Ngày 3 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Khu tưởng niệm ngày 21/10/1966 tại Trường cấp 2 Thụy Dân, tỉnh Thái Bình

Triển khai kế hoạch xâm lược Việt Nam từ tháng 6 - 12/1965, Đế quốc Mỹ đã huy động 18 vạn quân ồ ạt kéo vào miền Nam, đây là cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ ở miền Nam, là đợt huy động quân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Cùng với việc đưa quân vào miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Để hợp thức hóa âm mưu trên, ngày 5/8/1964, chúng dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc bộ” lấy cớ ném bom miền Bắc, đến 2/1965, viện cớ trả đũa cho cuộc tấn công của ta ở Playku, tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra bằng không quân và hải quân. Chiến tranh phá hoại miền Bắc là một phần trong chiến tranh xâm lược của Mỹ, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, phá hoại hậu phương, hòng làm lung lay ý chí kháng chiến của dân tộc ta kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi cho Mỹ.

Thực hiện chiến lược ném bom phá đánh phá miền Bắc, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất Mỹ đã huy động hàng nghìn máy bay tối tân, thuộc 60 loại khác nhau, trong số đó có hơn 200 máy bay chiến lược B52; cộng thêm F111 “cánh cụp cánh xòe” (là những loại hiện đại nhất ở thời điểm đó) cùng nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Tính trong 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, máy bay Mỹ xuất kích 30.000 lần thực hiện 55.000 phi vụ, trong đó B52 xuất kích 2734 lần, trung bình mỗi ngày có 100 - 150 lần máy bay Mỹ xuất kích bắn phá miền Bắc, ngày cao nhất lên tới 250 lần. Cùng với không quân một lực lượng hải quân gồm 19 - 39 tàu chiến thường xuyên có mặt ở ven biển vịnh Bắc bộ, Thái Bình Dương, các căn cứ hải quân ở Nam Việt Nam và các nước Đông Nam Á khácl dùng pháo cỡ lớn phối hợp với không quân bắn phá dọc bờ biển miền Bắc. Lực lượng không quân và hải quân Mỹ đã ném bom, bắn phá liên tục với cường độ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, miền Bắc phải hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn của Mỹ trút xuống. Tính trung bình số bom đế quốc Mỹ trút xuống miền Bắc là 6 tấn/1 km2, 45,5 kg/01 người dân.

Tội ác của đế quốc Mỹ còn được ghi lại khi mục tiêu tấn công không chỉ là các căn cứ quân sự mà còn bao gồm cả những mục tiêu dân sự: hầu hết các thành phố, thị xã trên miền Bắc, các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, công trình thủy lợi, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà thờ, nhà trẻ, chùa chiền… đều bị bom Mỹ đánh phá nhiều lần. Trong đó có 391 trường học, 92 cơ sở y tế và bệnh viện, 149 nhà thờ, 79 chùa chiền, 25/30 thị xã, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Trong giai đoạn đế quốc Mỹ ném bom phá hoại Miền Bắc, ngày 21/10/1966, Tổng thống Mỹ Giôn - Xơn đã cho máy bay đến bắn phá Miền Bắc, trong đó có xã Thụy Dân và trường cấp 2 ở đây. Ngày hôm đó 06 máy bay Mỹ đến quần lượn trên vùng trời Thụy Dân vào hồi 10h30, trong đó 4 chiếc lao xuống bắn phá trút bom xuống xóm 1, An Tiêm, làm cho nhiều người chết và một số nhà cửa bị tàn phá. Tiếp đó chúng ném 02 quả bom phá hủy gần 1ha lúa đang kỳ chín rộ và 04 quả bom vào trường cấp II Thụy Dân.

Đế quốc Mỹ đã ném bốn quả bom cỡ lớn xuống ngay cạnh hầm trú ẩn của nhà trường. 30 em học sinh tuổi từ 13 - 16, trong đó có toàn bộ 12 học sinh nữ lớp 7 đã bị vùi chết bởi sức ép của bom Mỹ trong các hầm, hào giao thông; 6 học sinh khác bị thương. Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cũng bị bom vùi lấp khi mới vừa tròn 24 tuổi, độ tuổi đẹp nhất đời người, để lại một con thơ chưa đầy ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai trong bụng. Khi được tìm thấy thi thể, cô Xuân vẫn còn ôm chặt hai học sinh thân yêu của mình. Ngoài ra, trận bom kinh hoàng hôm đó còn giết chết 10 người dân xã Thụy Dân. Toàn bộ ngôi trường mới đó còn vang tiếng học bài đã bị san thành bình địa, chỉ còn trơ lại một hố bom sâu hoắm có đường kính khoảng 24m...

Khu tưởng niệm 21/10, xã Thụy Dân đã trở thành chứng tích chiến tranh ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ, và ngày nay là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Với những giá trị nêu trên, Khu Tưởng niệm 21/10/1966 tại Trường cấp 2 Thụy Dân, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1983/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website