tri thức bản địa, tâm tư, nguyện vọng… của cộng đồng; là bức tranh toàn cảnh về quá khứ, trong đó lý giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội như: sự hình thành trời đất và con người, tái hiện lại những cuộc chiến tranh, mô tả lại những phong tục tập quán của tộc người.

Hơmon gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại của buôn làng Tây Nguyên nói chung, người Ba Na nói riêng như Diông, Dư, Dăm Noi… Hơmon thường được chia thành nhiều khúc, đoạn, hợp lại thành một sử thi hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể tách rời, giữ vị trí tương đối độc lập. Sự hình thành và thực hành hơmon trải qua một quá trình lâu dài, trong đó hoạt động sáng tạo của người hát kể hơmon đóng vai trò quan trọng. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm.

Nội dung cơ bản xuyên suốt trong mỗi tác phẩm hơmon bao gồm ba sự kiện của người anh hùng: lấy vợ, lao động và đánh giặc (nhiệm vụ trung tâm). Lấy vợ là sự kiện hầu hết anh hùng trong sử thi của các dân tộc đều phải trải qua. Trong đó hơmon không miêu tả những cuộc hôn nhân bình thường mà đó là: cướp phụ nữ về làm vợ (trong hơmon Diông Trong Yuăn), giành lại vợ bị cướp (trong hơmon Diông Dư), cứu phụ nữ bị cướp rồi lấy làm vợ (trong hơmon Đăm Noi, Kon Kra - Kon Krung). Tục cướp phụ nữ là một thực tế khá phổ biến ở thời cổ đại và còn sót lại đến gần đây ở một số dân tộc.  Hơmon không miêu tả việc cướp phụ nữ một cách độc lập, riêng biệt, mà đặt trong bối cảnh chung về cuộc đời của người anh hùng. Gắn liền với cướp vợ, người anh hùng thường tiến hành cùng với việc mở rộng lãnh thổ, nâng cao quyền uy, thu phục nhân lực, thu nhận của cải, trả thù và đòi nợ.

Việc lao động của những anh hùng trong hơmon cũng được thần kỳ hóa, cụ thể: ở nông lịch trong hơmon Biă Brâu, cảnh sắc thiên nhiên thay đổi theo mùa trong hơmon Diông Dư, cảnh sản xuất trong nhiều sử thi của người Ba Na. Lao động là nơi thử thách sức lực để làm nhiệm vụ quan trọng hơn: chiến đấu bảo vệ buôn làng.

Đánh giặc là nhiệm vụ lớn nhất của các anh hùng sử thi. Mục đích của việc đánh giặc có thể chia làm ba loại: đánh giặc để đòi nợ, để trả thù và để lấy vợ. Nội dung được mô tả rất quyết liệt, dù đích đến của nó là vấn đề được cộng đồng quan tâm là danh dự, tài sản, nô lệ hay đơn giản chỉ là những tranh chấp nhỏ hơn là hôn nhân, gia đình. Các cuộc chiến tranh thường được chuẩn bị và lãnh đạo bởi những người có vai vế, khỏe mạnh và tài trí trong cộng đồng.

Hơmon được thể hiện bằng hình thức hát kể, người diễn xướng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành, lưu truyền, và truyền dạy sử thi. Bên cạnh đó, phải kể đến người thưởng thức, bối cảnh diễn xướng trong không gian gắn liền với văn hóa của cộng đồng như trong nhà rông, trên rẫy, sau các lễ thức gia đình như cưới hỏi, lễ bỏ mả, nghi lễ cộng đồng,... Mỗi người hát kể lại thêm thắt, sáng tạo theo tư duy và khả năng riêng của mình tạo nên một dị bản hơmon, dựa vào những mẫu hình ngôn từ và chủ đề truyền thống chính của cốt truyện. Sử thi được lưu truyền từ những đêm hát kể, khi người hát kể cho cộng đồng, người nghe yêu thích và đam mê sử thi thuộc dần từng đoạn, từng câu chuyện trong sử thi, để rồi sau đó tiếp tục kể lại cho người khác nghe. Truyền thống gia đình và môi trường sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng là điều kiện nuôi dưỡng, bảo lưu vốn sử thi của dân tộc. Người hát kể hơmon thực hiện việc trình diễn tác phẩm không theo một lễ thức hay lịch tiết nhất định mà tùy hứng, có thể diễn xướng tại nhà, vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy hay những dịp lễ hội trong năm, hoặc trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy sau những ngày lao động vất vả.

