Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật, tỉnh Hưng Yên

Nguyễn Thiện Thuật (1844 - 1926) tự Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào (nay thuộc làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào). Sinh trưởng trong một gia đình nho học nghèo, năm 1870, Nguyễn Thiện Thuật đậu tú tài. Năm 1874, Ông có công dẹp giặc ở phủ Kinh Môn (Hải Dương) được cử làm Bang biện phủ. Năm 1876, đậu cử nhân và giữ chức tri phủ phủ Từ Sơn, Ông làm quan thanh liêm, công minh, văn võ song toàn.

Năm Kỷ Mão (1879), ông giữ chức Tán tương quân thứ, đến năm 1881, giữ chức Hương Hóa sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thứ tỉnh Sơn Tây. Vì vậy, đương thời gọi ông là Tán Thuật hoặc Tán Đông (vì ông ở tỉnh Đông).

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, Nguyễn Thiện Thuật hai lần kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp. Lần thứ nhất, ông lui về Đông Triều, thường liên lạc với Đinh Gia Quế - lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy, chiêu mộ và phát triển lực lượng nghĩa quân ở vùng đồng bằng. Ngày 12/11/1983, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật tấn công tỉnh lỵ Hải Dương bao vây địch, nhưng lực lượng còn non yếu, ông phải cho lui quân.

Lần thứ hai vào cuối năm 1883, sau khi ký hiệp ước Hác Măng (Harmand), triều đình tiếp tục nhượng bộ thực dân Pháp, bãi binh ở Bắc Kỳ và đòi các quan lại phải về kinh đợi chỉ, Nguyễn Thiện Thuật bèn mang quân lên Hưng Hóa (Tuyên Quang) cùng với Nguyễn Quang Bích giữ thành. Tháng 3/1884, thành Hưng Hóa thất thủ, ông cùng với một số tướng lĩnh cương quyết ở lại chống Pháp. Sau khi thành Lạng Sơn thất thủ (tháng 3/1885), Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Long Châu (Trung Quốc) chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu.

Tháng 7/1885, Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật trở về nước thành lập căn cứ địa Bãi Sậy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp, tiếp tục sự nghiệp của họ Đinh (lúc này Đinh Gia Quế đã mất). Vua Hàm Nghi phong cho ông là “Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân”, nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp thống, các tướng lĩnh tài giỏi theo về rất đông.

Bãi Sậy là một cánh đồng mênh mông lầy lội với lau sậy um tùm nằm trong địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào, Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên. Với địa thế hiểm yếu của vùng đồng bằng, lại gần các trục đường giao thông quan trọng như tuyến đường Hài Nội - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Bắc Ninh,... Bãi Sậy là địa bàn đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược trong cùng đồng bằng sông Hồng lúc đó. Với vị trí đắc địa như vậy, ngay từ khi quân Pháp đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ (1883), Bãi Sậy đã được xây dựng thành một căn cứ chống thực dân Pháp của nghĩa quân Đinh Gia Quế. Từ năm 1885, trên cơ sở khu căn cứ mà họ Đinh đã xây dựng trước đó, với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, Nguyễn Thiện Thuật đã tiếp tục mở rộng khu căn cứ Bãi Sậy ra hầu khắp các phủ, huyện của tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, bao gồm Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ,... Với sự lãnh đạo sáng suốt của Nguyễn Thiện Thuật, phong trào Cần Vương trên vùng đất Bãi Sậy nhanh chóng phát triển về mọi mặt, trở thành một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX ở Bắc Kỳ.

Năm 1888, Hoàng Cao Khải đem quân đàn áp phong trào, mượn danh Đồng Khánh dụ dỗ mua chuộc khuyên Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước. Nguyễn Thiện Thuật đã viết vào tờ sớ dụ này 4 chữ “Bất khẳng thụ chỉ” (Không chịu nhận chỉ). Sau ông giao quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa, sang Trung Quốc với chủ trương cầu viện để tăng cường lực lượng chống Pháp.

Suốt quãng đời còn lại ở Trung Quốc, Nguyễn Thiện Thuật thường liên lạc với Tôn Thất Thuyết và một số chiến hữu, trong đó có Nguyễn Chí Thường con trai thứ hai của ông. Sau Thường bị bắt đầy đi Côn Đảo. Ông lại cùng Kỳ ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu sang Đông Kinh thành lập “Việt Nam Duy tân Phục quốc hội” với mục đích tìm cách giải phóng dân tộc, mở mang dân trí, tạo điều kiện đưa học sinh Việt Nam ra hải ngoại du học,… Ông còn cử nhiều người thân tín khác liên lạc về nước thu nạp các chiến hữu, tổ chức “Việt Nam Cách mạng Quang phục quân” để giải phóng đất nước.

Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 25/5/1926. Phần mộ của Ông được đặt trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ “Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - Chi mộ”.Ngày 30/01/2005, di hài Ông đã được di chuyển về an táng tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật tọa lạc trên mảnh đất Xuân Nhân - nơi đặt trạm gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa, với tổng diện tích 1621,9m2, gồm nhiều hạng mục: cổng, nhà tưởng niệm, nhà bia, phần mộ của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và bức tường phù điêu.

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885 - 1892) là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, kéo dài và có tiếng vang lớn nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong phong trào "Cần Vương" chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy đã làm cho giặc Pháp nhiều phen khốn đốn, phải đối phó rất vất vả, chịu nhiều thiệt hại; đồng thời, cũng để lại nhiều bài học về phương thức hoạt động và các hình thức tác chiến như đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại của địch,...

Cuộc khởi nghĩa kéo dài một thập kỷ, trải qua ba giai đoạn, gắn liền với tên tuổi của ba vị thủ lĩnh: Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Thiện Kế. Song có thể khẳng định rằng NguyễnThiện Thuật là vị lãnh tụ tiêu biểu nhất, là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Với những giá trị trên, Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật, xã Xuân Dục, thị trấn Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3077/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website