Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Khan (Sử thi) của người Ê Đê ở Đắk Lắk

Sử thi Ê đê (người bản tộc gọi là Khan) ra đời trong điều kiện xã hội loài người có những biến động lớn về những cuộc di cư lịch sử, đặc biệt là những cuộc chiến tranh giữa các thị tộc, bộ lạc để giành đất sống ở vùng rừng núi Tây Nguyên.

Sử thi của người Ê đê tuy có sự khác biệt nhất định về nội dung của từng tác phẩm nhưng nhìn chung, các tác phẩm sử thi đều phản ánh quan niệm về vũ trụ với thế giới thần linh có ba tầng rõ rệt: tầng trời, tầng mặt đất và tầng dưới mặt đất - thế giới mà con người và thần linh gần gũi với nhau; phản ánh xã hội cổ đại của người Ê đê, cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng bình đẳng, giàu có; phản ánh quyền lực gia đình mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong quản lý và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Hát kể sử thi của người Ê đê là một sinh hoạt văn hoá đặc biệt, trong đó người hát kể có một vị trí quan trọng trong việc gìn giữ, sáng tạo và diễn xướng, nhất là trong điều kiện chưa có chữ viết, các tác phẩm chỉ lưu truyền bằng phương thức truyền miệng. Nội dung của hát kể sử thi chủ yếu ca ngợi các anh hùng dân tộc, tôn vinh những người có công tạo lập buôn làng, những người anh hùng có công bảo vệ cộng đồng thoát khỏi sự diệt vong, áp bức và sự xâm chiếm của các thế lực khác; đề cao sự sáng tạo, mưu trí tài giỏi, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, nêu cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; ca ngợi cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn tâm hồn, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn; miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng…

Người Ê đê gọi người hát kể sử thi là pô khan. nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc; khan là chuyện xưa. Người hát kể sử thi có bề dày tri thức dân gian để có thể diễn giải một cách tinh tế những nội dung và sắc thái của sử thi đó. Họ là những người có giọng hát vang, khoẻ, biết nhiều làn điệu của thể loại hát nói (lời nói vần - klei duê) để vận dụng cho phù hợp với các hoàn cảnh, các nhân vật trong tác phẩm, biết cách “diễn” bằng động tác, bằng nét mặt như diễn viên trên sân khấu.

Để có được khả năng như vậy, người diễn xướng sử thi Ê đê ngoài năng khiếu bẩm sinh, còn được trao truyền trong dòng tộc. Ngoài ra, họ còn học, ghi nhớ những tác phẩm sử thi khác từ những người hát kể giỏi trong buôn, trong vùng. Không những thế, trong quá trình diễn xướng sử thi, người hát kể còn sáng tạo thêm những đoạn, chương cho phù hợp với dân tộc, với địa phương, nhất là phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng mình.

Ngôn ngữ diễn xướng sử thi gồm lời và nhạc kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn và thống nhất. Về phần lời, sử thi Ê đê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Từ klei duê, trong khi diễn xướng họ còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ay ray, kưưt, mmuin… khi kể tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ, vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu chữ như một móc xích nối các câu vần với nhau. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để nghệ nhân có thể thuộc được tác phẩm dài hàng vạn câu.

Sử thi Ê đê được thể hiện bằng hình thức hát kể và kể lời, người hát kể có thể dùng cả cử chỉ, vẻ mặt để diễn tả tính cách, hành động của nhân vật, có lúc thể hiện theo cách kể chuyện nhập tâm vào vai từng nhân vật một cách tự nhiên, giọng kể lúc trầm, lúc bổng, khi vui vẻ, khi tức giận tùy tâm trạng nhân vật, theo từng tình huống, để sáng tạo, lôgic trong việc kết nối các sự kiện của nội dung cốt truyện. Sử thi thường được hát kể vào buổi tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc, trong những dịp lễ hội của buôn làng... Người hát kể sử thi tùy theo điều kiện sức khỏe có thể ngồi hoặc nằm để thể hiện, người nghe cũng vậy họ có thể ngồi hoặc nằm xung quanh để theo dõi, sự hưởng ứng hay thái độ biểu cảm của người nghe sẽ tạo không khí và nguồn cảm hứng để người kể có thể diễn xướng sử thi một cách trọn vẹn hơn.

Vào mùa lễ hội, lúc nông nhàn, khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3, cuối mùa khô chuẩn bị bước vào mùa mưa, là “mùa ăn năm uống tháng” của người Ê đê. Đây là thời điểm tác phẩm sử thi lại được các pô khan kể lại cho dân làng nghe trong không gian phù hợp…

* Trong không gian nhà dài:

Trong những ngày diễn ra các nghi lễ như: lễ mừng gia đình ông chủ buôn thu được 100 gùi lúa trong một mùa rẫy, lễ cưới, lễ mừng thọ, lễ rước Kpan…, gia chủ mời bà con gần xa đến dự (người đến dự mang vài lon gạo, con gà, ché rượu, quả bí, mớ rau… gọi là quà mừng lễ). Nghi lễ được tổ chức ở gian Gah (gian khách) ngôi nhà dài.