Hơmon của người Ba Na thường được hát kể vào ban đêm, nghệ nhân có thể hát nằm hoặc hát ngồi. Người hát kể sử thi là những người có sức khỏe và giọng hát tốt, vì họ thường phải diễn xướng nhiều giờ liền mỗi lần, nhất là khi câu chuyện kéo dài nhiều ngày/đêm. Người kể đóng nhiều vai, phân câu, phân đoạn, đặt chỗ lấy hơi, chọn nơi thêm luyến láy, từ phụ, hư từ làm cho lời và giọng kể sinh động. Giọng, điệu, lời, cách phân ngắt cấu trúc, cách sử dụng ngữ điệu, ngữ khí, sắc thái là những phương tiện cơ bản của diễn xướng mà nghệ nhân hơmon cần có khi diễn tả vẻ hoành tráng, hào hùng của nhân vật và nội dung sử thi. Những yếu tố này đều mang đặc trưng của nghệ thuật diễn xướng âm nhạc kết hợp với ngôn từ truyền miệng. Đây là phương thức biểu cảm của ngôn ngữ nói và hát, thường được thể hiện bằng những chuyện dài, xen kẽ giữa văn xuôi và văn vần, theo lối văn biền ngẫu. Ngôn ngữ của hơmon mang tính ví von, giàu hình ảnh, nhạc điệu, mượn hình ảnh cây cỏ, chim thú để nói về con người và tâm trạng của con người. Bằng nghệ thuật hát ngâm (những đoạn văn vần) và hát nói (những đoạn văn xuôi), các nghệ nhân dân gian có thể kể những câu chuyện dài, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đan xen. Qua đó, người nghe nhận biết được sự ra đời của trời đất, của con người, tâm linh tín ngưỡng, sự hình thành phát triển xã hội, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục, tập quán được trình bày rất cuốn hút, kết cấu chặt chẽ, có chương, có đoạn, có mở và có kết. Mọi người ngồi thành từng nhóm quanh những đống lửa lắng nghe diễn biến của sử thi, từ sự kiện này sang sự kiện khác, cùng hòa nhập với mạch kể của sử thi.

Tùy theo nội dung từng đoạn mà người kể có cách xử lý khác nhau nhưng thường thì họ dùng hai hình thức dưới đây để diễn xướng: hơri tức là kể hay nói một cách bình thường, thường được dùng để dẫn chuyện; hơmon nghĩa là hát những câu, đoạn văn vần (pơđơk) và cuối cùng là những từ đệm, những hư từ được thêm vào nhằm mục đích tăng âm điệu của lời kể. Đa số người hát kể cho phép câu chuyện tạm ngừng ở những đoạn vừa kết thúc một sự kiện, thậm chí là một chi tiết có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi sự việc của toàn bộ câu chuyện. Nghĩa là câu chuyện sẽ được tạm dừng khi nội dung đoạn ấy đã tương đối hoàn chỉnh, có giá trị như một “chương”, “hồi”.

Qua nội dung và sự thể hiện của từng nhân vật trong sử thi, người nghe học được cách ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người qua từng thời kỳ lịch sử của dân tộc mình. Tham dự vào các buổi hát kể sử thi, người nghe hiểu biết về đời sống vật chất và tinh thần của cha ông, những kinh nghiệm sống, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Trong xã hội đương đại, hơmon vẫn đang tồn tại trong đời sống cộng đồng như một nhu cầu về văn hóa, xã hội, giải trí, và là môi trường nuôi dưỡng ý thức, tình cảm, ý thức về dân tộc và sự cố kết của cộng đồng. Người hát kể hơmon và người thưởng thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình diễn xướng, lưu truyền của sử thi, cùng hướng tới những giá trị nhân văn, thẩm mỹ được phản ánh trong sử thi. Khi diễn xướng hơmon, cả người kể lẫn người nghe đều sống theo diễn biến lẫn lộn giữa siêu thực và hiện thực của câu chuyện. Người kể đắm chìm với cuộc đời của nhân vật mình kể, người nghe hồi hộp, vui buồn theo nội dung diễn ra của câu chuyện. Người nghe không chỉ đóng vai trò gián tiếp, tiếp thêm hơi thở và hưng phấn cho người kể, mà còn gần như trực tiếp tham gia vào nội dung câu chuyện. Nhân vật như không chỉ xuất hiện trong lời kể mà còn dường như đang sống cùng cộng đồng, thở cùng một không gian với người nghe, thậm chí có lúc đối thoại cùng người nghe. Chính vì vậy mà người kể phải kể đến cùng, người nghe cũng phải nghe cho đến hết, sống cho đến tận cùng kết cục cuộc đời của các nhân vật, dẫu có phải kể hết bao nhiêu đêm đi chăng nữa. Đây cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy để hình thành những câu chuyện hơmon được kể “hết ngày dài đến đêm thâu”. Hát kể và thưởng thức hơmon cũng là dịp để tăng thêm tình đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng hướng tới những giá trị văn hóa và tinh thần chung.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Hơmon (Sử thi) của người Ba Na (tỉnh Gia Lai) và Hơmon (Sử thi) của người Ba Na – Rơ Ngao (tỉnh Kon Tum) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014./.

Liên kết website