Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội bảo tàng quốc tế - ICOM lần thứ 24 tại Milan, Italia

Từ ngày 01/7 đến ngày 10/7/2016, ICOM Việt Nam đã tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội bảo tàng quốc tế - ICOM lần thứ 24 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế của thành phố Milan. Kỳ họp Đại hội đồng ICOM 2016 được phối hợp tổ chức giữa ICOM quốc tế và ICOM Italy cùng các bảo tàng, di tích thành phố Milan, Italy, với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu là thành viên ICOM đến từ khoảng 150 quốc gia.

Chủ đề của Kỳ họp Đại hội đồng ICOM năm 2016 là “Bảo tàng và Cảnh quan văn hóa - một thách thức cho các bảo tàng thế kỷ XXI”, với định hướng nâng cao vai trò của bảo tàng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cùng không gian liên quan đến di sản, thúc đẩy cơ hội hợp tác mới giữa các chuyên gia trong và ngoài ngành di sản văn hóa. Mục tiêu chính của Kỳ họp là thông qua tuyên bố về Bảo tàng và Cảnh quan văn hóa, từ đó hình thành mục tiêu và chiến lược mới cho hoạt động của bảo tàng đương đại thời gian tới. Kỳ họp đã bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch ICOM nhiệm kỳ 2016 – 2019 và Chủ tịch Ủy ban cố vấn ICOM nhiệm kỳ 2016 - 2019.

Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Di sản văn hóa, Các hoạt động và Du lịch Italy, Thị trưởng Thành phố Milan và Trợ lý Văn hóa của Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu chào mừng và thông báo ủng hộ của UNESCO cho hoạt động bảo tàng tại các nước thành viên. Bên cạnh đó, với định hướng hoạt động của các bảo tàng cần mở rộng hợp tác, đa dạng hình thức hoạt động và hấp dẫn khách tham quan, Ban Tổ chức đã mời các chuyên gia có uy tín chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực:

- Nghệ sỹ Christo Vladimirov Javacheff, nghệ sỹ sắp đặt cảnh quan nổi tiếng với các tác phẩm bọc vải tòa nhà quốc hội Đức, cầu Port Neuf ở Paris (Pháp), Công viên Trung tâm New York (Hoa Kỳ),… cùng rất nhiều các di tích, lâu đài ở Châu Âu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong thời gian ngắn.

- Nhà văn Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), đoạt giải Nobel văn học năm 2006 cho tác phẩm “Tuyết”, là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Times bình chọn năm 2006, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bảo tàng tư nhân, sự  kết nối với những nhân vật trong tác phẩm “Tuyết” và quan điểm về vai trò của bảo tàng tư nhân như là vệ tinh của bảo tàng quốc gia trong việc giáo dục lịch sử, văn học của các quốc gia.

- Kiến trúc sư Michele De Lucchi (Italy), nổi tiếng với các công trình kiến trúc bảo tàng và văn hóa khắp thế giới. Ông giới thiệu Triển lãm kiến trúc Milan 2016 và Tòa trung tâm của Triển lãm Expo Milan 2016, do ông làm curator và thiết kế chính.

- Bà Nkandu Luo, Bộ trưởng Bộ phát triển giới và trẻ em, kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Vận tải và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quan hệ Truyền thống Zambia, chia sẻ các kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giáo dục cộng đồng về HIV.

- Giáo sư David Throsby (Australia), Khoa kinh tế của trường Đại học Macquarie, Sydney, được cộng đồng quốc tế công nhận nhờ các nghiên cứu về vai trò kinh tế của nghệ thuật và văn hóa, chia sẻ nghiên cứu về tính kinh tế của các nghệ sĩ sáng tạo và ngành công nghiệp sáng tạo; tính kinh tế của di sản văn hóa, văn hóa và phát triển bền vững cùng sự liên kết giữa chính sách kinh tế và văn hóa.

Trong khuôn khổ Kỳ họp còn diễn ra khoảng 50 cuộc hội thảo chuyên ngành của các Ủy ban chuyên ngành và khu vực của ICOM.

Đoàn ICOM Việt Nam đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia quốc tế về: tổ chức các sự kiện bảo tàng, hoạt động bảo tàng tư nhân, thiết kế bảo tàng, sự phối hợp giữa bảo tàng, thư viện và lưu trữ; tiếp cận các thiết bị hiện đại trong hoạt động bảo tàng,….

Cũng trong chương trình công tác, Đoàn đã tham quan, trao đổi với một số đơn vị liên quan đến hoạt động bảo tàng, gồm: cung cấp thiết bị (đèn chiếu sáng cho trưng bày bảo tàng, kính không phản sáng, thiết bị móc treo các tác phẩm nghệ thuật, thiết bị bảo quản kho....); cung cấp công nghệ (bảo quản hiện vật bảo tàng, trưng bày lưu động, kiểm soát môi trường trong bảo tàn,...); tư vấn giải pháp (trưng bày lưu động, hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong bảo tàng, hình thức trưng bày…)

Kỳ họp Đại hội đồng ICOM 2016 diễn ra tại Milan, Italy (Quốc gia bảo tàng mở khổng lồ - “Bảo tàng của các bảo tàng”) là cơ hội để các thành viên ICOM thảo luận kinh nghiệm lý thuyết bảo tàng học hiện đại và chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các bảo tàng Italy.

Kết thúc Kỳ họp, ICOM sẽ tổng hợp các kiến nghị và hoàn thiện “Tuyên bố về Bảo tàng và Cảnh quan văn hóa”, dự kiến sẽ đăng tại trên trang web của ICOM trong thời gian tới./.

Liên kết website