Khoảng từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng, khi nghi lễ cúng thần linh đã cơ bản hoàn thành, gia chủ mời người hát kể khan cho mọi người nghe ngay tại gian Gah, bên bếp lửa, bên ché rượu cần (một hoặc nhiều ché tuỳ quy mô của cuộc lễ). Người hát kể ngồi ngay bên bếp lửa và bắt đầu câu chuyện. Người nghe đông, nên có khi phải ngồi ra ngoài phần sân của nhà dài ở ngoài trời. Men rượu, ở một chừng mực nhất định, tạo sự hưng phấn cho cả người hát kể lẫn người nghe.

Trước khi bắt đầu, người hát kể cầm cần rượu hít một hơi dài để xin phép tổ tiên, ông bà cho con cháu được hát sử thi. Sau đó, pô khan mời rượu chủ buôn và người già trong buôn, rồi nằm trên chiếc chiếu hoa trải sát bên bếp lửa gần cửa sổ hướng Đông, một tay gác trên trán, mắt như vô giác (lúc nhắm lúc mở) để tập trung trí nhớ nhằm thể hiện thật đầy đủ và sinh động.. Người nghe thường ngồi theo thứ tự: đàn ông (người già, trung niên) ngồi trên ghế kpan; nam thanh niên, trẻ nhỏ ngồi xung quanh người kể; đàn bà, con gái ngồi ở phần cuối phía trong gian Gah. Vào những đêm mùa khô, trời lạnh, bếp ở gian khách được đốt lửa ấm áp. Mọi người ngồi im lặng, nghe tiếng kể khan trầm bổng ngân vang các tác phẩm như: Dam Săn, Dăm Ji, Xing Nhã. Người Ê đê có câu nói thể hiện lòng yêu thích nghe kể khan của mình: “Buổi tối mọi người ngồi nghe kể khan như thế nào, buổi sáng vẫn thấy họ ngồi nguyên như thế”, vì lời khan càng kể càng hấp dẫn, càng kể càng thu hút người nghe.

* Trong lễ bỏ mả:

Lễ bỏ mả (lui m’sat) là một nghi lễ quan trọng của người Ê đê, thường được tổ chức vào khoảng tháng 3.Trước đây, lễ thường được tổ chức từ 3 đến 7 ngày tại khu nhà mồ của người quá cố, nằm trong khu nghĩa địa của buôn làng. Theo phong tục của người Ê đê, sau khi chôn cất người quá cố được ba năm, tang chủ tổ chức lễ bỏ mả cho người quá cố. Trước khi làm lễ bỏ mả, họ làm lại nhà mồ cho người quá cố, đồng thời chuẩn bị trâu, bò, heo gà, lúa nếp, lúa gạo và hàng trăm ché rượu mời bà con gần xa về dự. Trong những ngày diễn ra lễ bỏ mả, người đến dự và gia đình tang chủ đều ăn ở ngay tại khu nhà mồ. Buổi tối, sau khi làm các nghi lễ cúng thần linh và người quá cố, các đội chiêng, đội múa vừa đánh chiêng, vừa hát múa xung quanh nhà mồ (theo chiều ngược kim đồng hồ). Về khuya, già trẻ, gái trai thuộc buôn làng người quá cố và các buôn làng gần xa trong vùng quay quần quanh đống lửa bên cạnh nhà mồ nghe kể khan. Số lượt người nghe đông gấp nhiều lần khi kể khan tại gian Gah nhà dài. Lễ bỏ mả được tổ chức bao nhiêu ngày, gia chủ mời người hát kể khan bấy nhiêu đêm tại khu nhà mồ.

* Tại chòi rẫy:

Từ khi phát rẫy, gieo hạt, làm cỏ cho đến khi lúa chín rộ, các gia đình người Ê đê đều ra ở chòi rẫy để chăm sóc cây lúa và đuổi chim thú về phá rẫy. Đêm đến, những gia đình có chòi rẫy gần nhau thường kéo đến một chòi rẫy có người biết hát kể để nghe kể sử thi. Không gian kể sử thi trong chòi rẫy tuy không lớn và người nghe cũng không nhiều, nhưng yên tĩnh. Người kể thoải mái để hát, người nghe nhưng chăm chú thưởng thức lời khan, nên dễ nhập tâm, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa giúp người dân có giờ phút thư giãn, tái tạo sức lao động.

Với cốt truyện dài, kết nối các sự kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, sinh động, tạo sự thống nhất về nội dung và có sức lôi cuốn người nghe, vì thế, sử thi có thể được hát kể nhiều ngày đêm mới kết thúc. Điểm khác biệt của hình thức hát kể sử thi là sự tài tình khéo léo của người kể, tạo nên sức lối cuốn hấp dẫn đối với người nghe, đưa cả người kể lẫn người nghe hòa nhập và cuộc sống ở thời đại của các nhân vật. Người kể đắm chìm, hóa thân vào cuộc đời của từng nhân vật, người nghe cũng hồi hộp dõi theo từng hành động, từng biến cố thăng trầm lẫn vinh quang hạnh phúc trong từng tuyến nhân vật. Các nhân vật sử thi không chỉ xuất hiện trong lời kể mà dường như đang sống cùng cộng đồng, hòa cùng với không gian của núi rừng, buôn làng, có lúc tưởng chừng như đối thoại cùng người nghe. Chính vì vậy, sử thi có sức lôi cuốn, hấp dẫn người nghe đến kỳ lạ, giúp họ quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống lao động thường ngày, đồng thời tiếp thêm nghị lực để họ vững tin vào tương lai, tránh xa những điều tầm thường, vươn lên sống tốt đẹp hơn.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, Khan (Sử thi) của người Ê đê đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014./.

Liên kết website